Trang chủ » Tranh luận » Khách bình dân đến thời sành quần áo Âu – Mỹ

Khách bình dân đến thời sành quần áo Âu – Mỹ

Tác giả:

Chưa kịp mừng đã thấy lo

Bãi bỏ thuế xuất khẩu khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cơ hội lớn để dệt may tăng tỷ trọng doanh thu của ngành lên gấp 2 lần (ước tính từ 17 lên 30 tỷ USD). Song niềm vui chưa trọn vì các DN dệt may khó có thể đảm bảo được các điều kiện tương thích. Chưa kể, mối lo về nguy cơ mất thị trường vào tay các doanh nghiệp FDI đang ám ảnh nhiều doanh nghiệp nội.

Ông Lê Quang Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất Thương mại may Sài Gòn, cho hay, để được hưởng thuế suất ưu đãi 0%, ngành dệt may phải đạt được tỷ lệ nội địa hóa nhất định. Đồng nghĩa, mọi công đoạn như: kéo sợi, dệt, nhuộm, may… phải được làm tại Việt Nam. Còn khi đã nhập khẩu nguyên liệu của các nước để sản xuất thì không được hưởng thuế suất ưu đãi.

Vì thế, nguy cơ doanh nghiệp dệt may trong nước phải đóng cửa và doanh nghiệp FDI có thêm lợi thế để vươn lên chiếm lĩnh thị trường là một vấn đề cần tính đến.

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), doanh nghiệp có vốn nước ngoài trong lĩnh vực dệt may đang chiếm đến 70% trong hơn 3.700 doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam, còn lại DN dệt 17%, kéo sợi 6%, nhuộm 4%, phụ trợ 3%. Nhiều doanh nghiệp dệt, nhuộm tại TP.HCM muốn tìm nơi mới để dịch chuyển sản xuất, nhưng các địa phương đều né tránh vì sợ ô nhiễm. Các doanh nghiệp cho biết họ sẵn sàng đầu tư vào dệt nhuộm nếu nhà nước hỗ trợ khâu xử lý nước thải, vì chỉ một mình doanh nghiệp tự bỏ tiền ra làm sẽ rất tốn kém.

Nút thắt nguyên phụ liệu đã bị siết rất chặt trong nhiều năm qua nên để tháo gỡ được không phải là điều dễ dàng. Kim ngạch xuất khẩu là con số đáng tự hào, nhưng dệt may trong nước chủ yếu làm gia công, bỏ lơ việc đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu. Chúng ta mới chủ động được 1% về lượng bông, còn 99% là nhập khẩu. Liệu khi cánh cửa TPP mở ra, DN Việt có còn kịp bước qua?

Tỷ lệ nội địa hóa thấp khiến doanh nghiệp dệt may lo lắng không đủ sức cạnh tranh khi tham gia TPP. “Kết quả có thể tiên đoán trước, khi đó hàng nước ngoài ồ ạt tràn vào, không biết thị trường trong nước đi đâu về đâu?”, ông Hùng lo lắng. TPP yêu cầu tiêu chuẩn và chất lượng cao nên đòi hỏi khắt khe, do vậy xuất khẩu khó khăn là điều không thể tránh khỏi.

Muốn chủ động cũng khó

Biết rõ nhược điểm trên nên gần đây, chúng ta đã nỗ lực trồng bông vải ở một số địa phương, nhưng giống và thổ nhưỡng không hợp nên không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Nhà nước cũng kêu gọi tăng tỷ lệ nội địa hóa trong ngành dệt may, song hầu như chỉ khối doanh nghiệp FDI làm được việc này nhờ tiềm lực mạnh của họ.

Hiện chỉ có công ty Bonchen có nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu để chế tạo thành phẩm. Trường hợp dôi dư nguyên liệu thì họ xuất qua Đài Loan chứ không bán lại cho các doanh nghiệp trong nước.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước còn không dễ xin được đất đai để làm nhà xưởng, vì các địa phương xem đây là ngành có giá trị gia tăng thấp nên không mấy mặn mà. Vấn đề môi trường do nhuộm gây ra cũng là lực cản, trong khi đây chính là yếu tố quyết định đến năng lực sản xuất cả ngành dệt may.

Theo các chuyên gia kinh tế, dường như càng hội nhập kinh tế, các doanh nghiệp trong nước càng bộc lộ sự lúng túng khi thiếu sự chuẩn bị cho cuộc chơi sẽ diễn ra ngay trên sân nhà. Còn các doanh nghiệp FDI nhân cơ hội này lên kế hoạch nhảy vào hưởng lợi.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hơn 350 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã được đổ vào ngành dệt may và sợi. Mới đây nhất, công ty KyungBang (Hàn Quốc) vừa đưa vào hoạt động nhà máy sợi tại Bình Dương trị giá 40 triệu USD, công suất 6.600 tấn sợi/năm. Khoảng giữa tháng 6/2013, TAL – một tập đoàn hàng đầu ở Hồng Kông trong lĩnh vực dệt may – cũng đã đến Việt Nam, làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bày tỏ mong muốn được mở một tổ hợp sản xuất mới, bao gồm các nhà máy se sợi, nhuộm và dệt may. Đây được xem là những động thái đón đầu cơ hội mà TPP mang lại.

Rõ ràng, khi mà chuỗi sản xuất dệt may của Việt Nam vẫn còn gãy khúc, đầu tư vào dệt, nhuộm của Việt Nam vẫn còn là nỗi lo thì ngành dệt may vẫn phải chịu những yếu tố bất lợi trong các cuộc đàm phán thương mại.