Các chuyên gia cho rằng việc quản giá sữa hiện chưa thấm vào đâu, và các biện pháp đưa ra vẫn chưa đủ mạnh so với lòng tham quá lớn của giới kinh doanh.
Chính sách yếu và bị qua mặt
Cuối 2009, Bộ Tài chính đã mở cuộc thanh tra giá sữa tại 2 DN lớn là Công ty TNHH Nestlé và Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam. Kết quả cho thấy giá bán sữa khi đó đã cao gấp đôi giá vốn. Các công ty này tính bằng cách lấy giá vốn cộng thêm 40-50% lãi gộp, kết hợp với thăm dò tình hình thị trường và kết quả đàm phán với nhà phân phối để xác định giá bán sữa cho từng mặt hàng.
Và đến nay, sau 4 năm giá nhiều sản phẩm sữa đã cao gấp 5-6 lần giá vốn. Trong 4 năm qua đã có trên 20 lần giá sữa tăng, thấp nhất tăng 3%, cao tới 15%. Chỉ riêng từ đầu năm 2013 đến nay, nhiều hãng sữa ngoại tăng giá lần thứ 5 liên tiếp.
Hiện thị trường Việt Nam có hơn 200 DN nhập khẩu sữa nguyên liệu và thành phẩm. Các chuyên gia cho rằng, có một nghịch lý là trong môi trường cạnh tranh mạnh mẽ, đáng ra các hãng sữa phải hạ giá thành để thu hút người tiêu dùng, nhưng từ năm 2007, giá sữa lại liên tục tăng mà bặt không hề giảm.
Nguyên nhân được lý giải chủ yếu là do năng lực quản lý yếu kém của các cơ quan chức năng, chính sách đưa ra không đủ mạnh và luôn bị qua mặt một cách dễ dàng. Ở Việt Nam, hành lang pháp lý khá đầy đủ, có nhiều bộ ngành cùng tham gia quản lý nhưng các hãng sữa muốn là cứ tăng. Phải chăng, các hãng sữa nước ngoài đã “nhờn” với mọi biện pháp quản lý, vì chính cơ quan quản lý không đủ kiên quyết – ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội chất vấn.
“Thổi” giá sữa bù chi phí quảng cáo
Thanh kiểm tra, phát hiện ra những phi lý nhưng chẳng có biện pháp mạnh để ngăn chặn, nên các DN chẳng hề biết sợ, cứ tự do tăng giá bán lên cao ngất ngưởng.
Chỉ đơn cử như chi phí quảng cáo, theo quy định hiện hành, tối đa không vượt quá 10% tổng chi phí được khấu trừ. Nhưng trên thực tế, không ít các hãng sữa ngoại đã chi cho quảng cáo gấp 4 lần mức cho phép.
Trong đợt thanh tra năm 2009 của Bộ Tài chính đã phát hiện ra điều này và cho biết, để lách luật một số công ty đã ủy quyền cho nhà phân phối trực tiếp đăng ký quảng cáo với các đơn vị truyền thông qua email và trả tiền qua tài khoản. Vậy nhưng suốt 4 năm qua, Bộ lại không có giải pháp nào để ngăn chặn hiện tượng này. Bộ Tài chính cũng thừa nhận, nếu tiết giảm được các chi phí, nhất là quảng cáo, tiếp thị, đồng thời cùng nhà phân phối quản lý giá bán sữa đến tay người tiêu dùng thì cơ bản các DN có thể giảm giá bán các sản phẩm sữa nhập khẩu.
Nhưng do quản chẳng đâu vào đâu, nên mỗi năm, hàng nghìn tỷ đồng được các hãng sữa ngoại chi cho quảng cáo và tổng chi phí cho quảng cáo mặt hàng này cao thứ hai chỉ sau ngành hóa mỹ phẩm, tất nhiên những chi phí này phải được cộng gộp trong giá bán lẻ sữa.
Ngoài ra còn những quy định khác tưởng chặt chẽ nhưng lại không chặt. Bộ Tài chính quy định nếu mức giá tăng vượt “trần” 20% và tăng liên tiếp trong vòng 15 ngày sẽ bị “tuýt còi”. Như vậy, DN chỉ cần tăng dưới 20% và để sang ngày thứ 16 ngày mới tăng giá rõ ràng không vi phạm quy định về quản lý giá. Đối với DN để lách quy định này dễ như “thò tay lấy đồ trong túi áo”.
Không những thế còn có sự đánh đồng giữa tăng giá bất hợp lý với ấn định giá bất hợp lý. Luật Cạnh tranh quy định: Một DN nắm thị phần từ 30% trở lên sẽ bị can thiệp khi thấy ấn định giá bán bất hợp lý. Như vậy có thể “xử” các DN thích “thổi” giá sữa, nhưng lại bị giới hạn bởi chính Nghị định hướng dẫn thi hành luật khi đưa ra quy định “ấn định giá bất hợp lý là giá bán lẻ trung bình tăng 5% trong thời gian 60 ngày liên tiếp”. Trong khi, ở nhiều nước, dù không tăng giá nhưng DN chỉ ấn định giá bất hợp lý sẽ bị xử phạt.
Không kỳ vọng nhiều
Ông Phú cho rằng, giá sữa bán đến tay người tiêu dùng cao hơn khoảng 30% so với giá gốc là phù hợp, trong khi tại Việt Nam, con số này là 500- 600% – mức cao quá phi lý. Song đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chỉ yêu cầu các DN kê khai giá mà không có động thái nào buộc phải giảm giá ngay lập tức, như vậy theo ông Phú là không được.
Điều các chuyên gia kinh tế lo ngại là thị trường sữa đang có sự bắt tay làm giá giữa các DN. Đây là nút thắt mà cơ quan quản lý cần tháo gỡ nếu muốn giảm giá sữa, còn kỳ vọng vào sự thay đổi của thị trường là rất ít. Bởi lẽ, nếu có sự cạnh tranh thì giá sữa không thể đứng ở mức cao như hiện nay.
Nhiều ý kiến cho rằng không quá khó để thẩm định giá bán lẻ của DN đưa ra. Dựa vào nguồn tin từ Tổng cục Hải quan, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, cơ quan chức năng có thể so sánh, phân tích giá bán lẻ mặt hàng sữa bột. Sau khi điều tra giá gốc, các chi phí bán hàng, quảng cáo, tiếp thị, họ sẽ phân tích được cụ thể giá bán lẻ có cao bất hợp lý hay không? Vậy mà đến nay ta vẫn không làm được.
Rõ ràng, chúng ta có các công cụ trong tay, kể cả áp thuế tự vệ để bảo vệ sản xuất trong nước. Không kiểm soát được giá sữa là lỗi do hiệu năng quản lý kém và đùn đẩy trách nhiệm.