Rơi tự do
Chỉ chống chọi được ít phút đầu buổi sáng, tới gần trưa phiên giao dịch ngày 5/8, cổ phiếu HAR của CTCP đầu tư thương mại An Dương Thảo Điền tiếp tục giảm sàn xuống còn 11.200 đồng/cp với dư bán có lúc lên tới 500.000 cổ phiếu.
HAR tiếp tục giảm sàn (-6,3%) với dư bán lớn cho dù 6 trong 7 phiên liền trước cổ phiếu này cũng đã giảm mỗi phiên ở mức tương tự và tính riêng trong tháng 7/2013 HAR đã giảm hơn một nửa (giảm gần 60%) từ mức 28.700 đồng/cp xuống còn 12.000 đồng/cp.
Hiện tượng giảm mạnh của HAR đã khiến lực cầu bắt đáy khá lớn, song áp lực bán ra vẫn rất mạnh đã khiến cổ phiếu này không thể ngóc đầu đi lên và hầu hết các NĐT trên thị trường thời gian gần đây thua lỗ vì cổ phiếu này.
Nhiều NĐT cho biết, họ tính bắt đáy HAR ở mức giá 20.000 đồng nhưng không ngờ cổ phiếu lại giảm mạnh như vậy. So với thời kỳ đỉnh cao gần 40.000 đồng/cp (hồi cuối tháng 5/2013), việc HAR xuống thấp hơn giá chào sàn 12.000 đồng thực sự là một cú sốc đối với họ.
Với nhiều NĐT lão luyện vốn đã quen với những biến động bất thường của cổ phiếu trên TTCK cũng không khỏi ngỡ ngàng với sự lên xuống của các cổ phiếu chỉ biết mất giá như: HAR hay FLC trong khoảng 2 tháng gần đây.
Trong vòng 2 năm gần đây, TTCK Việt Nam chứng kiến khá nhiều cổ phiếu rớt giá thê thảm từ mức 30.000-40.000 đồng/cp xuống mức vài nghìn trong một khoảng thời gian khá ngắn, chỉ khoảng 1 năm.
ASM của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sao Mai tỉnh An Giang là như vậy. Chỉ trong vòng hơn 1 năm, cổ phiếu này đã giảm từ mức trên 40.000 đồng/cp hồi tháng 5/2011 xuống dưới 10.000 đồng/cp và hiện đang được giao dịch ở mức xung quanh 6.500 đồng/cp.
Địa ốc Hoàng Quân (HQC) cũng có khoảng thời gian đen tối, rớt từ mức gần 30.000 đồng/cp (hồi đầu 2011 xuống khoảng 3.000 đồng/cp sau đó hơn 1 năm. Đức Long Gia Lai (DLG) cũng mất khoảng hơn một năm để rớt từ 30.000 đồng/cp về mức 4.000 đồng/cp. Trường hợp Dược Thú y Cai Lậy (MKV) rớt từ trên 60.000 đồng xuống 6.500 đồng hồi cuối 2010, đầu 2011 hay Vận tải Hà Tiên rớt từ 40.000 đồng xuống 5.000 đồng/cp hồi cuối 2010 cho tới cuối 2011 cũng vậy.
Vì sao nên nỗi?
Trong bối cảnh TTCK ảm đạm và chịu ảnh hưởng nhiều của cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước cũng như thế giới, việc các cổ phiếu giảm giá cũng là chuyện thường tình. Tuy nhiên, điều đáng nói là có một số cổ phiếu giảm quá nhanh và quá sâu. Những biến động bất thường của các cổ phiếu khiến giới đầu tư đặt câu hỏi: Vấn đề gì xảy ra với các doanh nghiệp đó? Hay, nếu không có vấn đề gì lớn thì tại sao cổ phiếu lại giảm mạnh như vậy? Bao giờ các cổ phiếu này mới hồi phục?
Trở lại trường hợp HAR, doanh nghiệp này đã có những bước phát triển giống như thánh Gióng với vốn điều lệ trong vòng 3 năm (từ khi thành lập 2007) đã tăng từ 32 tỷ lên 350 tỷ đồng; giá cổ phiếu cũng tăng vọt từ mức chào sàn 12.000 đồng (hồi giữa tháng 1/2013) lên đỉnh 40.000 đồng/cp vào cuối tháng 4.
Giá tăng mạnh đã khiến HAR thành tâm điểm của TTCK và khi đó, các cổ đông, NĐT có nhiều lý do để tin rằng đây là một cổ phiếu rất hấp dẫn. Doanh nghiệp này có thể có nhiều tiềm năng như có mỏ titan; được NĐT ngoại dòm ngó…
Tuy nhiên, những con số báo cáo cho thấy những kinh doanh của DN không mấy sáng sủa. Trong 6 tháng đầu năm 2013, kết quả kinh doanh có dấu hiệu khởi sắc nhưng lợi nhuận/cổ phiếu (EPS) vẫn rất thấp, chỉ đạt 265 đồng/cp. Do đẩy mạnh chi đầu tư, tiền mặt và tương đương tiền cuối quý II/2013 của HAR chỉ còn 143 triệu đồng, giảm mạnh so với 6,4 tỷ đồng số dư đầu năm.
Một điểm khá ngạc nhiên nữa là, sau khi đạt đỉnh 40.000 đồng/cp, HAR đã nhanh chóng rớt về ngưỡng 20.000 đồng (vào cuối tháng 5) rồi sau đó lại tăng lên 35.000 đồng/cp trong vòng đúng một tháng, trước khi rớt về mức 11.200 đồng/cp như hiện tại.
Có thể thấy, với tình hình như hiện nay, cho dù có một số doanh nghiệp duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh khá tốt nhưng đa số còn lại gặp khó khăn. Còn về biến động giá cổ phiếu trên TTCK nhiều khi không phụ thuộc vào hoạt động của doanh nghiệp mà phụ thuộc vào tâm lý trên thị trường, vào những những giao dịch lớn, vào kỳ vọng của giới đầu tư…
Tuy vậy, một điểm chung có thể nhận thấy ở những cổ phiếu có biến động giá rất mạnh trong một khoảng thời gian ngắn là có sự đóng góp của hàng loạt những thông tin bất thường như: thay đổi kế hoạch, bổ sung hoạt động, giao dịch khủng của các cổ đông lớn… NĐT nhỏ lẻ thông thường là người cuối cùng biết thông tin và cũng không thể nắm được chân tơ kẽ tóc thực trạng của doanh nghiệp. Họ có lẽ là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Bất cứ cơn sốt nào cũng có lý do, vấn đề là có bắt được ra căn bệnh gây ra những cơn sốt đó hay không.