Trang chủ » Doanh nhân » Những doanh nhân tuổi Tỵ thành đạt

Những doanh nhân tuổi Tỵ thành đạt

Tác giả:

Ông Đỗ Minh Phú – Chủ tịch Doji Group và Tienphong Bank

Năm 2011, ông Phú cùng gia đình đã chuyển nhượng 95% cổ phần của Diana thu về gần 200 triệu USD. Với số tiền không lồ này, đầu năm 2012, ông Phú cùng em trai là ông Đỗ Anh Tú đã tiến hành mua lại một lượng lớn cổ phần của Ngân hàng Tiên Phong và trở thành chủ tịch HĐQT của Ngân hàng này.

Ông Phú hiện là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Doji Group – doanh nghiệp tư nhân lớn nhất trong lĩnh vực vàng bạc đá quý với doanh thu năm 2011 đạt 30.000 tỷ đồng. Ngoài ra, ông còn là Chủ tịch HĐQT của nhiều công ty khác như SJC Đà Nẵng, SJC Hà Nội, Artex Saigon…

Hệ thống Doji Group hiện gồm 7 công ty thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con và 6 công ty liên kết. Doanh thu của tập đoàn đã tăng đáng kể khi mua cổ phần chi phối của 2 công ty SJC Hà Nội và SJC Đà Nẵng.

Bà Mai Kiều Liên – Chủ tịch Kiêm TGĐ Vinamilk

Bà Liên bắt đầu làm việc tại Vinamilk từ năm 1976 và đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc trong suốt 20 năm vừa qua.

Dưới sự lãnh đạo của vị nữ thuyền trưởng này, Vinamilk đã liên tục tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua; trở thành 1 bluechip hàng đầu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đứng trong top những doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận và vốn hóa lớn nhất.

Trong năm vừa qua, bà Liên đã được nhiều tạp chí quốc tế bầu chọn là một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.

Sở hữu lượng cổ phiếu có trị giá xấp xỉ 200 tỷ đồng, bà Liên hiện đứng ở vị trí thứ 60 trong Top những người giàu nhất TTCK Việt Nam.

Ông Trần Mộng Hùng – Thành viên HĐQT ACB

Cuối tháng 12 vừa qua, nguyên chủ tịch ACB Trần Mộng Hùng đã quay trở lại HĐQT sau một năm đầy sóng gió với ngân hàng này.

Gia đình ông Hùng đang nắm giữ gần 10% cổ phần của ACB, vợ và con trai ông cũng đang ở trong HĐQT ACB. Con trai ông Hùng là ông Trần Hùng Huy đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT từ tháng 9/2012.

Trên bảng xếp hạng người giàu nhất TTCK năm 2012, ông Trần Hùng Huy ở vị trí thứ 32 còn ông Trần Mộng Hùng ở vị trí 47.

 

Ông Đỗ Duy Thái – Chủ tịch Thép Việt

Ông Đỗ Duy Thái là ông chủ của công ty Thép Việt – công ty mẹ của CTCP Thép Pomina (POM).

Tiền thân là nhà máy thép Pomina 1 thuộc công ty Thép Việt, Pomina bắt đầu ra sản phẩm từ năm 2002 và nhanh chóng thành công ty sản xuất thép xây dựng có thị phần lớn nhất Việt Nam.

Ông Thái không sở hữu cổ phiếu Pomina nhưng gia đình ông cùng công ty Thép Việt đang nắm giữ tới hơn 85% cổ phần của Pomina.   Pomina giảm 6% nhưng lợi nhuận giảm tới 98% so với cùng kỳ năm 2011. Dù kết quả kinh doanh kém nhưng giá cổ phiếu Pomina đã tăng gấp rưỡi trong 1 năm qua.

 

Ông Phạm Văn Bự – Chủ tịch Ngân hàng Đông Á

Ông Phạm Văn Bự hiện là Phó Chánh văn phòng Thành ủy Tp.HCM và đại diện Thành ủy giữ chức Chủ tịch Ngân hàng Đông Á từ năm 2007 đến nay.

Ngoài ra, ông Bự còn là Phó Chủ tịch của CTCP Du lịch văn hóa Suối Tiên.

Trước đây, ông đã từng có thời gian lãnh đạo Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) và Chủ tịch của Saigon Petro.

 

Ông Mạch Thiệu Đức – Chủ tịch Ngân hàng Phương Nam

Tại ngân hàng Phương Nam, gia đình ông Trầm Bê là cổ đông chính tuy nhiên, họ không nắm chức vụ chủ tịch của Ngân hàng này.

Ông Mạch Thiệu Đức làm việc tại Ngân hàng Phương Nam từ năm 1997 đến nay; lần lượt được bổ nhiệm các chức vụ: Trưởng phòng Thanh Toán Quốc Tế Hội Sở, Giám đốc Chi Nhánh Đại Nam, Giám đốc Chi nhánh Minh Phụng, Uỷ viên HĐQT, Chủ tịch HĐQT.

Ông Đức hiện sở hữu 3,2 triệu cổ phiếu, tương đương 0,8% cổ phần của Phương Nam.

 

Ông Đỗ Văn Trắc – Phó Chủ tịch HĐQT – TGĐ Sacom

Ông Trắc giữ chức vụ Giám/Tổng giám đốc của Sacom (SAM) liên tục từ năm 1999 đến nay.

Dưới sự lãnh đạo của ông Trắc, Sacom đã là 1 trong 2 doanh nghiệp đầu tiên niêm yết cổ phiếu, quy mô hiện tại đã đã tăng trưởng mạnh so với khi lên sàn. Tuy nhiên, do ngành nghề kinh doanh chính là cáp viễn thông đã thoái trào và đầu tư nhiều vào tài chính, bất động sản nên lợi nhuận của Sacom không ổn định, đôi khi bị lỗ lớn.

Cuối năm 2012, ông Trắc đã mua thêm 2 triệu cổ phiếu, nâng gấp đôi tỷ lệ nắm giữ tại Sacom lên mức 3%.