Lợi cho ai?
Theo Vinacomin, sau hơn một tháng kể từ ngày 7/7/2013, khi thuế suất thuế xuất khẩu than tăng từ 10% lên 13%, sản lượng than xuất khẩu của tập đoàn sụt giảm chỉ đạt trên 100.000 tấn, bằng 1/10 so với tháng trước. Vì tăng thuế nên phải tăng giá bán. Hiện giá chào bán mỗi tấn than của Vinacomin đã tăng thêm từ 3 đến vài chục USD tùy chủng loại. Mức giá này cao hơn giá bán trên thị trường thế giới, khiến khách hàng bỏ đi.
Trong điều kiện kinh tế suy giảm, giá than thế giới chưa phục hồi, mặc dù ngành than đã cắt giảm mạnh giá thành tạm thời cả về bóc đất đá, khấu hao, tiền lương và các chi phí khác, nhưng cũng không thể bù đắp nổi.
Trong khi đó, dù tiêu thụ giảm nhưng để đảm bảo an toàn thì hầu hết các mỏ hầm lò vẫn phải sản xuất, thông gió, thoát nước mỏ, đảm bảo việc làm tối thiểu cho công nhân mỏ. Hệ lụy là tồn kho sẽ tăng, ảnh hưởng đến môi trường, tăng chi phí quản lý, lãi vay, bảo vệ… Đặc biệt, nếu than tồn kho quá lâu, chất lượng sẽ giảm. Đương nhiên, doanh thu than sẽ giảm ở con số hàng nghìn tỷ đồng.
Thực tế hiện nay, các loại thuế, phí thu từ ngành than đều ở mức cao của thế giới (đối với than xuất khẩu trên 30% gồm: thuế tài nguyên 5-7%, thuế xuất khẩu 13%, thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ 10%, phí môi trường nộp ngân sách khoảng 1%, chi phí môi trường tại DN 2%… ). Điều đó sẽ không khuyến khích khai thác nơi có điều kiện khó khăn.
Vì vậy, Vinacomin đã có văn bản đề nghị giữ mức thuế xuất khẩu than 10% như 6 tháng đầu năm để bán được than, tạo điều kiện ổn định sản xuất, giải quyết việc làm… và có sản lượng để tính các loại thuế, phí, nếu không sẽ giảm đáng kể các khoản nộp ngân sách năm 2013.
Ngoài ra, Vinacomin cũng cho biết việc tiếp tục điều chỉnh giá than bán cho điện là rất cần thiết. Bởi sau đợt điều chỉnh ngày 20/4/2013, giá than bán cho điện mới chỉ bằng 85-87% giá thành năm 2013. Kế hoạch than bán cho điện năm nay lại chiếm sản lượng rất lớn, nếu không được tăng ngành than sẽ phải bù giá bán khoảng 6.000 tỷ đồng cho điện.
Sức cạnh tranh quá yếu
Tuy nhiên, đề xuất này của Vinacomin không nhận được đồng tình từ nhiều chuyên gia kinh tế, bởi nó đi ngược lại với mong muốn chung.
Về xuất khẩu than, chủ trương của Nhà nước là tăng thuế xuất khẩu lên mức phù hợp đối với các mặt hàng không khuyến khích xuất khẩu, tài nguyên, nguyên liệu thô. Than là nguồn tài nguyên không tái tạo, chỉ tới năm 2014-2015, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than. Hàng chục nhà máy điện vẫn đang gian nan tìm nguồn than nhập ổn định, lâu dài cho cả đời dự án. Chỉ vài năm tới, Việt Nam sẽ thiếu than là tất yếu. Chưa kể, trong 5 năm tới, nguồn điện của Việt Nam theo quy hoạch sẽ phụ thuộc lớn vào nhiệt điện than. Thiếu than tức sẽ thiếu điện. Vì đó, hạn chế và tiến dần với việc dừng xuất khẩu than là chỉ đạo đã được thông suốt trong nhiều năm qua.
Theo các chuyên gia, Nhà nước hiện không khuyến khích xuất than nên đề nghị giảm thuế là vô lý. Thậm chí, nếu cần, phải sớm dừng ngay việc xuất khẩu than.
Trên thực tế, xuất khẩu than giảm là do khó khăn từ thị trường Trung Quốc và chất lượng than thấp chứ không phải là do thuế cao. Những loại than tốt được xuất khẩu không nhiều (chỉ bán được cho Nhật), còn chủ yếu là than chất lượng trung bình và thấp bán cho Trung Quốc mua để sản xuất điện. Cách đây 2 tháng, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu lại than này vì lý do môi trường. Vì vậy, Vinacomin đang có nguy cơ mất 70-80% thị trường xuất khẩu than chất lượng thấp.
Với than bán cho điện trong nước, nếu được điều chỉnh thì đây là lần thứ hai tăng giá trong năm, đồng nghĩa với nguy cơ đẩy giá điện tăng. Theo tính toán, giá than tăng lên bao nhiêu thì giá nhiệt điện than phải tăng lên bấy nhiêu. Hiện than chiếm khoảng 70% giá thành nhiệt điện than, trong khi tỷ lệ nhiệt điện than cung cấp 1/4-1/3 tổng cơ cấu nguồn phát điện.
Sau khi tăng giá điện đầu tháng 8, giá các mặt hàng thiết yếu cũng đồng loạt tăng theo. Mặt bằng giá mới đang hình thành, trong khi người dân thu nhập giảm, thất nghiệp tăng; còn với DN, điện tăng làm cho chi phí đầu vào tăng cao, đầu ra gặp khó khăn, chưa biết tồn tại ra sao. Nếu than bán cho điện lại tăng giá thêm 13-15% thì giá điện khó có thể đứng yên. Việc giá điều chỉnh tăng liên tục trong thời gian ngắn có thể gây ra tác động khó lường về lạm phát, về chi tiêu và đưa nền kinh tế vào vòng xoáy gian nan.