Sáng 17-12, nhiều nhân viên của mạng di động S-Fone với biểu ngữ trên tay đã tụ tập tại chi nhánh Hà Nội (trụ sở ở tòa nhà số 11 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm – Hà Nội) để yêu cầu thanh toán tiền lương và tiền nợ đóng BHXH.
Nợ lương, bảo hiểm xã hội…
Từ đầu giờ sáng, nhiều nhân viên S-Fone với biểu ngữ yêu cầu lãnh đạo nhà mạng S-Fone và Công ty Cổ phần Dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT – chủ đầu tư của nhà mạng này) đối thoại, trả nợ và sổ BHXH… cho người lao động.
Sau nhiều giờ chờ đợi của các nhân viên, ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh S-Fone tại Hà Nội, đã cực chẳng đã phải “tiếp đón” nhân viên dưới sảnh vì văn phòng làm việc của chi nhánh đã bị niêm phong và cắt điện nước. Một nhân viên S-Fone cho biết “tư trang, vật dụng cá nhân của tôi và nhiều người khác vẫn bị “giam” trong trụ sở mà chưa biết cách gì để lấy ra”.
Theo Chủ tịch Công đoàn của S-Fone miền Bắc, bà Đỗ Thị Ngọc Khánh, hiện tổng số nhân viên của Chi nhánh Hà Nội chỉ còn khoảng 20 người nhưng không ai có việc làm và phải ở nhà từ ngày 5-11.
Trước đó, từ tháng 12-2011 đến nay, nhà mạng này đã có nhiều đợt cắt giảm biên chế từ tổng số 400 người xuống còn 20 người. Không có việc làm, hầu hết số nhân viên đã nghỉ chưa được công ty thanh toán lương các tháng 6, 8, 9-2012 và 50% lương tháng 13-2011, riêng tháng 7-2012 được thanh toán khoảng 70%.
Số nhân viên còn làm việc cũng bị chậm lương tháng 10 và 11-2012. Ngoài ra, các khoản theo chính sách, trợ cấp, đền bù khác cũng bị “bỏ quên” cũng như chậm nộp BHXH. “Chúng tôi đã nhiều lần gửi văn bản, email kiến nghị lãnh đạo của SPT nhưng họ vẫn phớt lờ” – bà Khánh bức xúc.
Ông Vũ Anh Tuấn xác nhận công ty nợ nhân viên hàng chục tỉ đồng tiền lương và BHXH. Ông Tuấn phân trần rằng hiện tình cảnh của S-Fone rất khó khăn nên phải nợ nhân viên nhưng ông cũng không thể cam kết đến khi nào sẽ hoàn trả cho người lao động.
Đại gia cũng “khóc”!
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào thời điểm hoàng kim, S-Fone có tới gần 7 triệu thuê bao. Tuy nhiên, sau khi đối tác SK Telecom (Hàn Quốc) quyết định rút vốn khỏi dự án từ năm 2010 do thấy tình hình ngày càng tồi tệ, số “thượng đế” cũng ngày một teo tóp thêm thì S-Fone rơi vào cảnh trượt dốc không phanh, phải mò mẫm đi tìm đối tác mới.
Để tháo gỡ tình hình, chủ đầu tư của S-Fone là SPT đã bán cổ phần cho Saigon Tel và để công ty này điều hành mạng S-Fone. Song, Saigon Tel không thể có ngay vài trăm triệu USD để vực dậy mạng S-Fone. Trong khi đó, việc tìm kiếm đối tác khác gần như đi vào ngõ cụt.
Tổng Giám đốc SPT Hoàng Sỹ Hóa phân trần: Hiện S-Fone đang trong giai đoạn xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới. Theo đó, S-Fone sẽ đầu tư số trạm thu phát sóng gấp 6 lần số trạm CDMA và quy mô phủ sóng gấp nhiều lần so với mạng CDMA trước đây.
Dự tính, năm 2013 sẽ phát sóng mạng 3G của hãng. Có điều kế hoạch để có một mạng S-Fone 3G cuối năm 2012 hoặc đầu năm 2013 của lãnh đạo S-Fone gần như chắc chắn là “nhiệm vụ bất khả thi”!
Thậm chí, trong cuộc họp mới đây giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng, Tổng Giám đốc SPT Hoàng Sỹ Hóa đã “bấm bụng” đề nghị các doanh nghiệp đừng cắt kết nối để SPT có doanh thu và thêm cơ hội trả nợ. Mạng cố định của SPT đã từng bị cắt kết nối vì lý do nhà cung cấp này nợ cước kết nối của các doanh nghiệp khác. SPT phải xin các doanh nghiệp viễn thông đối tác nối lại để khỏi ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.
Như vậy, sau sự “ra đi” của thương hiệu EVN Telecom và buộc phải sáp nhập vào Viettel thì tháng 4 vừa qua, VimpelCom (Nga) đối tác đầu tư vào GTel Mobile – đơn vị sở hữu mạng di động Beeline – đã phải bán lại cho đối tác Việt Nam để đổi tên thành Gmobile.
Lần này, với sự “đuối sức” của S-Fone, xem ra thị trường di động nhiều khả năng sẽ mất thêm 1 thương hiệu nữa. Hiện Việt Nam có 6 nhà mạng di động (sau khi sáp nhập EVN Telecom vào Viettel) gồm: Mobifone, Vinaphone, Viettel, Vietnamobile, S-Fone và Gmobile.
Khách hàng cũng là… nạn nhân
Ông Vũ Anh Tuấn cho biết S-Fone Hà Nội thuê 2 tầng của tòa nhà số 11 Trần Hưng Đạo nhưng hiện đã bị quản lý tòa nhà niêm phong, cắt toàn bộ điện nước do chậm trả phí sử dụng, dịch vụ hằng tháng. Thậm chí, đã có thời gian ban quản lý không cho nhân viên công ty vào làm việc nhằm thúc đóng tiền. Còn từ ngày 5-11 đến nay, trụ sở S-Fone tại Hà Nội đã đóng cửa hẳn.
Trước tình thế này, ông Tuấn phải gọi điện cho tổng giám đốc Hoàng Sỹ Hóa, nhưng ông Hóa cho biết đang bận họp nên chưa thể đưa ra giải pháp. Theo bà Đỗ Thị Ngọc Khánh, do bị cắt điện và đóng cửa văn phòng nên khách hàng là “nạn nhân” khi nhiều thuê bao không thể liên lạc. “Toàn bộ khu vực Hà Nội hiện chỉ còn một trạm thu phát sóng trên nóc trụ sở đường Trần Hưng Đạo nhưng bị cắt điện nên có thể nói thuê bao S-Fone đang trong tình cảnh “ngoài vùng phủ sóng” – bà Khánh cho biết.