Trang chủ » Tranh luận » Thu phí giao thông: khó giảm ùn tắc, dễ tăng bức xúc

Thu phí giao thông: khó giảm ùn tắc, dễ tăng bức xúc

Tác giả:

Trước hết do phạm vi, đối tượng, mức độ và yêu cầu khác nhau nên cần phân biệt 2 loại phí: phí lưu hành ô tô, xe máy (tính cho từng năm đối với cả nước, gọi tắt là phí lưu thông) và phí lưu hành vào giờ cao điểm (đối với địa bàn Hà Nội, gọi tắt là phí giờ cao điểm).

Thu phí: Chống ùn tắc hay tận thu

Là người sử dụng ô tô, xe máy, các công dân đã và đang thực hiện “trách nhiệm công dân” bằng cách đóng các khoản thuế và phí theo quy định của nhà nước. Đó là các khoản phí lưu thông.

Tôi cũng không phản đối việc thu phí lưu thông mới theo sáng kiến của Bộ GTVT, nếu làm rõ không trùng lặp, đúng mục đích và theo nguyên tắc “trả tiền theo lăn bánh”, đi nhiều trả nhiều, đi ít trả ít, không đi không phải trả phí.

Theo tôi mục tiêu thu phí lưu thông nhằm hạn chế sử dụng xe cá nhân, chống ùn tắc giao thông sẽ rất ít khả thi, thậm chí còn gây hiệu ứng ngược. Chúng ta đều biết, do nhu cầu mưu sinh của người dân và quy luật phát triển của xã hội, việc sở hữu và sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân chỉ có tăng mà không giảm. Như vậy, việc áp dụng thu phí lưu thông chắc chắn sẽ không làm cho tình trạng giao thông sáng sủa hơn.

Nhìn sang các nước chúng ta thấy không có sự phân biệt đối xử giữa xe tư và công. Người ta cũng không quan tâm người sở hữu, sử dụng xe thuộc đối tượng giàu hay nghèo. Mọi giải pháp đưa ra đều hướng tới khai thông những dòng chảy cho tất cả các loại phương tiện lưu thông suốt ngày đêm để tham gia vào các hoạt động kinh tế. Một đất nước sẽ không phát triển, nếu không duy trì được các hoạt động vận chuyển như vậy.

Vậy mục tiêu chính của thu phí ở đây phải chăng là tìm cách khai thác một nguồn thu đáng kể dễ thấy trong dân để bổ sung cho nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông? Nếu vậy, cũng phải tường minh mục đích của việc thu phí để người dân “tâm phục, khẩu phục”. Tuy nhiên, nếu một chính sách chỉ nhằm hạn chế phương tiên sở hữu cá nhân và tùy hứng động vào túi tiền hợp pháp của họ nhưng lại không hạn chế được lăn bánh của các phương tiện giao thông, giải pháp đó cần được xem xét thận trọng, với tầm nhìn xa hơn.

Cần nhiều phương án hiệu quả hơn phí

Đề xuất thu phí lưu thông nhằm mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông được đưa ra trong bối cảnh các loại hình dịch vụ giao thông công công trên địa bàn Hà Nội và cả nước đều thiếu và mất cân đối. Người dân đóng phí nhưng không được hưởng lợi, sử dụng không tiện lợi, chịu tốn kém và không an toàn.

Như vậy liệu chính sách đưa ra có làm tăng thêm bức xúc trong xã hội, nhất là vẫn còn đó rất nhiều người nghèo, cận nghèo và thuần nông. Câu hỏi đặt ra là: một khi chính sách đưa ra bị thất bại thì sẽ xử lý trách nhiệm của cán bộ và hậu quả kinh tế đối với người dân như thế nào?

Xin lưu ý kết quả thu thập từ 1.660 doanh nghiệp của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, tiền lương và thu nhập bình quân trên danh nghĩa của người lao động trong năm 2011 đều tăng, nhưng tiền lương tăng thực tế chỉ đủ bù trượt giá.Điều đáng nói là sau tết nhiều dịch vụ, mặt hàng đã tăng giá hoặc dự kiến tăng giá như: gas, điện, 400 dịch vụ y tế…

Những thông tin của các nước liên quan đến thu phí và cách thu phí mà Bộ GTVT lý giải theo tôi là không đầy đủ, không trúng và đề xuất chính sách thu phí còn thiếu căn cứ khoa học và xa rời thực tế.

Cần ghi nhận thành phố Hà Nội và Bộ GTVT đã và đang triển khai rất nhiều giải pháp cơ bản, đồng bộ để hạn chế tai nạn, ùn tắc giao thông với một quyết tâm rất cao. Cá nhân tôi rất tin tưởng vào thành công của hệ thống các giải pháp đồng bộ. Vấn đề là cần kiên trì và phải có thời gian, trong đó nâng cao ý thức và ứng xử có trách nhiệm của những người tham gia giao thông phải là một giải pháp vô cùng quan trọng, không thể thiếu được.

Liên quan đến giải pháp thu phí tôi thây đề xuất Đề án mới nhất của Sở GTVT Hà Nội lên UBND Thành phố “Thu phí lưu hành đối với phương tiện giao thông hoạt động trong khu vực nội đô giờ cao điểm” có cơ sở thực tế hơn.

Trước mắt không nên đưa ra nhiều sáng kiến mới mà chỉ cần tập trung giải quyết dứt điểm, có hiệu quả các giải pháp đã và đang triển khai, cụ thể:

Thay đổi giờ học, giờ làm; thực hiện tiếp phân làn (theo dõi, rút kinh nghiệm, từng bước điều chỉnh cho phù hợp thực tế);

Xây cầu vượt ở các nút giao thông gây tắc nghẽn; chấn chỉnh lại các bãi đỗ xe; nắn lại các cung đường ở các nút giao nhau cho hợp lý;

Xử lý nghiêm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, bao gồm cả trách nhiệm các cán bộ quản lý trên địa bàn và của thành phố có liên quan; xóa bỏ các chợ chợ lấn chiếm đường phố;

Hạn chế lưu thông xe vào giờ cao điểm đối với một số tuyến phố;

Chấn chỉnh hệ thống các tuyến xe buýt (lái xe, phương tiện…);

Đẩy mạnh tuyên truyền (mở chuyên đề riêng trên truyền hình); tăng mức phạt và xử phạt nghiêm; điều chỉnh chế độ đãi ngộ và định kỳ chấn chỉnh, thay mới đội ngũ cán bộ kiểm tra, xử lý vi phạm.