Trang chủ » Điểm nóng » Cả làng bỏ ruộng đi buôn nông sản Tàu

Cả làng bỏ ruộng đi buôn nông sản Tàu

Tác giả:

Biến mất làng rau nổi tiếng

Tại khu vực chợ Hòa Đình (phường Võ Cường, Bắc Ninh) cảnh buôn bán nông sản Trung Quốc diễn ra tấp nập, nhộn nhịn cả ngày lẫn đêm. Khối lượng hàng về đến vài trăm tấn mỗi đêm. Trước đây, ít ai dám mơ có cuộc sống khấm khá với nhà lầu, xe hơi, thì nay nhiều hộ dân đã đổi đời. Họ bỏ nghề trồng rau màu đi buôn bán vì thu nhập thấp, hàng hóa không thể cạnh tranh nổi với nông sản Trung Quốc.

“Ở đây họ làm ăn lớn lắm, vào ban đêm xe chở hàng về tấp nập, nối đuôi nhau đỗ chật cứng khu phố”, bà Lan, chủ quán nước đầu khu phố Nguyễn Văn Cừ, nhận xét.

Bà Lan kể, trước đây, dân Hòa Đình được gọi là làng Nhồi, phần lớn sống chủ yếu bằng nghề nông và chuyên canh rau màu. Hồi đó, nghề trồng rau ở làng nổi tiểng khắp vùng nhưng hơn chục năm nay thì mất hẳn. Người dân chuyển sang nghề thu gom nông sản.

“Gọi là gom nông sản nhưng thực chất là buôn hàng nông sản Tàu vì lợi nhuận cao gấp hàng trăm lần làm nghề trồng rau màu. Cũng từ cái nghề buôn nông sản Tàu mà ai nấy theo nghề này đều giàu lên trông thấy. Khắp nơi đổ về đây lấy hàng. Gần thì Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội… xa tận Sài Gòn, Quảng Ngãi… cũng có. Chủ hàng từ Thanh Hóa, Nghệ An ra đây lấy hàng về bán cũng nhiều”, bà Lan nói.

Thừa nhận chuyện này, ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chủ tịch UBND phường Võ Cường cho hay, người dân kinh doanh phổ biến nhất là nông sản khô nhập từ Trung Quốc như: hành, tỏi, khoai tây, hành tây. Các mặt hàng này thì buôn quanh năm, còn rau củ quả chủ yếu theo mùa vụ.

Theo thông kê của xã, hiện nay khu vực chợ Hòa Đình có khoảng 20 hộ buôn bán nông sản Trung Quốc với quy mô lớn, còn các hộ nhỏ lẻ chính quyền vẫn chưa thể thống kê hết được.

Trước đây, ở Hòa Đình người dân sống bằng nghề trồng rau màu, dân các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Bắc Giang… vẫn về đây nhập giống rau. Nhưng càng ngày, cạnh tranh càng gay gắt bởi các vùng lân cận cũng trồng rau. Mặt khác, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh làm cho đất sản xuất ngày càng thu hẹp, nay toàn vùng chỉ còn khoảng 70 ha đất nông nghiệp. Do vậy, một số hộ đã chuyển dần sang nghề thu gom nông sản. Đến những năm 2003-2004, các hộ đua nhau bỏ nghề nông để đi buôn vì lợi nhuận thu được rất cao.

Giờ thu nhập trung bình của các hộ kinh doanh lớn khoảng 2-3 tỷ đồng/năm, hộ làm ăn nhỏ lẻ cũng được vài trăm triệu.

“Họ sắm mỗi nhà 2-3 cái ô tô tải, có loại chuyên chở được vài chục tấn hàng. Ngoài ra, họ còn thuê cả chục chiếc khác để đổ hàng buôn cho các mối”, ông Bách cho biết.

{keywords}

Buôn cả trăm tấn, không dám ăn một lạng

Theo lời ông Bách, hoạt động buôn bán, chuyên chở hàng tại khu vực chợ Hòa Đình chủ yếu diễn ra vào ban đêm, bắt đầu tấp nập từ khoảng 9 giờ tối cho tới mờ sáng hôm sau.

Ghi nhận của PV cho thấy, giá các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc ở đây rẻ đến bất ngờ: hành khô 6.000 đồng/kg, hành tây 2.000-5.000 đồng/kg, tỏi 5.000-7.000 đồng/kg tùy loại và tùy xuất xứ ở vùng nào của Trung Quốc. Tương tự, khoai tây 7.000 đồng/kg loại 1, loại hai 3.000 đồng/kg. Riêng khoai tây hồng, giống hệt giống khoai tây được trồng ở Đà Lạt – giá 8.500 đồng/kg.

Khi biết người viết có ý định mua hàng, một chủ hàng tên Cúc tiết lộ mỗi ngày riêng mặt hàng khoai tây chị nhập gần 100 tấn về đổ buôn, và gần chục năm buôn bán chưa bị lỗ bao giờ. “Em nhập hàng ở đây giá thấp, về bán giá cao nên chị đảm bảo cũng sẽ không có chuyện thua lỗ”, chị này nói.

Chị Cúc giới thiệu, hàng đưa về thường được phân làm 3 loại: loại 1 là những củ to, loại 2 là những củ nhỏ còn loại 3 là những củ bị thối, hỏng cắt bỏ phần đã hỏng, phần ăn được giữ lại đổ buôn cho các quán cơm bình dân, bếp ăn tập thể hay nhà hàng xung quanh vùng với giá gốc. “Nhưng chị khuyên em, nếu mua khoai tây thì lấy loại to về dễ bán còn với hành, tỏi em lấy loại nhỏ, càng nhỏ càng tốt”.

Thắc mắc tại sao lại thế, chị Cúc bật mí rằng các mối khách về lấy hàng, hành tỏi thường lấy loại nhỏ, tuy cao hơn một vài giá nhưng về họ có thể trà trộn thành hành tỏi nội rất dễ bán, không bị người tiêu dùng phát hiện mà lợi nhuận tính ra lại cao hơn.

Hỏi những nhân công làm việc tại các cơ sở kinh doanh tại đây là có mua hàng nông sản này về ăn không, một người tên Thương – làm việc tại cơ sở của chị Cúc – nói nhỏ: “Chúng tôi không ăn những thứ này. Nghe hàng Trung Quốc độc hại, nhiễm thuốc này thuốc nọ nên kể cả giá rẻ chúng tôi cũng không dám. Ngay cả chủ hàng ở đây cũng thế thôi”.

Bà Lan – chủ quán nước ở trên, cũng thừa nhận mặc dù giá các mặt hàng nông sản Trung Quốc rất rẻ hầu hết người dân không mua về ăn bao giờ. Gia đình bà cũng vậy, một lạng hành, tỏi mua ở các cơ sở này cũng không.

Không có chứng nhận an toàn thực phẩm

Trao đổi với PV về việc quản lý chất lượng nông sản Trung Quốc tại khu vực chợ Hòa Đình, ông Nguyễn Văn Đại – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Sở NN-PTNT Bắc Ninh), cho biết, Chi cục chỉ quản lý những mặt hàng sản xuất trong nước, còn những mặt hàng liên quan đến xuất khẩu nhập khẩu do Cục chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, các mặt hàng nông sản “ngoại” đưa về tỉnh thì địa phương cũng quản lý và lên kế hoạch lấy mẫu kiểm tra.

Thế nhưng, theo ông Nguyễn Gia Cảnh, chuyên viên Chi Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản, các xe hàng thường xuyên về đêm nên phải truy xuất nguồn gốc ngoài giờ làm việc – mà nhiệm vụ này chỉ có thể thực hiện theo đoàn kiểm tra liên ngành.

Ông Cảnh nói thêm, Chi cục đã tiến hành đánh giá chất lượng sản phẩm của các công ty chuyên thu gom nông sản trên địa bàn để phân phối đi các thị trường. Tuy nhiên, 100% cơ sở đều không đạt giấy chứng nhận an toàn thực phẩm theo tiêu chí của Bộ NN-PTNT.