Trang chủ » Điểm nóng » Điềm báo đầu năm: Ông lớn bỏ sàn ‘cầu’ vốn ngoại

Điềm báo đầu năm: Ông lớn bỏ sàn ‘cầu’ vốn ngoại

Tác giả:

Đầu năm mới đã rời sàn

Không có nhiều thay đổi so với kế hoạch đã lên từ trước đó, hôm 4/1/2014, đại hội cổ đông bất thường của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) – ông trùm trong lĩnh vực nuôi trồng và xuất khẩu tôm – đã thông qua kế hoạch hủy niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM.

Kết quả này hoàn toàn không bất ngờ bởi MPC đã nêu lý do rời sàn, được truyền thông khá rộng rãi tới giới đầu tư. Hơn nữa, các cổ đông lớn đang nắm giữ tỷ lệ cổ phần áp đảo tại DN này. Và lợi ích của cổ đông nhỏ cũng được đảm bảo nếu MPC rời sàn.

Hủy niêm yết để MPC tìm đối tác chiến lược, bán cổ phần cho nước ngoài với giá cao hẳn so với thị giá hiện tại và tái cơ cấu công ty. DN sẽ mua lại cổ phiếu của các cổ đông nhỏ lẻ để giảm số cổ đông xuống dưới 100, từ đó hủy tư cách công ty đại chúng, rút về hoạt động kín đáo hơn.

{keywords}

Điểm mới được công bố trong đại hội là MPC sẽ mua lại cổ phiếu của các cổ đông nhỏ lẻ với giá từ 20.000-30.000 đồng/cp, tương đương với mức thị giá khoảng 25.000 đồng/cp của MPC trên sàn hiện nay, nhưng thấp hơn khá nhiều so với mức giá 45.000-59.000 đồng/cp mà Minh Phú trước đó “bật mí” đối tác nước ngoài đã từng trả để trở thành đối tác chiến lược.

Cũng khá chóng vánh, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) vừa được Sở GDCK Hà Nội (HNX) chấp thuận hủy niêm yết tự nguyện hơn 34,7 triệu cổ phiếu từ ngày 10/1/2014 chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần từ thời điểm ĐHCĐ thông qua.

Công ty Cổ phần Sông Đà 9.01 (S91) cũng đã được HNX thông báo hủy niêm yết gần 3 triệu cổ phiếu từ ngày 7/1/2014 để thực hiện sáp nhập với công ty mẹ SD9 – DN đang sở hữu trên 55% vốn điều lệ của S91.

Trong những tháng tới, khả năng nhiều DN cũng sẽ hủy niêm yết tự nguyện như Nisco (NIS), Công ty Cổ phần Ngô Han (NHW), Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam (ALP), Công ty Cổ phần Nhà Việt Nam (NVN), Công ty Cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn (SGT), CTCP Khoáng sản & Xi măng Cần Thơ (CCM)…

Tất cả các DN này đều đã lên tiếng rút cổ phiếu khỏi các sàn chứng khoán. Một số thậm chí còn muốn rút khỏi mô hình hoạt động công ty đại chúng.

Kỳ vọng nhiều thất vọng lớn

Việc tự nguyện hủy niêm yết không còn là hiện tượng mới mẻ. Trong năm 2013, giới đầu tư đã chứng kiến 37 DN hủy niêm yết (gấp đôi 2012), trong đó nhiều DN hủy niêm yết tự nguyện, đơn cử như CTV, DHI, GFC, MIH, AGD, HBD…

{keywords}
Nhiều DN hủy niêm yết không phải vì lý do thua lỗ (ảnh minh họa) khiến NĐT nhỏ lẻ thiệt hại.

Xu hướng này khiến nhiều người lo ngại.

Nếu nhìn một cách tích cực, việc các DN làm ăn yếu kém đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc hay DN đang tái cấu trúc thông qua mua bán sáp nhập… là một xu hướng rất tốt cho sự phát triển của TTCK nói chung.

Song, nhiều DN lại hủy niêm yết cho dù mọi hoạt động đều rất tốt.

Trong trường hợp Minh Phú (MPC), DN này vừa công bố ước tính năm 2013 doanh thu xuất khẩu đạt đạt 520 triệu USD, tăng 40% so với năm 2012, lợi nhuận ước đạt 285 tỷ đồng. Kế hoạch năm nay cũng khá ấn tượng với doanh thu 550 triệu USD, lợi nhuận sau thuế 422 tỷ đồng. Mục tiêu năm 2020 đạt 1 tỷ USD doanh thu xuất khẩu, tăng trưởng khoảng 20%/năm và mục tiêu này có thể đạt được ngay trong năm 2016.

S91 từ khi niêm yết đến nay cũng chưa từng báo lỗ; lãi năm 2012 đạt 7,1 tỷ đồng trên vốn điều lệ 29,4 tỷ đồng.

Ngô Han (NHW) tính hủy niêm yết sau 4 năm trên sàn hoàn toàn không phải do làm ăn thua lỗ. DN này hiện vẫn là một ông lớn trong lĩnh vực hoạt động của mình, chiếm 40% thị phần dây điện từ ở Việt Nam. Suốt trong 4 năm trên sàn, NHW luôn là cổ phiếu có các chỉ số phân tích cơ bản rất tốt, chưa từng thua lỗ.

Trước đó, một ông lớn trong ngành thủy sản khác là Công ty cổ phần Gò Đàng (AGD) cũng đã hủy niêm yết tự nguyện để bán vốn cho đối tác ngoại.

Liệu có gì ẩn khuất đằng sau việc rút lui này?

Giải thích về quyết định của mình, “vua tôm” Minh Phú (MPC) nhấn mạnh trong nhiều tháng qua là để “huy động vốn cho phát triển”. Điều này khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi khi lên sàn, mục tiêu mà các DN hướng tới cũng là nhằm huy động vốn cho phát triển, mở rộng.

Với MPC, họ đã có kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông ngoại. Tuy nhiên, các vướng mắc về giá phát hành cao so với thị giá trên sàn thấp khiến các ông chủ không muốn mất tiền và lựa chọn “hủy niêm yết tự nguyện”.

Cả Gò Đàng cũng vậy. Các DN này đã lựa chọn phương án rút lui để tránh bị vướng vào những quy định trên sàn, để đảm bảo lợi ích của các cổ đông lớn sau khi nhận thấy huy động vốn không còn dễ dàng như trong các năm trước đây.

Bên cạnh đó, hầu hết các DN hủy niêm yết đều đưa ra các chương trình mua lại cổ phiếu để đảm bảo quyền lợi của các cổ đông nhỏ lẻ. Các động thái này đều được thực hiện đúng luật và hợp lý. Tuy nhiên, ở một góc cạnh nào đó, hiện tượng các DN rút lui rồi muốn giấu luôn thông tin, ẩn danh luôn bằng các cách thức như rút khỏi mô hình đại chúng (để không phải công bố thông tin), trở về mô hình công ty gia đình hoặc ỉm luôn nghĩa vụ công bố thông tin… có thể khiến nhiều NĐT nhỏ lẻ thiệt hại.

Chấp nhận bán lại cổ phiếu ở mức giá thấp hơn so với giá mà DN định bán cho đối tác ngoại đã là thiệt thòi, nhưng đó chưa phải tất cả. Nhiều NĐT hiện vẫn ôm hàng mớ giấy vụn vài trăm, thậm chí vài tỷ đồng của nhiều cổ phiếu bị hủy niêm yết hoặc hủy niêm yết tự nguyện.

Hàng loạt trường hợp cổ đông lớn đăng ký mua vào trước thềm hủy niêm yết cũng phần nào cho thấy được lợi ích của những người cầm trịch cuộc chơi, nắm được thông tin. Các NĐT nhỏ lẻ ở bất cứ đâu dường như vẫn phải phụ thuộc nhiều hơn vào sự may mắn.