Trang chủ » Điểm nóng » Cấm nhà ở làm nhà nghỉ: Chủ kinh doanh lo mất nghiệp

Cấm nhà ở làm nhà nghỉ: Chủ kinh doanh lo mất nghiệp

Tác giả:

Chủ nhà nghỉ hoang mang

Một thời gian dài, kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ được xem là “mốt thời thượng” bởi cứ đầu tư thì chủ nhân có thể hái ra tiền một cách nhàn hạ. Song, kinh tế khó khăn, giờ hàng loạt nhà nghỉ phải âm thầm đóng cửa. Những nhà nghỉ còn tồn tại cũng trong tình trạng trầy trật vì vắng khách… Việc ra chủ trương cấm biến nhà ở thành nhà nghỉ sẽ khiến họ càng điêu đứng hơn, thậm chí phải đóng cửa, giải thể.

Vừa xây xong ngôi nhà ngôi nhà trong ngõ ở quận Thanh Xuân để mở nhà nghỉ, bà Nguyễn Liên Hoa đang rất lo lắng. Tổng số tiền bà đầu tư xây dựng lại ngôi nhà 6 tầng là hàng chục tỷ đồng. Theo bà Hoa, nếu có quy định mới này, việc xin cấp phép mở cơ sở kinh doanh lưu trú của bà sẽ bị ảnh hưởng. “Nhà tôi dốc hết vống liếng để làm ăn, nếu thế này thì không khéo thất nghiệp, nợ nần còn chưa trả được”, bà nói.

Anh Nguyễn Văn Hùng, chủ một nhà nghỉ ở Hà Đông, than thở: “Nói là kiếm ra tiền nhưng thực sự doanh thu của nhà nghỉ một năm gần đây rất thấp. Nhà có tổng số gần 20 phòng nhưng công suất thuê trung bình chưa được một nửa. Trước đây, những dịp lễ hay cuối tuần còn ‘cháy’ phòng, giờ thì hiếm khi mới được kín. Khách qua đêm thì ít, mà theo giờ cũng vắng tanh nên chưa bao giờ tôi cảm thấy chán nản như thế này.”

{keywords}

Theo anh Hùng, quy định mới nếu được thông qua coi như cắt luôn nguồn thu của gia đình, buộc anh phải chuyển đổi hình thức kinh doanh. “Trong gian đoạn kinh tế khó khăn như này, các cơ quan chức năng cần tạo thêm việc làm cho người dân chứ như vậy sẽ khiến hàng nghìn người thất nghiệp”, anh Hùng nói. Hiện cả gia đình anh và bốn nhân viên đều sống nhờ nguồn thu từ kinh doanh nhà nghỉ.

Còn bà Lại Thị Nga, chủ một nhà nghỉ ở Thái Thịnh, cho rằng, quy định này làm khó dễ cho các nhà nghỉ và ảnh hưởng tới những người có thu nhập thấp, bởi không phải người dân nào cũng có điều kiện để vào những khách sạn lớn. “Mỗi người dân có một nhu cầu riêng nên không thể vì không quản lý được là cấm quyền kinh doanh của họ. Vẫn có những cơ sở kinh doanh hoạt động đảm bảo an ninh, trật tự xã hội”.

Theo bà Nga, nếu có quy định này đồng nghĩa với việc nhiều nhà nghỉ lại phải làm thủ tục xin chuyển chức năng của nhà ở hoặc đập đi làm lại rất lãng phí. Bà Nga đưa ra kiến nghị nên bổ sung các tiêu chuẩn vào quy trình cấp giấy phép cho các cửa hàng kinh doanh kiểu này.

Đi nhà nghỉ chỉ để “thức với nhau”

Thống kê của Công an TP. Hà Nội mới đây cho thấy, thủ đô hiện có khoảng hơn 2.000 nhà nghỉ, khách sạn, nhà trọ và phần lớn trong đó tập trung tại các quận, huyện: Gia Lâm, Thanh Xuân, Cầu Giấy… (trước đây là ngoại thành). Trong đó, riêng Gia Lâm đã có tới 300 nhà nghỉ, hơn 800 nhà trọ. Thậm chí, tại thị trấn Đông Anh, dù cách Hà Nội đến 20 km, cũng có gần 100 nhà nghỉ các loại… Nếu chỉ tính mỗi nhà nghỉ có 5 lượt khách thì trung bình mỗi ngày, đã có đến 10.000 lượt người vào nhà nghỉ (chưa kể hệ thống khách sạn các sao).

Cơ quan này thừa nhận chưa kể phân loại được trong số đó có bao nhiêu khách có nhu cầu nghỉ ngơi thực sự; còn bao nhiêu vào để mua bán dâm, để ngoại tình, quan hệ tình dục; bao nhiêu vào để thực hiện các hành vi phạm tội khác như ma túy, cờ bạc…

Chính vì vậy, nhìn từ mặt trái của việc kinh doanh nhà nghỉ, phản hồi tới VietNamNet, nhiều độc giả khẳng định họ hoàn toàn đồng ý với chủ trương này.

Độc giả Nguyễn Thành Trung ([email protected]), cho hay, mỗi nhà nghỉ tối thiểu 10 phòng. Nếu công suất hoạt động thuê nghỉ theo giờ đạt đến 70-80% thì nhu cầu thuê nhà nghỉ là quá lớn. Song, với nhà ở xen kẽ trong khu dân cư mà kinh doanh nhà nghỉ hàng ngày sẽ gây rất nhiều phiền toái như mất an ninh, trật tự xã hội, gây xáo trộn sinh hoạt của người dân… Chưa kể, một nhà nghỉ trưng ra các loại biển quảng cáo xung quanh.

Độc giả có địa chỉ [email protected] nhận xét quy định này là rất vô lý, vi phạm quyền sở hữu và sử dụng nhà của dân, thậm chí vi phạm quyền công dân, quyền con người nữa. Vì lý do cuộc sống, người dân có thể chuyển đổi công năng ngôi nhà, miễn là họ có đăng ký và chấp hành kinh doanh có điều kiện như không gây ô nhiễm môi trường, không gây tiếng ồn xung quanh; trừ những vùng đất mới mở, có qui định trong qui hoạch khu vực kinh doanh, khu vực nhà ở riêng, nhưng phải công bố trước khi phân lô bán đất cho dân biết.

“Đất nước, dân còn đang nghèo, dân tằn tiện mua được miếng đất để làm nhà ở, có thể kết hợp kinh doanh, miễn là kinh doanh có điều kiện, chứ làm gì có nhiều tiền, có nhiều nhà đất để phân biệt nhà này, nhà kia, có nhà cho thuê kinh doanh, còn có villa để ở riêng? Hãy suy nghĩ những gì phục vụ cho đa số dân nghèo nhất. Đừng vì kém trong quản lý mà nghĩ ra điều CẤM”, độc giả này viết.

“Nên chăng chỉ cấp phép làm nhà nghỉ đạt các tiêu chuẩn tương đương khách sạn từ 2 sao trở lên. Không cấp phép kinh doanh nhà nghỉ ở trong ngõ ngách ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của khu dân cư” – độc giả này đề xuất.

“Nhiệt liệt ủng hộ quyết định cấm dùng nhà ở làm nhà nghỉ. Hiện nay, nhà nghỉ xen lẫn khu dân cư. Nhà có trẻ con nằm kề ngay cạnh nhà nghỉ hoặc nhà nghỉ nằm chình ình ngay đầu ngõ vào khu dân cư văn hóa tạo nên những cảnh vô cùng chướng tai, gai mắt và lộn xộn” – một độc giả viết

“Ngõ khu nhà tôi có 2 nhà nghỉ, có thể khẳng định 80% khách vào đây không phải để nghỉ. Hầu hết là các đôi nam nữ học sinh và sinh viên đèo nhau bằng xe máy, xe đạp thuê phòng ‘thức với nhau’. Các tệ nạn tru ngụ ở đây mà sao chính quyền vẫn cho phát triển?”, độc giả Phan Thanh Nam ([email protected]) đưa ví dụ minh họa.

Vẫn đề nghị tuýt còi

Trao đổi với PV. VietNamNet, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico cho rằng, luật này đừng lấn sân luật khác. Những hoạt động kinh doanh đã bị cấm, thì đương nhiên bị cấm ở mọi địa điểm, chứ không chỉ cấm hoạt động trong phạm vi nhà ở. Vì vậy, Luật Nhà ở không cần phải đề cập đến.

Ông Đức phân tích, nếu chỉ vì chữ “ở” mà cấm như vậy, thì có lẽ suy diễn ra rằng, phải cấm cả việc các công ty và tổ chức khác sở hữu nhà ở, vì chữ “ở” chỉ dành cho cá nhân. Nhưng xưa nay đã công nhận quyền sở hữu nhà ở của mọi chủ thể, thì đương nhiên cũng cần thừa nhận việc người ta sử dụng nhà ở vào nhiều mục đích, trong đó có việc kinh doanh. Còn trong những trường hợp cụ thể, như đối với nhà chung cư chẳng hạn, thì mới cần có những quy định chặt chẽ hơn và chủ yếu là để hạn chế, chứ không nên là cấm tiệt.

“Nếu hoạt động kinh doanh diễn ra tại nhà ở, mà đáp ứng được tất cả các điều kiện về an ninh, an toàn, trật tự,… thì không còn lý do gì để cấm. Chẳng hạn, kinh doanh gas; vật liệu gây cháy, nổ; kinh doanh vũ trường; quán bar; nhà nghỉ; dịch vụ karaoke,… đều đã có các quy định khá cụ thể. Nếu thấy chưa đủ điều kiện liên quan đến nhà ở, thì cần sửa đổi, bổ sung các quy định đó”, ông Đức nói.

Trước đó, vào năm 2009, Bộ Xây dựng từng có văn bản nghiêm cấm sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng vì những lo ngại về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, xáo trộn cuộc sống các cư dân trong toà nhà. Tuy nhiên, quy định này sau đó đã nhận phản ứng khá gay gắt của giới chuyên gia, doanh nghiệp và người dân vì thiếu tính thực tế.

Nên lưu ý các cơ sở gây ô nhiễm

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Bộ Xây dựng nên lưu ý các trường hợp tận dụng nhà ở làm nơi sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm tiếng ồn, bụi bẩn trong khu dân cư, thay vì chỉ mỗi nhà nghỉ.

Độc giả tên Thu ([email protected]) ví dụ, các nhà sát vách nhà dân mà là xưởng sản xuất với đủ máy móc như máy cắt, máy hàn… với tiếng ồn chói tai; các loại sơn, bụi hàn hàng ngày tra tấn trẻ em, người già, người ốm đau sao không thấy cấm? Hay những quán ăn, quán cà phê mở nhạc hết cỡ; những nơi tổ chức dịch vụ đám cưới, đám ma, đám giỗ, đám sinh nhật… mở loa công suất lớn, chơi nhạc sống ngày đêm làm hàng xóm không được nghỉ ngơi, làm việc, học tập được… thì chưa thấy đề cập đến – độc giả Nguyễn Bình ([email protected]) nêu ý kiến.

Độc giả Trần Bảo Sơn còn kiến nghị nên quy định lưu ý trường hợp sử dụng nhà ở trong khu dân cư làm phòng khám bệnh vì dễ gây ô nhiễm, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát tán.