Trang chủ » Doanh nhân » Hội thề giữ rừng thời hiện đại

Hội thề giữ rừng thời hiện đại

Tác giả:

Lời thề bảo vệ rừng

Thôn Tả Van Mông (Sapa, Lào Cai) đã có quy chế bảo vệ rừng từ lâu lắm rồi. Hàng năm, cứ đến khoảng đầu tháng 3 âm lịch, bắt đầu vụ thu hoạch măng thì người dân trong thôn lại họp với nhau trong một lễ hội ăn thề, theo tiếng Mông gọi là “Lềnh phang”.

Trong lễ hội này, 5 thành viên tổ bảo vệ rừng được người dân bầu ra. Các quy định cụ thể về bảo vệ rừng sẽ do người dân thảo luận trong buổi lễ này. Tổ trưởng sẽ thay mặt toàn tổ báo cáo lại với bà con tình hình quản lý bảo vệ rừng năm vừa qua, đồng thời nêu lên tính cần thiết của việc quản lý, bảo vệ rừng với cuộc sống của cộng đồng. Từ đó, nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của mọi người dân trong quản lý, bảo vệ rừng.

{keywords}
Tuần tra bảo vệ rừng

 

Người dân cũng thảo luận hình thức xử phạt đối với những ai vi phạm quy chế bảo vệ rừng của thôn, ví dụ: nếu các hộ gia đình vào rừng lấy củi mà chưa được phép của tổ bảo vệ thì sẽ bị phạt 35.000 đồng/bó củi khô và 25.000 đồng/bó củi tươi.

Với những người vi phạm chặt cây gỗ to trong rừng thì sẽ bị phạt 1 con lợn. Con lợn này sẽ được làm thịt và mời tất cả mọi người trong thôn đến ăn. Đó cũng là cách để nhắc nhở mọi người dân về ý thức bảo vệ rừng và tuân thủ quy chế của thôn bản đã đề ra. Những vi phạm về quản lý bảo vệ rừng đều do tổ bảo vệ rừng xử lý, chỉ những trường hợp người vi phạm không chịu chấp hành thì mới nhờ đến sự can thiệp của trưởng thôn hoặc UBND xã.

Cho đến nay hầu hết các khu rừng được người dân quản lý, bảo vệ theo hình thức này đều có hiệu quả và được quản lý một cách rất chặt chẽ. ở thôn Tả Van Mông hầu như không có hiện tượng chặt phá rừng. Cả 350 ha rừng tái sinh ở thôn đang tái sinh và phát triển tốt.

Trong những năm gần đây ở Tả Van có một biện pháp bảo vệ rừng khá độc đáo đó là những người trước đây hay chặt phá rừng lại được bầu vào tổ bảo vệ rừng và từ đó họ lại trở thành người bảo vệ rừng.

Chưa bền vững

Khảo sát ở nhiều địa phương cho thấy: rừng được cộng đồng quản lý thì số vi phạm cây gỗ và lâm sản ngoài gỗ là rất ít. Cộng đồng còn bảo vệ được diện tích rừng đã giao không để xảy ra xâm lấn và hầu hết các vụ vi phạm cây lấy gỗ đều được phát hiện và xử lý, như ở các thôn: Lũng Vài, Lũng Các (Cao Bằng); Bản Lằn (Sơn la); Suối Lông (Lạng Sơn); thôn Vài (Hòa Bình)…

Theo các chuyên gia, để bảo vệ rừng cộng đồng, dứt khoát phải dựa vào cộng đồng. Tuy nhiên, từ thực tế, các địa phương cho rằng, hiện nay địa vị pháp lý của cộng đồng còn chưa rõ ràng, chính sách hỗ trợ còn hạn chế.

TS Nguyễn Nghĩa Biên (Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng) – Giám đốc Dự án tăng cường lâm nghiệp cộng đồng ở Việt Nam phân tích: Luật đất đai, Luật bảo vệ và phát triển rừng đã quy định cộng đồng dân cư là đối tượng được nhà nước giao đất, rừng để quản lý, sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Các văn bản hướng dẫn luật cũng đã có nhưng vẫn còn nhiều hạn chế hoặc còn thiếu các quy định cần thiết; cơ chế nâng cao năng lực cho cộng đồng, hỗ trợ đầu tư để tạo thuận lợi cho các cộng đồng quản lý, bảo vệ rừng được giao.

Bên cạnh đó, ông Biên cũng chỉ ra một thực tế: Cộng đồng tham gia quản lý rừng chủ yếu là các cộng đồng dân tộc thiểu số. Rừng giao cho cộng đồng phần lớn là rừng nghèo, ở vùng sâu, vùng xa, cơ sở hạ tầng thấp nên nguồn thu từ rừng rất hạn chế, nguy cơ rừng cộng đồng bị suy giảm là thực tế.

TS Phạm Xuân Phương (Bộ NN&PTNT): “Trên thực tế, cộng đồng dân cư tự tổ chức quản lý, bảo vệ, khai thác nguồn lợi từ rừng để trang trải các chi phí liên quan đến việc bảo vệ rừng, khi phí hỗ trợ của nhà nuowcs rất hạn hẹp. Thậm chí ở một số nơi do không có nguồn thu từ rừng nên hàng năm cộng đồng phải đóng góp tiền hoặc ngày công cho bảo vệ rừng”, ông Phương nói. Ở một số địa phương, từ năm 2010 đến nay, người dân vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ phát triển rừng nên không có động lực để tiếp tục chăm sóc rừng.

{keywords}
Giữ từng gốc cây.

 

Đột phá chính sách

Viện Điều tra quy hoạch rừng hiện đang thực hiện dự án “Tăng cường lâm nghiệp cộng đồng ở Việt Nam” đề xuất, cần thể chế hóa chủ trương, chính sách xã hội hóa nghề rừng; huy động nguồn lực của xã hội vào việc bảo vệ và phát triển rừng, gắn với xóa đói giảm nghèo, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào nghèo miền núi.

Theo TS Nguyễn Nghĩa Biên, nên mở rộng khái niệm về quản lý rừng cộng đồng theo hướng: Quản lý rừng của cộng đồng; Quản lý rừng dựa vào cộng đồng; quản lý rừng; Quản lý rừng theo nhóm hộ. Khái niệm về sử dụng rừng cũng cần được mở rộng, như: Khai thác lâm sản, các giá trị dịch vụ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Được chuyển đổi rừng, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất để liên doanh trồng rừng; thếp chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng với các tổ chức, cá nhân để kinh doanh và dịch vụ lâm nghiệp.

Hiện nay, dự thảo Quyết định của Thủ tướng về một số cơ chế, chính sách quản lý và sử dụng rừng cộng đồng dân cư thôn đang được xây dựng. Dự thảo dự kiến đưa ra nhiều chính sách mang tính đột phá. Chẳng hạn, rừng phòng hộ nằm trong phạm vi một xã, thôn hoặc nhiều xã, có diện tích dưới 1.000 ha; Rừng sản xuất phân tán gần cộng đồng dân cư thuộc ban quản lý rừng, lâm trường quốc doanh…, sẽ được giao cộng đồng dân cư quản lý. Trong đó, sẽ giao cả rừng tự nhiên giàu và trung bình cho cộng đồng dân cư thôn quản lý chứ không chỉ là giao đất trống, rừng nghèo kiệt như hiện nay.

Chẳng hạn, với các khu rừng tự nhiên là rừng phòng hộ, khi đạt tiêu chuẩn về phòng hộ thì được khai thác gỗ theo phương thức chặt chọn độ tàn che của rừng sau khi khai thác phải lớn hơn 0,6. Toàn bộ giá trị sản phẩm gỗ khai thác sau khi trừ chi phí, cộng đồng phải nộp 10% để xây dựng quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp xã, 90% thuộc quyền quản lý của cộng đồng, do cộng đồng tự quyết định phân chia theo quy chế, hương ước của mình.

Với rừng sản xuất là rừng tự nhiên, ngoài việc tận dụng, tận thu lâm sản ngoài gỗ, trừ động thực vật quý hiếm theo quy định, hàng năm cộng đồng được chặt chọn với cường độ dưới 15% trữ lượng.

Rừng cộng đồng cũng sẽ được hưởng các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hàng năm, sẽ được ưu tiên hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước với mức từ 100.000 – 200.000 đồng/ha/năm để bảo vệ rừng được giao tùy theo mức độ nguy cơ mất rừng và loại rừng; khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên có kết hợp trồng bổ sung 1 triệu đồng/ha/6 năm (năm đầu 500.000 đồng); sau 5 năm được xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ đầu tư. Trồng rừng trên đất trống, đồi núi trọc quy hoạch là rừng phòng hộ được hỗ tợ 15 triệu đồng/ha và sẽ điều chỉnh mức hỗ trợ sau 5 năm.

TS Nguyễn Nghĩa Biên kỳ vọng, những chính sách mạnh mẽ này sẽ là cú hích lớn nhằm thay đổi thực trạng công tác bảo vệ, phát triển rừng hiện nay.