Cơ quan chức năng, nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô sáng 29/8 đã nhóm họp về Đề án phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030 – vốn đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ xem xét, chỉnh sửa, bổ sung nay Chính phủ tiến hành lấy ý kiến rộng rãi của các bộ ngành và doanh nghiệp.
Theo đó, Chính phủ khẳng định xây dựng một ngành công nghiệp ô tô là yêu cầu cần thiết với Việt Nam nhằm đáp ứng chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hạn chế thâm hụt thương mại và đặc biệt là nhằm đáp ứng nhu cầu phổ cập ô tô của đất nước.
Để thúc đẩy sản xuất, Chính phủ sẽ tập trung ưu đãi cho dòng xe chở người dưới 9 chỗ, dung tích xi lanh dưới 2.0L và đạt tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 25% trở lên. Việt Nam sẽ tập trung phát triển dòng xe chiến lược, với sản lượng đủ lớn để tạo dựng thị trường cho công nghiệp hỗ trợ, trên cơ sở hợp tác với hãng sản xuất xe lớn và các nước trong khu vực AFTA để từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất ô tô.
Về chính sách thuế, một thành viên tham dự hội nghị cho biết, Bộ Công Thương đã đề xuất 3 phương án ưu đãi trong đề án để các cơ quan, doanh nghiệp xem xét cho ý kiến, nay thống nhất chọn 1 phương án là chỉ ưu đãi giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ cho dòng xe chiến lược.
Theo đó, thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ ưu đãi sẽ được phân ra các mức tương đương với các mức nội địa hóa. Mức cao nhất là khi xe đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên sẽ được giảm 70% thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ so với các dòng xe khác (các mức từ 25-40% sẽ tính toán cụ thể sau).
Phương án này nhận được sự đồng tình cao từ phía cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, Bộ GTVT cùng các doanh nghiệp ô tô có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) Nhật Bản và các doanh nghiệp ô tô 100% vốn Việt Nam như Trường Hải, Vinaxuki…
Tuy nhiên, các doanh nghiệp ô tô có vốn FDI khác không đồng tình.
Những doanh nghiệp này mong muốn thực hiện theo phương án ưu đãi giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ cho xe dưới 9 chỗ có dung tích xi lanh dưới 2.0L kể cả sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu nguyên chiếc, không có phân biệt, theo cam kết gia nhập WTO.
Qua các ý kiến này có thể thấy, những doanh nghiệp không đồng tình là do tỷ lệ nội địa hóa hiện tại với các dòng xe của họ quá thấp, khó có thể đạt tới 25% trong năm 2015 và 40% vào 2018 để được hưởng ưu đãi. Vì vậy, họ muốn phương án giảm thuế, phí mức 50% dành cho cả xe nhập khẩu nguyên chiếc chẳng qua để nhập xe từ khu vực AFTA về bán hơn là đầu tư cho sản xuất tại Việt Nam.
Trên thực tế, thời gian dài vừa qua các doanh nghiệp này không có đầu tư lớn vào Việt Nam chỉ sử dụng cơ sở hiện có và tung ra nhiều mẫu xe mới chiếm lĩnh thị trường hơn là đầu tư chuyên sâu cho 1 vài mẫu xe để nâng cao nội địa hóa. Các doanh nghiệp này chắc chắn thời gian tới sẽ rút khỏi Việt Nam và nhập xe phân phối.
Chính sách ưu đãi này sẽ được duy trì ít nhất là 10 năm kể cả sau 2018, khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong khu vực AFTA về mức 0%. Khi đó xe nhập khẩu nguyên chiếc vẫn phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ cao hơn so với dòng xe chiến lược sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, để bảo hộ sản xuất trong nước, Bộ Công Thương cũng đề xuất giữ nguyên thuế suất thuế nhập khẩu ô tô ở mức 50% trong 4 năm (2014 – 2017), đến năm 2018 mới giảm về 0%.
Về lộ trình thực hiện, thời điểm chậm nhất là từ 2015, sau khi Quốc hội thông qua luật thuế tiêu thụ bổ sung và sửa đổi vào kỳ họp cuối năm 2014, nhưng cũng có thể sớm hơn nếu Chính phủ đề nghị Quốc hội thông qua sớm vì thời gian không còn nhiều.
Những doanh nghiệp có thể đạt được điều kiện để được hưởng ưu đãi theo đánh giá, chỉ có thể là Toyota Việt Nam, Trường Hải và Vinaxuki – với những mẫu xe sẽ đạt tỷ lệ nội địa hóa 40% trong thời gian tới. Theo tính toán, một chiếc xe ô tô có dung tích dưới 2.0L hiện có giá bán khoảng 700 triệu đồng, nếu thuế tiêu thụ đặc biệt giảm 70% so với hiện nay thì giá xe bán ra sẽ giảm khoảng 10.000 USD/chiếc, cộng với lệ phí trước bạ giảm 70% cũng giúp làm cho chi phí sở hữu dòng xe này giảm khoảng 3.500- 4.000 USD nữa. Tính ra, giá xe sẽ giảm được khoảng 13.500 -14.000 USD. Đây là ưu đãi lớn, tạo ra lợi thế tranh cho những DN đầu tư sản xuất trong nước và cũng đem lại hy vọng khởi sắc cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Cơ quan soạn thảo cũng rất hy vọng với chính sách mới sẽ giữ chân và thu hút được một số nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới tăng đầu tư vào Việt Nam. Đây cũng là cơ hội cuối cùng của công nghiệp ô tô Việt Nam. Theo các chuyên gia, Đông Nam Á hiện đã có 2 trung tâm công nghiệp lớn về ô tô là Thái Lan và Indonesia. Các doanh nghiệp ô tô hàng đầu thế giới như Toyota, Ford, Honda… đã đầu tư vào 2 quốc gia này với số vốn rất lớn, đẩy mạnh nội địa hóa, chỉ chờ đợi đến 2018 khi hàng rào thuế quan khu vực AFTA dỡ bỏ sẽ xuất khẩu sang toàn khu vực. Mặc dù vậy, tại Indonesia và Thái Lan chủ yếu sản xuất xe tay lái nghịch, vì thế đây sẽ là cơ hội để cho Việt Nam phát triển tay lái thuận. Nếu không chớp lấy cơ hội này, chắc chắn các nhà đầu tư nước ngoài sẽ lựa chọn Myanmar hoặc Campuchia.