Trang chủ » BXH V1000 và chính sách thuế » Doanh nghiệp Việt: Khi lòng tin là điều xa xỉ

Doanh nghiệp Việt: Khi lòng tin là điều xa xỉ

Tác giả:

Chính vì vậy, việc duy trì niềm tin và sự lạc quan của các tác nhân thị trường, trong đó đặc biệt quan trọng là các doanh nghiệp, có vai trò then chốt trong phát triển kinh tế. Không thể có một một nền kinh tế phát triển khi mà doanh nghiệp mất lòng tin lẫn nhau, mất lòng tin vào hệ thống ngân hàng, vào triển vọng kinh tế vĩ mô, và thậm chí mất lòng tin cả vào cơ quan điều tiết thị trường. Khi đó, nhiều khả năng là doanh nghiệp sẽ cắt giảm đầu tư mới, duy trì sản xuất cầm chừng và đó chính là rào cản cho sự hồi phục của nền kinh tế.

Doanh nghiệp suy giảm niềm tin vào triển vọng kinh tế vĩ mô

Khi Bảng xếp hạng V1000 – Top 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất – do Vietnam Report phối hợp cùng báo VietnamNet và Tạp chí Thuế, Tổng cục Thuế được chính thức công bố cũng là thời điểm các doanh nghiệp đang tỏ ra bi quan về khả năng phục hồi kinh doanh trong ngắn hạn. Hơn 75% số doanh nghiệp được hỏi tỏ ra không mấy lạc quan về khả năng tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh trước thực trạng nền kinh tế đang rối ren vì những bất ổn và ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Biểu đồ: Nhận định của các doanh nghiệp Việt Nam về tình hình kinh tế và kinh doanh trong nửa cuối năm 2012 và nửa đầu năm 2013 (Nguồn: Vietnam Report khảo sát)

Báo chí và công chúng đang suy giảm lòng tin vào doanh nghiệp

Không chỉ doanh nghiệp mất lòng tin vào nền kinh tế, mà nền kinh tế và công chúng cũng đang mất lòng tin vào doanh nghiệp. Sử dụng phương pháp phân tích lượng hóa nội dung truyền thông (Media Content Analysis), VietNam Report đã tiến hành mã hóa và phân tích các bài báo viết về 46 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán. Kết quả phân tích cho thấy lòng tin của báo chí và công chúng vào khu vực doanh nghiệp đang ngày càng giảm sút. Lần đầu tiên trong tháng 7, số tin bài tiêu cực đã vượt qua số tin bài tích cực. Cùng với sự tăng vọt của lượng tin bài tiêu cực về các DN trên TTCK trong các tháng 7, 8, dường như các nhà đầu tư còn đủ kiên nhẫn để bám trụ thị trường cũng phải đuối sức và đánh mất niềm tin. Một điều rất đáng chú ý là đường diễn biến của chỉ số VN30 Index từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2012 tương ứng với sự tăng giảm số bài viết tích cực về 46 DN có tỷ lệ vốn hóa lớn nhất trên thị trường với sự tăng điểm trong các tháng 5, 8 và sụt giảm trong các tháng 6, 7. Tuy nhiên, từ tháng 9, đồ thị về chỉ số này đã cho thấy sự sụt giảm rất sâu xuống dưới mức 480 điểm – là mức thấp của tháng 7. Chỉ số tụt dốc nhanh hơn sự sụt giảm của các thông tin tích cực về DN.

Hình 1: Hình ảnh xuất hiện trên truyền thông của 46 DN vốn hóa thị trường lớn nhất (đơn vị:% trong tổng số). Nguồn: Vietnam Report. CSDL: 2.157 tin bài trên 03 tờ báo từ tháng 4-tháng 9, 2012
Hình 2: VN30- Index

Doanh nghiệp xuất sắc e ngại sự tôn vinh

Tổng hợp của những sụt giảm niềm tin là tình trạng đôi khi những doanh nghiệp xuất sắc nhất lại e ngại sự tôn vinh xứng đáng. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, việc các doanh nghiệp V1000 vẫn có lợi nhuận cao, và đóng góp thuế lớn là rất đáng tự hào. Những doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn lọt vào Bảng Xếp hạng V1000 năm 2012 – Top 1000 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất Việt Nam – đều là những doanh nghiệp doanh nghiệp có đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn cho ngân sách quốc gia và tuân thủ tốt các quy định, chính sách, pháp luật về thuế. Không chỉ phải có lợi nhuận cao, đóng thuế nhiều, mà các doanh nghiệp muốn lọt vào V1000 còn phải không bị loại trừ trong quá trình thẩm tra, thanh tra về thuế thời kỳ 2011 (tính đến thời điểm 15/10/2012). Kết quả là Top 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam lần này hầu hết đều điểm mặt rất nhiều “anh tài”, hay “những ông anh cả của nền kinh tế” thuộc các loại hình, các ngành nghề kinh doanh và các khu vực kinh tế khác nhau.

Tuy nhiên, có một thực tế là một số doanh nghiệp xuất sắc, lọt vào danh sách V1000, hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh từ các cơ quan nhà nước và cộng đồng xã hội, nhưng lại e ngại không dám nhận sự tôn vinh. Một số ít doanh nghiệp thậm chí xin không xuất hiện trong V1000 vì e ngại bị “soi”, e ngại bị nổi tiếng. Phải chăng tâm lý sợ bị “nuôi lớn rồi thịt” vẫn còn đâu đó trong các doanh nghiệp làm ăn quy mô lớn và tuân thủ tốt pháp luật về thuế?

Hãy tôn vinh thật lòng những doanh nghiệp tuân thủ chính sách thuế và nộp thuế nhất

Để từng bước khôi phục niềm tin của doanh nghiệp, những sự trợ giúp thật lòng của cơ quan quản lý nhà nước là cần thiết. Có thể nói, việc công bố Bảng xếp hạng V1000, và cùng với đó là việc các cơ quan hữu quan, trong đó có cơ quan thuế, và dư luận xã hội, cùng biểu dương, tôn vinh những đóng góp của các doanh nghiệp Việt Nam nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất trong giai đoạn từ 2008- 2011 chính là một luồng gió mới, phần nào làm sống lại niềm tin của doanh nghiệp.

Thật khó có thể phủ nhận những đóng góp đáng giá của các doanh nghiệp có tên trong Bảng xếp hạng V1000 năm 2012. Doanh nghiệp một khi đã khẳng định được hiệu quả hoạt động của mình, giá trị doanh nghiệp sẽ được nâng lên trong con mắt của các nhà hoạch định chiến lược và cộng đồng giới kinh doanh. Hi vọng rằng, 1.000 doanh nghiệp đáng được tôn vinh này sẽ luôn trụ vững và nhanh chóng khẳng định vị thế của mình trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay./.

Sáng ngày 30/11/2012, tại Trung tâm Hội Nghị Quốc Gia, TP. Hà Nội, Ban tổ chức V1000 gồm: Công ty CP Báo Cáo Đánh Giá Việt Nam (Vietnam Report), Báo VietNamNet và Tạp Chí Thuế sẽ chính thức tổ chức Lễ công bố Bảng xếp hạng V1000 năm 2012. Buổi Lễ được tổ chức nhằm mục đích khuyến khích, biểu đương và tôn vinh các doanh nghiệp có mức nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao, góp phần rất lớn vào sự giầu mạnh của Đất nước.