Trang chủ » Doanh nhân » “Quí ngài Louis Vuitton” và chiến lược xâm nhập Châu Á

“Quí ngài Louis Vuitton” và chiến lược xâm nhập Châu Á

Tác giả:

LVMH luôn tiên phong ở các thị trường đang lên

Paris một buổi chiều tháng Mười khô và lạnh. Người đàn ông giàu nhất châu Âu Bernard Arnault từ tốn trải lòng về chuyến ngao du sắp tới đến Mông Cổ – một trong những “lãnh thổ” thịnh vượng mà đế chế LVMH của ông ngự trị. “Tôi muốn thấy tận mắt phản ứng của mọi người khi đứng trước các gian hàng trưng bày” – ông tâm sự bằng một giọng Anh nằng nặng nhưng lưu loát.

Tiếp chuyện chúng tôi, “ông vua” 61 tuổi lịch lãm, sang trọng trong bộ vest xanh biển cùng chiếc cavat rất ăn ý, tất cả mang nhãn hiệu “con cưng” Christian Dior; đi kèm giày da tinh xảo của Berluti- nhãn hàng tuy ít phổ biến hơn một chút, nhưng đứng hàng cao cấp nhất trong hơn 60 thương hiệu thuộc sở hữu của ông. “Tôi còn muốn thấy sức cạnh tranh. Tôi là người thích đua tranh, muốn dẫn đầu và muốn nhân lên lợi thế cách biệt sẵn có.

Không hề phóng đại, thực sự ông là người dẫn đầu. Không chỉ xét trên các con số thống kê (cổ phiếu của LVMH tăng hơn 60% trong năm vừa qua, đưa tổng trị giá tài sản vọt lên mức 39 tỷ USD) mà còn dựa vào mức độ “phủ sóng” trên toàn cầu. Đã từ lâu, Arnault khởi xướng chiến dịch đưa thời trang cao cấp đến với các nước đang phát triển, những nơi như  Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ (chi nhánh Louis Vuitton đầu tiên tại Trung Quốc khai trương năm 1992). Hiện tại, ông tỏ rõ tham vọng tại thị trường Trung Á, quê hương của dân du mục, du canh, của sữa bò và thịt dê, nơi tưởng như túi xách hiệu Fendi hay nước hoa Guelain không thể tìm thấy mối liên hệ với cuộc sống thường ngày.

Arnault luôn khởi xướng các chiến dịch đưa thời trang cao cấp đến với các nước đang phát triển, những nơi như  Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ

Vào năm ngoái, LVMH đã mở một chi nhánh tại thủ đô Ulaanbaatar, Mông Cổ. Ulaanbaatar là một đô thị sầm uất với 1.1 triệu dân, cách biên giới với Nga 120 dặm. Vài tuần sau đó, một cửa hàng tiếp tục đưa vào hoạt động tại Hohhot, miền Trung Mông Cổ, nằm gần gần ranh giới với Trung Hoa. Thống kê của chi nhánh đầu tiên đã cho thấy lợi nhuận đáng kể.

Đầu tháng 11, Arnault đã có chuyến thăm dò thị trường tại 6 thành phố châu Á. Trên chiếc phi cơ riêng còn có 2 cố vấn thân cận: con gái Delphine- tổng giám sát hệ thống các cửa hàng và  Sidney Tolerando, giám đốc nhãn hàng Dior. Cuối tháng này, ông sẽ quay lại châu Á cùng con trai Antoine, cũng là giám đốc truyền thông tại Louis Vuitton. Chuyến đi sẽ rất bận rộn và tỉ mẩn: “Có lần, cha tôi khăng khăng chỉnh sửa một chiếc túi trên giá trưng bày, ông ấy nhất định muốn chiều dài của nó thu hẹp lại 5 cm“, Antoine kể. “Đến tận 10 giờ tối, ông ấy vẫn tiếp tục làm việc. Ông ấy lúc nào cũng tràn đầy năng lượng đến mức đáng ngạc nhiên“.

Là người đứng đầu LVMH, có lẽ ông cần phải như vậy. Để duy trì tốc độ tăng trưởng thường niên của tập đoàn, Arnault phải không ngừng mở rộng đến những khu vực mới, những đất nước xa xôi trên thế giới. Danh sách hơn 2400 cửa hàng đại diện đang được nối dài bởi những chi nhánh mới đặt trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh; Phnom Penh (Campuchia); Yekaterinburg (Nga); Macao; Abu Dhabi và sắp tới là Lhasa (Tibet) “Không còn gì phải nghi ngờ, thế giới ngày nay đang được lèo lái bởi sự tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc và các nền kinh tế mới đang lên“, ông tự tin nói. “Và Vuitton luôn luôn là người tiên phong. Chúng tôi đi đầu trong việc thâm nhập thị trường Trung Quốc. Khi chúng tôi đặt chân lên lãnh thổ Trung Hoa, lúc ấy người dân chỉ mới đi xe đạp, còn chưa thấy bóng dáng ô tô ở đó“.

Lợi nhuận thu được chỉ tính riêng ở châu Á (trừ Nhật Bản) chiếm tới 25% tổng doanh thu năm vừa qua, tốc độ gia tăng doanh số vượt xa ở các khu vực khác. Tất nhiên lợi nhuận tại châu Âu và Hoa Kỳ vẫn lớn nhất, nhưng “sức cầu ở đây đang dần bão hoà. Vì thế, như một điều tất yếu, LVMH cần tiếp tục tấn công vào các nước đang phát triển”.

Nhưng không phải là không có sự mạo hiểm. Hàng hoá xa xỉ cũng nằm trong guồng quay kinh tế, mà nền công nghiệp hàng hoá lĩnh vực này lại tăng trưởng một cách đột ngột, bất chấp sự ảm đạm của kinh tế thế giới. Điều đó được giải thích một phần bởi sự phát triển chóng mặt của các nước LVMH nhắm tới (Mông Cổ, Li-băng, Ba Lan, Việt Nam…). LVMH đã là người đầu tiên đến với những thị trường như thế, “nhắm tới đối tượng đầu tiên là các triệu phú, sau dần tới những người thu nhập thấp hơn” (Luca Solca, nhà phân tích hoạt động tại Sanford C.Bemstein, Zurich). Arnault đã đặt thương hiệu của ông tại những địa điểm tốt nhất, với giá cả phải chăng nhất.

Nhưng cơn sốt kinh tế đang giảm nhiệt. Khi tốc độ tăng trưởng đang phi nước đại ở mức 9- 10%, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc gần đây đã quyết định tăng lãi suất cho vay để bình ổn lạm phát. Điều này đánh mạnh vào sức mua của người tiêu dùng, đe doạ việc kinh doanh của LVMH tại đây. “Nếu nền kinh tế Trung Quốc bị cảm lạnh”, Solca tiếp, “thì giao thương hàng hoá xa xỉ sẽ bị viêm phổi cấp tính“.

Arnault đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Nói thế nào chăng nữa, ông cũng đã vượt qua nhiều cơn suy thoái kinh tế, hậu quả sau vụ tấn công khủng bố 11/9, hay nỗi kinh hoàng mang tên (viêm đường hô hấp cấp) SARS; cũng đã kinh qua nhiều cuộc chiến tranh chấp trong và ngoài tập đoàn. Ông sớm đã thiết lập cho LVMH một bộ máy lãnh đạo luôn tràn đầy sức sáng tạo và biết nhìn xa trông rộng.

Đánh vào “túi tiền” Châu Âu và Mỹ

Hermès thương hiệu gần 200  năm tuổi cũng đã về tay ông trùm Bernard Arnault

Thâu tóm thị trường các nước đang phát triển mới chỉ là một phần trong chiến lược của LVMH. Arnault còn tập trung chú trọng tiềm lực chưa được khai phá tại những nước giàu. Một loạt cửa hàng mới sắp được khai trương, mở rộng hơn nữa thế mạnh tại Paris, London, Dusseldorf, Santa Monica, New York. “Những nơi đó là túi tiền thực sự“, dẫn lời Antoine Belge, chuyên gia phân tích rủi ro tại LVMH cho HSBC (tập đoàn tài chính và bảo hiểm) tại Paris. Công ty cũng để mắt tới cộng đồng người nhập cư tại Hoa Kỳ, Belge cho biết thêm, bởi “người gốc Tây Ban Nha và gốc Hoa có xu hướng sử dụng ngày càng nhiều hàng hoá xa xỉ”. Xét rộng ra, đây là xu hướng chung của mọi người. Trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế hồi năm ngoái, “Nhiều chị em ở Mỹ chấp nhận cắt giảm chi tiêu vào thức ăn hay hy sinh chuyến du lịch thường niên chỉ để mua một túi xách hiệu Louis Vuitton”. Bằng chứng là, tổng doanh số bán hàng nửa đầu 2010 tăng 53% so với cùng kỳ năm 2009, và LVMH thu lợi nhuận 1.4 tỷ USD ( tăng 16%) trong 12.6 tỷ tổng lượng bán được.

LVMH đã rót 2 tỷ USD vốn đầu tư vào Công ty Quốc tế Hermès – nhà sản xuất khăn lụa, cavat và túi xách Birkin rất được ưa chuộng- cũng là mục tiêu thâu tóm từ lâu năm của Arnault. Khoản đầu tư là một nước đi táo bạo của LVMH: Hermès là một trong số rất ít những công ty độc lập, hiện không phụ thuộc vào tập đoàn lớn. Đó sẽ là “miếng mồi” những đối thủ cạnh tranh khác như Richemont và Gucci hiển nhiên đang tìm cách giành giật. Dù LVMH đã lên tiếng thanh minh rằng họ sẽ không “nuốt gọn” công ty 173 năm tuổi Hermès, mọi người đều hiểu rõ kết cục sau này. Có thể sẽ có một cuộc đấu tranh cam go kịch tính: 3/4 công ty vẫn thuộc sở hữu của hơn 200 thành viên gia tộc Hermès. Để giành lấy tất cả, có lẽ cũng phải mất cả thập kỷ.

Nhưng điều đó không quan trọng, bởi LVMH sinh ra là để trường tồn mãi về sau. Hơn 60 thương hiệu rượu, rượu mạnh (trong đó có Moët & Chandon, Veuve Clicquot), thời trang và hàng da thuộc (Vuitton, Dior), nước hoa và mỹ phẩm (Givenchy và Guerlain), trang sức và đồng hồ cao cấp (TAG Heuer) cùng các cửa hàng miễn thuế luôn sẵn sàng phục vụ rộng khắp cho tầng lớp trung lưu và giới thượng lưu. Giá cả sản phẩm dao động từ 12 USD cho một thỏi son môi của Sephora đến 2,800 USD một chiếc túi Lady Dior, tới 21,000 USD một đồng hồ cao cấp Hublot. Tất cả các lĩnh vực đều hoạt động thuận lợi, đặc biệt là nhóm hàng thời trang và đồ da thuộc với doanh số tăng 20% và nhóm hàng đồng hồ, trang sức tăng 29%.

(còn tiếp)