Trang chủ » Tranh luận » Lợi nhuận và rủi ro của ngân hàng Việt Nam

Lợi nhuận và rủi ro của ngân hàng Việt Nam

Tác giả:

Từ câu chuyện lợi nhuận kỷ lục của ngân hàng

Bất chấp nền kinh tế trong năm 2011 vẫn còn nhiều khó khăn, các ngân hàng vẫn tiếp tục đạt được mức lợi nhuận cao từ hàng trăm đến hàng ngàn tỉ đồng, tùy theo quy mô từng ngân hàng. Điều này đã không thể tránh khỏi những chỉ trích từ nhiều phía, đặc biệt là những doanh nghiệp đang gặp khó khăn, thua lỗ hoặc thậm chí phá sản. Như nhiều ý kiến đã phân tích, mặc dù mức lợi nhuận, nếu nhìn vào con số tuyệt đối, thì có vẻ rất cao nhưng nếu so sánh với quy mô tài sản (ROA) và vốn tự có (ROE) của ngân hàng thì chưa hẳn là quá cao.

Điều đáng ngạc nhiên là, mặc dù có mức lợi nhuận cao nhưng xem ra vẫn chưa thể làm hài lòng các cổ đông ngân hàng và nhà đầu tư. Bằng chứng là giá cổ phiếu của các ngân hàng trên thị trường chứng khoán hiện vẫn ở mức rất thấp và cũng chưa phải quá hấp dẫn so với cổ phiếu các nhóm ngành khác như vài năm trước đây.

Điều này cho thấy rằng, thước đo mà nhà đầu tư đánh giá hiệu quả trong hoạt động của ngân hàng không phải chỉ có lợi nhuận mà còn là rủi ro. Mối quan hệ giữa lợi nhuận và rủi ro được thể hiện thông qua giá trị của ngân hàng trên thị trường, tức thị giá cổ phiếu của ngân hàng. Nếu có ai đó tin rằng, lợi nhuận của ngân hàng cao một cách vô lý trong điều kiện các doanh nghiệp đang khốn đốn thì một lẽ tự nhiên là họ sẽ bán cổ phiếu doanh nghiệp hoặc/và đem tài sản hiện có để mua cổ phiếu ngân hàng. Trong thực tế đã không có một làn sóng như vậy diễn ra mỗi khi các ngân hàng công bố báo cáo tài chính. Chắc chắn rằng các nhà đầu tư vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra rằng lợi nhuận của ngân hàng không phải “của trời cho” mà lợi nhuận đó đang phản ánh những rủi ro mà ngân hàng đang gặp phải.

Nhận dạng vấn đề rủi ro của ngân hàng

Có quá nhiều rủi ro mà các ngân hàng đang phải đối mặt như rủi ro lạm phát, thị trường, lãi suất, hối đoái, tái đầu tư, tác nghiệp… nhưng nổi bật trong năm 2011 cần phải kể đến rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản và đặc biệt là rủi ro chính sách.

Rủi ro tín dụng

Như đã nói, thước đo lợi nhuận, ngay cả khi có bộ tiêu chuẩn kế toán tốt, vẫn không thể lượng hóa hết được hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Đặc biệt, nó không thể phản ánh hết được tất cả các loại rủi ro mà ngân hàng đang gặp phải. Lợi nhuận mà ngân hàng công bố hiện nay có phần phản ánh rủi ro tín dụng thông qua các khoản trích lập dự phòng. Tuy nhiên, ngay chính tiêu chuẩn và điều khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng theo quy định hiện hành vẫn còn nhiều khiếm khuyết, không phản ánh được thực chất các nguy cơ rủi ro tín dụng mà ngân hàng đang gặp phải. Chẳng hạn như các khoản cho vay khi được bảo đảm bằng 100% giá trị tài sản cũng không đồng nghĩa với việc là sẽ không có rủi ro tín dụng. Tài sản đảm bảo được định giá vào thời điểm cấp tín dụng và để làm cơ sở quyết định mức cho vay thay vì là thời điểm trả nợ và để làm cơ sở hoàn trả được nợ vay.

Hơn nữa, với các khoản nợ được bảo đảm 100% giá trị tài sản thì mức trích lập dự phòng rủi ro gần như bằng không, bất kể mức độ và xác suất xảy ra rủi ro tín dụng như thế nào. Hơn nữa, trong điều kiện thị trường có nhiều biến động thì việc giá trị tài sản giảm sâu hoặc kém thanh khoản là hoàn toàn có thể xảy ra. Đối với các ngân hàng Việt Nam, khi nhóm tài sản đảm bảo hiện nay chủ yếu là bất động sản thì việc thị trường bất động sản xấu đi vừa không chỉ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng là các nhà đầu tư bất động sản mà còn là các khoản nợ được thế chấp bởi bất động sản (bất động sản dân cư). Trong những trường hợp như vậy, việc đánh giá lại giá trị tài sản đảm bảo cũng như việc thực hiện bút toán điều chỉnh theo giá trị trường (marking-to-market) là rất cần thiết nhưng thực tế đã bị bỏ qua hoặc không được tiến hành một cách thực chất và đúng bản chất của rủi ro tín dụng.

Bên cạnh đó, rủi ro tín dụng ở các ngân hàng Việt Nam còn do sự gia tăng của hiện tượng bất cân xứng thông tin trong bối cảnh bất ổn vĩ mô mà biểu hiện là hành vi lựa chọn ngược (adverse selection). Trái với quan điểm thông thường cho rằng khi lãi suất cho vay cao sẽ giúp loại bỏ các dự án tồi có suất sinh lợi kém, đồng thời chọn lọc những dự án tốt với mức sinh lợi cao.

Đáng tiếc, trong điều kiện Việt Nam, khi lãi suất cho vay quá cao thì chính những con nợ rủi ro mới là đối tượng sẵn sàng tiếp cận vốn vay chứ không phải là con nợ an toàn. Nghĩa là, do ngân hàng không có thông tin đáng tin cậy về người đi vay và do đó không thể phân biệt được con nợ tốt với con nợ xấu nên khi lãi suất quá cao đã đặt ngân hàng vào thế lựa chọn bất lợi chứ không hoàn toàn là người đi vay mới bị bất lợi. Như vậy, nếu nhìn ở góc độ này thì việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không khống chế trần lãi suất cho vay không chỉ gây bất lợi cho người đi vay như một số phân tích mà ngay cả bản thân ngân hàng cũng sẽ gặp rủi ro do lựa chọn ngược. Hiện, không có một đánh giá đáng tin cậy nào về tỷ lệ nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng nhưng có điều chắc chắn con số đang tăng lên và tăng nhanh khi khả năng đảo nợ của doanh nghiệp đã đạt đến điểm giới hạn của nó.

Rủi ro thanh khoản

Khác với rủi ro tín dụng thường diễn ra theo một tiến trình, từ những dấu hiệu khó khăn ban đầu như tỷ lệ nợ xấu tăng dần đến quá trình tái cơ cấu nợ. Trong khi đó, rủi ro thanh khoản thường mang tính chất bất ngờ, không nhất thiết phải là những khó khăn trong bảng tổng kết tài sản, và đặc biệt nguy hiểm bởi khả năng lây lan có tính hệ thống trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Có một số công cụ hay phương thức mà các ngân hàng có thể sử dụng nhằm giảm rủi ro thanh khoản như vay liên ngân hàng, vay tái cấp vốn của NHNN, phát hành chứng chỉ tiền gửi có thể chuyển nhượng (NCDs) hoặc bán các tài sản ngắn hạn… Tuy nhiên, hoạt động vay mượn trên thị trường liên ngân hàng hiện đang bị tắc nghẽn. Công cụ vay tái cấp vốn của NHNN cũng ít khi phát huy hiệu lực do những trở ngại hành chính từ quyết định cấp hạn mức tái cấp vốn và bản thân các ngân hàng cũng không có nhiều giấy tờ có giá đủ tiêu chuẩn để tái chiết khấu. Các tài sản ngắn hạn nhằm dự trữ thanh khoản như tín phiếu kho bạc cũng chỉ có quy mô nhỏ, lại được phân bổ không đều và không hợp lý giữa các ngân hàng. Thị trường mở không phải là sân chơi cho tất cả các ngân hàng, đặc biệt đối với những ngân hàng đang gặp nhiều áp lực thanh khoản nhất hiện nay.

Hơn nữa, bản thân các ngân hàng, do áp lực cạnh tranh trong việc huy động vốn bởi rào cản trần lãi suất, cũng đã tự làm khó mình khi sáng tạo ra các tài khoản tiền gửi hết sức đa dạng mà bản chất cũng là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn. Chẳng hạn như các tài khoản có kỳ hạn vẫn dễ dàng rút trước hạn một cách linh hoạt mà không kèm ràng buộc nào hoặc tiền gửi kỳ hạn cực ngắn sẽ càng làm gia tăng tính chất bấp bênh của dòng vốn ngân hàng. Cuối cùng, thị trường thứ cấp cho các giao dịch NCDs vẫn chưa hình thành, trong khi thị trường sơ cấp vẫn ở mức độ sơ khai.

Ngoài ra, một phần của rủi ro thanh khoản hiện nay còn phản ánh rủi ro tín dụng mà ngân hàng đang gặp phải như đã nói ở trên. Một tỷ trọng không nhỏ các khoản nợ đang bị găm giữ vào thị trường bất động sản và chứng khoán đã khiến cho dòng vốn không thể xoay vòng được cũng góp phần vào rủi ro thanh khoản. Trong khi đó, chính sách trần lãi suất huy động của NHNN mới là tác nhân trực tiếp làm gia tăng những căng thẳng của rủi ro thanh khoản trong hệ thống ngân hàng hiện nay.

Rủi ro chính sách

Bên cạnh rủi ro tín dụng và thanh khoản thì có một rủi ro khác ít được đề cập hơn mà các ngân hàng vẫn thường xuyên đối mặt đó chính là rủi ro chính sách. Tiếp nối dư địa chính sách của những năm trước, trong năm 2011, môi trường chính sách liên tục có nhiều thay đổi ở cả hai cấp độ vĩ mô và ngành (ngân hàng). Nếu như Nghị quyết 11 được ban hành nhằm ổn định kinh tế vĩ mô là cần thiết thì chính việc thực thi nghị quyết này ở cấp độ ngành lại tạo ra những xáo trộn không nhỏ trong hoạt động của các ngân hàng. Sự điều hành chính sách kiểu hành chính lại có thiên hướng bị lạm dụng quá mức, thậm chí NHNN có những can thiệp sâu vào tổ chức và hoạt động của ngân hàng. Trong điều kiện đó, các ngân hàng không chắc rằng những quyết định hay giao dịch của mình liệu có hợp pháp không và có khả năng vi phạm các quy định “sắp tới” của NHNN không.

Khi môi trường chính sách thay đổi và không thể dự đoán thì các chiến lược và kế hoạch kinh doanh của ngân hàng cũng bị phá vỡ. Do không thể biết được, với một độ tin cậy nhất định, điều gì sẽ xảy ra nên tính chất bất ổn của môi trường pháp lý hiện nay thể hiện là sự bất trắc (uncertainty) chứ không còn là rủi ro (risk). Trong môi trường bất trắc không suy giảm, các ngân hàng không thể chủ động lập được chiến lược kinh doanh phù hợp, thay vào đó là các sách lược phòng thủ và đối phó. Khi các ngân hàng phải lo đối phó với các thách thức chính sách ngắn hạn như vậy thì sẽ không còn đủ nguồn lực để giải quyết những rủi ro và các thách thức có tính chất dài hạn khác.

Tóm lại, lợi nhuận của các ngân hàng hiện nay là tương đối cao nhưng xem ra vẫn chưa thể phản ánh hết được những rủi ro mà ngân hàng đang đối mặt. Tuy nhiên, bài toán của các ngân hàng hiện nay không phải là tiếp tục tìm cách gia tăng lợi nhuận mà là phải giảm rủi ro. Giảm rủi ro không chỉ là trách nhiệm của từng ngân hàng hay hệ thống ngân hàng mà còn là của NHNN và cả Chính phủ. Trong khi NHNN cần phải trả lại cho thị trường những thứ vốn không thuộc về mình thì Chính phủ cần phải giảm được tính bất ổn trong môi trường chính sách.

(Theo TBKTSG)