Trang chủ » Tranh luận » Người dân, DN phải ‘xúm vào’ góp ý chính sách

Người dân, DN phải ‘xúm vào’ góp ý chính sách

Tác giả:

Không thể nhập khẩu chính sách

Nhà báo Lan Hương: Nhân câu chuyện các vị khách mời đang nói về vấn đề cần phải liên thông chính sách hoặc có sự đối sánh các chính sách của Việt Nam với chính sách của nước ngoài, tôi muốn đặt câu hỏi với cả 3 vị khách mời là: Hiện nay Việt Nam đang hội nhập sâu và càng ngày càng phải hội nhập sâu hơn vào nên kinh tế thế giới, mỗi chính sách chúng ta đưa ra đều bị tác động bởi các diễn biến của thị trường thế giới, thì theo các ông, đâu là nhưng thuận lợi, khó khăn của Việt Nam khi hoạch định chính sách kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay?

Ông Nick Malyshev: Những nghiên cứu của chúng tôi về vấn đề toàn cầu hóa cho thấy, tất nhiên sẽ có những tác động tiêu cực của việc tham gia vào toàn cầu hóa. Ví dụ như mất việc làm trong một số ngành lĩnh vực hay ảnh hưởng đến một số ngành, lĩnh vực đang được bảo hộ.

Tuy nhiên, xét về mặt tổng thể thì lợi ích của việc toàn cầu hóa lớn hơn những chi phí, những rủi ro của việc toàn cầu hóa rất nhiều. Bởi vì, đây là cơ hội để tham gia vào thị trường thế giới cũng như tăng thêm việc làm, phát triển kinh tế cho đất nước. Trong bối cảnh đó, chúng ta cần phải xem xu hướng về việc xây dựng các quy định, các chính sách như thế nào để phù hợp, không chỉ trong phạm vi quốc gia mà trong phạm vi khu vực và phạm vi quốc tế.

Trường hợp của Việt Nam trong bối cảnh khối ASEAN hiện nay, mục tiêu chung là có sự hài hòa hòa trong mục tiêu đến năm 2015. Vì vậy các chính sách của Việt Nam xây dựng thì cần phải vượt qua tầm biên giới của mình để nhìn ra các quốc gia khác trong khu vực trên thế giới.

Với các nước thuộc khối Đông Âu trước đây, lý do để gia nhập vào thị trường chung Châu Âu là một cái động lực lớn cho các hoạt động cải cách về mặt chính sách. Các nước thuộc nền kinh tế Đông Âu cũ ban đầu thị trường cũng ở mức rất sơ khai và để chuyển đổi  thì rất nhiều quy định về chính sách đã phải thay đổi rất mạnh mẽ để có thể hài hòa hóa với cộng đồng chung. Đó là quá trình rất vất vả và đau đớn. Chính vì vậy Việt Nam cũng cần phải nhìn nhận lại để có chuẩn bị cho việc hài hòa hóa trong khối của cộng đồng ASEAN này.

Có một bài học từ các nước Đông Âu mà Việt Nam có thể học hỏi đó là việc nhập khẩu những quy định rất khó có cơ hội thành công.

Có một bài học từ các nước Đông Âu mà Việt Nam có thể học hỏi đó là việc nhập khẩu những quy định rất khó có cơ hội thành công. Cho nên mục tiêu chính là xây dựng các thể chế tốt ở trong nội tại của mình để có thể vận hành cũng như đưa ra những quyết sách đúng đắn về mặt chính sách để mang lại lợi ích về mặt kinh tế cho đất nước.

Ông Nguyễn Đình Cung: Tôi cho rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập rất sâu rộng, chính sách của mỗi quốc gia khác biệt không hoàn toàn giống nhau, chúng ta cần có chính sách tốt, luật lệ tốt.

Trên thế giới, người ta đã có tổng kết ra những bài học, những nguyên tắc xây dựng luật pháp để đảm bảo chính sách luật pháp đó có chất lượng. Điều đầu tiên mà chúng ta có thể học được là quy trình, công cụ, cách thức quản lý theo thông lệ quốc tế, để đảm bảo nâng cao được chất lượng của thể chế và chính sách.

Thứ hai, luật pháp trong nước phải tương thích với cam kết quốc tế của chúng ta, cho nên bao giờ trong việc xây dựng luật lệ cũng phải có cách đánh giá để đảm bảo rằng luật trong nước không vi phạm mà tương thích với cam kết quốc tế.

Thứ ba, trên thị trường thế giới có những thông lệ, những quy chuẩn mà doanh nghiệp của ta kinh doanh nếu chấp nhận và áp dụng thì sẽ trở nên có khả năng cạnh tranh toàn cầu và xâm nhập được vào thị trường. Ví dụ như việc quản trị công ty, nếu như các doanh nghiệp nhà nước của chúng ta áp dụng quản trị theo thông lệ quốc tế của OECD thì chắc chắn năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và khả năng phát triển của doanh nghiệp sẽ phát triển lên.

Nhà báo Lan Hương:Ông đánh giá như thế nào về độ tương thích của chính sách kinh tế Việt Nam đối với các thông lệ quốc tế.

Ông Nguyễn Đình Cung: Chúng ta đang cố gắng để đưa luật pháp hiện nay tương thích với những cam kết trong việc gia nhập tổ chức thương mại thế giới và hội nhập. Còn nói rằng luật pháp của chúng ta có theo thông lệ quốc tế hay chưa lại là một chuyện khác. Tôi cho rằng ngay trong cách thức xây dựng luật pháp hiện nay của chúng ta, thực tiễn hiện nay chúng ta đang làm cách khá nhiều so với những thông lệ quốc tế.

Tôi lấy một ví dụ rất đơn giản, thông lệ đầu tiên, một chính sách ban hành phải có mục tiêu cụ thể rõ ràng nhưng thông thường cách xác định vấn đề, mục tiêu của ta không đặt ra mục tiêu cuối cùng mà đặt ra những mục tiêu trung gian, mục tiêu mang tính giải pháp. Mục tiêu cụ thể phải là nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tạo ra bao nhiêu công ăn việc làm, giảm được bao nhiêu chi phí. Khi mục tiêu đã không cụ thể thì các giải pháp dưới này có thể sẽ không phù hợp.

Không thể ngồi trong phòng kín làm chính sách

Nhà báo Lan Hương: Điều ông Cung vừa đề cập về mục tiêu khi làm chính sách, theo tôi hiểu chính là đánh giá tác động điều chỉnh chính sách, hay còn gọi là RIA. Ở Anh và một số nước Châu Âu, RIA là một yêu cầu bắt buộc khi đem dự thảo luật ra xem xét thông qua hoặc không thông qua. Các vị Bộ trưởng hoặc thủ trưởng các cơ quan chịu trách nhiệm chính đối với dự luật phải ký vào bản RIA và luôn đi kèm cùng với bản dự thảo pháp luật. Còn ở VN, thực trạng sử dụng công cụ đánh giá tác động chính sách hiện nay như thế nào?

Ông Scott Jacobs: RIA là một phần rất quan trọng trong việc ban hành quy định. Ở đây RIA đã tạo ra một văn hóa mới trong việc ban hành chính sách ở những đất nước đang ở trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế như Việt Nam.

RIA là một công cụ thay đổi phong cách ban hành văn bản từ một phong cách này sang một phong cách khác. Đây là một thủ tục mới được đưa ra để thay đổi cách tư duy trong khi ban hành văn bản. Ở đây RIA đã đưa ra tiêu chuẩn mới đối với quy định, đưa ra những giải pháp chính sách để giải quyết những vấn đề bất cập của xã hội.

Thực ra RIA không mới ở trên thế giới, có khoảng 60 nước đã ban hành quy định về RIA rồi và 70% GDP trên thế giới này đến từ những nước đã áp dụng RIA, đã sử dụng công cụ RIA trong khi ban hành văn bản.

Việt Nam cũng đã áp dụng RIA một thời gian bằng việc học hỏi các kinh nghiệm từ những nước trên thế giới.

Có một vài nguyên tắc chung khi áp dụng RIA. Điểm mà tiến sĩ Cung đã đề cập là RIA đã đặt ra câu hỏi tại sao Chính phủ phải có hành động, có vấn đề gì nghiêm trọng mà khiến Chính phủ phải có sự can thiệp là nguyên tắc thứ nhất.

Ông Scott Jacobs: có khoảng 60 nước đã ban hành quy định về RIA rồi và 70% GDP trên thế giới này đến từ những nước đã áp dụng RIA,. Ảnh: LAD

Nguyên tắc thứ hai, chúng ta đang sống trong xã hội rất năng động và chính phủ hiện nay không thể ban hành quy định mà ngồi trong phòng cô lập được, Chính phủ đang phải giải quyết những vấn đề của xã hội rất là phức tạp mà vấn đề này đến từ rất nhiều người, nhiều đối tượng trong xã hội. Cách hiệu quả nhất là nên nói chuyện với tất cả các đối tượng này trong xã hội.

Nguyên tắc thứ ba là chính phủ cần phải cân nhắc hậu quả của quy định, hành động trước khi quyết định đưa ra hành động đó.

Việt Nam đã quyết định áp dụng RIA vào năm 2009, một phần quan trọng trong công cụ RIA là lấy ý kiến công chúng. Chính phủ cần cân nhắc, xem xét việc tăng cường năng lực một cách có mục tiêu hơn thông qua việc tập huấn cho các cán bộ. Đồng thời tập huấn thông qua các thảo luận, đánh giá báo cáo tác động của các luật cụ thể.

Ngoài ra chính phủ cũng nên tăng cường năng lực cho báo chí cũng như là khu vực tư nhân, bởi vì đây là những người chịu tác động về luật và họ là người nên đóng góp ý kiến. Xã hội cần phải hiểu là chính phủ đang làm gì và tại sao chính phủ làm như vậy.

Thực ra tất cả các đối tượng trong xã hội, từ người dân, doanh nghiệp đến các cơ quan báo chí nên có vai trò vị trí trung gian hơn và nên hỏi rằng tại sao chính phủ cần phải hành động và hành động như thế nào. Thực sự phải có cuộc tranh luận có nên làm không và nên làm như thế nào đối với một quy định.

Thực ra RIA không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ mà còn là trách nhiệm của xã hội để cung cấp những ý kiến một cách thông minh, tất nhiên việc này phải mất thời gian. Nhưng Chính phủ nên nâng cao, tăng cường nguồn lực để trang bị kiến thức cho cán bộ theo các đối tượng có liên quan bên ngoài xã hội khi họ đóng góp ý kiến.

Ông Nick Malyshev: Tôi muốn làm rõ thêm một điểm mà ông Scott đã nhắc đến là: Chúng ta cần nhận RIA với tư cách có hai giác độ. Thứ nhất, nó là một công cụ, một quá trình để xây dựng chính sách.

Thứ hai, nếu như coi RIA là hoạt động hành chính như một số quốc gia hiện nay đang áp dụng thì RIA sẽ trở thành gánh nặng cho các cơ quan hành chính nhà nước. Vì vậy họ làm việc một cách rất hình thức, phân tích tùy hứng, điền vào một số ô trống để coi như hoàn thành bản đánh giá đó, còn việc tham vấn thì cũng hoàn toàn là hình thức. Như vậy thì nó sẽ chẳng có tác dụng gì trong việc xây dựng nhưng quy định tốt.

Cho nên vấn đề ở đây là làm sao cho trong hệ thống những người hoạch định chính sách phải dùng công cụ RIA đó như là một công cụ để ban hành những chính sách tốt hơn.

Ngược lại, nếu như các Chính phủ cân nhắc áp dụng công cụ này không ở góc độ kĩ thuật nữa mà ngay ở trong quá trình hoạch định chính sách, tức là trước khi soạn thảo các quy định của pháp luật, đặt ra những câu hỏi cơ bản như ông Scott vừa đề cập. Đó chính là những câu hỏi nếu như đặt ở trong quy trình, giai đoạn đầu của quy trình ban hành chính sách thì nó sẽ có vai trò tác động rất lớn đối với việc xây dựng chính sách tốt của các quốc gia.

Kinh nghiệm của các nước thuộc khối OECD cho thấy quá trình học hỏi kinh nghiệm để áp dụng thành công các công cụ là một đường dốc rất lớn. Vì vậy các Chính phủ cần phải có các quyết định trong đó phân bổ những nguồn lực thích hợp đầu tư vào các hoạt động tập huấn, thay đổi nhận thức trong hệ thống thì mới có thể triển khai thành công công cụ này.

Tham vấn chính sách là nhu cầu tự thân

Nhà báo Lan Hương:  Vừa rồi ông Scott có nhắc tới một ý rất đáng chú ý là cần phải có sự tham gia tích cực chủ động hơn nữa từ phía người dân doanh nghiệp và cả hệ thống báo chí. Trong cái việc tham gia vào hệ thống RIA đánh giá tác động chính sách này. Ông Cung theo ông làm thế nào để tạo một cơ chế cởi mở hơn đế các thành phần xã hội cùng tham gia.

Ông Nguyễn Đình Cung: Trước khi trả lời câu hỏi tôi quay trở lại ý nghĩa của RIA. Chúng ta thường hay nghĩ  RIA là 2 báo cáo, báo cáo sơ bộ và báo cáo đầy đủ.

Ông Nguyễn Đình Cung: người soạn thảo phải luôn luôn nghi ngờ về bản chất của vấn đề đang giải quyết. Ảnh: LAD

Khi chúng ta suy nghĩ RIA là báo cáo thì cảm nhận như vậy nó tạo ra gánh nặng hành chính trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Mọi người đều có ý không muốn làm hoặc làm một cách hình thức cho qua, nhưng thực sự của nó RIA là một công cụ, là một quy trình giúp chúng ta hoàn thiện và nâng cao chất lượng của dự thảo qua từng công đoạn.

Vấn đề ở chỗ người soạn thảo phải luôn luôn nghi ngờ về bản chất của vấn đề đang giải quyết. Xác định xong, phải biết liệu có đúng không, phải tham vấn người khác xem liệu cách nghĩ thế có đúng không, mục tiêu đạt được là gì. Liệu có cần phải ban hành một văn bản quy phạm pháp luật hay không hay là những công cụ khác, hay là những quyết sách khác.

Cũng tương tự như vậy là suy nghĩ của mình có đúng hay không, có ai khác ở trong xã hội này biết hơn mình về việc này không.  Lúc này đi tham vấn, với một cơ chế tham vấn ngay trong ban soạn thảo để nâng cao chất lượng văn bản thì chắc chắn dù có quy định hay không quy định thì tham vấn này sẽ cởi mở, sẽ cố gắng lấy càng nhiều ý kiến càng tốt.

Nếu coi tham vấn là hình thức thì lại là chuyện khác. Nó phụ thuộc rất lớn vào cách thức soạn thảo, mục tiêu của soạn thảo, với cách như thế, luôn luôn nghi ngờ… tôi tin rằng quá trình tham vấn chắc chắn sẽ tốt.

Như khi chúng tôi làm luật doanh nghiệp năm 1999, hồi đó chưa có một cơ chế tham vấn quy định bằng luật. Nhưng với mục đích phải có một bộ luật thật tốt được nhiều người ủng hộ thì chúng tôi đã tham vấn rất nhiều để lấy được càng nhiều ý kiến càng tốt đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, để chứng minh, để thuyết phục các cơ quan có thể thông qua được quyết định.

(Còn tiếp)