Trang chủ » Tranh luận » Kiểm soát nhóm lợi ích, Nhà nước sẽ mạnh

Kiểm soát nhóm lợi ích, Nhà nước sẽ mạnh

Tác giả:

LTS: Chiều 13/10, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, báo VietNamNet đã tổ chức bàn tròn trực tuyến với chủ đề “Nâng cao chất lượng chính sách kinh tế Việt Nam” với ba vị khách mời: TS. Nguyễn Đình Cung – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW, ông Scott H. Jacobs, Giám đốc Điều hành Jacobs&Associates; ông Nick Malyshev – Trưởng Bộ phận Chính sách Thể chế, Ban Quản trị Công và Phát triển, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Trong phần 1 của trực tuyến, các khách mời đã thảo luận về Đề án Cải cách Thủ tục Hành chính (Đề án 30) và những tác động của nó với đời sống người dân và doanh nghiệp. Ở phần 2, các chuyên gia tiếp tục thảo luận về phương pháp đánh giá tác động chính sách và sự tham gia của mọi thành phần xã hội góp ý chính sách.

Phần cuối cùng sẽ tập trung vào các kinh nghiệm trong quá khứ của Việt Nam và quốc tế trong việc cải thiện chất lượng chính sách, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Tin liên quan:

Trả lại quyền định giá cho thị trường

‘Nên cắt giảm 50% thủ tục hành chính hiện hành’

Người dân, DN phải ‘xúm vào’ góp ý chính sách

Trả lại quyền định giá cho thị trường

Nhà báo Lan Hương: Vào giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX, Việt Nam lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội trầm trọng. Lạm phát tăng phi mã với tốc độ hơn 700%/năm. Để thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng và lạm phát lúc đó, Việt Nam đã tiến hành đổi mới, thay đổi quan niệm, mô hình, chính sách và cơ chế quản lý, chuyển sang phát triển kinh tế hàng hóa; thừa nhận sự tồn tại khách quan của nhiều thành phần kinh tế, tuân theo quy luật giá trị, thị trường.

Mấu chốt của cải cách là chú trọng giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất, điều chỉnh quan hệ sản xuất và các hình thức sở hữu, từ đa dạng các thành phần kinh tế, đa dạng các hình thức sở hữu mà thừa nhận và áp dụng phương thức đa dạng hóa các loại hình phân phối. Theo ông, trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, VN có thể rút ra những kinh nghiệm gì từ những năm đầu Đổi mới?

Ông Nguyễn Đình Cung: Chúng ta có 25 năm đổi mới thành công và cho đến nay, thành công này khá toàn diện và được cả trong nước lẫn ngoài nước thừa nhận. Tuy nhiên sự thành công của quá khứ chưa hẳn đã đảm bảo cho sự thành công của tương lai, những gì đã phù hợp với quá khứ chưa hẳn đã phù hợp với tương lai.

Tuy nhiên tôi thấy có bài học có thể học được và vẫn còn giá trị, chúng ta hay nói đến chữ đổi mới và hội nhập. Đổi mới của chúng ta là chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập chung sang kinh tế thị trường. Chúng ta có thể nói kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, định hướng xã hội chủ nghĩa như hiện nay.

Bản chất của đổi mới đó là trao lại quyền cho người dân và doanh nghiệp, trả lại quyền định giá cho thị trường. Nghĩa là làm cho thị trường hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn, trong phân bố nguồn lực và thúc đẩy sự sáng tạo của người dân trong việc tổ chức sản xuất. Đồng thời, kết nối thị trường chúng ta với thị trường bên ngoài. Như vậy ở đây bài học vẫn là đổi mới đưa cơ chế thị trường vận hành tốt hơn, hiệu quả hơn và hội nhập sâu hơn vào thị trường thế giới.

Đồng thời với đó, cải cách nhiều thị trường hơn không có nghĩa là nhà nước bé đi và nhà nước yếu mà đồng thời với đó nhà nước cũng mạnh. Nhà nước mạnh ở chỗ kiểm soát được các nhóm lợi ích, làm cho thị trường hoạt động có hiệu quả và thúc đẩy tạo ra cơ hội cho các bên có liên quan để thúc đấy sản xuất.

Nhà báo Lan Hương: Rõ ràng là những bài học cải cách của những năm 1986, 1987 vẫn còn nguyên giá trị và hiện nay chúng ta vẫn có thể học hỏi được.

Ông Scott Jacobs. Ảnh: LAD

Ông Scott Jacobs: Tôi nghĩ rằng công cuộc cải cách 25 năm trước đây mang lại thành tựu to lớn cho Việt Nam, không thể tưởng tượng được Việt Nam sẽ như thế nào nếu không có công cuộc cải cách lúc đó.

Thực ra mà nói thì nhiệt của công cuộc đó hiện nay không còn nữa, và vai trò của Chính phủ cũng khác rồi. Do đó cần phải có cách tiếp cận mới. Tôi lấy một ví dụ về Hàn Quốc, vì họ từng có kinh nghiệm tương tự. Hàn Quốc cũng có những tập đoàn (chaebol) rất lớn, và những tập đoàn này được Chính Phủ ủng hộ rất mạnh mẽ.

Năm 1998, khủng hoảng kinh tế Châu Á diễn ra thì Hàn Quốc bị ảnh hưởng khá nặng nề, GDP khi đó bị giảm nhanh chưa từng thấy, có thể nói sự sụt giảm đó là lớn nhất trong những nước OECD.

Sau cuộc khủng hoảng đó, nhiều tập đoàn của Hàn Quốc đã ngừng hoạt động vì không thể hoạt động hiệu quả được. Có rất nhiều lý do, một phần là do sự bao bọc của Nhà nước đã phá hủy sức cạnh tranh của họ. Hơn 200 tập đoàn này, thay vì mang lại thịnh vượng cho nền kinh tế thì họ lại hủy hoại nó. Sau thời kì 1998, chỉ còn hơn một nửa chaebol còn tồn tại.

Rõ ràng là chúng ta có thể thu nhận được một bài học từ đây. Thời gian chuyển đổi đó có rất nhiều bên phải trả giá cho sự thay đổi. Khi rơi vào khủng hoảng thì Hàn Quốc đã có một hành động đưa ra cải cách trong thời gian rất ngắn, và họ có quyết định có cách tiếp cận mới, đi một con đường mới để nâng cao năng lực của nền kinh tế.

Tôi muốn quay lại tới quan điểm của TS. Cung đề cập vừa rồi. Rõ ràng, Nhà nước cần phải tạo điều kiện cho thị trường phát triển thay vì để thị trường bị kiểm soát. Đó là một con đường không dễ dàng, nhưng về mặt tương lai trung hạn, khó khăn đó sẽ được bù đắp bằng những lợi ích khác cho Việt Nam.

Quy định phải đi đôi với thực thi

Nhà báo Lan Hương: Từ đầu chương trình đến giờ chúng ta đã bàn rất nhiều đến cấu phần của việc xây dựng chính sách. Thậm chí chúng ta cũng đã học hỏi những kinh nghiệm từ trong quá khứ từ các nước láng giềng của Việt Nam.

Bây giờ chúng tôi muốn hỏi một câu hỏi rộng hơn cho cả ba vị khách mời: Như vậy chúng ta cần cải tiến quá trình xây dựng và ban hành chính sách như thế nào để đảm bảo tính hợp lý của chính sách ?

Ông Nick Malyshev: Tôi nghĩ rằng câu trả lời đã có ngay trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới đây của Việt Nam. Đó là những công cụ đánh giá tác động pháp luật với những công cụ tham vấn, để nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng của chính sách. Nhưng với thực tế tôi chứng kiến thì những công cụ này chưa được sử dụng có hiệu quả, và đó chính là vấn đề cần giải quyết.

Quay lại những ý kiến mà ông Scott đã nói lúc đầu thì tôi cho rằng cần phải có cơ quan Chính phủ có trách nhiệm xây dựng tài liệu để tập huấn cho các bộ ngành thực hiện công cụ đánh giá tác động của pháp luật cũng như cần có những nguồn lực, ngân sách để để phân bổ cho việc thực hiện những công việc này. Sau đó, cần xây dựng năng lực cho các cơ quan, tổ biên tập, ban soạn thảo để thực hiện hoạt động này.

VN có thể học hỏi được những kinh nghiệm của những nước đi đầu trong khối OECD vấn đề này là cần phải có một cơ quan trong Chính Phủ có vai trò kiểm soát chất lượng của những dự thảo, quy định, hoặc là có thể tự tiến hành đánh giá, hoặc là có thể kiểm tra những dự thảo đó có đạt tiêu chuẩn về mặt pháp lý cũng như những tiêu chí về mặt kinh tế hay không.

Một điểm nữa trong vai trò của những cơ quan đó, ngoài giữ vai trò kiểm soát chất lượng của các chính sách của các đơn vị pháp luật, mà họ còn đóng vai trò đầu tầu để thúc đẩy những sáng kiến cải cách.

Ông Scott Jacobs: Tôi đồng ý với lời bình luận vừa rồi, và có thêm một ý khác. Một mặt chúng ta cần phải có quy định, nghị định tốt để thị trường có thể hoạt động tốt hơn. Mặt khác, việc thực thi những quy định đó cũng rất quan trọng. Ở Việt Nam, tôi thấy có những trường hợp thực hiện không được tốt lắm. Ví dụ như trường hợp bảo vệ người tiêu dùng.

Để có được một hệ thống văn bản tốt, được thực thi tốt thì chúng ta cần phải dựa theo nguyên tắc minh bạch để có thể dự báo được. Các hoạt động của tòa án, những vụ việc liên quan đến Quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ cho chủ sở hữu cũng rất cần phải quan tâm. Đó là những nguyên tắc nói chung, nhưng việc thực thi luôn luôn là một vấn đề quan trọng.

Tóm lại, Chính phủ nên quy định ít thôi, nhưng một khi đã quy định thì phải chắc chắn rằng quy định của mình phải được thực thi tốt.

Ông Nguyễn Đình Cung: Cải cách của chúng ta từ 25 năm trước đều bắt đầu từ đổi mới tư duy. Trước đây chúng ta tư duy theo một hệ thống tư duy kinh tế, hành chính quan liêu, kế hoạch hóa tập trung, và chúng ta chuyển sang tư duy kinh tế thị trường, thiết lập nền kinh tế thị trường dựa trên một tư duy mới.

Ông Nguyễn Đình Cung: Cải cách của chúng ta từ 25 năm trước đều bắt đầu từ đổi mới tư duy.Ảnh: LAD

Vấn đề bây giờ theo tôi là cần phải thay đổi tư duy để tạo điều kiện thúc đẩy thị trường phát triển mạnh hơn, nhiều hơn. Điều đó theo tôi là điều cần cho sự cải cách mới vẫn là dựa theo sự đổi mới tư duy.

Thứ hai, cần phải đổi mới trên toàn xã hội, từ các cơ quan Chính phủ, hành pháp, lập pháp, tư pháp cho đến ngoài xã hội, nhất là các cơ quan báo chí. Cơ quan báo chí theo tôi đóng một vai trò rất quan trọng thúc đẩy sự thay đổi này. Và tôi muốn các cơ quan báo chí, như ông Scott nói, là họ có một cách nhìn trung lập hơn.

Chẳng hạn như trong thời gian vừa rồi tôi theo dõi, thấy rằng giá nông sản chênh lệch giữa người sản xuất và người bán ngoài thị trường thì báo chí luôn có một kết luận rằng những thương lái ở đây lãi lớn, độc quyền can thiệp vào thị trường và lấy lãi lớn bóc lột người nông dân. Ngay từ đầu phán quyết như vậy, theo tôi chưa chắc đã đúng và có lẽ là không đúng.

Sau đó báo chí lại nói Nhà nước phải can thiệp để trong thị trường, các thương lái lãi phải ít đi để đưa lợi ích về cho nông dân nhiều hơn. Cách đưa tin và cách suy nghĩ của các phương tiện thông tin đại chúng như vậy theo tôi là một tư duy cũ, vẫn là một tư duy thiên về kiểm soát. Mà như vậy không thể làm cho thị trường tốt hơn trong việc khuyến khích sản xuất, cũng như làm cho hệ thống phân phối được hoạt động tốt hơn. Báo chi đưa tin như vậy lại tạo ra một áp lực đối với Chính phủ.

Ai chịu thiệt vì chính sách tồi?

Nhà báo Lan Hương: Chúng ta thực hiện được theo đúng quy trình, cái chuẩn mà các ông vừa đề cập thì việc xây dựng chính sách sẽ cải thiện rất là nhiều. Theo ông thì điều này sẽ ảnh hưởng ngay lập tức cụ thể như thế nào đến việc sản xuất kinh doanh?

Ông Nick Malyshev: Tôi cho rằng cách tiếp cận trong việc cải thiện chất lượng chính sách cần phải có một cách nhìn rất cẩn trọng. Ví dụ khi hội nhập, việc các quốc gia khối Đông Âu nhập khẩu tự động các quy định của các quốc gia thuộc cộng đồng Châu Âu vào trong chính quốc gia mình đã dẫn tới hậu quả là gây khó khăn rất lớn cho chính mình.

Ngược lại, về mặt phương pháp luận mà nói thì hiện nay chưa có một nghiên cứu nào chỉ ra được những mô hình tốt nhất trong việc xây dựng chính sách pháp luật. Vì thế, Việt Nam nên nhìn ra ngoài biên giới của mình để nhìn thực tế tốt từ nhiều quốc gia khác nhau để cân đối trong môi trường, bối cảnh lịch sử, văn hóa của Việt Nam những gì có thể áp dụng tốt.

Ông Nick Malyshev: Việt Nam nên nhìn ra ngoài biên giới của mình để nhìn thực tế tốt từ nhiều quốc gia khác nhau để cân đối trong môi trường, bối cảnh lịch sử, văn hóa của mình. Ảnh: LAD

Ông Scott Jacobs: Khi chúng ta nói đến những mặt tích cực của công cuộc cải cách này thì chúng ta có thể nói đến tầm khá trừu tượng, ở tầm kinh tế vĩ mô. Nhưng tôi muốn nói ở cấp độ cụ thể hơn mà mọi người đều có thể cảm nhận được sự tác động đó.

Khi tôi ngồi làm việc với các ban soạn thảo luật, khi nói về một vấn đề cụ thể nào đó, tôi nghe thấy một ý tưởng tồi thì tôi rất muốn dẫn họ ra ngoài cửa sổ và chỉ cho họ rằng ai là người ở trong dòng người kia anh chị muốn cắt giảm lương, anh chị muốn làm cho người nội trợ nào phải trả giá cao hơn cho sản phẩm, hàng hóa mà họ phải mua, hay ai là người bị mất việc.

Đó là những điều có thể hình dung ra của một điều luật tồi mang lại, và đó là lý do tại sao cần phải thay đổi và sự thay đổi này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, bởi vì nó làm cho nền kinh tế vận hành hiệu quả hơn, sẽ có tăng trưởng hơn, có sự minh bạch hơn. Đó là những lợi ích mà ai cũng muốn nhìn thấy.

Ông Nguyễn Đình Cung: Để trả lời câu hỏi này thì trong các nghiên cứu khoa học, lý thuyết thì thuyết minh rõ. Giờ lấy một ví dụ một quốc gia cụ thể, ví dụ Singapore, Hàn Quốc. Môi trường kinh doanh của Singapore hay Hồng Công luôn luôn đứng top 5 của thế giới. Rõ ràng là những nước này là những nước có năng suất lao động cao, thu nhập, đời sống của người dân cao.

Trong bốn thập kỉ họ vượt qua từ một nước kém phát triển trở thành một nước phát triển. Như Singapore không có gì khác ngoài chính sách tốt, cũng tương tự như vậy đối với trường hợp của Hàn Quốc. Từ đó tổng kết được rằng, chính sách tốt, Chính phủ mạnh là yếu tố quyết định cho sự phát triển của một quốc gia.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam