Trang chủ » Điểm nóng » ‘Bão’ tăng giá mới: Dân sống trong sợ hãi

‘Bão’ tăng giá mới: Dân sống trong sợ hãi

Tác giả:

Ngồi tính toán lại cách chi tiêu, cắt chỗ này, giảm chỗ kia làm sao không bị hụt chi, sống được với đồng lương ít ỏi của mình, chị Vũ Như Lan ở Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) than thở: “Lần vừa rồi giá xăng tăng mấy trăm đồng, tôi đi chợ thấy hàng hóa đua nhau tăng, từ mớ rau tới lạng thịt, con cá”.

“Cứ đà tăng thế này người dân như chúng tôi lại phải gồng mình, tính toán “thắt lưng buộc bụng” để không bị “thủng” túi”, chị Lan ngao ngán.

Còn anh Nguyễn Văn Quân ở Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) khi biết tin ba mặt hàng xăng dầu, điện và gas cùng lúc tăng giá liền đặt câu hỏi: “Trong khi lương mới chỉ điều chỉnh tăng được 5% thì nào thì xăng liên tục tăng, giá điện cũng tăng 5%, giá gas cũng thêm 8.000 đồng/bình (lần trước tăng 13.000 đồng/bình), rồi chẳng hiểu còn những mặt hàng nào tăng giá nữa. Tôi sợ nhất là lại phải đối mặt một cơn “bão” tăng giá mới. Số tiền lương tăng ít ỏi còn thực chất là thu nhập đa phần đang giảm thì chúng tôi biết tính toán thế nào cho đủ sống”?

{keywords}

Trước thực tế ngày, chị Nguyễn Thị Hồng (ngõ 2, Phạm Văn Đồng, Từ Liêm, Hà Nội) chỉ biết ngồi đăm chiêu lo lắng. Gần một năm nay, chồng chị đi làm bị nợ lương, chị phải cáng đáng cả 4 miệng ăn trong gia đình nhờ đồng lương công chức ít ỏi.

“Cứ sau mỗi lần tăng giá thế này, mỗi tháng tôi phải bỏ ra khoảng 500.000-700.000 đồng để bù đắp vào phần phí đi lại, tiền sinh hoạt bị đội lên do giá cả. Giờ tăng đồng loạt thế này tôi sống thế nào đây?”, chị Hồng nói.

Trong bối cảnh sức mua giảm mạnh, hàng hóa ế ẩm, việc tăng giá làm cho các tiểu thương tại chợ cũng méo mặt.

Bà Trần Thị Hà, tiểu thương chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) nói: “Chẳng ai muốn tăng giá, vì mỗi lần tăng lượng hàng bán ra lại giảm thêm. Nếu không tăng thì lỗ vốn. Tiểu thương ở chợ như chúng tôi chỉ còn nước đóng quầy, bỏ sạp đi kiếm việc khác mất thôi”.

Ông Phùng Văn Chính, Giám đốc một công ty vật liệu xây dựng, cho hay, thị trường bất động sản vẫn đóng băng, hàng làm ra không tiêu thụ được. Mỗi lần giá xăng, điện tăng, công ty đã phải gồng mình, vất vả cắt giảm nhiều khoản để không ảnh hưởng tới thu nhập của người lao động. Số tiền phải bỏ ra thêm cho mỗi đợt tăng giá thế này là không hề nhỏ, lên đến hàng chục triệu đồng.

“Đợt này công ty cũng chưa biết phải tiết giảm khoản nào nữa bởi khoản nào cắt giảm được công ty đã cắt rồi, tiết kiệm cũng hết sức. Sắp tới, tình hình vẫn còn khó khăn như thế này, nhiều khả năng tôi sẽ phải cho công nhân nghỉ luân phiên”, ông Chính cho hay.

Phó Tổng giám đốc một hệ thống siêu thị tại Hà Nội, nhận định, giá các mặt hàng nhiên liệu tăng dồn dập sẽ làm cho sức mua giảm hơn bởi túi tiền của người dẫn vẫn chỉ có vậy.

Theo vị này, lần trước khi giá xăng dầu tăng, doanh nghiệp đã cố kìm giá nhưng lần rất có thể nay mai, giá các mặt hàng thiết yếu có thể tăng đồng loạt.

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, cho rằng đây là một “cú sốc” đối với người dân. Nếu muốn tăng giá phải tăng dần dần chứ không tăng dồn dập và phải tăng hợp lý bởi sức cầu đang yếu, siêu thị vắng khách mua.

“CPI tăng 2,68% không ý nghĩa gì. Các vị làm chính sách phải chống gậy ra chợ, ghi nhận giá cả hàng hóa ngoài chợ tăng giảm thế nào, nghe các bà nội trợ đi chợ nói mới hiểu được. Hiện nay giá tăng, sức mua đang giảm liên tiếp do túi tiền của người dân ngày càng teo tóp”, ông Phú nói.

Ông Phú nhận định, thời gian tới chắc chắn giá hàng hóa sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, nhà sản xuất sẽ không tăng theo cách thô thiển từ 10-15% như những lần trước mà tăng khéo léo, kín đáo. Họ sẽ giảm trọng lượng, thay đổi mẫu mã theo kiểu “chiếc bánh mỳ giá vẫn vậy nhưng trọng lượng chỉ còn 2/3 hay vẽ thêm bông hoa vào cốc để tính giá khác”.