Trang chủ » Điểm nóng » Sáp nhập thêm ngân hàng: Mở hàng đẹp cho kinh tế 2012

Sáp nhập thêm ngân hàng: Mở hàng đẹp cho kinh tế 2012

Tác giả:

Tăng trưởng khiêm tốn, lạm phát giảm

2012 tiếp tục là một năm kinh tế khó khăn. Bối cảnh kinh tế thế giới hiện còn nhiều bất ổn trong khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nên những diễn biến của thị trường thế giới sẽ có ảnh hưởng trực tiếp và không nhỏ đến thị trường Việt Nam.

“Do vậy, trong 5 năm tới đặc biệt là năm 2012, mục tiêu kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là những mục tiêu quan trọng nhất được chính phủ ưu tiên”, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định tại Hội nghị kinh tế đối ngoại Việt Nam ngày 11/1.

10 năm qua, tăng trưởng kinh tế trung bình của Việt Nam là 7%. Năm 2012, quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn từ 6% đến 6,5% (nếu có điều kiện thuận lợi).

Năm 2012, nền kinh tế cũng sẽ có nhiều kịch bản: kịch bản tốt, lạm phát sẽ về 1 số, ở mức khoảng 6,5%. Còn kịch bản xấu nhất, theo đánh giá của NHNN, lạm phát có thể lên tới xấp xỉ 12%.

“Có thể các năm trước đây, chính sách của chính phủ đôi khi chưa được nhất quán, nhưng 2011 là điển hình cho sự nhất quán trong chính sách kinh tế của chính phủ Việt Nam khi chủ động và đoán trước được tình hình, đưa ra chỉ đạo kịp thời. Mặc dù lạm phát Việt Nam năm 2011 còn ở mức cao, 18% – mức cao nhất nhì thế giới nhưng hành động giải pháp tạo lòng tin chính phủ hoàn toàn có thể đưa lạm phát về mức một con số trong năm 2012.”, Thống đốc khẳng định.

5 – 8 ngân hàng sẽ sáp nhập trong Quí I/2012

Về chính sách tiền tệ, năm 2011 là năm chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ hết sức chặt chẽ và cũng là năm đầu tiên trong 20 năm đổi mới của Việt Nam mà tăng trưởng ngân hàng ở mức thấp như vậy. Theo số liệu của chính phủ, tính đến ngày 30/12/2011, tăng trưởng ngân hàng chỉ ở mức13%, chỉ bằng 1/3 so với những năm trước đây, tổng số tiền thanh toán ở mức 10%, cũng chỉ bằng khoảng 1/3 so với những năm tước.

Trong lĩnh vực ngân hàng, năm 2011 chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngân hàng không quá 20% và kết quả là cuối năm tăng trưởng tín dụng là 13%. Năm nay mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngân hàng được đặt ra là không quá 15 – 17% và sẽ vẫn duy trì hạn chế tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất.

Lí do là, thị trường vốn tại Việt Nam chưa phát triển và hoạt động chưa thực sự hiệu quả, minh chứng bằng tổng đầu tư toàn xã hội những năm qua luôn chiếm khoảng 44% GDP trong khi tỷ lệ tiết kiệm chỉ là 20%. Nguồn vốn cho doanh nghiệp, trong đó 80% từ ngân hàng, do đó luôn luôn thiếu. Do đó, để đảm bảo vốn cho nền kinh tế và hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng, năm 2012 chính phủ sẽ vẫn hạn chế vốn cho lĩnh vực phi sản xuất để ưu tiên vốn cho lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng nhấn mạnh, lộ trình tái cơ cấu ngân hàng trong năm 2012 đã được đưa ra, vẫn với mục tiêu chính là tăng cường năng lực tài chính, khả năng tuân thủ và minh bạch của hệ thống.

Ngay sau Tết, cụ thể là trong Quý I/2012, sẽ có nhiều trường hợp các tổ chức tín dụng sáp nhập hoặc mua lại lẫn nhau dưới nhiều hình thức.

“Dự kiến trong Quý I/2012, sẽ có 5-8 ngân hàng tiến hành hợp nhất hoặc sáp nhập”, Thống đốc cho biết.

Cán cân thanh toán tổng thể 2012 thặng dư 3- 5 tỷ USD

Về tỉ giá và dự trữ ngoại hối, những kết quả năm 2011 sẽ tạo thuận lơi cho đà ổn định trong năm 2012. Kể từ tháng 2/2011 đến 31/12/2011, tỉ giá đồng Việt Nam trên cả thị trường chính thức và không chính thức chỉ biến động không quá 1,1%. Tăng dự trữ ngoại hối so với năm ngoái. Định hướng sắp tới là đảm bảo dự trữ ngoại hối ổn định cho 2012.

2011 là một năm khó khăn đối với kinh tế thế giới nhưng 2011 là năm tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đạt mức kỷ lục trên 30%. Các nguồn thu bằng ngoại tệ khác cũng được cải thiện. 2011 cũng là năm đầu tiên cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam sau nhiều năm thâm hụt lớn đã có những cải thiện đáng kể và thặng dư ở mức 2,5 tỷ USD. Dự đoán năm 2012, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam tiếp tục thặng dư khiêm tốn ở mức 3 đến 5 tỷ USD.

Mục tiêu đến cuối năm 2015 sẽ khôi phục dự trữ ngoại hối nhà nước 12% đến 15%.

“Hơn 20 năm qua, Việt Nam có nhiều thành tựu đáng kể nhờ phát triển kinh tế theo chiều rộng. Nhưng cũng chính mô hình kinh tế đó khiến nền kinh tế vĩ mô những năm gần đây thiếu ổn định, và dễ bị ảnh hưởng dù bên ngoài có những cú sốc không phải là lớn lắm.

Trong năm 2012, giá cả thế giới, đặc biệt là giá cả lương thực và xăng dầu có thể giảm nhưng nếu tình hình chính trị ở Trung Đông và Bắc Á bất ổn có thể khiến giá cả năng lượng thế giới nằm ngoài dự báo. Điều đó cũng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam.”

(Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình)