Trang chủ » VNR500 & FAST500 » FAST 500: Sức ép lên các ‘ông lớn’ già cỗi, độc quyền

FAST 500: Sức ép lên các ‘ông lớn’ già cỗi, độc quyền

Tác giả:

Doanh nghiệp tăng trưởng (high-growth enterprises) không phải là một thuật ngữ mới mẻ trên thế giới. Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp quan trọng này trong nền kinh tế, thường được ví như những ngôi sao đang lên hay là những ngôi sao hy vọng, cũng đã được thừa nhận từ lâu.

Chẳng hạn, cộng đồng các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, với đại đa số là doanh nghiệp tư nhân, non trẻ (thường thành lập dưới 5 năm) đã tạo ra gần 40 triệu việc làm mới tại Hoa Kỳ trong 3 thập kỷ vừa qua, gần như chiếm toàn bộ số việc làm ròng được tạo ra trong cùng thời kỳ. Nhìn chung, các nước luôn cố gắng tạo ra môi trường kinh doanh phù hợp cho sự tăng trưởng và bùng nổ của các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh.

DN FAST500 và vai trò “hủy diệt có tính sáng tạo” trong nền kinh tế

Tại Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, đã được nhắc đến và vinh danh lần đầu tiên sau sự kiện công bố Bảng Xếp hạng FAST500 – Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam –  vào cuối tháng 3 năm ngoái. Đặc biệt, Bảng Xếp hạng FAST 500 đã hé lộ rõ hơn đâu là cốt lõi của sức mạnh năng động và sáng tạo của nền kinh tế Việt Nam. Đó chính là khu vực kinh tế tư nhân.

Trong số 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, 78% là doanh nghiệp tư nhân trong nước (so sánh với việc chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp VNR500 – Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam – là các doanh nghiệp tư nhân). Tốc độ tăng trưởng bình quân của các doanh nghiệp tư nhân trong BXH này đạt trên 60% trong giai đoạn 2006-2009.  Nhóm doanh nghiệp tư nhân cũng là nhóm thu hút nhiều lao động nhất và tạo ra nhiều việc làm nhất (chiếm tới 60-80% số việc làm mới được tạo ra).  Vai trò năng động, sáng tạo, đổi mới các doanh nghiệp tư nhân FAST500 trong nền kinh tế Việt Nam là rất quan trọng.

Đồng thời, các doanh nghiệp tư nhân tăng trưởng cũng là những doanh nghiệp đầy khát vọng và cam kết đầu tư dài hạn. Ngay trong bối cảnh khó khăn hiện nay, khảo sát nhanh của Vietnam Report cho thấy vẫn có tới trên 70% các doanh nghiệp tư nhân FAST500 dự kiến sẽ tăng đầu tư và mở rộng sản xuất trong năm 2012 và lạc quan rằng tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp năm 2012 sẽ vẫn được duy trì hoặc thậm chí cao hơn những năm trước.

Sự năng động và cạnh tranh của nhóm doanh nghiệp FAST500 sẽ là sức ép thúc đẩy, và đôi khi là tác nhân tiêu diệt, các ông lớn doanh nghiệp già cỗi và độc quyền. Nhiều doanh nghiệp chậm đổi mới (thậm chí bao gồm cả các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước) sẽ bị các doanh nghiệp FAST500 gây sức ép lớn. Về tổng thể, sức ép cạnh tranh gay gắt này có ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế Việt Nam trong trung hạn và dài hạn.

Tái cấu trúc nền kinh tế và doanh nghiệp FAST 500

Các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh có thể không duy trì được sự thành công trên dài hạn. Khi được hỏi về các yếu tố cản trở quan trọng nhất đối với tăng trưởng của doanh nghiệp trong giai đoạn sắp tới, các doanh nghiệp FAST 500 cho rằng 3 thách thức quan trọng nhất bao gồm: (1) khó tiếp cận vốn, (2) chi phí tăng nhanh và (3) luật pháp và chính sách không ổn định. Dù đã vạch ra được con đường tăng trưởng, cộng với những lợi thế khách quan, các chủ doanh nghiệp vẫn không hoàn toàn lạc quan. Nguyên nhân là kinh tế vĩ mô đang tác động mạnh đến mục tiêu tăng trưởng và không nhà lãnh đạo nào có thể lường hết.

Đồng thời, có một khuynh hướng nguy hiểm khác, đó là khuynh hướng “đất hóa” các doanh nghiệp tăng trưởng. Trong khoảng 10 năm gần đây, có một xu hướng là các doanh nghiệp thành công, bao gồm cả các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu của Việt Nam, không sớm thì muộn cũng chuyển sang kinh doanh bất động sản, hoặc kinh doanh ngân hàng, tài chính, và xa rời năng lực kinh doanh cốt lõi của mình. Sau khi đạt tới một vị thế nhất định trong ngành kinh doanh chính của mình, và thậm chí đã đứng ở vị thế dẫn đầu ngành, các công ty lần lượt chuyển thành công ty bất động sản hoặc công ty dịch vụ, đặc biệt là ngân hàng tài chính. Như vậy, nhiều công ty hàng đầu Việt Nam không đặt ra chiến lược tăng cường năng lực sản xuất, áp dụng khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng và hội nhập vào thị trường quốc tế.

Thay vào đó, các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp tư nhân, thường vẫn được coi là hy vọng của nền kinh tế, lại dồn sức vào những lĩnh vực đầu cơ như bất động sản hay chứng khoán. Khi từng doanh nghiệp không đầu tư để nâng cao năng suất và hiệu quả, mà dồn sức cho hoạt động đầu cơ, dễ hiểu tại sao hiệu quả và sức sản xuất của cả nền kinh tế lại ở mức rất thấp như thời gian vừa qua.

Trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, Nhà nước cần có chính sách phù hợp để tôn vinh, và quan trọng hơn là tạo môi trường phát triển thuận lợi, để các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh tiếp tục gia tăng đầu tư dài hạn vào các ngành sản xuất cốt lõi của mình và tiếp tục có điều kiện tăng trưởng và hội nhập quốc tế. Có như vậy sức sản xuất và năng suất, hiệu quả của cả nền kinh tế mới được tăng cường.

Giảm bớt những nút cổ chai của nền kinh tế về hạ tầng cơ sở, về nhân lực, về khoa học, công nghệ. Các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân của Việt Nam đang thực sự gặp khó khăn để gia nhập vào chuỗi giá trị và sản xuất của khu vực và thế giới. Do vậy, khi gặp hạn chế về dung lượng thị trường trong nước, doanh nghiệp tăng trưởng không thể tiếp cận thị trường quốc tế do thiếu tính cạnh tranh.

Tạo niềm tin cho khát vọng tăng trưởng và bay cao của các ông chủ doanh nghiệp còn thấp. Cần phải có cam kết mạnh mẽ để xã hội và giới doanh nhân tin tưởng rằng các doanh nghiệp tư nhân được quyền cạnh tranh hoàn toàn bình đẳng với các doanh nghiệp nhà nước. Là điều tốt cho nền kinh tế nếu sự phát triển mạnh của các doanh nghiệp tư nhân có thể dẫn tới một số doanh nghiệp nhà nước yếu kém bị phá sản. Để làm được điều này, cần điều chỉnh quan niệm cho rằng doanh nghiệp nhà nước có vai trò “chủ đạo”.

Có chính sách tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp FAST500 niêm yết trên thị trường chứng khoán để thu hút nguồn vốn và tăng cường tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp.