Trang chủ » Tranh luận » Chỉ có xử lý nợ xấu mới cứu được doanh nghiệp

Chỉ có xử lý nợ xấu mới cứu được doanh nghiệp

Tác giả:

Theo tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng được kết luận là không tuyến tính. Lạm phát cao quá, thấp quá hay dao động mạnh đều ảnh hưởng không tốt đến tăng trưởng. Một số nghiên cứu còn đặt vấn đề tìm kiếm một mức lạm phát tối ưu của từng quốc gia cho tăng trưởng. Từng có nghiên cứu đưa ra con số đối với Việt Nam là 9%.

Năm nay, cơ quan quản lý nhà nước và nhiều chuyên gia nhận định lạm phát sẽ đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, ở mức 9%. Thế nhưng, những người lạc quan nhất cũng không hy vọng gì về một sự tối ưu cho tăng trưởng, khi mà tác dụng phụ của cuộc chiến kiềm chế lạm phát năm ngoái theo nghị quyết 11 của Chính phủ là tình cảnh nền kinh tế đình đốn với những con số thống kê không ngừng gia tăng về số doanh nghiệp phá sản, ngưng hay hoạt động cầm chừng, sức mua giảm, tồn kho tăng…

Nghị quyết 11 đưa ra hai mũi giáp công chống lạm phát là chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; chính sách tài khoá thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước. Theo thẩm tra của uỷ ban Kinh tế – Quốc hội về báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2011 của Chính phủ, mặc dù áp dụng cắt giảm chi thường xuyên 10%, chi ngân sách năm 2011 vẫn vượt 13,8% so với dự toán và hơn 28,58% so với năm 2010, trong đó chi đầu tư phát triển đã tăng 27,5% so với dự toán. Ông Thành cho rằng nếu chính sách tài khoá hiệu quả hơn, thì đã không đến nỗi chính sách tiền tệ bị “áp lực” mà hệ quả là doanh nghiệp phải uống thuốc đắng kéo dài, với lãi suất tăng cao, tăng trưởng tín dụng giảm mạnh…

Giờ đây, khi tạm yên lòng với lạm phát, để cứu doanh nghiệp, cũng lại hai công cụ chính sách là tài khoá và tiền tệ được lên kế hoạch áp dụng. Gói hỗ trợ doanh nghiệp có tính chất “tài khoá” trị giá 29.000 tỉ đồng vừa được Chính phủ thông qua được ông Thành đánh giá là nhỏ, nên mang tính động viên tinh thần là chính. Ông Thành và cả tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nguyên phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, đều cho rằng giảm thuế thu nhập là giải pháp cứu trước mắt. Một cách căn bản, cần giảm thuế suất để khuyến khích đầu tư lâu dài, tăng khả năng cạnh tranh thu hút đầu tư với các nước. Cũng như, thay vì hoãn, cần giảm thuế giá trị gia tăng để thực sự kích cầu.

Câu hỏi đang được đặt ra hiện nay là ta đang cứu doanh nghiệp hay cứu ngân hàng? (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Gói tài khoá dù chưa đủ mạnh nhưng dù sao mục tiêu cũng rõ ràng, việc thực hiện cũng tương đối đơn giản, so với gói mang tính chất tiền tệ, mà theo ông Lê Xuân Nghĩa là “mơ hồ”. Tới hết tháng 4.2012, tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức âm. Vẻ như, lại một lần nữa, ta gặp vấn đề ở mục tiêu phối hợp đồng bộ. Cần phải tập trung gỡ nút thắt này.

Ông Nghĩa phân tích, nói áp trần lãi suất 15% cho bốn lĩnh vực/khu vực ưu tiên, nhưng thật ra là cho toàn nền kinh tế rồi vì doanh nghiệp vừa và nhỏ – một trong bốn lĩnh vực ưu tiên – chiếm tới 90% số lượng doanh nghiệp. Dù thế, trần này chỉ có lợi cho doanh nghiệp có điều kiện tài chính tốt, đủ điều kiện để được vay, còn lại đại bộ phận doanh nghiệp chỉ nhìn và thèm. Các ngân hàng đã biết sợ nợ xấu sau cơn khủng hoảng năm rồi. Ngân hàng nào không bị khủng hoảng nhờ hoạch định cho mình một chiến lược kinh doanh coi trọng quản trị rủi ro như ACB, theo đánh giá của ông Nghĩa, càng thấm thía giá trị của sự an toàn. Cho nên gần đây mới có chuyện tưởng như nghịch lý là ACB công bố mình “thừa” tới 3 tỉ USD nhưng không kiếm được khách hàng tốt để cho vay, phải cho vay trên thị trường liên ngân hàng hay mua trái phiếu, tín phiếu với lãi suất thấp. Vì vậy, giảm lãi suất cho vay chỉ là một vế của bài toán rã băng thị trường tín dụng.

Ở một khía cạnh khác, giảm bằng mệnh lệnh hành chính đang khiến cho một số ngân hàng lách bằng cách “né hồ sơ xin cho vay của các đối tượng ưu tiên”, như lời của một nhân viên tín dụng mà ông Nghĩa dẫn lại.

Theo ông Nghĩa, nói cơ cấu lại nợ bằng cách giãn nợ cho doanh nghiệp, thực chất là kéo dài thời hạn vay đối với những khoản nợ cũ. Doanh nghiệp chưa chắc được vay mới, vì còn tuỳ vào trần tăng trưởng tín dụng và khả năng huy động để cho vay của mỗi ngân hàng. Dù có cho vay mới hay không, các ngân hàng vẫn tiếp tục thu lãi, ít nhất là với nợ cũ, còn doanh nghiệp thì chỉ giảm được chút ít áp lực trả nợ. Vì vậy, tác dụng của những giải pháp này là “hết sức hạn chế”.

Trên thực tế, cho đến nay, ngay cả khi ngân hàng Nhà nước “bật đèn xanh” cho việc này (cho phép khi cơ cấu nợ không phải chuyển nợ đó lên nhóm nợ xấu cao hơn, mà cùng với đó là phải trích dự phòng rủi ro nhiều hơn) thì theo ông Nghĩa, những thông tin cần có về sự tích cực của các ngân hàng cũng không rõ ràng. Trong khi đó, cũng có không ít ý kiến lo ngại cho phép cơ cấu lại nợ sẽ là một bước lùi trong việc minh bạch hoá nợ xấu, làm tiền đề cho tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Cả ông Thành, ông Nghĩa đều cho rằng giải pháp căn bản nhất để rã băng thị trường tín dụng trong điều kiện hiện nay là phải làm sao cho doanh nghiệp đạt được chuẩn tín dụng để vay mới. Muốn vậy, phải xử lý được nợ xấu tồn đọng. Từ góc nhìn của giới ngân hàng, ông Trần Xuân Giá, chủ tịch hội đồng quản trị của ACB, cũng cho rằng “phải có chính sách thiết thực để cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, nếu không thì ngân hàng không cách gì cho vay ra”. Âu cũng là cứu ngân hàng. Với thâm niên kinh nghiệm xử lý khủng hoảng nợ trước đây, ông Giá cho rằng “sử dụng nguồn lực có được của Nhà nước vào việc làm sạch sẽ sổ sách doanh nghiệp có tác dụng hơn nhiều” (so với những giải pháp hiện nay – PV).

Theo ông Nghĩa, Nhà nước cần đứng ra mua lại nợ xấu vì khu vực tư nhân không thể nào mua nổi số nợ khổng lồ này. Nguồn thì có thể huy động từ trái phiếu chính phủ, tín phiếu của ngân hàng Nhà nước, nguồn dự phòng rủi ro hay vay vốn quốc tế và trong nước. “Quan điểm xử lý có vẻ đồng thuận, nhưng tổ chức thực hiện thế nào còn đang lúng túng”, ông Nghĩa nhận định. Bởi lẽ, nếu có được tài trợ thêm vốn, công ty Mua bán nợ và xử lý tài sản tồn đọng của doanh nghiệp thuộc bộ Tài chính (DATC) cũng không đủ năng lực, và nhất là khuôn khổ thể chế để đảm đương. Ông gợi ý kinh nghiệm của Thuỵ Điển: Quốc hội uỷ quyền cho ngân hàng Nhà nước đứng ra mua và bán lại nếu được giá và giám sát quá trình này.

Xử lý căn cơ vấn đề nợ xấu trong lúc này sẽ có tác dụng kép, trước mắt, là rã băng thị trường tín dụng và về lâu dài là bước đi cần thiết để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Câu hỏi đang được đặt ra hiện nay là ta đang cứu doanh nghiệp hay cứu ngân hàng? Số phận đã ràng buộc doanh nghiệp với ngân hàng khi lệ thuộc vào nguồn tín dụng này. Cho đến khi các doanh nghiệp có thể đa dạng hoá nguồn vốn bằng các kênh khác như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… muốn cứu doanh nghiệp cũng phải cứu chiếc cầu nối – ngân hàng – cũng là cả nền kinh tế. Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng mà ta đang bắt đầu tiến hành, coi như là một sự gia cố hay xây mới chiếc cầu này cho vững chãi.

(Theo SGTT)