Trang chủ » Tranh luận » CEO Đặng Thành Tâm trải lòng chuyện riêng tư

CEO Đặng Thành Tâm trải lòng chuyện riêng tư

Tác giả:

Đã mang về rất nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài, Đặng Thành Tâm chia sẻ ông không bao giờ quảng bá Việt Nam với nhân công và đất rẻ, bởi “người ta đến đầu tư chứ không phải ăn xin”.

Luôn nằm trong TOP những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam nhưng ông không muốn được gọi là “đại gia”, mà chỉ muốn mọi người biết đến như một CEO. Theo ông, thách thức lớn nhất với các CEO Việt Nam là phải có tầm nhìn và tư duy toàn cầu hoá.

Mời các bạn theo dõi tiếp phần 4 cũng là phần cuối trực tuyến với một trong những người giàu nhất Việt Nam: Ông Đặng Thành Tâm.

Thành công = 50% nỗ lực + 50 may mắn

Nhà báo Lê Vũ Phong: Anh được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nền tảng rất vững chắc. Nếu một người sinh ra và lớn lên trong gia đình bình thường thì có được như hôm nay không?

Ông Đặng Thành Tâm: Có 2 vấn đề: thứ nhất là quyết tâm và khả năng, thứ hai là cơ hội và duyên số. Tôi cũng gặp may rất nhiều.

Nhà báo Lê Vũ Phong: Sự nghiệp của anh có may mắn?

Ông Đặng Thành Tâm: Thực sự là 50% may mắn, 50% nỗ lực bản thân. Những người may mắn 90%, nỗ lực 10% chỉ là người trúng xổ số. Tôi gặp khá nhiều may mắn và cơ duyên. Doanh nghiệp VN mấy ai được bắt tay mấy đời tổng thống Mỹ (cười). Hay lần gần đây chui vào thang may vô tình gặp tỷ phú Calos người giàu nhất thế giới, nói chuyện hỷ hả.

Nhà báo Lê Vũ Phong: Trên thị trường đang nói đến đế chế kinh doanh họ Đặng. Anh nghĩ gì về điều đó?

Ông Đặng Thành Tâm: Nói điều đó là không đúng, trước hết, bởi vì: Thành công là của công chúng trong đó là cán bộ công nhân viên, chứ như bản thân tôi suốt ngày chỉ họp, phỏng vấn, ăn nhậu, tiếp khách, nhiều khi không đến cơ quan vì.. say quá”!

Nhà báo Lê Vũ Phong: Anh làm xúc tiến như thế đã kiếm được tiền chưa?

Ông Đặng Thành Tâm: Thì làm xúc tiến kêu khách vào đầu tư như thế là kiếm được tiền rồi mà. Một năm như thế họ trả nhiều tiền thuê đất mà toàn trả tiền bằng đô la.

Nhà báo Lê Vũ Phong: Anh bắt đầu từ Tân Tạo, sau này lại chuyển ra làm khu công nghiệp Kinh Bắc. Một số khó khăn của Tân Tạo hiện nay có khiến anh chuyển tinh thần không? Nói gì thì anh cũng là người cha tinh thần của Tân Tạo.

Ông Đặng Thành Tâm: Chưa chắc là Tân Tạo đã khó khăn hơn chúng tôi. Tôi cũng có hỏi chứ, nếu có gì khó tôi sẽ giúp, vì đây là nơi bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của tôi, là niềm tự hào của tôi.

Vừa rồi tôi có đọc văn bản của Bộ Công Thương, nói về Sơ đồ điện 6, trong đó ghi rõ đây là dự án có tiến độ nhanh nhất. Hiện nay cực kỳ thiếu điện, sơ đồ điện 6 phải hoàn thành trước 2015, trong khi nhiều dự án chưa khởi công.

Phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị người ta quay vòng vốn thường xuyên, vốn cũng nhỏ. Nhiều người cứ tưởng khu công nghiệp rộng thì nhiều tiền nhưng thật ra 1.000 ha tôi cũng chỉ làm hết 500 đến 600 tỷ, trong đó 200 tỷ vốn điều lệ, 200 tỷ vốn cổ đông, còn lại vay ngân hàng. Hơn nữa chúng tôi đầu tư không làm đắt như một số dự án khác Sau khi làm xong mình cho thuê rồi cũng “cuốn chiếu”. Nhìn thì thấy mênh mông nhưng tiền vốn không nhiều.

Hải Âu nếu không vướng thì đô thị bên trong cũng đã làm xong rồi, lời là chắc chắn. Nhưng vướng là toàn bộ cát đá, nguyên liệu không cấp cho Tân Tạo mà cấp đơn vị khác rồi đơn vị khác chào hàng quá đắt. Để lâu thì cũng không hay nên chúng tôi đã trả lại để đơn vị khác làm.

Chúng tôi không sợ bị bên ngoài chê mà bên trong yếu kém đi thì sẽ chết. Hoạt động kinh doanh không có lợi nhuận sẽ chết. Mình phải nói bằng hành động hay con số.

Trong nước thì bảo doanh nghiệp thành công nhờ có quan hệ thì không có gì lạ. Nhưng nếu quan hệ được với các tổ chức tài chính, doanh nghiệp nước ngoài thì chỉ có tài năng và uy tín, chứ làm gì có “quan hệ” nào? Nhưng chúng tôi đã chứng minh bằng uy tín và đã phát hành trái phiếu hơn 2 tỷ đô. Hiện nay chúng tôi cũng có nhiều chuyên gia nước ngoài làm thuê cho mình.

Đừng để “mỡ đến miệng mèo”

Nhà báo Lê Vũ Phong: Công ty của anh niêm yết trên thị trường chứng khoán nên anh được coi là một trong những người giàu nhất thị trường, nhưng hỏi thật, có bao giờ anh đầu tư chứng khoán không?

Ông Đặng Thành Tâm: Hồi đầu tôi không có thời gian nhưng sau này tôi nghĩ nếu mình không tìm hiểu chứng khoán thì sẽ mất đi một kênh thông tin nên tôi cũng mua vào bán ra một ít để tìm hiểu khuynh hướng thị trường. Vì thế tôi đọc một vài forum nghe họ “chửi” mình thì mình cũng “tỉnh ngộ” một tý. Mình phải tham gia cuộc chơi thì mới hiểu được cuộc chơi đó.

Nhà báo Lê Vũ Phong: Nói chuyện về kinh doanh, anh đảm nhiệm rất nhiều vị trí ở rất công ty, còn tư vấn nữa thì anh chia sẻ thời gian ở rất nhiều vị trí ấy như thế nào?

Ông Đặng Thành Tâm: Tôi cũng nói thật đó là vấn đề chia sẻ thời gian thôi.

Tôi ví dụ ông chủ tịch Toyota, doanh số của ông ấy 180 tỷ USD, gần gấp đôi GDP của VN, sao người ta không bảo là anh làm lắm thế? Nhưng đâu có phải, làm việc thì nó có hệ thống và mình đi vào hệ thống.

Trong đây cũng có người hỏi tôi có hai câu: Anh quản trị công ty như thế nào? Anh kiểm soát công ty như thế nào?

Tôi bảo là mỗi người thì có một cách quản trị, tôi thì tôi Management by Objective, có nghĩa là tôi quản trị theo mục tiêu. Đối với tôi, giám đốc hay ai nhận nhiệm vụ đó tự đề xuất chứ tôi không giao việc vì về sau mà không làm được thì người ta lại bảo anh giao khó quá.

Thế là tự anh xây dựng mục tiêu cho anh, nếu thấp quá thì tôi chê bai. Bao giờ người ta cũng khôn, để mục tiêu thấp thôi để vượt kế hoạch vì vượt kế hoạch thì thưởng. Nhưng mà như thế thì lợi nhuận không cao được. Mình phải động viên người ta nâng mục tiêu lên.

Thế nếu là tôi thì tôi sẽ đưa ra một số tiêu chí là  tổng công ty có thể hỗ trợ cái gì, còn mặc quí vị muốn làm thế nào thì làm, miễn sao đạt được chỉ tiêu. Đó là quản trị theo mục tiêu.

Thế còn tuyển nhân sự thì tôi không cử người vào. Trong cả cái tập đoàn đầu tư Sài Gòn, họ hàng tôi không nhận vào. Tôi không muốn rằng cái hệ thống nó bị lệch lạc, người ta hiểu sai đi. Tôi mà cử người vào thì sau này cái đơn vị không thành công họ bảo tại người của anh chứ em có bảo được đâu thì thành ra lỗi của mình.

Về quản lý, tôi chỉ quản lý đầu và đuôi thôi. Quản lý đầu vào có nghĩa là mình phải xem xét cái kế hoạch, quản lý đuôi là kết quả kết hoạch đó. Thỉnh thoảng mình mới kiểm soát người ta, gọi là kiểm soát nội bộ để xem trong cái mắt xích dây chuyền thì anh em làm có tốt hay không.

Nhưng mà thỉnh thoảng thôi để anh em người ta còn làm, chứ suốt ngày mò mò xem người ta làm gì là người ta khó chịu, không làm được đâu. Thứ hai là những người giỏi thường có cá tính, nếu anh mà cứ suốt ngày săm soi là người ta cũng không làm được.

Chúng tôi hay tổ chức các sinh hoạt cộng đồng. Khi đó mọi người giao lưu, kể chuyện một cách tự nguyện mà, người ta chia sẻ cả những cái vướng mắc. Tưởng rằng thế thôi mà đến tai chưa hết, tại vì dở thì người ta thường không nói. Kiểm tra cấp cao là phải rất khôn khéo chứ không phải là cho gián điệp đi theo.

Mình làm việc thế nào để họ cảm thấy mình thực sự tin tưởng họ thì họ mới cống hiến. Nhưng như không có nghĩa là không có hệ thống kiểm tra. Không có hệ thống kiểm tra thì bao giờ cũng phát sinh các vấn đề.

Ở Việt Nam, chúng ta nói tại sao nhiều tham nhũng thế. Con mèo mà quí vị bỏ cục mỡ ngay miệng mà nó không ăn thì không phải là con mèo. Con người có cả cái xấu cái tốt. Anh đưa 1 cái lợi ích trước mặt người ta rồi người ta vi phạm anh bảo người ta xấu nhưng không phải, đó là tại anh thôi. Nếu anh kiểm tra giám sát tốt thì anh sẽ giữ đc cán bộ của anh. Cán bộ nhà nước cũng thế thôi, không kierm tra giám sát thì dễ thất thoát.

Nhà báo Lê Vũ Phong: Anh nghĩ thế nào về sự linh động ở môi trường Việt Nam?

Ông Đặng Thành Tâm: Thực sự, khi gặp tình huống khẩn cấp, nhưng tình huống ngoài dự đoán thì lúc đó người ta linh động.

Ví dụ 3 năm qua, chính sách tiền tệ thay đổi mỗi năm một lần. Tại thời điểm đó mà  không linh hoạt thì chết. Đầu năm Nhà nước nói là chính sách tiền tệ phải hết sức linh hoạt thì chúng ta hiểu ngay là sẽ có những tình huống bất ngờ.

CEO thời điểm bình thường có thể đi chơi nhưng cái linh hoạt cần là những lúc khẩn cấp anh biết ứng phó và phản ứng phù hợp.

Uống rượu là văn hóa doanh nhân Việt Nam

Nhà báo Lê Vũ Phong: Có khi nào anh có rảnh rỗi để đi chơi không ?

Ông Đặng Thành Tâm: Có 2 khái niệm là đi làm và đi chơi, nhưng với tôi khái niệm 2 cái đó là 1. Có nghĩa là tôi làm mà nhức đầu quá thì tôi chuyển sang làm cái khác, cũng là để giải trí.

Bây giờ dù bận nhưng mỗi tháng ít nhất cũng phải đưa gia đình mình đi rạp xem phim hai lần và đưa các cháu đi mua sách, còn tôi bây giờ chủ yếu đọc trên màn hình máy tính thôi.

Nhà báo Lê Vũ Phong: Thế các cháu của anh có cháu nào có thiên hướng kinh doanh như anh?

Ông Đặng Thành Tâm: Con tôi còn bé lắm. Đứa lớn nhất mới có 14 tuổi, lấy đâu ra mà có thiên hướng kinh doanh? Nhưng cứ hỏi nó lớn lên con làm gì, nó con làm như ba. Nhưng hỏi nó con có biết ba làm gì không thì bảo không biết (cười).

Nhà báo Lê Vũ Phong: Anh có thú vui nào cho riêng mình?

Ông Đặng Thành Tâm: Thuở nhỏ tôi rất thích đọc sách, nhưng mà có tật là cứ đọc vào là không rời cuốn sách, cho nên mình đã đọc là cứ đọc hết. Nhưng bây giờ mấy nhà văn họ viết cứ tập này qua tập khác, nên mình rất mất thời gian. Như xem phim Vượt ngục mới đây, thức đêm thức hôm xem, rồi lại có phần 2, xem hoài mệt quá thôi lần sau không xem nữa, dù rằng cũng rất hay.

Đấy để nói rằng mình có cái tính là đã làm gì là không bỏ được, quyết tâm làm từ đầu đến cuối, chứ không bỏ dở. Cho nên kiên trì là rất quan trọng. Công việc nào cũng có cơ hội cả. Đừng nghĩ rằng cái này cơ hội hơn cái kia. Nếu mình đã chọn được con đường đi thì cố gắng đi đến hết con đường. Khi ấy, khả năng thành công lớn hơn, chứ đừng bỏ dở rồi thì cơ hội nó cũng qua mà thời gian trôi rồi thì mình sẽ già mất.

Nhà báo Lê Vũ Phong: Anh có uống rượu không?

Ông Đặng Thành Tâm: Nói thật, hồi xưa tôi đi biển cũng uống rượu nhiều. Trong hoạt động kinh doanh Việt Nam, uống rượu là văn hóa, chia sẻ thẳng thắn nhất, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng. Càng say, càng uống nhiều. Nhưng các bà vợ thì phản đối, coi đó là tệ nạn. Tôi cũng hạn chế uống rượu.