Trang chủ » Điểm nóng » Nói và làm: Sau khẩu chiến xăng dầu và cái bắt tay của hai bộ

Nói và làm: Sau khẩu chiến xăng dầu và cái bắt tay của hai bộ

Tác giả:

“Chúng tôi điều hành xăng dầu không phải vì 11 doanh nghiệp đầu mối mà vì hơn 80 triệu dân. Nếu doanh nghiệp nào nói bỏ cuộc chơi thì Nhà nước chấp nhận cho rút…” Suốt gần một tuần qua, khẩu khí sắc sảo, quyết liệt và đầy trách nhiệm của bộ trưởng bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã khiến cho hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam thực sự ngưỡng mộ.

Đó hẳn không phải câu nói “suông” trong một cuộc hội thảo với một vài doanh nghiệp mà chính là lời hứa mạnh mẽ trước công chúng về một nền kinh tế tài chính minh bạch, lành mạnh trong thời gian tới.

Sau đó Petrolimex cũng lên tiếng giải trình về cách tính toán của mình, rồi Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cũng khẳng định “Tôi tin mình đúng!” và để xử lý DN gian lận thì “chỉ bằng một quyết định rút phép, tay tôi ký trong 1 giây đồng hồ thì ngày mai, doanh nghiệp đó sẽ không tham gia thị trường nữa” nhưng ông cho rằng điều hành vừa phải cương quyết, vừa có lý, có tình.

Vài ngày sau “khẩu chiến”, Bộ Tài chính khẳng định, “liên bộ không có bất đồng trong điều hành xăng dầu”. Lãnh đạo cao nhất của hai bộ thống nhất tinh thần điều hành giá xăng dầu kiên trì theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước, lộ trình và liều lượng phải phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Bao nhiêu năm nay, thị trường xăng dầu vẫn bùng nhùng, rối rắm như thế, cơ chế điều hành vẫn khó hiểu như thế, bởi vậy, đằng sau những lời khẳng định của lãnh đạo hai bộ Tài chính và Công thương là cả một quyết tâm và cũng là một lời hứa: đi tìm sự thật và sự minh bạch!

Sau cuộc “khẩu chiến” và cái “bắt tay” giữa Bộ Tài chính và Công thương lần này, người dân kỳ vọng một cuộc cải tổ thực sự trong điều hành xăng dầu.

Cho tới giờ phút này, người tiêu dùng đã được biết, Bộ Tài chính đang rốt ráo yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo rất chi tiết về tình hình kinh doanh xăng dầu. Trong đó, các đơn vị sẽ phải báo cáo cụ thể về việc nhập khẩu xăng dầu từ 1/1/2011 đến ngày 12/9/2011 gồm mặt hàng chủng loại, số lượng xăng dầu nhập khẩu cụ thể, giá nhập, tỷ giá tại thời điểm nhập. Trong đó, bộ này cũng yêu cầu phải chia ra 2 giai đoạn từ 1/1/2011 đến 25/8/2011 tức trước khi giảm giá xăng dầu và từ 26/8 đến 12/9/2011, sau khi giảm giá xăng dầu.

Đồng thời, các đơn vị phải báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh chung và chi tiết về kết quả kinh doanh riêng mặt hàng xăng dầu 6 tháng đầu năm 2011, dự kiến quý III và cả năm 2011, việc trích lập và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Chưa hết, 3 tổ kiểm tra “đặc biệt” đã được thành lập và đang đi rà soát chi phí, giá vốn của 4 doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường xăng dầu.

Nói được, làm được và hiệu quả tức thì đối với lĩnh vực hàng hóa chiến lược, nhạy cảm và quá nhiều uẩn khúc, phức tạp như xăng dầu thì quả là một thách thức lớn.

Đặc biệt, việc truy tìm sự thật có chăng sự gian lận, lãi thật lỗ giả này hẳn sẽ là một cuộc đối đầu cương quyết trước lợi ích nhóm hãy đang tồn tại và trước những tư duy quản lý còn mang tính quan liêu, bao cấp hoặc thị trường nửa vời vốn đã kéo dài đằng đẵng nhiều năm.

Đã nhiều lần, giá xăng dầu hôm trước được lãnh đạo các bộ hứa “không tăng giá” thì vài hôm sau, lại tăng. Ngay cả giờ đây, nhiều lãnh đạo vẫn chưa thể trả lời cho câu hỏi, từ nay tới cuối năm, có tăng giá xăng rồi giá điện hay không.

Những ngày này, một số chuyên gia kinh tế và cả Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, người từng giữ chức TGĐ Petrolimex, đã lên tiếng cho rằng việc tranh cãi lỗ lãi không giải quyết được tận gốc vấn đề, mà phải đổi mới trong điều hành để xóa bỏ độc quyền xăng dầu và vận hành theo cơ chế thị trường thực sự. Người dân đang chờ đợi một sự đột phá trong vận hành thị trường xăng dầu sắp tới.

Có thể, đó là một bản “cáo bạch thông tin” toàn cảnh xăng dầu trong thời gian tới. Cao hơn nữa, tiếp sau sự minh bạch ấy phải là một đường lối điều hành đúng đắn, hiệu quả.

Trước tiên là chiến dịch cải cách thị trường xăng dầu, làm sao để có một cấu trúc thị trường cạnh tranh lành mạnh mà ở đó, người dân được quyền lựa chọn cửa hàng bán lẻ, giá xăng không phải là đồng nhất và các doanh nghiệp có động lực để giảm chi phí, hạ giá thành nếu muốn tồn tại.

Cơ chế điều hành mới phải làm sao để doanh nghiệp không thể “làm mình làm mẩy” với Nhà nước về sự vỡ hệ thống, đứt nguồn cùng. Và làm sao, Nhà nước cũng không thể điều hành nếu chỉ nắm dao đằng lưỡi, “há miệng mắc quai” khi hứa thả giá cho doanh nghiệp định đoạt theo Nghị định 84 để rồi lại hốt hoảng kéo lại để mình nắm giữ, để không bắt doanh nghiệp lo trợ cấp cho vùng sâu, vùng sa rồi sau đó, lại mủi lòng khi doanh nghiệp kể công vì nhiệm vụ công ích nên lỗ, Nhà nước phải chịu giùm.

Khởi đầu bằng “khẩu chiến”, tiếp tục bằng “bắt tay”, hy vọng Bộ Tài chính và Công thương sẽ phối hợp nhịp nhàng và hành động quyết liệt để minh bạch hóa xăng dầu.