Án “tử” chờ sẵn
Cuối tuần qua, Công ty Cổ phần Viglacera Đông Triều (DTC) đã công bố kết quả kinh doanh năm 2012. Theo đó, trong quý IV/2012, DTC lỗ khủng 12,51 tỷ đồng (so với vốn 40 tỷ). Lũy kế cả năm, DTC lỗ hơn 67,8 tỷ đồng, so với mức lãi 1,07 tỷ đồng trong năm 2011.
Với khoản lỗ khủng trong năm vừa qua, vốn chủ sở hữu của công ty đã âm 11,93 tỷ đồng. Và theo quy định hiện hành, DTC sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc nếu báo cáo tài chính kiểm toán không khắc phục được tình trạng âm nói trên.
Giải trình nguyên nhân tăng lỗ quý IV so với cùng kỳ (quý IV/2011 chỉ lỗ 3,26 tỷ đồng), DTC cho biết do giá cả nguyên nhiên vật liệu đầu vào đều tăng (như giá than cám, dầu diedel, đất để sản xuất gạch…) so với năm 2011. Lãi suất của các ngân hàng vẫn ở mức cao dẫn đến chi phí tài chính của công ty tăng. Các yếu tố trên đã làm cho giá thành quý IV năm 2012 tăng lên lớn so với cùng kỳ năm 2011 ảnh hưởng đến lợi nhuận quý IV của Công ty. Trong khi tiêu thụ khó khăn.
Cùng chung cảnh ngộ, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Mê Ca Vneco (VES) cũng vừa công bố lỗ tiếp 15,5 tỷ đồng trong năm 2012. Nếu không có gì thay đổi trong kết quả kiếm toán được đưa ra trong vài tháng tới, VES sẽ buộc phải rời sàn do lỗ năm thứ 3 liên tiếp (2010 lỗ 4,69 tỷ, 2011 lỗ 6,89 tỷ đồng).
Nếu VES phải ra đi chắc cũng không có nhiều bất ngờ với giới đầu tư bởi DN này thua lỗ triền miên trong nhiều năm và 8 quý gần đây VES đều công bố lợi nhuận âm. Hơn thế, doanh thu của VES luôn ở mức thấp. Cả năm 2012, doanh thu chỉ đạt 6,84 tỷ đồng, không đủ trang trải chi phí lãi vay và thấp hơn nhiều vốn điều lệ 90 tỷ đồng.
Trường hợp CTCK Sacombank (SBS) cũng tệ hại không kém. Cho dù mới chỉ công bố báo cáo tài chính quý IV/2012 của công ty mẹ nhưng lỗ lũy kế hơn 1,761 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm trên 245 tỷ đồng. Nếu báo cáo hợp nhất kiểm toán năm của SBS vẫn không có gì xoay chuyển thì SBS sẽ không thoát được bản án hủy niêm yết bắt buộc.
Một trường hợp chưa đến mức bị hủy niêm yết bắt buộc nhưng cũng thua lỗ khá nặng là AVS của Công ty Cổ phần Chứng khoán Âu Việt. Doanh nghiệp này tiếp tục lỗ quý IV (cho dù tình hình đã bớt xấu), nâng tổng lỗ năm 2012 lên 10,4 tỷ đồng (năm 2012 lỗ 40,6 tỷ đồng). Lỗ lũy kế chưa phân phối của AVS tính đến thời điểm 31/12/2012 đạt 151,46 tỷ đồng.
Trước đó, AVS đã xin ý kiến cổ đông về chủ trương giải thể. Với việc cổ đông lớn và nội bộ chiếm đến 70% vốn điều lệ thì khả năng chủ trương này được thông qua rất lớn.
Hủy niêm yết chưa hết chuyện
Trong vài tuần vừa qua, TTCK đã có những phản ứng khá tích cực, phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế, của các doanh nghiệp khi mà một loạt các nghị quyết, nghị định, thông tư, đề án, biện pháp hỗ trợ, giải cứu các thị trường, các DN được đưa ra.
Tính cho tới cuối tuần qua, cũng là thời hạn cuối cùng để các DN niêm yết công bố báo cáo tài chính quý IV/2012 nhưng số lượng DN làm theo quy định rất ít, chưa tới 10%. Như các năm trước, thông thường, các DN công bố sớm là những DN có kết quả hoạt động khả quan, tốt, vượt kế hoạch.
Mặc dù vậy, trong số khoảng 70 DN công bố, đã có tới khoảng 30 DN lỗ, thoát lỗ (suýt lỗ) hoặc/và lợi nhuận giảm mạnh. Số DN có lợi nhuận tăng dương khoảng 20 (trong đó tăng trưởng ấn tượng chỉ khoảng 10 đơn vị và tập trung chủ yếu vào lĩnh vực cao su, nhựa).
Điều đáng nói là nhiều DN quy mô hàng chục, hàng trăm tỷ đông nhưng năm nay thoát lỗ với mức lãi chỉ vài ba chục triệu đồng, đặc biệt doanh thu trong cả năm khá eo hẹp.
Thống kê sơ bộ cuối quý III/2012 cho thấy, tính tới thời điểm đó có khoảng 20 DN lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ hoặc lỗ 2 năm liên tiếp (với 9 tháng 2012 kết quả không khả quan). Nếu rơi vào một trong hai hoàn cảnh nói trên, DN sẽ phải hủy niêm yết bắt buộc. Đó là chưa kể đến nhiều DN có hoạt động yếu kém, muốn rút niêm yết do giá cổ phiếu ở mức quá thấp.
Trở lại với các DN vật liệu xây dựng, không chỉ DTC nhiều DN “họ Viglacera” đang đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc bởi cụm từ “lợi nhuận âm” vẫn đang đeo đẳng theo các đơn vị này, cho dù họ nỗ lực cắt giảm tối đa chi phí sản xuất như: Viglacera Thăng Long TLT (lỗ lũy kế tới cuối quý III/2012 là 117 tỷ, so với vốn chủ sở hữu 48 tỷ đồng); Viglacera Đông Anh DAC (âm 1,7 tỷ trong 9 tháng 2012.
Có thể thấy, tình trạng huỷ niêm yết cả bắt buộc lẫn tự nguyện đã xảy ra trong thời gian qua với một loạt các tên tuổi như: BAS, CAD, CSG, MCV, MKP, TRI, VKP, SD3, SME, VSP, AGC, V11, VMG hay HBB, S64, SSS… là một tất yếu trong quá trình phát triển của TTCK. Sự sàng lọc mang này cũng nằm trong định hướng phát triển của TTCK.
Với nền tẳng DN đang ở mức yếu kém thì việc TTCK tăng bùng nổ trong 2-3 tuần vừa qua, với đa số các cổ phiếu tăng giá, bất kể cổ phiếu tốt, xấu là một điều cần cảnh giác. Tâm lý bầy đàn, tính đầu cơ, lướt sóng… dường như vẫn tồn tại như một sự kém phát triển của TTCK trong nước. Sự sai lạc quá đà của thị trường, của cổ phiếu… sẽ khiến một bộ phận không nhỏ các nhà đầu tư nhỏ lẻ bị thua lỗ. Niềm tin vào TTCK khi đó lại bị khủng hoảng nghiêm trọng, như đã từng kéo dài nhiều năm qua.