Trang chủ » VNR500 & FAST500 » Sáng tạo để tiền tự tìm đến của vua cafe Việt

Sáng tạo để tiền tự tìm đến của vua cafe Việt

Tác giả:

Ở thủ đô Phuom Penh, những quán cafe mang tên Trung Nguyên xuất hiện ngày càng nhiều, cùng với những người bản xứ nghiền cafe là nơi những người Việt thường tụ tập khi làm ăn xa nhà.

Bỏ qua tất cả để theo đuổi một giấc mơ

Hàng chục năm qua, cái tên Trung Nguyên đã gắn liền với tên tuổi Đặng Lê Nguyên Vũ, một thanh niên đầy khát vọng, theo đuổi giấc mơ làm giàu theo cách riêng của mình: “Sáng tạo có trách nhiệm”. Lần đầu tiên tôi gặp anh cách đây độ hơn chục năm, tình cờ tại sảnh khách sạn Melia- Hà Nội.

Thú thực, lúc đó tôi không mấy quan tâm đến chủ đề “Nhượng quyền thương mại” nhưng hình ảnh một thanh niên đầu trọc lốc, mắt sáng, lông mày rậm, nói chuyện say sưa về cafe khiến tôi liên tưởng đến người khai quốc ở Đại Hội Tua từ thế kỷ trước. Cũng chính vì ấn tượng ấy, nên tôi đã lặng lẽ tìm hiểu về anh và theo dõi những bước đi của Trung Nguyên, câu slogan khi khởi nghiệp 16 năm trước là “Sáng tạo mang lại thành công”. Tới khoảng năm 2000 thì đổi qua “Khơi nguồn sáng tạo” và hiện nay là học thuyết: “Sáng tạo có trách nhiệm” với đầy đủ những khái niệm cho hệ thống lý luận này.

Theo Đặng Lê Nguyên Vũ, lịch sử loài người được chia làm 3 thời kỳ chính: Sáng tạo để Thích nghi, Sáng tạo vì lòng tham và giờ đây phải là Sáng tạo có Trách nhiệm. Sáng tạo vì lòng tham và hãnh tiến đã tàn phá thế giới trong mấy trăm năm gần đây. Trong thời đại toàn cầu hoá diễn ra trên cả ba mặt: Chính trị, kinh tế và công nghệ thì “Sáng tạo có trách nhiệm” sẽ là động lực để loài người xích lại gần nhau vì một mục tiêu chung là thịnh vượng và bền vững.

Khởi nghiệp kinh doanh từ những ngày tháng nhọc nhằn đạp xe đạp đi bỏ mối từng ký cà phê, thành công chưa nhiều nhưng thất bại thì đắng như… cafe. Không gục ngã trước những thất bại đó, anh vẫn quyết tâm đứng dậy và gây dựng trở lại từ con số âm với chiếc xe máy mượn của một người bạn tốt bụng. Đặng Lê Nguyên Vũ đã chọn Sài Gòn làm nơi bắt đầu cho những giấc mơ của mình. Ngày 20/08/1998 Đặng Lê Nguyên Vũ cho khai trương quán cà phê Trung Nguyên đầu tiên tại 587 Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận) và phục vụ uống cà phê miễn phí trong vòng 10 ngày. Điều khác biệt nhất của Trung Nguyên đối với tất cả các quán cà phê tại thời điểm đó là giúp cho khách hàng thấy được sự khác biệt đặc trưng giữa các loại cà phê khác nhau với những tên gọi riêng như: Sáng tạo 1, sáng tạo 2, sáng tạo 3…

Nếu chỉ với tham vọng làm giàu, người ta có hàng trăm sự lựa chọn, thậm chí có những sự lựa chọn khác ngoài cafe sẽ có thể giàu nhanh hơn nhiều nhưng Đặng Lê Nguyên Vũ đã quyết định gắn chặt sự nghiệp của mình với Cafe và xác định hẳn một hướng đi, đó là sự sáng tạo có trách nhiệm trên cơ sở thứ nguyên liệu tuyệt vời chỉ có ở xứ cao nguyên Trung phần mới có.

Sau dấu ấn khởi đầu khá thành công này, người dân Việt Nam lại ngạc nhiên thú vị khi những quán cà phê Trung Nguyên mọc lên ở khắp 63 tỉnh thành trên toàn quốc và lan tỏa ra nước ngoài. Trung Nguyên cũng là DN đầu tiên chọn phương thức kinh doanh nhượng quyền thương mại cả trong và ngoài nước. Vào năm 2000, lần đầu tiên, một thương hiệu Việt Nam đã nhượng quyền thương hiệu thành công tại Singapore với trị giá hàng chục ngàn đôla và tiếp theo sao đó là Nhật Bản. Đến hôm nay, Trung Nguyên đã có khoảng hơn chục quán cà phê nhượng quyền tại Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ…và cũng là công ty Việt Nam duy nhất có số lượng cửa hàng nhượng quyền nhiều nhất ở thế giới. Sản phẩm cafe hoà tan mang thương hiệu G7 của Trung Nguyên thì đã có mặt ở khoảng 60 quốc gia và vũng lãnh thổ.

Với Đặng Lê Nguyên Vũ, cafe không chỉ còn là một giấc mơ mà đã trở thành một “Học thuyết Cafe”, với tinh thần Cafe, triết học “Sáng tạo có trách nhiệm” trong thời toàn cầu hoá khiến ai cũng có thể thành công. Muốn thành công cần có sáng tạo, Cafe kích thích sáng tạo; nhưng sáng tạo cần có một số điều kiện nền tảng về văn hoá và chính trị. Từ tinh thần nhân bản đó, có thể nói cà phê là năng lượng của nền kinh tế trí thức, kinh tế sáng tạo, kinh tế bền vững, giúp kiến tạo thế giới mới.

Theo đuổi mục tiêu lớn- tiền sẽ tự đến

Với khát vọng: Xây dựng thương hiệu Việt cho Cafe Việt Nam, Đặng Lê Nguyên Vũ đã làm tất cả, không chỉ cho Trung Nguyên mà còn cho cả cộng đồng. Khi đã trở thành người khá giả, điều mà Đặng Lê Nguyên Vũ Quan tâm không phải là giàu nhanh mà là khơi dậy nguồn cảm hứng làm giàu cho lớp trẻ. Anh cho rằng, tương lai của đất nước phụ thuộc rất lớn vào lớn trẻ. Nếu lớp trẻ có khát vọng làm giàu và được trang bị những kiến thức, những kỹ năng để làm giàu thì sẽ có một tầng lớp doanh nhân mới thành đạt, đó mới là nền tảng để đất nước hưng thịnh.

Anh say sưa nói về hiện tượng Israel, hiện nay, trở thành một doanh nhân khởi nghiệp là chuẩn mực trong xã hội Israel. Rõ ràng văn hóa đóng vai trò “sinh tử” trong phát triển quốc gia, bên cạnh tầm nhìn của giới tinh hoa, ý thức hệ, thể chế vĩ mô và chiến lược thực thi, được kích xúc bởi văn hóa khởi nghiệp. “Tôi nghĩ rằng, sở dĩ quốc gia Israel hùng cường, ảnh hưởng lớn như vậy bởi họ có được một hoài bão với ba tinh thần “chiến binh, doanh nhân và sáng tạo.”

Anh tâm sự: Tôi luôn tâm niệm là phải xây dựng một thế hệ trẻ tôn trọng giá trị sáng tạo có trách nhiệm và thế hệ doanh nhân mới với hoài bão chinh phục và ảnh hưởng. Cùng với đó là ba phẩm chất không thể thiếu của người muốn thành đạt là: Sáng tạo, chiến binh, doanh nhân.

Từ những tâm niệm ấy, Trung Nguyên đã nỗ lực tham gia những chương trình nhằm khơi dậy khát vọng sáng tạo cho giới trẻ. Năm 2003, Trung Nguyên tài trợ cho chương trình “Sáng tạo vì thương hiệu Việt”, “Xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam”. Trung Nguyên cũng là doanh nghiệp đồng hành với nhiều chương trình khác với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, kiến quốc. Mỗi chương trình, ở mức độ ít nhiều khác nhau, nhưng ít thì cũng hàng trăm triệu và nhiều có thể lên đến một số tỷ đồng.

Với tinh thần Sáng tạo có Trách nhiệm đó, Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng việc truyền lửa vào thế hệ thanh niên là quan trọng nhất vì 1 quốc gia mạnh chỉ khi thanh niên mạnh. Trong bối cảnh đối diện hàng loạt khủng hoảng như hiện nay, tài nguyên ngày càng cạn kiệt, thì bộ não, tinh thần sáng tạo cần được coi như giá trị sống của quốc gia, nhất là của thế hệ thanh niên. Vì thế, Trung Nguyên đã cùng TƯ Đoàn phát động các chương trình như trao tặng 100 triệu cuốn sách khởi nghiệp sáng tạo cho thanh niên VN với cuốn đầu tiên là “Nghĩ giàu làm giàu”… Sắp tới đây, Trung Nguyên sẽ tiếp tục thực hiện một chuỗi các hoạt động bổ ích, thiết thực khác dành cho thanh niên nhằm tiếp tục cài đặt tâm thế, trao công thức thành công và hiện thức hóa ước mơ của các bạn trẻ. Trong đó, việc trao cho các bạn trẻ cuốn sách “Quốc gia khởi nghiệp” là khởi động tâm thế và tinh thần khởi nghiệp kiến quốc cho lớp trẻ – đối tượng quyết định sự phát triển của đất nước.

Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng, để chấn hưng đất nước, không có cách nào khác là tạo ra một cộng đồng DN đoàn kết và hùng mạnh, với một số các DN mũi nhọn của quốc gia có thể đạt tới cấp độ Trường tồn. Các doanh nghiệp này sẽ mở đường, dẫn dắt, tạo điều kiện cho và được hỗ trợ bởi các doanh nghiệp vĩ đại và doanh nghiệp tốt, theo mô hình đàn sếu di cư. Trạng thái doanh nghiệp tốt là trạng thái nền tảng cho nền kinh tế Việt Nam.

Trên cơ sở những doanh nghiệp hiện có, trước mắt là chúng ta phải cùng đoàn kết để đưa các doanh nghiệp còn hạn chế nhanh chóng về mức cơ bản; đồng thời, nhanh chóng phát triển từ cơ bản thành tốt, từ tốt thành vĩ đại, từ vĩ đại thành trường tồn. Hiện nay có một số các doanh nghiệp Việt có nền tảng để trở thành từ tốt thành vĩ đại, thậm chí có thể tiến nhanh lên trường tồn. Các doanh nghiệp này cần được sự trợ lực của toàn thể cộng đồng doanh nghiệp, của nhà nước và xã hội để tạo ra sự đột phá cho nền kinh tế quốc gia.

Là doanh nhân, người đứng đầu một doanh nghiệp với 3.000 nhân viên nhưng không mấy khi nghe Đặng Lê Nguyên Vũ nói về chuyện “cơm áo gạo tiền” mà chỉ thấy anh mải miết theo đuổi những mục tiêu lớn “Khơi nguồn sự sáng tạo” tưởng như ngoài tầm của mình. Anh cho rằng, khi mình theo đuổi những mục tiêu lớn lao, tiền sẽ tự nó đến. Sau 17 năm ra đời, gần như từ con số không, năm 2012, doanh số của Trung Nguyên đạt 200 triệu USD, tăng 32% so với năm 2011. Dự kiến doanh thu năm 2013 sẽ tăng gấp đôi do nhu cầu cà phê đóng gói ở các nước trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc… tăng mạnh. Trung Nguyên đặt ra mục tiêu đạt doanh thu một tỷ USD vào năm 2016.

Uy tín, tên tuổi của Trung Nguyên gắn liền với cái tên Đặng Lê Nguyên Vũ. Thương hiệu Trung Nguyên và nhân hiệu Đặng Lê Nguyên Vũ không chỉ được cả nước biết đến mà còn lan toả ra nước ngoài. Tháng 8 năm 2012, một tờ báo Mỹ uy tín Forbes, đã khắc họa chân dung về Đặng Lê Nguyên Vũ như một “Vua Cà phê Việt” trong đó ca ngợi ông là nhân vật “zero to hero” (từ số không thành anh hùng).

Đặng Lê Nguyên Vũ cho biết: năm 2013 là năm Trung Nguyên đẩy mạnh ra thị trường thế giới, mà trước hết, sẽ tham gia vào thị trường ASEAN và coi đây như là thị trường nội địa của mình. Bên cạnh đó, Trung Nguyên sẽ tiến vào thị trường Mỹ với việc xúc tiến mua lại một số nhà máy rang xay cà phê ở Mỹ, đồng thời mở cửa hàng ở một số thành phố như Seattle, New York, đặc biệt là Boston, nơi được coi là trí khôn của thế giới với một nền kinh tế tri thức với rất nhiều bí ẩn chưa được khám phá.

Khi cùng nhau – không gì là không thể

… là câu nói kết thúc bài thuyết trình của Đặng Lê Nguyên Vũ trong Hội nghị CEO Summit 2013 do Vietnam Report tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh vào cuối tháng 8/2013 mới đây, đã để lại ấn tượng sâu sắc, đồng thời thay lời các doanh nghiệp lớn thể hiện ý chí quyết tâm để cùng xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng và sáng tạo, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.

Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng, sự phát triển có một nguyên nhân rất quan trọng đó là “Tính tích hợp”. Xã hội càng phát triển, “Tính tích hợp” ngày càng cao. Ông bà ta đã có câu: “Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Trong xã hội hiện đại, chân lý này càng được sáng tỏ. Tích hợp tư duy, tích hợp ý tưởng đã sáng tạo ra những xu hướng lớn, Tích hợp công nghệ đã sáng tạo ra những sản phẩm tiêu dùng tuyệt vời như máy nghe nhạc, máy vi tính, smart phone…) Tích hợp thị trường đã tạo ra những thị trường không biên giới như ASEAN, APEC…

Thực tiễn lớn mạnh trong 17 năm qua của Trung Nguyên cho thấy, để có được ngày hôm nay, Đặng Lê Nguyên Vũ không ngừng sáng tạo trên nền tảng tích hợp và khai thác thế mạnh của các cộng sự, các đồng nghiệp và những đối tác khác. Bằng sự ủng hộ vô tư với những chương trình do các cơ quan truyền thông khởi xướng, tên tuổi Trung Nguyên, sự ưu việt của Trung Nguyên lặng lẽ đi vào đời sống của mỗi người dân. Giờ đây, thương hiệu Trung Nguyên đã trở thành một phần không thể thiếu được với đời sống của những người dân Việt.

Với tuyên ngôn: “Chúng ta phải thay đổi định mệnh” Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn nung nấu khát vọng đưa Trung Nguyên trở thành một thương hiệu mạnh sánh ngang với Starbuck. Anh nói: “… tôi đánh giá rất cao những nỗ lực để mang lại niềm tin cho thị trường, bởi niềm tin cũng như khả năng tự tin của doanh nghiệp chúng ta đang rất yếu ớt và để tạo lập, xác lập lại niềm tin sẽ cần nỗ lực cao độ.”

Để thay đổi vận mệnh của đất nước, không có cách nào khác là phải bắt đầu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đặng Lê Nguyên Vũ nói: Tôi cho rằng triển vọng kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào những quyết định trong việc lựa chọn chiến lược của chính phủ… tôi nghĩ Chính phủ không những cần giải quyết những vấn đề cấp bách trong hiện tại để xây dựng niềm tin cho giới doanh nghiệp cũng như cộng đồng xã hội, mà song song đó, cần phải tính toán những biện pháp lâu dài để hướng tới mục tiêu đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững.

Những quyết định chiến lược của Chính phủ liên quan tới định vị chiến lược, lựa chọn chiến lược, xây dựng những hệ thống thực thi vào thời điểm này là rất quan trọng. Những hậu thuẫn và chính sách vĩ mô đúng đắn sẽ giúp doanh nghiệp thành công, hình thành nên những ngành thế mạnh của Việt Nam cạnh tranh với thế giới, tiến đến cụm ngành, liên ngành, thậm chí tiến đến hệ sinh thái đặc trưng kinh tế của Việt Nam ảnh hưởng trên thế giới, ví dụ như nông nghiệp.

Nhìn xa hơn, Chính phủ cần chuẩn bị cho một lớp doanh nhân mới, từ tâm thế, cho tới những lĩnh vực, những ngành và chính sách thiết thực để có thể cạnh tranh được trên thế giới. Ngay từ bây giờ cần có những quyết sách để giáo dục, nuôi dưỡng tâm thế khởi nghiệp mới này trên nhiều cấp bậc, thậm chí đưa vào hệ thống giáo dục đào tạo.

Từ một người nghèo khó, sau hơn chục năm miệt mài sáng tạo, Đặng Lê Nguyên Vũ đã trở thành một doanh nhân thành đạt. Sự thành đạt ấy không bắt nguồn từ chụp giựt, từ đánh quả, từ khai thác tài nguyên, đất đai mà là sự kiên trì theo đuổi chủ nghĩa “Sáng tạo có trách nhiệm”. Tài nguyên thì hữu hạn còn sự sáng tạo thì vô hạn.

Việt Nam hiện có khoảng 25 triệu thanh niên, nếu có một chương trình khuyến khích khởi nghiệp mang tầm cỡ quốc gia, nếu kiên trì theo đuổi “Sáng tạo có trách nhiệm” hoàn toàn có thể tạo ra hàng trăm, thậm chí hàng ngàn Đặng Lê Nguyên Vũ trong tương lai. Đó sẽ là những người tạo ra vận hội mới cho Việt Nam. Cũng như Đặng Lê Nguyên Vũ, tôi hoàn toàn tin tưởng vào điều đó.