Trang chủ » Doanh nhân » DN Việt tháo chạy khỏi những kẻ săn mồi

DN Việt tháo chạy khỏi những kẻ săn mồi

Tác giả:

“Vua tôm” Minh Phú xin hủy niêm yết

Thông tin này, hơn một tuần nay, đã gây xôn xao cả giới truyền thông và nhà đầu tư. Trước khi Đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) diễn ra vào ngày 16/5 tới, thì mọi chuyện vẫn chỉ là đồn đoán.

Tuy nhiên, việc nhiều cổ đông của Minh Phú đã và đang tìm cách bán cổ phần tại đây cho thấy, họ đã biết trước được vận mệnh của công ty này.

Điều đáng nói là, những lý do mà lãnh đạo Minh Phú đưa ra lý giải việc tự xin hủy niêm yết (do áp lực của cổ đông ngoại, do thanh khoản, hay cần tiền cho những kế hoạch dài hơi) không làm nguôi đi sự tò mò.

Trước hết, liên quan đến cổ đông ngoại, theo báo cáo thường niên phát hành hồi tháng 4 năm nay, MPC có 2 cổ đông ngoại nắm giữ hơn 16% vốn điều lệ là Red River Holding và Vietnam Investment Fund. 2 cổ đông lớn nhất đồng thời cũng thuộc Ban lãnh đạo của Công ty là Chủ tịch HĐQT Lê Văn Quang và Thành viên HĐQT Chu Thị Bình (cũng là vợ ông Quang) hiện nắm giữ gần 48% vốn của MPC. Như vậy, lãnh đạo MPC vẫn nắm thế chủ động trước mọi quyết định liên quan đến vận mệnh MPC.

{keywords}

“Vua tôm” Minh Phú đang được giới truyền thông và nhà đầu tư chú ý với thông tin xin huỷ niêm yết

Thứ hai, liên quan đến sức khỏe tài chính, Báo cáo tài chính MPC năm 2012 cho thấy, dòng tiền của Công ty vẫn tốt, với hơn 1.260 tỷ đồng tiền và tương đương tiền. Tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn tương đương nhau.

Đáng chú ý ở kế hoạch dài hơi của Minh Phú là tăng vốn công ty con Minh Phú – Hậu Giang từ 600 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng và thành lập Viện Nghiên cứu tôm với vốn ban đầu 1 triệu USD trích từ Quỹ Nghiên cứu phát triển.

Với kế hoạch trên, tại Đại hội đồng cổ đông sắp tới, HĐQT sẽ có tờ trình phát hành riêng lẻ 30 triệu cổ phiếu. Giả sử việc phát hành này dành cho cổ đông ngoại, thì chuyện chiều lòng cổ đông ngoại để hợp tác phát triển dài hạn là điều có thể xảy ra.

Tuy nhiên, cách đây một năm, Công ty CP Foods (Charoen Pokpand Foods) Thái Lan đã nhòm ngó Minh Phú và muốn mua 40% cổ phần. Dù đang rất cần vốn để duy trì hoạt động, nhưng Minh Phú đã từ chối, do trong lúc đàm phán hợp đồng, Minh Phú đã tìm lại được đơn hàng. Song lý do quan trọng nhất là Minh Phú thấy CP Foods đưa ra một số điều khoản cho thấy họ có tham vọng muốn thâu tóm. Đây là điều ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Minh Phú, không hề mong muốn.

Theo nguồn tin riêng của PV, ông Quang bằng mọi giá giữ lại sản nghiệp của gia đình để cho con gái. Báo cáo thường niên năm 2012 cho thấy, ông Quang và vợ có tỷ lệ cổ phần nắm giữ không biến động nhiều. Chỉ riêng tỷ lệ cổ phần nắm giữ của con gái ông là Lê Thị Dịu Minh có biến động, từ 9,43% xuống 4,51% (từ ngày 1/1/2012 – 31/12/2012).

“Tuy tỷ lệ cổ phần của con gái có giảm, nhưng ông Quang chắc chắn sẽ chuyển giao dần dần cho con gái mình”, nguồn tin này khẳng định.

Làn sóng rời sàn

Hiện tượng doanh nghiệp tự xin rời thị trường chứng khoán, với mục đích tháo chạy, tránh bị thâu tóm không phải là hiếm tại Việt Nam. Hơn một năm qua, hàng loạt “tên tuổi” cũng tuyên bố tự nguyện rời sàn như Công ty cổ phần Đầu tư Alphanm, Công ty cổ phần Hóa dược phẩm Mekophar, Công ty cổ phần Xây lắp và Đầu tư Sông Đà, Công ty cổ phần Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải, Công ty cổ phần Gò Đàng, Công ty cổ phần Vinafco…

Trên thực tế, cũng có trường hợp doanh nghiệp bị buộc phải rời sàn do làm ăn thua lỗ, nhưng không vì thế mà lãnh đạo thấy buồn lòng. Đây cũng là suy nghĩ của ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty Sunhouse (chuyên sản xuất, kinh doanh đồ gia dụng).

Ngày 21/5 tới, Công ty cổ phần Hàng hải Sài Gòn (SHC) – nơi ông Phú làm Chủ tịch HĐQT và nắm tỷ lệ cổ phần chi phối (hơn 16%) phải rời sàn chứng khoán bắt buộc vì thua lỗ. Cuối năm 2011, ông Phú mua lại số cổ phần này với giá cao gấp 3 lần thị giá và nắm quyền Chủ tịch HĐQT tại công này vào tháng 6/2012.

Cần phải nhắc lại là, SHC là doanh nghiệp nhà nước thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), được thành lập từ năm 1998. Năm 2002, Công ty chính thức chuyển sang công ty cổ phần và bắt đầu niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào tháng 8/2006, nhưng 3 năm sau, đã xin tự nguyện hủy niêm yết để chuyển sang Sàn giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Ngành nghề chính của Công ty là cung ứng, cho thuê tàu biền; đại lý container; giao nhận hàng hóa đường biển, đường không; xếp dỡ hàng hóa…

Mặc dù năm 2012, SHC có lãi sau thuế hơn 2,9 tỷ đồng, nhưng lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2012 vẫn vượt khoảng 17 tỷ đồng so với vốn điều lệ thực góp và buộc phải hủy niêm yết.

Việc tự nguyện huỷ niêm yết sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc huy động vốn của SHC cũng như quyền lợi của các cổ đông (nếu muốn mua hay bán chứng khoán sẽ khó khăn hơn trong việc tìm đối tác). Tuy nhiên, theo ông Phú, huy động vốn từ sàn vào lúc này không được tốt và nếu cổ đông nào muốn bán lại cổ phiếu, thì ông sẵn sàng thỏa thuận mua lại, với giá phù hợp với giá thị trường.

Với Công ty Sunhouse, ông Phú cũng có quyết tâm lên sàn và không hề có ý định thay đổi, nhưng xem ra nhà đầu tư vẫn phải chờ đợi dài dài. “Niềm tin và tính minh bạch của thị trường này còn quá nhiều hạn chế, nhất là thời điểm này. Chúng tôi sẽ chờ đợi, khi thời cơ tốt nhất sẽ tiến hành niêm yết”, ông Phú lý giải.

Phải chăng, ông Phú cũng đang có mối lo chung với các doanh nghiệp nêu trên như dư luận đang đồn thổi?