Trang chủ » Tranh luận » Cầu khách ngoại: Mở cửa nhưng chưa ai vào

Cầu khách ngoại: Mở cửa nhưng chưa ai vào

Tác giả:

Mong đợi ngậm ngùi

Người nước ngoài có thể được sở hữu nhà tại Việt Nam không hạn chế số lượng, chỉ cần được cấp visa có thời hạn 3 tháng trở lên, đã trở thành chủ trương “nóng” nhất nửa đầu tháng 8/2013.

Theo đề xuất mới nhất của Bộ Xây dựng, thêm nhiều đối tượng người nước ngoài có thể mua nhà tại Việt Nam. Người nước ngoài có thị thực vào Việt Nam từ 3 tháng trở lên sẽ được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam, không giới hạn trong đối tượng nhà đầu tư hay cấp quản lý, lãnh đạo.

{keywords}
Con số người nước ngoài mua nhà còn khá khiêm tốn so với nhu cầu. (Ảnh:D.A)

Không chỉ dừng lại ở đối tượng cá nhân, Bộ Xây dựng đề nghị bổ sung thêm các quỹ đầu tư, ngân hàng, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cũng được mua và sở hữu nhà ở.

Lần sửa đổi này, Bộ Xây dựng cũng đề nghị bổ sung một số quyền của chủ sở hữu. Quy định mới cũng cho phép cá nhân nước ngoài được tự mình hoặc hợp tác với chủ đầu tư cho thuê, khai thác, sử dụng nhà ở đã mua. Cho phép người nước ngoài được bán, tặng cho nhà ở thuộc sở hữu của mình sau thời hạn 12 tháng, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu về nhà ở.

So với Nghị quyết 19 thí điểm cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, quy định mới có thể coi thoáng hơn rất nhiều. Đặc biệt những rào cản, thủ tục khắt khe, bất cập trước đây như vấn đề chuyển nhượng, sở hữu, điều kiện để được mua nhà… đều được hóa giải.

Theo đánh giá của các chuyên gia, so với hầu hết các nước ASEAN, Việt Nam hiện đang có những quy định chặt chẽ bậc nhất trong vấn đề bán và sở hữu nhà ở của người nước ngoài. Việc cho phép người nước ngoài mua nhà đã được thực hiện thí điểm từ lâu nhưng với những chính sách khá “rắn”, con số người nước ngoài mua nhà vẫn rất khiêm tốn.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, kể từ khi thực hiện Nghị quyết 19 (năm 2009) đến nay mới có 126 trong 80.000 người nước ngoài (không bao gồm kiều bào) hiện sống và làm việc ở Việt Nam mua nhà. Phần lớn trong số đó là kết hôn với công dân Việt Nam, số còn lại có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam hoặc giữ vị trí quản lý trong doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp nước ngoài mua căn hộ cũng chỉ vỏn vẹn con số 25.

Một trong những kiến nghị mới đây là việc cho thế chấp bất động sản ở ngân hàng nước ngoài. Để gỡ khó cho thị trường bất động sản, TP.HCM đề nghị cho phép thế chấp bất động sản bằng quyền sử dụng đất ở ngân hàng nước ngoài nhằm giải quyết vướng mắc hiện nay trong việc hợp tác kinh doanh và nhận nguồn vốn đầu tư bất động sản với đối tác nước ngoài.

Trong bối cảnh thị trường vẫn tiếp tục khó khăn, luồng vốn từ các ngân hàng trong nước vẫn chưa cởi mở, vay vốn ở ngân hàng nước ngoài là một kênh huy động mà các doanh nghiệp trong nước rất kỳ vọng.

Chờ tương lai

Việc người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam không chỉ giúp giảm bớt lượng hàng tồn kho hiện nay mà còn có tác dụng giúp thị trường phát triển. 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng việc sửa đổi quy định sẽ góp phần khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào VN mua nhà ở nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN kinh doanh BĐS, tăng tính thanh khoản cho thị trường, qua đó góp phần khuyến khích đầu tư nước ngoài vào VN.

{keywords}
Cần có chính sách thông thoáng thuận tiện để người nước ngoài có thể sở hữu nhà đất lâu dài ở Việt Nam. (Ảnh:D.A)

Bà Dương Thùy Dung, Phòng nghiên cứu và phát triển của CBRE VN, nhận định chính sách này nếu được thông qua sẽ đem lại cơ hội mới và hỗ trợ tình hình bất động sản đang trì trệ hiện nay.

Theo nhận định từ các chuyên gia, những đề xuất này như mở cửa cho thị trường BĐS đón nhận những luồng đầu tư mới. Tuy nhiên, để thực hiện được cần có chính sách đồng bộ. Việc hạn chế về số lượng, diện tích và thời gian sở hữu sẽ là những rào cản đối với người nước ngoài mua nhà.

Liên quan tới việc cho phép thế chấp ở ngân hàng nước ngoài, ngay cả trong Luật Đất đai, những quy định về vấn đề này cũng vô cùng hạn chế. Luật Đất đai 2003 chỉ mới quy định cho phép thế chấp quyền sử dụng đất hoặc tài sản đầu tư trên đất để vay vốn của tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, chưa có các quy định về thế chấp bằng quyền sử dụng đất tại các tổ chức tín dụng hoạt động tại nước ngoài.

Mặc dù rất lạc quan trước những chính sách thoáng của Nhà nước sẽ thu hút được lượng lớn người nước ngoài mua nhà ở phân khúc cao cấp – phân khúc thị trường còn ứ đọng nhiều nhất – nhưng nhiều chuyên gia BĐS cũng cho rằng không nên xem đây là lối thoát chính cho thị trường. Bởi lẽ, sẽ không có chuyện người nước ngoài ào ạt đổ vào mua nhà ngay sau khi được mở cửa.