Trang chủ » Tranh luận » EVN lỗ đậm nhưng vẫn chơi sang

EVN lỗ đậm nhưng vẫn chơi sang

Tác giả:

Kết luận Thanh tra của Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ những điểm phi lý, sai phạm ở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – nguyên nhân lớn khiến giá điện được điều chỉnh tăng liên tục, tới 9 lần trong 5 năm qua.

Vung tay quá trán

Mua sắm ô tô là một trong nhiều ví dụ nhỏ nhưng nhãn tiền cho thấy sự vung tay quá trán của EVN trong việc chi mua sắm tài sản cố định.

Thanh tra Chính phủ cho biết, năm 2011, công ty mẹ EVN mua 2 chiếc Toyota LandCruise, dòng xe 2 cầu với tổng giá trị là hơn 5 tỷ đồng, trung bình mỗi xe hơn 2,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo quy định, EVN chỉ được mua xe ô tô 2 cầu với mức giá tối đa là 1,04 tỷ đồng/xe. Như vậy, EVN đã tự chi vượt mức quy định hơn 3,01 tỷ đồng.

“Mẹ” làm sai nên “con” cũng noi theo. Công ty con của EVN là Tổng công ty Điện lực miền Nam cũng mua 6 chiếc ô tô Toyota Camry 2.4G, với tổng số tiền vượt mức quy định 2,2 tỷ đồng.

{keywords}

Không chỉ vậy, Điện lực miền Nam còn chi tiêu vượt định mức tập đoàn giao và vượt cả mức chính mình tự phê duyệt. Năm 2011, tổng khoản tiền chênh lên này lên tới hơn 96,8 tỷ đồng. Trong đó, chi cho vật liệu sản xuất thủy điện vượt 92 triệu đồng, chi phí vật liệu trong sản xuất điện chạy dầu vượt 5,7 tỷ đồng, chi phí vật liệu trong khâu phân phối vượt số tiền 15 tỷ đồng. Đáng chú ý, ở tổng công ty này còn có hạng mục ‘các khoản dịch vụ mua ngoài”, vượt số tiền tới 6,6 tỷ đồng và chi phí bằng tiền khác vượt tới 67 tỷ đồng.

Nhập nhèm tiền lương và khen thưởng

Việc quản lý tiền lương và thu nhập cũng như chế độ khen thưởng tại EVN và các công ty con cũng được Thanh tra chỉ rõ nhiều điểm “vô lý”.

Điển hình là việc tính tiền lương cho người lao động. Quỹ lương kế hoạch của EVN dựa trên số lượng lao động định mức, nhưng từ năm 2009-2010, số lao động thực tế sử dụng của EVN lại thấp hơn rất nhiều.

Chẳng hạn, năm 2009, số lao động định mức của tập đoàn này là 4.690 người nhưng thực tế, chỉ có 3.219 lao động hoạt động, chênh lệch tới 45%. Năm 2010, số lao động thực tế sử dụng của EVN chỉ giảm đi 1 người, nhưng lao động định mức lại được tính tăng lên là 4.878 người, dẫn tới con số lao động định mức vượt tới 51,5% con số thực tế.

Trong khi đó, EVN xây dựng kế hoạch tiền lương vào cuối năm, thay vì phải thực hiện vào quý I đầu năm theo quy định để đăng ký với Bộ LĐ&TBXH.

Chính vì vậy, Thanh tra Chính phủ đã đánh giá việc xác định tổng quỹ lương kế hoạch và tổng quỹ lương thực hiện của EVN là không chính xác.

Cùng đó, quy chế chia lương của EVN chưa phù hợp nên thu nhập của các khối kinh doanh điện trong EVN có sự chênh lệch lớn. Năm 2010, thu nhập khối văn phòng cao gấp 2,9 lần khối phát điện, gấp 2,44 lần khối truyền tải, gấp 3,78 lần khối phân phối.

Đặc biệt, kể từ năm 2007 đến ngày 7/5/2012, các đơn vị có vốn góp của EVN trả thu lao trực tiếp cho người đại diện vốn với số tiền hơn 4,6 tỷ đồng; trong khi đó, theo quy định, việc trả thù lao này phải thông qua EVN, chuyển về cho EVN để EVN trả cho người đại diện.

{keywords}

Thanh tra Chính phủ kết luận, do EVN chưa xây dựng quy định về trả lương, phụ cấp, tiền thưởng… cho người đại diện vốn nên không có cơ sở quản lý chặt chẽ, thống nhất trong Tập đoàn. Điều này dễ nảy sinh lãng phí và tham nhũng.

Đối với việc trả lương cho Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc năm 2010, Thanh tra còn phát hiện sai phạm liên quan đến cơ quan thẩm định là Bộ LĐ&TBXH. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ này phối hợp với Bộ Tài chính xem xét phê duyệt đơn giá tiền lương năm 2010 chỉ bằng 95% đơn giá tiền lương năm 2009 do EVN đang lỗ. Trong đó, đơn giá tiền lương không được tính các khoản lương, thưởng, phụ cấp của HĐTV, TGĐ. Nhưng thực tế, Bộ LĐ&TBXH lại thẩm định, phê duyệt tới 3,1 tỷ đồng tiền lương, thưởng, phụ cấp cho các “sếp” của EVN và không báo cáo Thủ tướng.

Trong khi đó, tại các công ty thành viên, việc chi khen thưởng vẫn diễn ra dù kết quả kinh doanh là lỗ. Điển hình, tại Tổng công ty truyền tải điện quốc gia, các đơn vị trực thuộc đã tạm ứng quỹ khen thưởng phúc lợi số tiền 7,119 tỷ đồng trong khi thua lỗ nên không có khoản nào bù đắp. Chưa kể, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn điều lệ của tổng công ty đã lên tới 4,45 lần, vượt tiêu chuẩn cho phép.

Đầu tư lãng phí hàng trăm tỷ

Nhiều dự án đã bỏ vốn ra nhưng không thu lại được đồng lãi nào, vì phải dừng và nay vẫn dở dang, hoặc phải chịu chi phí phát sinh quá lớn. Gần như, các đơn vị của EVN đã mất trắng những khoản vốn đã rót, hoặc phát sinh ở các dự án này.

Đối với Tập đoàn mẹ EVN, điển hình là sự việc ở dự án nhiệt điện Uông Bí mở rộng công suất 300 MW. Tổng mức đầu tư là 4.271 tỷ đồng và do LILAMA làm tổng thầu EPC với giá trị hợp đồng là 267 triệu USD. Rốt cục, dự án chậm 3 năm tiến độ và EVN phải chi thêm tới 163 tỷ đồng để khắc phục các sự cố, nhưng lại không xem xét trách nhiệm của tổng thầu. Đó là nguyên nhân khiến nhà máy điện Uông Bí mở rộng lỗ 2 năm 2010-2011.

Việc tăng chi phí đầu tư là hiện tượng phổ biến. Tại Công ty Điện lực miền Trung, 15 dự án chậm tiến độ trên 90 ngày, làm tăng chi phí tới gần 10 tỷ đồng, ảnh hưởng việc cung cấp điện sinh hoạt cho nhân dân.

Tại Tổng công ty điện lực miền Nam, thanh tra kết luận không bảo toàn được vốn nhà nước. Đơn vị này cũng có 126 dự án chậm tiền độ, tăng chi phí đầu tư thêm 235 tỷ đồng.

Từ năm 2007-2011, tổng công ty này đã phải dừng đầu tư giữa chừng tới 7 dự án do không hiệu quả. Trong khi trước đó, đơn vị đã thanh toán 5,4 tỷ đồng do vướng mắc mặt bằng.

Ngoài ra, thanh tra Chính phủ còn chỉ ra nhiều sai phạm ở EVN, mà bức xúc nhất là việc tính cả khoản 595 tỷ đồng hạng mục xây dựng nhà ở cán bộ nhân viên, bao gồm cả bể bơi, sân tennis, biệt thự… vào vốn đầu tư nguồn điện, nghĩa là ảnh hưởng giá bán điện; cấp nguồn vốn khấu hao cơ bản cho đơn vị con sử dụng không đúng mục đích tới hơn 223 tỷ đồng… Cùng đó, bức tranh đầu tư ngành ngoài, thua lỗ, nợ nần cũng được cơ quan này làm sáng rõ.