Trang chủ » Điểm nóng » Thế giới phẳng hay không phẳng? (Phần 1)

Thế giới phẳng hay không phẳng? (Phần 1)

Tác giả:

Tóm tắt:

Với Friedman, thế giới là một mặt phẳng, nhưng Pankaj Ghemawat
lại không cho là như vậy
Ảnh: www.collegerecruiter.com

Giáo sư Pankaj Ghemawat của Trường Kinh doanh Harvard đã nói rằng (Xin tạ lỗi với ngài Thomas Friedman[1]): Những nhà quản l‎ý tin tưởng vào sự thổi phồng về một thế giới phẳng đã phải gánh chịu nhiều sự rủi ro nguy hiểm bởi chính sự tin tưởng ấy. Biên giới quốc gia vẫn là vấn đề quan trọng đối với các nhà hoạch định chiến lược kinh doanh.

Trong khi việc xác định nét tương đồng của các thị trường khác nhau là cần thiết thì những chiến lược xuyên quốc gia hiệu quả cũng sẽ vẫn cẩn trọng với những điểm khác biệt.

Đoạn trích cuộc phỏng vấn sau đây sẽ cho thấy rõ điều đó. Những ý tưởng chính bao gồm:

  • Một vài dấu hiệu toàn cầu hóa không tăng lên nhanh chóng như nhiều chuyên gia đã nhận định.
  • Toyota và Wal-Mart là những ví dụ điển hình về những công ty hiểu rõ họ cần giải quyết thế nào với vấn đề khoảng cách một cách chiến lược.
  • Nhìn tổng quan về sự khác biệt, xác định những điểm khác biệt gây phiền toái nhiều nhất trong ngành của bạn, và nhìn nhận chúng không chỉ là những khó khăn cần phải vượt qua mà còn là những nguồn tiềm năng tạo ra giá trị.

Từ một quan điểm mới về thế giới

Thomas Friedman, tác giả cuốn “Thế giới phẳng: Tóm lược Lịch sử Thế giới Thế kỷ 21” nói rằng: “Một số sự kiện (từ lỗ hổng ở Bức tường Berlin cho tới sự bùng nổ của Internet) đã san phẳng môi trường cạnh tranh toàn cầu bằng việc gia tăng toàn cầu hóa và suy giảm sức mạnh của các quốc gia”.

Nhưng Giáo sư Pankaj Ghemawat của Trường Kinh doanh Harvard lại cho rằng “thế giới không phẳng. Mọi người nên thấy rằng thế giới chỉ toàn cầu hóa một phần nào đó mà thôi. Nói cách khác, đó là sự “bán toàn cầu hóa”.

Ghemawat lập luận rằng: “Những chiến lược được cho là hoàn thành trọn vẹn sự hội nhập toàn cầu thì có xu hướng chú trọng quá nhiều vào sự chuẩn hóa quốc tế và sự mở rộng không đinh hướng”.

Trong khi nhận thấy những nét tương đồng của nơi này so với nơi kia là cần thiết, các chiến lược xuyên biên giới hiệu quả cũng sẽ cẩn trọng hơn với việc xác định các điểm khác biệt.

Giáo sư Ghemawat, một chuyên gia trong lĩnh vực chiến lược toàn cầu, đã phác thảo một bản kế hoạch hành động cho hoạt động kinh doanh trong cuốn sách mới của ông (Cuốn Xác định lại Chiến lược Toàn cầu: Vượt qua biên giới nơi những điểm khác biệt vẫn được coi trọng quá mức).

Trong khi nhận thấy những nét tương đồng của nơi này so với nơi kia là cần thiết, các chiến lược xuyên biên giới hiệu quả cũng sẽ cẩn trọng hơn với việc xác định các điểm khác biệt
Ảnh: www.next-v.co.jp

Theo Ghemawat, những thực tế làm thành điểm chấm phá quan trọng trong bức tranh kinh doanh có thể được nhóm vào bốn lĩnh vực cơ bản: Văn hóa, hành chính/chính trị, địa lý và kinh tế.

Các cuộc thảo luận về toàn cầu hóa thường có xu hướng bỏ sót những yếu tố này. Và những công ty mong muốn phát triển cần lưu tâm đến ba phương thức đối mặt với vấn đề khoảng cách là: Thích nghi, vượt qua và tận dụng chính khoảng cách ấy.

Trong cuốn sách này, ông viết: “Điều khác biệt của cuốn sách về chiến lược toàn cầu này là nó tập trung vào sự khác biệt giữa các quốc gia. Ý tưởng của cuốn sách là giúp các doanh nghiệp vượt qua được rào cản biên giới quốc gia một cách có lợi bằng việc nhìn nhận thế giới như nó vốn có chứ không phải là như những khái niệm đã được lý tưởng hóa”.

Ghemawat đã trao đổi với mục Kiến thức Hữu ích của trường Kinh doanh Harvard về vấn đề này như sau:

Martha Lagace (Q): Tiêu đề phụ cuốn sách của ông là Vượt qua biên giới, nơi những điểm khác biệt vẫn còn quan trọng. Trong cuộc thảo luận đang diễn ra xung quanh chúng ta về một thế giới ngày càng phẳng, theo ông, những sự khác biệt nào đã, đang và sẽ là vấn đề đối với các doanh nghiệp?

Chúng ta đang sống trong một thế giới
bán toàn cầu hóa, vì thế những nét
khác biệt giữa các quốc gia và
vùng lãnh thổ là vấn đề quan trọng
Ảnh:www.made-in-china.com

Pankaj Ghemawat (A): Tiêu đề phụ của cuốn sách là nhằm nhấn mạnh rằng chúng ta vẫn tiếp tục sống trong một thế giới bán toàn cầu hóa – nơi mà những nét khác biệt giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn còn là vấn đề quan trọng.

Như cựu Thượng Nghị sĩ Daniel Patrick Moynihan (thuộc Đảng Dân chủ thành phố New York) đã nhận thấy, ai cũng có quyền có quan điểm cá nhân nhưng sự thật thì chỉ có một.

Do vậy, để hiểu rõ điều tôi vừa nói trên đây, sẽ rất hữu ích khi chúng ta bắt đầu với một vài thông tin thực tế về mức độ toàn cầu hóa.

Số liệu được viện dẫn nhiều nhất liên quan đến thương mại quốc tế – hoạt động chiếm hơn 25% hoạt động của hầu hết các nền kinh tế.

Nhưng khi tôi bắt đầu nghiên cứu trên một phạm vi rộng hơn, bao gồm hoạt động đầu tư, các cuộc điện thoại, tổ chức du lịch và hoạt động nhập cư thì tôi đã kinh ngạc nhận thấy rằng mức độ quốc tế hóa trung bình của những ngành này chỉ là 10%.

Ví dụ, đối với mỗi đồng USD đầu tư trên toàn cầu thì chỉ có 10 cent[2] là do số vốn từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tạo ra.

Một điều khác gây ngạc nhiên cho tôi là một vài dấu hiệu của toàn cầu hóa không phải đang tăng lên như nhiều chuyên gia đã nhận định.

Nhiều ý kiến nhất trí rằng phần đóng góp quốc tế của tổng lưu lượng Internet đang giảm đi thay vì tăng lên.

Điều này gây nên những nghi ngờ xung quanh câu chuyện huyền thoại đang được đồn thổi về một thế giới nhất định sẽ phẳng trong tương lai.

Các số liệu chỉ ra rõ ràng rằng biên giới quốc gia vẫn còn là vấn đề quan trọng. Tôi đã nhóm những điểm khác biệt thành bốn lĩnh vực phân chia ranh giới:

  • Những khác biệt liên quan đến văn hóa (ngôn ngữ, trang phục, tôn giáo, tính cách sắc tộc…).
  • Những khác biệt liên quan đến hành chính/chính trị (luật pháp, các khối thương mại, tiền tệ, những ràng buộc của chế độ thực dân… )
  • Những khác biệt liên quan đến địa lý (khoảng cách tự nhiên, sự thiếu hụt ranh giới đất liền, múi giờ, khí hậu…)
  • Những khác biệt liên quan đến kinh tế (mức thu nhập, chi phí của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn tài chính, nguồn lực con người, cơ sở hạ tầng, thông tin…).

Có một cái nhìn toàn cảnh về những sự khác biệt ấy là một điều quan trọng nhằm làm nổi rõ những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất tới ngành của bạn.

Đồng thời, bạn sẽ thấy đó không chỉ là những khó khăn cần phải vượt qua mà còn là những nguồn tiềm năng có thể tạo giá trị.

Q: Ông nói Toyota[3] là ví dụ về một công ty hiểu rõ sự phức tạp của chiến lược toàn cầu. Vậy phương thức tiếp cận toàn cầu hóa nào đã cho phép Toyota có thể đứng vững và phát triển trong số các nhà sản xuất ô tô trên thế giới?

Sự khác biệt về văn hoá, hành chính/chính trị, địa lý và kinh tế
chính là những rào cản trong chiến lược toàn cầu
Ảnh: www.different.net

A: Toyota vừa kinh doanh có lãi lại vừa vượt qua cả General Motors[4] để trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất trên thế giới. Toyota khác biệt với hầu hết những nhà sản xuất ô tô ở phương Tây (không chỉ là với DaimlerChrysler) ở chỗ: Toyota coi thị phần là kết quả của việc sản xuất ô tô rẻ hơn so với những đối thủ cạnh tranh chứ không phải là mục tiêu của việc giảm giá thành sản xuất.

Sự toàn cầu hóa của Toyota thực tế đã được dẫn dắt bởi một cơ chế hợp tác phức tạp giữa những vùng lãnh thổ khác nhau. Đây là chính sách mà Chủ tịch Fujio Cho đã mô tả như một vấn đề cơ bản trong chiến lược của công ty.

“Ý tưởng của cuốn sách là nhằm giúp các doanh nghiệp có thể dễ dàng vượt qua rào cản biên giới quốc gia bằng việc nhìn nhận thế giới như nó vốn có”.

Cần lưu ý rằng, tại thời điểm bắt đầu, Toyota không xây dựng được một viễn cảnh lâu dài và rộng lớn về tính toàn cầu hóa trong khoảng cách địa lý bởi lúc đó ô tô và phụ tùng ô tô có thể được luân chuyển từ nơi này sang nơi khác một cách tự do.

Thậm chí, công ty họ đã lường trước được những hiệp định thương mại tự do mở rộng trong phạm vi châu Mỹ, châu Âu và Đông Á nhưng lại không thể vượt qua được. Đây là một viễn cảnh khiêm tốn hơn nhưng cũng thực tế hơn – về một thế giới bán toàn cầu hóa, thế giới mà không một chiếc cầu hay một rào chắn nào giữa các quốc gia bị xóa bỏ hoàn toàn.

(Còn tiếp)

– Bài phỏng vấn của Martha Lagace[5] với Giáo sư Pankaj Ghemawat đăng trên chuyên mục Kiến thức Hữu ích –

Vài nét về Giáo sư Pankaj Ghemawat

Pankaj Ghemawat là Giáo sư giảng dạy môn Chiến lược Toàn cầu tại Trường Kinh doanh IESE và là Giáo sư về Quản trị kinh doanh tại Trường Quản trị Kinh doanh Harvard.

Ông tốt nghiệp Đại học khoa Toán học ứng dụng tại trường Đại học Harvard và lấy bằng Tiến sĩ về Kinh tế học Kinh doanh tại trường Quản trị Harvard.

Sau khi tốt nghiệp, ông làm cố vấn tại công ty McKinsey & Company tại Anh, trước khi trở lại giảng dạy tại trường Quản trị Kinh doanh Harvard năm 1983.

Năm 1991, ông được chỉ định là Giáo sư chính thức (toàn phần) và là Giáo sư chính thức trẻ nhất trong lịch sử của trường Harvard. Ông tham gia giảng dạy tại IESE từ năm 2006.

Hiện nay, G.S. Ghemawat đang tập trung vào việc giảng dạy và nghiên cứu các vấn đề liên quan tới toàn cầu hóa và chiến lược. Ông có hơn 50 bài báo và nghiên cứu trường hợp về đề tài này.

Bài nghiên cứu Chiến lược khu vực cho Lãnh đạo toàn cầu (Regional Strategy for Global Leadership) của ông đã giành giải thưởng McKinsey cho bài viết hay nhất đăng trên tạp chí Kinh doanh Harvard năm 2005.

Một vài bài viết khác liên quan đến chủ đề toàn cầu hóa gần đây của ông cũng giành được sự chú ý:

Quản lý sự khác biệt: Thách thức trọng yếu trong chiến lược Toàn cầu (Managing Differences: The Central Challenge in Global Strategy) – bài viết hay nhất trong số tháng 3, 2007 Tạp chí HBR.

Tại sao thế giới không phẳng? (Why the World Isn’t Flat?) số tháng 3-4, 2007. Tạp chí HBR, chủ đề Chính sách Đối ngoại.

Sự Hòa nhập Toàn cầu – Sự tập trung Toàn cầu khác nhau như thế nào?(Integration ≠ Global Concentration) viết cùng với Fariborz Ghadar, bài hay nhất trong số Tháng 8, 2006. Chủ đề Sự thay đổi Ngành và Doanh nghiệp (Industrial and Corporate Change Regional Strategies for Global Leadership).

  • HBV- TVN

Đề nghị ghi rõ “Bản quyền @Harvard Business School Publishing”, hoặc “Bản quyền tiếng Việt @Công ty phần mềm và truyền thông VASC” khi trích dẫn lại thông tin này trên các tài liệu in ấn và photocopy, và ghi rõ “Trích từ trang Harvard’S-TVN” khi xuất bản trực tuyến.

——————————————————————

[1] Thomas Friedman là nhà báo, nhà kinh tế học, đồng thời là bình luận gia hàng đầu của Mỹ về quan hệ quốc tế. Sinh năm 1953 tại Minneapolis, ông đã học Đại học Brandeis và trường St. Anthony, Đại học Oxford.

Cuốn sách đầu tay của ông:  “Từ Beirut đến Jerusalem” đoạt giải National Book Award năm 1988. Friedman cũng đoạt hai giải thưởng Putlitzer trong thời gian làm Trưởng phân xã tờ The NewYork Times tại Beirut và Jerusalem.

Friedman hiện đang sống ở Bethesda, Maryland cùng vợ là Ann và hai con gái là Orly và Natalie. Ông là tác giả của hai cuốn sách nổi tiếng: The Lexus and olive tree (Chiếc Lexus và cây ô liu) và The World is Flat (Thế giới phẳng).

[2] Cent, đơn vị tiền tệ của Mỹ, 100 cent bằng một USD

[3] Toyota (tên đầy đủ Toyota Motor Corporation) là một công ty nổi tiếng thế giới về sản xuất ô tô của Nhật Bản, được sáng lập vào năm 1937 bởi Kiichiro Toyoda. Toyota có trụ sở chính đặt ở Toyota, Aichi và Bunkyo Tokyo, Nhật Bản.

Theo ước tính, tổng thu nhập hàng năm của tập đoàn đạt 212,39 tỷ USD, sản xuất và bán ôtô đạt 4,72 triệu USD. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2007, lợi nhuận của Toyota đạt 15,09 tỷ USD ( xếp trên cả GM).

Toyota đang làm chủ và điều hành các hãng: Toyota ,Lexus, Scion, có cổ phần chính tại Daihatsu Motors (nhà sản xuất ôtô con), Hino Motors (hãng chuyên sản xuất các lọai xe tải thương mại), và đồng thời nắm cổ phần nhỏ tại Fuji Heavy Industries, Isuzu Motors và Yamaha Motors.

Theo số liệu thống kê gần đây nhất, Toyota hiện đang có tổng cộng 522 công ty con.

[4] GM (General Motors) là tập đoàn sản xuất ô tô do William Crapo Durant thành lập năm 1897 với cái tên khởi thủy Motor Vehicle Company Inc, một trong những tập đoàn ô tô lớn nhất thế giới hiện nay.

[5] Martha Lagace là Biên tập viên có kinh nghiệm của chuyên mục Kiến thức hữu ích, tạp chí HBS. Một số tác phẩm của Lagace: A Fast Start on Your New Job (TD: Những bước khởi đầu thuận lợi trong công việc mới của bạn), viết cùng Michael Watkins. Businesses Beware: The World Is Not Flat (Thận trọng trong kinh doanh: Thế giới không phẳng), bài phỏng vấn Pankaj Ghemawat.