Trang chủ » Tranh luận » Những DN vượt đáy, lãi đậm ngàn tỷ

Những DN vượt đáy, lãi đậm ngàn tỷ

Tác giả:

Lãi đậm, tiền mặt dồi dào

Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) công bố kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2013 cho thấy, lượng dư tiền mặt cuối kỳ tăng hơn gấp đôi so với đầu năm lên gần 2.400 tỷ đồng.

Riêng quý II, PVD lãi 443,8 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm vượt trên 1.000 tỷ đồng, đạt gần 70% kế hoạch cả năm.

CTCP Khí Việt Nam (GAS) trong 6 tháng lãi sau thuế hơn 6.200 tỷ đồng, tăng 27% cùng kỳ 2012. Đây cũng là DN có lượng tiền mặt lớn nhất trên TTCK 2.200 tỷ tiền dự trong tài hoản. Nếu cộng thêm các khoản tương đương thì tiền dư của GAS lên tới 16.142 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk (VNM) cũng công bố lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trong quý II đạt 1.843 tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ 2012. Lũy kế 6 tháng, VNM lãi ròng gần 3.374 tỷ đồng, tăng 21,5% so với 6 tháng đầu năm 2012.

Công ty này có lợi nhuận chưa phân tới cuối quý II lên tới hơn 6.100 tỷ đồng, chưa tính tới một loạt các khoản tiền khổng lồ trị giá cũng hàng nghìn tỷ đồng đang nằm trong một số quỹ như: quỹ đầu tư phát triển, dự phòng tài chính…

FPT trong 6 tháng đầu năm cũng kiếm gần 1.280 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và đang nắm giữ hơn 3.200 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) sau 6 tháng đạt 2.934 đồng/cổ phiếu, tăng 5% so với cùng kỳ.

CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) cũng chứng kiến tăng trưởng lợi nhuận đột biến trong 6 tháng với mức lãi ròng hơn 1.300 tỷ đồng, gấp gần 7 lần so với cùng kỳ năm trước.

Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải cho dù vừa gặp rất nhiều khó khăn và phải xin gia hạn 1.200 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu cũng đã công bố một thông tin lợi nhuận ròng quỹ quý II/2013 đạt 257,2 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ, cao hơn cả lợi nhuận cả năm 2012 (240 tỷ đồng). Lũy kế 6 tháng, Trường Hải lãi trên 360 tỉ đồng.

CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) cũng vừa công bố lợi nhuận và dư tiền hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, lợi nhuận quý II/2013 của DPM đạt 908 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt hơn 1.626 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền thời điểm chốt quý II/2013 đạt trên 5.900 tỷ đồng.

Với khối ngân hàng, một số đơn vị có kết quả kinh doanh khá ấn tượng như Vietcombank hợp nhất đạt 2.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Kim Long (KLS) cũng đã báo cáo lãi hơn 77 tỷ đồng trong 6 tháng và điểm nổi bật là tới cuối quý II, tiền và tương đương tiền vẫn rất khủng, đạt 1.536 tỷ đồng, tăng 220 tỷ đồng so với số dư đầu năm.

Rất nhiều DN trong lĩnh vực cao su, nhựa, dược phẩm cũng đạt được lợi nhuận rất cao và dư tiền lớn trong 6 tháng như: DPR (tiền và tương đương tiền đạt gần 500 tỷ đồng); PHR (lợi nhuận chưa phân phối 722 tỷ đồng); DHG (tiền và tương đương tiền đạt 590 tỷ đồng); BMP (tiền và tương đương tiền đạt 520 tỷ đồng

Phát huy lợi thế và ăn dày ưu đãi

Nhìn vào các DN thuộc tốp làm ăn tốt nhất trên thị trường có thể thấy đa phần đây là các đơn vị đầu ngành, có quy mô lớn, khả năng cạnh tranh cao hơn hẳn so với các đối thủ khác. Sự khó khăn trong nhiều năm qua do khủng hoảng không làm lợi nhuận suy giảm mà trái lại vẫn tăng trưởng khá đều. Không những thế, những thuận lợi về lãi suất giảm, thuế giảm, tỷ giá, về thị trường… trong 6 tháng đầu năm càng khiến cho các đại gia này lớn mạnh, túi đầy tiền hơn.

Trong trường hợp PPC, doanh nghiệp này cho biết, lợi nhuận tăng gần 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái là do sản lượng điện bán cho Tập đoàn điện lực trong quý II nhiều hơn 0,27 tỷ Kwh so với cùng kỳ và do chênh lệch tỷ giá ngoại tệ (đồng Yên của Nhật) còn giúp PPC tăng thêm doanh thu.

Với PVD, hệ thống giàn khoan dầu khí của DN này hoạt động xuyên suốt, ổn định và giá cho thuê các giàn khoan tăng là lý do khiến lợi nhuận tăng.

Trong trường GAS, doanh nghiệp này chứng kiến kết quả kinh doanh đều vượt chỉ tiêu 6 tháng đầu năm 2013 là do cả 3 hệ thống khí Cửu Long, Nam Côn Sơn và PM3- Cà Mau hoạt động ổn định. Điều này khiến sản lượng LPG của GAS cung cấp ra thị trường trong đạt hơn 460.000 tấn, chiếm trên 72% thị phần LPG cả nước.

Và điều quan trọng hơn là Dn được hưởng lợi từ giá gas tự nhiên tăng. Ngoài ra, công ty cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ PetroVietnam và mảng khí đốt hưởng lợi do các nhà máy điện khí đốt hiện đang chiếm 40% tổng sản lượng điện toàn quốc khi các thủy điện thiếu nước…

Với Vinamilk, sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đều đặn của DN này nhờ vào vị thế dẫn đầu thị phần, sự đa dạng về sản phẩm và nền tảng tăng trưởng khá ấn tượng của toàn thị trường sữa tại Việt Nam theo quy mô dân số, thu nhập.

Rất nhiều doanh nghiệp khác như Trường Hải, BMP… gần đây chứng kiến doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh nhờ thị trường đang được cải thiện, sức cầu bớt ảm đạm và một điều quan trọng là chi phí giảm (trong đó có lãi suất giảm).

Hiện tượng nhiều DN cáo lãi lớn, tăng mạnh và tiền mặt rủng rỉnh là một mảng sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nhỏ của bức tranh chung, còn lại rất nhiều DN vẫn rất khó khăn với hàng loạt các công ty thua lỗ, phá sản.