Trang chủ » Điểm nóng » Cơ hội cuối cùng cho siêu thị nội

Cơ hội cuối cùng cho siêu thị nội

Tác giả:

Cạnh tranh kiểu gãi ngứa

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, trước khi Việt Nam mở cửa thị trường phân phối bán lẻ theo cam kết của WTO, có nhiều ý kiến lo ngại các tập đoàn phân phối đa quốc gia với sức mạnh tài chính, kinh nghiệm bán hàng hiện đại sẽ tràn vào làm sụp đổ kênh bán lẻ truyền thống trong nước.

Tuy nhiên, theo bà Loan, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước vẫn tồn tại bốn hạn chế cố hữu là năng lực tài chính, tính chuyên nghiệp, logistics và chiến lược dài hạn.

Phân tích về vấn đề này, bà Loan cho biết, năng lực tài chính yếu kém của doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành “tử huyệt” để các tập đoàn nước ngoài khai thác. Doanh nghiệp nước ngoài mạnh về tài chính nên họ có thể đàm phán được với các nhà cung cấp về giá, chiết khấu cao và đương nhiên như vậy giá bán của họ sẽ thấp, các doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh được.

Tính chuyên nghiệp, kinh doanh bán lẻ hiện đại đòi hỏi nhà quản lý có những công cụ hỗ trợ để đưa ra các quyết định. Đối với một hệ thống siêu thị, bộ phận mua hàng đóng vai trò khá quan trọng.

Chuyên viên mua hàng chuyên nghiệp có thể điều đình với nhà cung cấp trên tất cả mọi phương diện từ giá cả, số lượng, thời gian giao nhận hàng, các chương trình tiếp thị, khuyến mãi, quy cách bao bì, đóng gói… Thậm chí họ có thể tư vấn lại cho nhà cung cấp nên sản xuất hàng như thế nào, tiếp thị, quảng bá ra sao… Ở khâu này, doanh nghiệp nước ngoài rất mạnh, lấn lướt hoàn toàn so với doanh nghiệp Việt Nam.

Kinh doanh siêu thị hiện đại đòi hỏi một hệ thống hậu cần (logistics) chuyên nghiệp, điều này cũng chỉ có ở các doanh nghiệp nước ngoài. Ví dụ: Metro Cash&Carry cho biết họ đã chi từ 20-25 triệu euro trang bị hệ thống cung ứng hàng (kho lạnh, xe chuyên dụng, thiết bị kiểm tra, bảo quản hàng hóa…) theo chuẩn của Metro toàn cầu và  gần 800.000 euro cho công tác huấn luyện.

Trong khi đó, ở các siêu thị của Việt Nam vẫn còn tranh cãi với nhau về việc trung tâm phân phối hoặc nhà cung cấp không giao đủ hàng bán trong dịp lễ, Tết mà chưa có biện pháp nào để khắc phục tình trạng này. Việc điều phối các xe giao hàng đúng loại, đúng nơi, đúng thời điểm vẫn còn được điều hành, quản lý khá đơn giản. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh mà còn làm gia tăng chi phí lao động cũng như quản lý.

Với sự yếu kém và cách làm chưa chuyên nghiệp khiên cho các nhà phân phối trong nước dù có phát triển nhưng cũng chỉ tự so sánh với chính mình. Các siêu thị mới mở của các DN nội chủ yếu là nhỏ lẻ, kém hấp dẫn về cơ bản vẫn chưa thể cạnh tranh với các siêu thị nước ngoài. Mức độ cạnh tranh của các siêu thị nhỏ trong nước với các địa siêu thị nước ngoài được chính một DN phân phối trong nước ví von là: “chẳng khác gì gãi ngứa”.

Cơ hội cuối cùng?

Một trong nhũng điểm yếu kém lớn của DN phân phối trong nước đó là thiếu chiến lược dài hạn. Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài không chỉ xây dựng những trung tâm thương mại lớn mà chuyển sang đầu tư vào cả các cửa hàng tầm trung và siêu nhỏ. Hơn nữa, các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài khi vào Việt Nam đã bắt tay ngay vào xây dựng những thương hiệu riêng cũng như hợp tác với các nhà sản xuất, kể cả nông dân để sản xuất cung cấp hàng hoá cho họ, điều này các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện rất chậm và khá manh mún.

Các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng cho rằng họ đang phải cạnh tranh không cùng đẳng cấp với các doanh nghiệp bán lẻ đến từ nước ngoài. Một ví dụ đưa ra để thấy cạnh tranh giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước không cân sức là thời gian qua cứ doanh nghiệp nước ngoài mở điểm bán lẻ ở đâu, thì doanh số bán hàng củ doanh nghiệp nội địa ở khu vực đó bị sụt giảm nghiêm trọng.

Theo ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phú Thái, thì doanh số của một tập đoàn nước ngoài tính bằng tỷ USD, trong khi đó, mang tiếng là “đại gia” bán lẻ trong nước, nhưng doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam cũng mới có doanh số tính bằng triệu USD. Chênh lệch khủng khiếp về tiềm lực, công nghệ như vậy, doanh nghiệp Việt Nam lại phải cạnh tranh ngang ngửa với các đại gia nước ngoài, thì nguy cơ bị bóp nghẹt là khó tránh khỏi.

Theo ông Đoàn, doanh nghiêp Việt Nam hiện cũng phải đối đầu không cân sức với DN nước ngoài trong việc xin cấp đất làm trung tâm thương mại nên nhiều khi phải chấp nhận thuê lại các vị trí này từ doanh nghiệp tư nhân. Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài có thuận lợi hơn khi xin đất ở các tỉnh để xây dựng trung tâm thương mại. Chính vì tiếp cận đất đai khó, mà sau 5 năm thành lập, Công ty VDA (liên doanh của Phú Thái, Hapro, Saigon Co.op, Satra)  có tổng vốn 600 tỷ đồng, cũng chưa làm được gì đáng kể dù được đánh giá là công ty có khả năng nhất ở Việt Nam trong việc đầu tư hạ tầng thương mại với sự hậu thuẫn của 4 ông lớn trong nước kể trên.

Trong khi đó, vốn ít nên đầu tư cho cơ sở vật chất lại càng khó khăn hơn. Không những thế việc quy hoạch, phát triển hệ thống bán lẻ Việt Nam được cho là vẫn bị thả lỏng. Trong mấy năm qua, hệ thống siêu thị Big C đã mở tới 17 siêu thị trên toàn quốc. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đang sở hữu hàng chục siêu thị và vẫn không ngừng  đẩy mạnh tìm kiếm mặt bằng để thực hiện xây dựng chuỗi siêu thị trong thời gian tới. Ở loại hình trung tâm thương mại cũng tương tự. Parkson, Metro…đang ráo riết khai trương các điểm mới để cạnh tranh quyết liệt với doanh nghiệp bán lẻ trong nước.

Có tình trạng này là do việc quản lý cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đang bị buông lỏng. Theo quy định, khi gia nhập WTO, các nhà bán lẻ quốc tế có quyền mở điểm bán lẻ đầu tiên, nhưng từ điểm bán lẻ thứ 2 trở đi, phải tuân thủ việc kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT). Nhà đầu tư nước ngoài muốn mở chuỗi siêu thị phải xin giấy phép riêng biệt cho mỗi siêu thị. Sở Công Thương các địa phương căn cứ vào rất nhiều tiêu chí để quyết định có cấp phép hay không…

Tuy nhiên, do Nhà nước đã phân cấp quản lý nên rất nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng cấp phép tràn lan mà không cân nhắc đến nhu cầu thực tế. Có địa phương còn ban hành nhiều ưu đãi về thuế doanh nghiệp, nhập khẩu nguyên liệu khi xây dựng siêu thị mới… cho doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài. Đây chính là nguyên nhân để doanh nghiệp nước ngoài lách luật khi mở thêm điểm bán lẻ thứ 2. Thậm chí có doanh nghiệp nước ngoài lách luật bằng cách xây trung tâm thương mại mà theo quy định thì nghiễm nhiên họ được mở siêu thị. Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước đang chịu áp lực rất lớn trước sự cạnh tranh gay gắt này, Hội Siêu thị thành phố Hà Nội cho biết.

Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, giai đoạn 2009-2011, dù kinh tế toàn cầu suy thoái, tăng trưởng âm ở một số thị trường bán lẻ lớn trên thế giới, nhưng ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam vẫn vượt qua suy thoái. Còn năm 2012 này, theo dự báo của Bộ Công thương, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ có doanh số gần 100 tỷ USD. Thị trường tiêu dùng màu mỡ này cũng thu hút ngày một đông các nhà bán lẻ trong lẫn ngoài nước tham gia.

Tuy nhiên trong thời gian từ 2011 đến nay, kinh tế thế giới khó khăn khiến cho nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài bị tác động và chưa thể thâm nhập thị trường Việt Nam ngay. Đây có lẽ lại là cơ hội cho các nhà bán lẻ Việt Nam có thời gian để thiết lập hệ thống bán hàng giành ưu thế cạnh tranh trong vài ba năm tới.

Một số doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang ráo riết tham gia cuộc đua mở rộng mạng lưới bán lẻ từ năm 2011. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng những ưu đãi về mặt bằng, nguồn vốn và các cơ quan chức năng quy hoạch hạ tầng bán lẻ tốt thì sẽ có điều kiện phát triển mạnh.

Nếu không đây có lẽ sẽ là cơ hội cuối cùng cho các nhà bán lẻ Việt Nam trước khi các đại gia nước ngoài đã chuẩn bị xong các điều kiện để chính thức bước chân vào, một giám đốc Marketing hệ thống siêu thị điện máy lớn tại Hà Nội cho biết.