Trang chủ » Tranh luận » Giãi bày của một chủ tiệm game

Giãi bày của một chủ tiệm game

Tác giả:

Trong hàng trăm ý kiến độc giả gửi đến về chủ đề game online, Diễn đàn VNR500 nhận được ý kiến của độc giả [email protected] – một chủ tiệm game. Đây là quan điểm riêng của tác giả, VNR500 giới thiệu với bạn đọc như một góc nhìn để tham khảo.

>> Không để đổ hết mọi tội lỗi lên Game Online
>> Ví Game Online là “bạch phiến số”, liệu có quá cường điệu?

>> Game Online có thực sự là “tội ác”

Tôi là một chủ tiệm game, đã kinh doanh hơn 10 năm nay. Là một trong ba tiệm game đầu tiên tại khu Cư xá Bắc Hải quận 10 (có thể gọi là làng game TP.HCM). Thấy xã hội quá bức xúc vì tình trạng game online hiện nay, nên tôi cũng có vài ý kiến để quý vị có thể hiểu hơn về vấn đề này.

3 nhóm chơi game chủ yếu

Thành phần chơi game rất đa dạng, đầu tiên thì ai cũng có ý chơi game để giải trí nhưng sau đó sẽ theo 3 nhóm chính:

1, Là nhóm chơi Game để chứng tỏ mình,luôn muốn làm người nổi bật. Nhóm này đông đảo nhất. Nhóm này giàu thì đầu tư tiền của rất lớn để mua item trong Game, thuê người chơi dùm để tăng nhanh level, thật ra họ không biết rõ về game. Thậm chí nhóm này còn bỏ tiền để cho một số người khác chơi game chung, để tạo một ekip rất đông đảo trong game cũng như ngoài đời. Thậm chí, họ thuê hẳn một tiệm Net để cho các đệ tử chơi. Hầu như nhóm này là những người thành đạt hoặc gia đình họ quá giàu. Loại người này chúng ta cũng không cần bàn tới nhiều.

Cũng trong nhóm này, loại người ít tiền nhưng luôn muốn nổi trội. Họ chỉ còn 2 cách là chọn chơi những nhân vật có khả năng quậy phá những người chơi khác trong game, không cho người khác luyện level. Trong Võ lâm, họ thường chọn môn phái Ngũ Độc. Chỉ cần làm cho các môn phái này hết khả năng quậy phá hay có biện pháp phạt (cái này nhiều game đã sửa chữa chiêu thức không có quậy phá đến nỗi hiện nay những người chơi này từ 10 người giảm còn 1).

Cách thứ 2 nhóm ít tiền muốn chơi nổi buộc họ phải có level cao và item xịn, buộc họ phải hcơi ngày chơi đêm liên tục không nghỉ, thường là họ chơi chung một nhóm rồi thay phiên nhau ngồi máy, và họ thường đi tìm những item xịn trong game để sử dụng hoặc mua bán trao đổi. Đây mới chính là nhóm đặc biệt quan tâm cần phải tìm mọi cách để buộc họ từ bỏ cách chơi. Nếu các công ty phần mềm game chỉ cần thay đổi cho những người chơi không cần online (tức là tắt máy nghỉ) mà lên level nhanh hơn là online và các item nhà sản xuất bán thẳng cho gamer một giá rẻ hơn, thì nhóm này tự giải tán.

Hiện nay đa số các trò chơi cũng có quan tâm vấn đề này, nhưng họ lại bán các vật phẩm cần thiết để offline vẫn lên level và các item giá khá cao để thu lợi nhuận. Chuyện này, tôi nghĩ, Nhà nước nên có cuộc trao đổi vì tương lai đất nước với nhà sản xuất game.

 

Thành phần chơi game rất đa dạng (Ảnh: Thuỳ Linh)

2, Nhóm thứ 2 là chơi game để kiếm tiền, trong game gọi là dân cày tiền hay farm (nông dân). Loại này cũng chia thành 2 loại:

Loại chân chính: thường đăng ký chơi rất nhiều account. Có người chơi gần 1.000 account. Loại này tưởng là chơi game ghê lắm, thật ra họ hầu như không ngồi máy. Tất cả các account để tự động đăng nhập tự động đi lượm rác về bán, tự động đi đánh quai lượm tiền, mỗi máy họ chơi từ 30 đến 70 account, họ chỉ cần cắm điện mở máy rồi bật chế độ autoplay là xong. Trước đây thu nhập của một người chơi kiểu này có thể lên 20 triệu/tháng. Do vậy, rất nhiều dân lao động sau khi chơi giải trí thì chuyển qua chơi game dạng này. Vì họ vẫn đi làm từ sang đến chiều về chỉ việc nghe điện thoại và đi bán item.

Các nhà sản xuất game thấy bị lợi dụng nên họ tìm mọi cách để nhóm này tự giải tán. Cụ thể họ đã giảm giá rác bán vào shop, ngăn lượng tiền giao dịch trong game rót ra ít hơn, họ tìm mọi cách để phát các bản autoplay nên dân cày tiền này giảm rất đáng kể, 10 người giờ chỉ còn 1. Nhưng dân cày tiền giờ thu nhập chỉ vào khoảng vài triệu đồng nên chỉ có người chơi game tại nhà hoặc các chủ tiệm Net mới chơi. Tất cả dân cày tiền không còn ai chơi ngoài tiệm nữa.

Loại kiếm tiền bất chính, họ chơi game chỉ nhằm mục đích lừa đảo các người chơi khác. Thậm chí còn tìm các chương trình để hack tài khoản và vật phẩm của người khác. Có khi họ còn khai thác các lỗ hổng của nhà sản xuất để đánh cắp các vật phẩm giá trị trong game. Rồi nhanh tay bán rẻ cho người chơi khác. Nhà sản xuất phát hiện thu hồi thì người bỏ tiền ra mua coi như thua thiệt. Đây chính là dân tệ nạn, nếu không chơi game, chắc chắn họ cũng trở thành đủ dạng trộm cắp.

3, Loại chơi cho biết để khoe với bạn bè cái gì cũng biết. Loại này rất đông mà đa số là học sinh phổ thông còn đi học. Họ chơi vài tháng là chuyển qua trò mới. Vì thật ra nhóm này tuy đông nhưng thời gian chơi 1 ngày chừng 1-2 tiếng là hết tiền hoặc phải về.Hầu như học sinh phổ thông chỉ chơi trước giờ nhập học hoặc nghỉ giữa giờ kéo một đám ra chơi, hoặc giờ tan trường ghé tiệm game chừng 30 phút để chứng tỏ mình cũng là dân biết chơi, không phải là mọt sách.

Cũng cần nói thêm là, đa số học sinh đều chọn chơi game online mà một trận từ lúc bắt đầu đến kết thúc chỉ vài phút, nên nhóm này chọn chơi các trò bắn súng, nhảy hip hop. Chính các trò này lại được gọi là game bạo lực. Tôi sẽ trở lại vấn đề này sau.

Đó là những ghi nhận của tôi sau hơn 10 năm kinh doanh game, để những người có trách nhiệm với giới trẻ có thể đưa ra một chính sách phù hợp.

Game có trở thành tệ nạn không?

Bây giờ là ý kiến của tôi về vấn đề game có làm giới trẻ trở thành tệ nạn xã hội không? Tôi xin đưa dẫn chứng cụ thể về chuyện này bằng người thật việc thật. Trước đây tiệm game của tôi mặc dù có rất nhiều trò chơi. Nhưng 90% là chơi game CounterStick (còn gọi là haftlife số còn lại chơi game Age of Empires Conquerors (Cuộc chiến của các đế chế). Cả 2 game này đều là đánh nhau sử dụng đủ loại vũ khí thô sơ và hiện đại.

Loại này chia nhóm ra từ 3 đến 6 người một đội, người chơi phải tổ chức truy sát nhóm kia để chiến thắng. Nhưng hiện nay, nhóm thường xuyên chơi trò bạo lực này ra sao. Hầu như tính tình họ vẫn không thay đổi theo chiều hướng bạo lực. Chắc chắn những ai quan tâm về game đều biết đến đội bắn súng Counter Strike 1st.VN vô địch Việt Nam nhiều năm liền và vừa đoạt chức vô địch châu Á trong đợt thi game vừa rồi. Tất cả thành viên này nếu cần có thể liên lạc tiếp xúc và test xem họ có hành vi bạo lực không? Trong nhóm này có Dương Vi Khoa, từng được Microsoft tặng danh hiệu chuyên gia tin học của năm.

Cứ tìm gặp trao đổi với mấy tay chuyên bắn súng chém giết trên 10 năm nay sẽ thấy họ là những người rất dễ gần và lịch sự. Vậy thì xem kỹ lại trò bắn súng chém giết này ra sao? Counterstrick có rất nhiều map (màn), nhưng chia thành 2 loại. Loại đầu tiền là màn tập phản xạ nhanh, các màn này chỉ nhằm mục đích duy nhất là tập phản xạ, mọi người đều sở hữu vũ khí như nhau. Loại map thứ 2 dành cho những người đã sử dụng thuần thục các loại vũ khí để chia thành 2 nhóm: một bên là đặc nhiệm, bên kia là bọn khủng bố (đặc nhiệm trang bị vũ khi mạnh hơn khủng bố), nên các nhóm chơi phải thay nhau đổi phe để công bằng là vậy. Game này không có chuyện mua xèng đi đập tùm lum như game đột kích. Cho nên các công ty game nên bỏ hẳn các map chỉ có bạo lực mà trong game đột kích là nhiều nhất.

Còn chuyện các báo hay đưa tin sau khi chơi game nhiều thành niên đã phạm tội thì sao? Tôi xin có nhận xét chủ quan việc này như sau:

Trước đây đám thanh niên lêu lổng thường tù họp các sân banh hay trước cửa các trường học để chơi rồi gây sự đánh nhau lung tung. Các sân thể thao bị thu hẹp và kinh doanh thu phí. Đám này mất chỗ tụ họp. Các trường học đều hợp tác với dân phòng, công ăn nên khó mà tụ họp, bọn thanh niên này tụ họp tại các điểm karaoke (trước đây kinh doanh dạng gia đình quy mô nhỏ) vài chục ngàn có thể vào cả đám trên 10 đứa. Sau này UBND mạnh tay chuyển nghề cho các gia đình kinh doanh này. Nên chỉ còn tiệm net và game là nói chung thường hay hẹn nhau tụ họp.Vì một giờ chỉ có 3.000 đồng. Khi có chuyện hoặc ai gọi điện là chúng kéo nhau đi, xong việc lại trở về tụ họp tiếp. Chính đám thanh niên này làm cho nhiều người thiếu thiện cảm với người chơi và kinh doanh game.

Thật ra các tiệm game rất lo lắng khi bị những nhóm này tới chơi. Có thể xảy ra mất linh kiện bất cứ lúc nào, thấy ai có tiền là chúng nó tìm cách xin đểu, làm nhiều tiệm game mất khách vì bọn này. Mà không có cách để hạn chế. Không lẽ vì trước và sau khi phạm tội nó chơi game mà quy lỗi do game mà ra, nếu vậy thì vào trại cải tạo phỏng vấn 100 phạm nhân trước và sau khi phạm tội họ làm gì.

Tôi nghĩ rằng 99% là xem ti vi xem đá bóng, chỉ 1% là chơi game thôi. Không lẽ như vậy coi đá banh cũng gây tệ nạn xã hội. Vấn đề này cần phải thêm thời gian nghiên cứu một cách nghiêm túc hơn là phong trào như hiện nay. Một nhà khoa học phát biểu về Game online mà coi như một công trình nghiên cứu khoa học, một nhà báo đưa một bản tin là ý kiến cả xã hội thì thật vô lý.

Đề xuất các giải pháp

Theo tôi, trước mắt các cấp có thẩm quyền cần làm gấp các việc sau:

1, Quy định tiệm game và net chỉ được kinh doanh từ 6h đến 23h sáng. Đồng thời bàn thảo hợp tác với Bộ Công An và UBND các cấp, cách chức, hạ bậc lương đối với CSKV và cán bộ VHTT phường. Nếu không kèm theo chuyện này thì các tiệm Net chỉ tốn thêm tiền lệ phí đen cho CSKV và cán bộ VHTT phường mà thôi. Thành phố tổ chức một đội kiểm tra liên ngành đi kiểm tra thường xuyên, đồng thời phạt các tiệm Net vi phạm từ 10 triệu trở lên. Chú ý chỉ nên đi kiểm tra sau 1h vì từ 23h đến khoảng 1h các tiệm game lại update và quét virus.

Tôi nghĩ quy định 23h trước nay chưa tốt vì các tiệm Net đều có quan hệ tốt với cảnh sát khu vực và nhân viên VHTT mà ra. Hoặc chủ tiệm Net có người chống lưng nên việc quy định trước nay chưa thực hiện tốt. Tiệm nào vi phạm 3 lần thì tịch thu giấy phép kinh doanh.

Nhắc nhở chủ tiệm Net vi phạm là được chiếu cố kiểm tra nhiều hơn và phải thực hiện một tháng một lần đối với các tiệm vi phạm, nếu không, một năm phạt một lần vẫn dư tiền phạt. Chỉ cần một tiệm bị tịch thu tôi nghĩ cả nước sẽ biết. Không tiệm nào dám tái phạm. Công an và văn hoá thể thao sẽ viện dẫn lý do không thể kiểm tra nhà dân ban đêm để khước từ việc này. Nếu cho các chủ tiệm Net ký cam kết đồng ý hợp tác cho CA và VHTT kiểm tra bất cứ giờ nào thì mọi chuyện sẽ dễ dàng.

2, Các công ty game phải ngồi lại làm việc với các nhà tâm lý và lãnh đạo cấp có thẩm quyền để bỏ bớt các trò chơi hoặc map trong trò chơi không mang tính chất giải trí. Loại bỏ hoặc có cái biển để người chơi game không lệ thuộc quá nhiều vào giờ chơi game mà vẫn đạt được mục đích là tăng đẳng cấp. Nếu các nhà sản xuất game hạ giá các item bán trong game thì người chơi không cần cày ai để kiếm.

Chỉ cần 2 việc đó thôi tôi nghĩ game sẽ phát triển hài hoà hơn. Trung Quốc quy định các gamer phải đăng ký CMND mới được chơi. Chuyện này sẽ phát sinh tình trạng rao bán tên và số CMND đầy trên mạng, nhà sản xuất VNG quy định chơi quá 3 giờ người chơi không được hưởng gì trong game cũng vô ích, các gamer cũng tìm ra đối sách chống lại VNG rồi. Hiện nay VNG chuyển qua off thì lên level còn nhanh hơn online thì người chơi giảm rất nhiều thời gian online. Đây là vấn đề cần quan tâm.

Riêng các game bắn súng tôi nghĩ phải bỏ ngay chuyện chơi càng nhiều càng lên cấp bậc, gamer phải bắn liên tục mấy tháng mới từ anh binh nhì lên cấp uý. Chuyện game bắn súng chỉ nhằm mục đích tập phản xạ nhanh và tư duy phối hợp đồng đội, không việc gì phải quan tâm cấp bậc ảo chỉ làm cho gamer thêm mất thời gian.

Trên đây là vài ý kiến chủ quan của tôi, hy vọng phần nào giúp các vị chức trách có thêm thông tin để đưa ra một quyết định hợp lý.

[email protected]

Còn bạn, bạn có ý kiến gì xung quanh chủ đề Game Online, hãy chia sẻ với VNR500 qua email [email protected])