Trang chủ » Tranh luận » TGĐ SJC đề xuất lập quỹ bình ổn vàng tới 100 tấn

TGĐ SJC đề xuất lập quỹ bình ổn vàng tới 100 tấn

Tác giả:

LTS: Ở phần 1 của buổi trực tuyến, ông Nguyễn Thành Long, Tổng GĐ Cty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) kiêm Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng, đã trò chuyện về những diễn biến của thị trường vàng năm 2010 và dự báo năm 2011, đồng thời đưa ra một số lời khuyên cho những người muốn tham gia kinh doanh vàng.

Trong phần cuối của buổi trực tuyến, ông Long sẽ trao đổi những vấn đề về quản lý Nhà nước cũng như chính sách điều hành để ổn định thị trường vàng.

“Lượng vàng trong dân không tới 1000 tấn”

Nhà báo Phạm Hoa Lài: Vai trò chính của Nhà nước là chính sách điều tiết của cơ quan nhà nước. Thưa ông trong thời gian qua Nhà nước đã cho phép nhập khẩu vàng và giảm thuế nhập khẩu xuống 0% ông đánh giá thế nào về hiệu quả của biện pháp này?

Ông Nguyễn Thành Long: Khi Nhà nước cho phép nhập vàng và giảm thuế thì dĩ nhiên tình hình tốt hơn. Tuy nhiên, về lâu dài, Nhà nước nên có chính sách dài hơi và mang tính chiến lược hơn đối với thị trường vàng chứ không phải chỉ xử lý tình thế như vừa qua.

Nhà báo Phạm Hoa Lài: Nguồn vàng dự trữ trong dân hiện nay có nhiều số liệu dự đoán có người thì nói 800 tấn hay 1000 tấn? Ông có thể đưa ra nhận định nguồn vàng dự trữ trong dân hiện nay không?

Ông Nguyễn Thành Long: Đây chỉ là sự ước đoán chứ không có cơ sở khoa học. Con số này được đưa ra từ Hội đồng vàng thế giới khi thống kê lượng vàng của Việt Nam từ lượng vàng nhập chính thức và lượng vàng nhập không chính thức qua đường biên giới từ Campuchia, thực tế số lượng này có thể được nhập lậu vào VN. Lượng vàng này rất khó kiểm soát. Số liệu cộng lại và dự báo lượng vàng trong dân còn khoảng 1000 tấn. Bản thân tôi cho rằng con số này chỉ khoảng 300 – 500 tấn vì Hội đồng vàng thế giới chưa tính con số xuất ra. Riêng công ty SJC từ khi thành lập tới nay, lượng vàng chúng tôi sản xuất ra khoảng 620 tấn, trong số này cũng đã xuất ra nhiều.

Ông Nguyễn Thành Long: “Phải tạo hành lang cơ chế để thị trường vàng vận hành theo một cơ chế thị trường.” Ảnh: Linh Phạm

Nhà báo Phạm Hoa Lài:  Thời gian qua có một số quan điểm cho rằng VN nhập vàng nhiều làm ảnh hưởng đến nhập siêu và ảnh hưởng đến dự trữ ngoại tệ của VN?

Ông Nguyễn Thành Long: Tôi đồng tình với những lo ngại về việc nhập vàng quá nhiều. Nếu chúng ta tập trung nhập vàng ồ ạt thời điểm nào đó thì nó có tác động đến tỉ giá đồng Việt Nam. Bên cạnh nhu cầu thực còn có nhu cầu ảo trên kinh doanh vàng.

Tuy nhiên quan điểm của chúng tôi là phải nhận định tỉnh táo trong chuyện này. Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước không nên cấp quota đột xuất trong một thời gian ngắn. Nếu làm được như vậy thì sẽ không có việc thu gom USD nhập vàng khiến vàng tăng giá. Thứ hai là khi nào giá vàng cao thì người kinh doanh mới nhập về. Thứ ba, vàng cũng là ngoại tệ nên có thể biến nó thành ngoại tệ khi xuất khẩu và đưa ngoại tệ về.

Nhà báo Phạm Hoa Lài: Bên cạnh sự biến động giá vàng trong năm vừa rồi thị trường có nhiều biến động khác như cấm kinh doanh vàng trên tài khoản, cấm huy động cho vay vàng. Bên cạnh một số hiệu quả về quản lý một số quan điểm cho rằng những quyết định này, chính sách này thắt chặt kinh doanh vàng, nhận xét này có đúng không?

Ông Nguyễn Thành Long: Ngân hàng Nhà nước đưa ra chủ trương này có lẽ dựa trên suy luận là có nhu cầu ảo trên giao dịch vàng và không muốn tạo thói quen sử dụng vàng. Đồng thời, chủ trương này có lẽ cũng xuất phát từ chuyện đánh giá nhập vàng làm tăng tỷ giá VNĐ/USD. Nếu xét theo khía cạnh đó thì giải pháp đó đúng.

Quan điểm của tôi là nếu dùng biện pháp hành chính thì hoàn toàn không giải quyết được tình hình. Giá vàng VN chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự biến động linh hoạt của giá vàng thế giới nên thị trường vàng trong nước cũng phải thật linh hoạt mới đáp ứng được. Vì vậy, chúng ta không thể đòi hỏi tình hình ổn định tuyệt đối ở thị trường vàng. Nhà nước nên tạo hành lang để thị trường vàng vận hành theo cơ chế thị trường được tốt.

Nên có quỹ bình ổn 50-100 tấn vàng và huy động trong dân

Nhà báo Phạm Hoa Lài: Thời gian qua như diễn biến hiện nay có một số quan điểm cho rằng cách quản lý thị trường vàng của Nhà nước còn đơn giản, nó thiếu tính hiệu quả, tính dự báo chưa xứng với nguồn lực tài sản như vàng?

Ông Nguyễn Thành Long: Về mặt quản lý, Nhà nước muốn hạn chế dùng vàng làm tiền tệ, hạn chế dùng vàng miếng trong dân. Ví dụ, Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước hạn chế huy động tiết kiệm vàng, không cho ngân hàng thương mại vay vàng kinh doanh và cũng có sự thu hẹp, làm ít biến động thị trường. Giải pháp này chưa có một thực tế kiểm nghiệm. Nếu làm được điều đó và thị trường ít biến động thì tôi nghĩ là thành công. Nhưng thị trường vẫn có những người đầu cơ nhập vàng lậu. Nhà nước đóng cửa sàn vàng là cấm các ngân hàng của Nhà nước nhưng công ty vàng của nước ngoài họ vẫn hoạt động được bình thường.

Hiệp hội Kinh doanh Vàng đang đề xuất với Ngân hàng Nhà nước, UB tiền tệ tài chính quốc gia tổ chức hội thảo bàn về quản lý và kinh doanh vàng. Hội nghị này dự kiến diễn ra vào đầu tháng 3 năm 2011 tại Hà Nội. Chúng tôi cũng mời hội đồng vàng thế giới và các chuyên gia quốc tế cùng tham gia thảo luận để tìm ra những giải pháp hiệu quả cho vấn đề này.

Nhà báo Phạm Hoa Lài: Nhiệm vụ chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước là xây dựng và quản lý thị trường vàng, với thông tin ông vừa chia sẻ sẽ có cuộc hội thảo giữa nhiều bên liên quan tham gia. Ông có thể cho biết SJC có đề xuất cụ thể hơn cho đề án quản lý thị trường vàng?

Ông Nguyễn Thành Long: Tôi thấy có một số vấn đề cần mạnh dạn đề nghị về quan điểm và giải pháp.

Tôi đề nghị Nhà nước nên đưa việc xuất nhập vàng thành việc kinh doanh bình thường, điều tiết bằng chính sách thuế.

Theo tôi, việc áp dụng mức thuế xuất 10% như hiện nay chưa hợp lý. Nếu hạn chế xuất, thì cũng nên chỉ đánh thuế 1-2%.  Ví dụ, nhà nước cấp hạn mức nhập vàng trong một thời gian dài thì tự doanh nghiệp sẽ cân đối trên thời điểm nhập, sẽ không có chuyện nhập tập trung và gom ngoại tệ để nhập vàng. Thực tế cho thấy, xuất vàng sẽ giúp thu ngoại tệ về chứ không có việc chảy máu ngoại tệ ra nước ngoài.

Tôi tin nếu Nhà nước tạo cơ chế xuất nhập bình thường thì sẽ ngăn chặn được vấn nạn nhập lậu vàng. Vì nhập lậu phát sinh nhiều chi phí như chi phí đi đường, hối lộ… nên nếu cho nhập chính thức thì họ sẽ từ bỏ việc làm này. Ngoài ra, Nhà nước nên có quỹ bình ổn vàng từ 50-100 tấn thì có thể can thiệp những cơn biến động của thị trường vàng. Quỹ này có thể lấy từ hai nguồn: vàng nhập khẩu hoặc huy động vàng của dân thông qua các ngân hàng thương mại.

Công ty SJC sẵn sàng cung cấp chuyên viên, tư vấn để hình thành quỹ này và sẵn sàng dùng vàng SJC cung ứng kịp thời cho Ngân hàng Nhà nước để bình ổn thị trường nếu có biến động. Nếu chúng ta có nguồn vàng dồi dào, đáp ứng kịp thời thì sẽ không xảy ra chênh lệch nhiều giữa giá vàng trong nước và thế giới, vì thế sẽ tránh được đầu cơ và các cơn sốt giá biến động.

Cuối cùng, tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước thành lập Sở giao dịch vàng và có sự quản lý chặt chẽ, tạo điều kiện cho người đầu tư vàng giao dịch. Như vậy tốt hơn hiện tại, người đầu tư làm “chui”, dễ gặp  nhiều rủi ro.

Lạc quan cho năm 2011

Nhà báo Phạm Hoa Lài:  Với nhận định và phân tích như vừa rồi ta có cơ sở tin rằng thị trường vàng 2011 ở VN sẽ ít rủi ro hơn 2010 phải không ạ?

Tôi tin nếu Nhà nước tạo cơ chế xuất nhập bình thường thì sẽ ngăn chặn được vấn nạn nhập lậu vàng. Vì nhập lậu phát sinh nhiều chi phí như chi phí đi đường, hối lộ… nên nếu cho nhập chính thức thì họ sẽ từ bỏ việc làm này.

Ông Nguyễn Thành Long: Tôi có niềm tin sau ĐH Đảng, sẽ có những tư duy mới, cách làm mới và những bước phát triển mới. Tôi hy vọng Nhà nước sẽ có chính sách về vàng tốt hơn, thông thoáng hơn để đưa kinh doanh vàng trở thành một ngành nghề kinh doanh bình thường.

Nhà báo Phạm Hoa Lài: Chúng tôi xin một vài phút để nghe quan điểm của ông về bức tranh chung của nền kinh tế VN. Có một số quan điểm cho rằng phục hồi nền kinh tế thế giới và VN trong 2011 khá bi quan. Đối với ông là một DN lớn có vai trò điều phối thị trường vàng thì ông nhìn nhận thế nào về triển vọng kinh tế 2010?

Ông Nguyễn Thành Long: Tôi có tiếp nhận những thông tin bi quan, thậm chí có người còn nói khủng hoảng nhưng tôi nghĩ điều này sẽ không xảy ra. VN đang trong giai đoạn phát triển gia tăng, GDP 2010 vẫn khả quan. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp dựa trên tiềm năng nông nghiệp chứ chưa phải là đất nước hội nhập hoàn toàn với thế giới nên sự ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế thế giới cũng ở mức độ vừa phải. Ngoài ra, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời để ổn định tình hình trong năm 2010.

Tuy nhiên, cũng cần phải quan tâm đến vấn đề lạm phát. Bên cạnh nền kinh tế quốc doanh chủ đạo như hiện nay, cũng cần thúc đẩy phát triển kinh tế các thành phần khác.

Nhà báo Phạm Hoa Lài: Xin thay mặt Diễn đàn Kinh tế VN, thay mặt độc giả, cảm ơn ông rất nhiều!

 

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam