McDonald’s, người đến sau của thị trường thức ăn nhanh Việt Nam, dù phải cạnh tranh khốc liệt, nhưng có một cái lợi lớn là thói quen dùng hamburger, khoai tây chiên đã được định hình trong người Việt, đặc biệt là giới trẻ thành phố.
Các thương hiệu nước ngoài như KFC, Lotteria, Burger King, Subway, Jollibee, Pizza Hut, Domino’s Pizza… đang khai thác tốt điều này.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng doanh số của ngành thức ăn nhanh ở Việt Nam năm 2011 ước tính đạt 870 tỉ đồng, tăng 30% so với năm 2010. Với mức tăng trưởng khoảng 30% mỗi năm, thị trường thức ăn nhanh đang trở thành ngành có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong các ngành hàng tiêu dùng thực phẩm hiện nay.
Markus Taussig – Giảng viên đại học quốc gia Singapore cho biết trên Bloomberg: “McDonald’s sẽ là sự lựa chọn của nhiều phụ huynh. Họ không đến vì đồ ăn, mà vì cảm thấy vui vẻ khi nhìn con cái ăn burger. Điều đó khiến họ thấy mình được hòa nhập với cuộc sống hiện đại và tích cực”.
Rõ ràng, phân khúc thị trường đồ ăn nhanh đang bị các doanh nghiệp nước ngoài thống trị.
Từng có một thời, không ít người Việt mơ mộng sẽ trở thành thế lực để cạnh tranh với những ông lớn như McDonald’s hay KFC nhưng đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định đó là những mong muốn hoang đường.
Nhiều món ăn của Việt Nam có thể trở thành một dạng thức ăn nhanh rất hấp dẫn như bánh mì nhưng đến giờ, vẫn chỉ là những món ăn mang tầm cỡ quốc gia chứ chưa thể trở thành biểu tượng toàn cầu.
So với các món ăn như gà rán, khoai tây chiên, đồ ăn Việt Nam chắc không thua kém nhưng một cách làm chuyên nghiệp và có tổ chức như KFC hay McDonald’s đang làm là điều mà người Việtchưa thể có được.
Phở 24, cái tên vốn được coi là khả dĩ nhất trong việc “đem chuông đi đánh xứ người” thì đã được bán để lấy 20 triệu USD. Người đứng ra mua lại chuỗi nhà hàng Phở 24 chính là Highland Coffee nhưng ngay sau đó đã bán lại 50% cổ phần cho Jollibee của Philippines. Với khẩu vị của đại đa số người Việt, có thể những chiếc hamburger không quá hấp dẫn họ, nhưng những cửa hàng đồ ăn nhanh lại là điểm hẹn, giải trí, thư giãn hợp lý vào dịp lễ, tết, cuối tuần.
Tham vọng phát triển chuỗi thức ăn nhanh kiểu Việt mang thương hiệu K-Do của Công ty bánh kẹo Kinh Đô cũng không như kỳ vọng. Cơm kẹp của Vietmac, dù nỗ lực tạo nên sự khác biệt là đưa món ăn hằng ngày của người Việt trở thành món ăn nhanh, nhưng hoạt động mở rộng chuỗi hết sức dè dặt. Những cửa hàng cơm kẹp Vietmac cũng khá vắng khách hàng, khác xa cảnh tượng ở các cửa hàng đồ ăn nhanh nước ngoài.
Trình độ để quản lý được cả một chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh là điều mà doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu. Mỗi hàng ăn lẻ thì có thể ngon, nhưng nếu phát triển nó thành cả một chuỗi nhà hàng thì chất lượng lại ngay lập tức giảm sút. Một vài đầu bếp có thể làm ra ổ bánh mì thịt ngon nhất thế giới. Nhưng để trở thành một chuỗi cửa hàng ăn nhanh thì một vài người đó là không đủ.
Trong khi đó, Burger King hiện có 29 cửa hàng tại Việt Nam, kể từ sau khi mở cửa năm 2011. KFC thì đã có mặt tại đây từ năm 1997. Bryson Thornton – người phát ngôn của Burger King tại Việt Nam nhận xét: “Thị trường này là chìa khóa cho các mục tiêu tăng trưởng toàn cầu của chúng tôi”.
McDonald’s hiện có 400 cửa hàng tại Philippines, 260 tại Malaysia, 195 tại Thái Lan và 150 ở Indonesia, Linda Ming – Giám đốc truyền thông của McDonald’s cho biết. Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên hãng mở cửa hàng kể từ năm 1992.
“Chúng tôi sẽ có thể đạt tới quy mô các thị trường tương đương trong tương lai không quá xa. McDonald’s Việt Nam sẽ có hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn nhân viên”, ông Nguyễn Bảo Hoàng cho biết.
Và Ralf Matthaes – Giám đốc Điều hành khu vực Mekong của TNS Vietnam cho rằng mục tiêu mở 100 cửa hàng McDonald’s trong 10 năm tại đây là “rất khả thi”. “Thu nhập của người dân Việt Nam đang tăng ổn định. McDonald’s sẽ nhắm đến tầng lớp có thu nhập trung bình, khoảng 500-1.000 USD mỗi tháng, tại đây. Trẻ em sẽ là đối tượng khách hàng số một nhờ các chương trình tổ chức sinh nhật”, ông nói.
Điều đáng ngại là thức ăn nhanh có sức hấp dẫn, dễ trở thành “phong trào sành điệu” đối với trẻ em hay thanh thiếu niên. Nếu như thiếu kiểm soát, thức ăn nhanh có thể góp phần hình thành thói quen ăn uống không tốt cho giới trẻ. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn tỏ ra lạc quan đồ ăn nhanh chỉ là đồ ăn chơi, không thể ăn thường xuyên được. Trong khi ở Việt Nam, có thể tạm gọi xôi, những loại bánh mì kẹp trứng, kẹp thịt, cá hộp, chà bông, kèm với dưa leo, cà chua… là một dạng thức ăn nhanh nhưng lại là các loại thức ăn lành mạnh đối với sức khỏe. Thế thì, nếu vì lý do nhanh và tiện lợi thì hãy chọn các loại thức ăn nhanh kiểu Việt hơn là các loại thức ăn nhanh kiểu Mỹ nói trên. Phải nhấn mạnh rằng thức ăn nhanh chứa rất nhiều chất đạm, chất béo no, nhiều muối, nhưng lại thiếu chất xơ, vitamin. Ngoài ra, thức ăn nhanh còn thường kèm theo các loại nước uống có ga, khoai tây chiên chứa rất nhiều năng lượng. Bởi vậy, nếu bạn thường xuyên ăn thức ăn nhanh sẽ làm tăng nguy cơ bị thừa cân, béo phì. Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM nói với Thanhnien Online |