Trang chủ » Tranh luận » Trước khi tôn vinh, doanh nghiệp cần được tôn trọng

Trước khi tôn vinh, doanh nghiệp cần được tôn trọng

Tác giả:

 – Ai cũng biết thực hiện tốt trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững trong hoạt động của doanh nghiệp. Song hiểu thế nào là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hiện vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau, ngay cả trong giới doanh nhân…

 

Về vấn đề này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – ông Vũ Tiến Lộc, đã có cuộc trao đổi khá thẳng thắn với báo VietNamNet nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.

 

 

TS. Vũ Tiến Lộc – Ảnh: VNN

Trách nhiệm xã hội là tuân thủ đúng pháp luật

 

– Có ý kiến cho rằng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được thể hiện tập trung nhất ở hai điểm: đóng thuế đầy đủ và sản xuất, kinh doanh những hàng hoá, dịch vụ đảm bảo chất lượng. Ý kiến ông ra sao?

 

– Khái niệm trách nhiệm xã hội và văn hoá kinh doanh là khái niệm rất rộng. Có thể nói tổng quát rằng, trong quá trình sản xuất kinh doanh, mục tiêu tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp cũng phải đặt cùng mục tiêu phụng sự xã hội.

 

Việc điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp trong thực hiện trách nhiệm xã hội không chỉ dựa trên các quy phạm pháp luật, các quy chế, quy tắc ứng xử riêng trong từng nhóm ngành mà còn được điều chỉnh bởi dư luận của xã hội.

 

Doanh nghiệp làm tốt trách nhiệm với xã hội sẽ tạo dựng được lòng tin, uy tín, thiện cảm của bạn hàng, đối tác, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

 

– Ông đánh giá nhận thức của các doanh nhân, doanh nghiệp tại Việt Nam về trách nhiệm xã hội hiện nay như thế nào?

 

– Tôi cho rằng phần lớn doanh nhân Việt Nam đã có ý thức trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội. Dù có thể họ chưa nói được rõ ràng, rành mạch về trách nhiệm xã hội, văn hoá kinh doanh là gì nhưng cách ứng xử xuất phát từ tâm với nội bộ doanh nghiệp, với cộng đồng đã thể hiện được tinh thần, trách nhiệm xã hội của họ.

 

Trong những năm qua, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Dệt may, Da giày để tổng kết, bình xét, tôn vinh những đơn vị thực hiện tốt trách nhiệm xã hội trong lĩnh vực này.

 

Tuy nhiên để tiếp tục phổ cập cũng như đưa ra những quy định chi tiết, cách thức thực hiện trách nhiệm xã hội cụ thể, chúng ta vẫn phải cố gắng nhiều hơn.

 

Chủ tịch nước tôn vinh cộng đồng doanh nhân (ảnh: DDDN)


Tiến tới những quy định chi tiết

 

– Xin ông nói rõ những nội dung cụ thể nào mà doanh nghiệp phải thực hiện để làm tốt trách nhiệm xã hội?

– Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thể hiện trước hết ở 2 lĩnh vực: quan hệ lao động trong nội bộ doanh nghiệp và với môi trường trong quan hệ với cộng đồng xã hội.

 

Hiện nay hệ thống pháp luật của Nhà nước đều đã có bộ khung đảm bảo trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là Bộ luật Lao động và Bộ luật Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên bộ khung đó vẫn phải được tiếp tục bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện phù hợp với yêu cầu mới.

 

Ngoài hệ thống pháp luật, theo tôi vấn đề ở đây là thực hiện. Cái quan trọng hiện nay là phải nâng cao được trình độ của đội ngũ cán bộ các cơ quan chuyên môn cũng như trách nhiệm giám sát của các cơ quan quản lý về lao động và môi trường.

 

Nếu doanh nghiệp cố tình làm sai thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm, nhưng các cơ quan quản lý trên địa bàn, đặc biệt là các cơ quan chuyên trách mà không phát hiện ra được thì trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý. Cái đó không thể đổ lỗi do thiếu hệ thống pháp luật được.

 

– Ông nói sao khi có một thực tế: hiện cứ nói đến thực hiện trách nhiệm xã hội là một bộ phận doanh nhân, doanh nghiệp đánh đồng với các hoạt động đóng góp, từ thiện…?

 

– Không, đấy chỉ là một mặt thôi. Thực ra, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp theo quan niệm của phương Tây thì nó được thể hiện bằng các bộ quy tắc ứng xử cụ thể, ràng buộc doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh, không được làm ảnh hưởng đến lợi ích xã hội, bảo vệ người lao động như không được sử dụng lao động trẻ em, lao động cưỡng bức; bảo đảm an toàn vệ sinh lao động; sử dụng nguồn nguyên liệu hợp pháp, bền vững…

 

Còn ở nước ta, khái niệm này hiện còn được hiểu khá rộng. Ngoại trừ nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt trong ngành dệt may, da giày, đồ gỗ… đang thực hiện tốt vấn đề này, ở các lĩnh vực còn lại, ngay một số doanh nhân cũng còn “mù mờ” về điều này.

 

Tôi cho rằng, Việt Nam cũng phải hướng tới những quy định về trách nhiệm xã hội như vậy. Thực hiện trách nhiệm xã hội, trước nhất là doanh nghiệp phải làm đúng pháp luật, tuân thủ các quy tắc ứng xử được quy định rõ ràng. Sau đó mới nói tới các hoạt động mang tính tự nguyện khác của doanh nghiệp.

 

Trước khi tôn vinh, cần tôn trọng

 

– Biểu dương, tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước là việc làm rất có ý nghĩa. Nhưng dường như hoạt động này gần đây đang “loãng” dần, thưa ông?

 

– Vấn đề này Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có ý kiến, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ và các cơ quan quản lý Nhà nước phối hợp với VCCI xây dựng một quy chế để rà soát, khảo sát, quản lý toàn bộ hoạt động tôn vinh, khen thưởng, trong đó có doanh nhân, doanh nghiệp.

 

Cho đến nay, các cơ quan thi đua khen thưởng mới chăm lo việc thi đua khen thưởng nhà nước theo luật, còn tôn vinh khen thưởng chung hiện chưa có sự phân công rõ ràng trong quản lý nhà nước, đặc biệt chưa có quy chế, quy định, chưa có chuẩn mực nào cả.

 

Tới đây chúng tôi sẽ đề nghị các đơn vị dù đúng chức năng cũng phải xin phép cơ quan có thẩm quyền khi muốn tiến hành tôn vinh. Có như vậy việc tôn vinh doanh nghiệp nói riêng mới thiết thực, hiệu quả; khắc phục được tình trạng tràn lan, gây phản cảm thậm chí làm nản lòng những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn nghiêm túc, đứng đắn…

 

– Có ý kiến cho rằng, việc làm sát thực nhất để tôn vinh doanh nhân chính là tạo các điều kiện, môi trường kinh doanh thuận lợi cho họ. Ông suy nghĩ thế nào?

 

– Trước khi tôn vinh, cái đầu tiên doanh nhân cần là được tôn trọng. Tức là xã hội đánh giá đúng vai trò, vị trí, đóng góp của doanh nhân trong công cuộc phát triển của đất nước.

 

Từ đó, Nhà nước cần phải tạo cho họ một môi trường kinh doanh thuận lợi – không kém so với môi trường kinh doanh của các nước trong khu vực; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh. Và cuối cùng mới là tôn vinh, khen thưởng kịp thời, đúng mức và có hiệu quả.

 

– Xin cảm ơn ông!

  • Nguyễn Nga (thực hiện)