Trang chủ » Doanh nhân » Bỏ London đến Việt Nam lập hãng thời trang

Bỏ London đến Việt Nam lập hãng thời trang

Tác giả:

Diễn đàn “Kinh tế sáng tạo – giải pháp cho Việt Nam bật lên?” giới thiệu câu chuyện về Anupa Horvil, một doanh nhân, nữ thiết kế trẻ người Anh đã khởi nghiệp ở Việt Nam và có những thành công nhất định trong lĩnh vực thời trang.

Thật khó bán sản phẩm nếu không có niềm tin

Lần đầu tiên đến Viêt Nam vào cuối những năm 1990, nữ thiết kế trẻ người Anh này cảm thấy đây là một đất nước vô cùng khác biệt.

Ngồi trong văn phòng tại thành phố Hồ Chí Minh, Anupa tâm sự: “Hồi đó thành phố này đầy rẫy những ngôi nhà xiêu vẹo, đường phố thì chỉ toàn xe đạp và người dân thậm chí còn mặc cả quần áo ngủ ra đường vào ban ngày. Bây giờ thì thành phố gần như đã lột xác. Đường phố chật ních ôtô, nhà cao tầng mọc lên như nấm. Dường như cả đất nước đang muốn vươn mình để trở thành một New York sầm uất và hiện đại”.

Anupa là người gốc Ấn nhưng lớn lên ở Luân Đôn. Ban đầu cô đến Việt Nam chỉ với mục đích xây dựng những kế hoạch chiến lược cho một công ty marketing đa quốc gia. Dù rất yêu đất nước và con người nơi đây, nhưng cô sớm cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng khi làm việc trong một tập đoàn quá lớn, và đây chính là quãng thời gian cô manh nha ý tưởng thành lập công ty của riêng mình.

NTK Anupa Horvil đã thành công tại TP Hồ Chí Minh với sản phẩm của mình.

“Ở một đất nước như Việt Nam, quảng cáo có vai trò vô cùng to lớn. Đây là một thị trường đang phát triển, và người dân thường rất tin vào những sản phẩm mà bạn mời chào. Do vậy, thật khó để bán những sản phẩm mà tôi không có niềm tin vào nó. Đó là lý do tôi bỏ việc ở công ty đa quốc gia và thành lập công ty bán túi da và đồ phụ kiện”, Anupa cho biết.

Bây giờ khi mọi chuyện đã qua thì cảm thấy quyết định đó thật dễ dàng, nhưng so với thời điểm lúc đó thì thật là “kinh khủng”.

“Hồi đó tôi còn độc thân và quyết định đầu tư toàn bộ số tiền tiết kiệm vào lĩnh vực mình chưa hề có nhiều kiến thức. Bạn có thể tưởng tượng được một người phụ nữ như tôi đã gặp khó khăn dường nào. Khó khăn là tôi muốn tiến hành các thủ tục một cách hợp pháp, nhưng quá trình này ở Việt Nam lại tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc”.

“Nhiều người khuyên tôi chỉ nên mở một cửa hàng thôi, nếu bị người ta ‘sờ” đến thì chỉ mất một ít tiền là được. Nhưng tôi gạt đi ngay, bởi đó không phải là điều tôi muốn. Cũng phải mất một thời gian chờ đợi, cuối cùng tôi đã chính thức có được công ty của riêng mình mang tên “Anupa”, nghĩa là “độc đáo” trong tiếng Phạn”.

Anupa: cao cấp, bền vững, độc đáo và nổi bật

Anupa mô tả về hình ảnh thương hiệu của mình như thế nào? “Cao cấp và bền vững”, cô khẳng định. “Các sản phẩm cao cấp sử dụng vật liệu rất tốt nên sẽ không dễ bị hỏng. Tôi không thích mọi người cứ phải mua hết túi nọ đến túi kia để rồi cuối cùng chúng cũng lỗi mốt và không còn sử dụng được. Thay vì tập trung vào tiêu trí thời thượng, tôi muốn các thiết kế của mình phải thật đơn giản và bền vững theo thời gian, được sản xuất từ những chất liệu thân thiện với môi trường”.

Cô thừa nhận, đó là một đặc tính mà nhiều khách hàng của cô rất khó nắm bắt. “Hầu hết các nhà thiết kế Việt Nam đều đang ở trong “giai đoạn sao chép” – lấy cắp những mẫu thiết kế của nhau, vậy nên dù bạn có đi vào 20 cửa hàng bán túi xách thì vẫn sẽ không tìm thấy sự khác biệt. Sản phẩm của tôi thì nổi bật hẳn ra khỏi đám đó”.

“Nhiều người quyết định mua vật gì đó để làm từ thiện chứ không phải vì sở thích của bản thân. Việc đó không hề thân thiện với hệ sinh thái mà trái lại cực kỳ lãng phí, bởi rồi cuối cùng thì họ cũng bỏ đi. Tôi không thể giả vờ rằng những người ở đây mua sản phẩm của tôi bởi vì chúng được làm từ các chất liệu bền – mà với họ đây cũng là một tiêu chí để cân nhắc. Tuy nhiên, miễn là họ mua chúng, tôi cũng không cần phải suy nghĩ nhiều”.

Hướng tiếp cận thương hiệu của cá nhân Anupa có ảnh hưởng đặc biệt tới những hình ảnh quảng bá cho sản phẩm. “Ai cũng ngạc nhiên khi tôi có xu hướng chọn người mẫu nam hơn người mẫu nữ, thậm chí khi quảng cáo sản phẩm dành cho phụ nữ. Nhưng biết sao được, bản thân tôi không thích những người mẫu nữ ngày nay cho lắm”.

“Tôi thực sự không tin rằng phụ nữ cần nhịn ăn để trông thon gọn hơn, và tôi cũng không thấy những quốc gia phát triển như Mỹ lại đi mời những cô người mẫu ốm nhom quảng bá cho sản phẩm của họ. Vậy nên tôi thích chọn người mẫu nam hơn, thường là các cầu thủ bóng đá ở Việt Nam. Họ không phải là những người mẫu chuyên nghiệp, nhưng họ khỏe mạnh và cân đối. Tôi cũng không cho chỉnh sửa ảnh, nếu họ có vết sẹo thì vẫn cứ để yên như thế. Tôi nghĩ góc nhìn tự nhiên sẽ phù hợp với sản phẩm của chúng tôi hơn”.

Một trong những hình ảnh quảng cáo sản phẩm độc đáo của nhãn hiệu Anupa. NTK Anupa thường dùng cầu thủ tại Việt Nam làm người mẫu cho những sản phẩm của mình.

Dù vậy,Anupa cũng phải thừa nhận là tầm nhìn thương hiệu của cô có thể làm cho quá trình bán sản phẩm ra nước ngoài gặp khó khăn hơn. Bởi khi mua các đồ phụ kiện từ châu Á, người ta thích giá rẻ hơn là tiêu chí thân thiện với môi trường. Các thiết kế của cô hiện đã có mặt tại các cửa hàng nhỏ trên khắp thế giới, và cô hy vọng công việc kinh doanh sẽ ngày càng phát triển xa hơn.

Những bất tiện nhỏ

cAnupa cho biết cô không có ý định rời Việt Nam. Kể từ khi gặp người bạn đời tại một cửa hàng ăn yêu thích (anh là người Ý gốc Pháp), cô trở nên điềm đạm hơn, và có vẻ như đã “cảm” nền văn hóa nơi đây mất rồi.

Cô nhiệt tình nói: “Ở đây có rất nhiều người ngoại quốc sinh sống và làm việc, từ người Hàn Quốc đến người Đài Loan, rồi người Pháp. Họ rất nồng nhiệt, và cũng có nhiều nhóm hỗ trợ người nước ngoài. Ví dụ như tôi có tham gia buổi trà sáng mỗi tuần dành riêng cho phụ nữ. Cửa hàng của tôi thường là nơi để giới thiệu các nhà thiết kế mới, đa số là người Anh, và tôi rất thích khi được truyền tải những thông điệp về tính bền vững cũng như đưa ra những lời khuyên hữu ích khi ai đó muốn tiến hành kinh doanh trên đất nước tươi đẹp này”.

Tất nhiên là cũng có những bất cập khi sinh sống ở Việt Nam. “Giao thông thì thật kinh khủng, và bạn rất dễ bị căng thẳng khi mới chân ướt chân ráo đến đây, thấy người ta cứ lao thẳng không chừa đèn đỏ và thậm chí phóng cả lên vỉa hè”.

“Mọi việc sẽ chỉ khó khăn hơn một chút thôi. Nếu bạn muốn tìm một người dạy vẽ, hay một lớp học nhạc, cuối cùng rồi bạn cũng sẽ tìm thấy một địa chỉ vì chắc chắn sẽ có người nào đó có thông tin hữu ích. Nhưng sẽ không bao giờ có một nơi trung tâm mà bạn có thể tìm thấy được tất cả những gì mình cần. Cũng giống như việc đi mua sắm vậy. Không có siêu thị trung tâm, mà bạn phải đi dạo quanh tất cả những cửa hàng bán đồ chuyên dụng”.

Dù vậy, Anupa nhấn mạnh thêm rằng, đó chỉ là những bất tiện nho nhỏ. “Việt Nam là một đất nước tuyệt vời, và tôi thực sự muốn khuyến khích các bạn khởi nghiệp tại nơi đây. Có thể tự mình quản lý công ty riêng là cảm giác sung sướng nhất”.

“Cơ bản thì tôi đã tự mình làm nên được một điều gì đó từ hai bàn tay trắng, mà lại ở một đất nước hoàn toàn xa lạ. Qua đây tôi cũng muốn gửi đến các bạn một thông điệp rằng: Ai cũng có thể thành công nếu thực sự nỗ lực”.

Anupa và câu chuyện thành công của cô tại Việt Nam có khiến bạn nghĩ về tiềm năng cho ngành thời trang thành công tại Việt Nam, trở thành một phần của kinh tế sáng tạo hay không?

Mời bạn đọc Diễn đàn kinh tế Việt Nam VEF.VN cùng tham gia thảo luận các vấn đề về kinh tế sáng tạo trên diễn đàn “Kinh tế sáng tạo – giải pháp cho Việt Nam bật lên?”. Mọi ý kiến xin gửi về [email protected].