Trang chủ » Điểm nóng » Triển vọng một đồng tiền chung châu Á?

Triển vọng một đồng tiền chung châu Á?

Tác giả:

Người ta bắt đầu hoài nghi về sự khủng hoảng mang tính cấu trúc và chính trị của đồng euro, và tìm kiếm một chính sách tài chính cứng rắn hơn. Hiệp ước Maastricht dẫn đến sự ra đời của đồng euro không thể ràng buộc được các thành viên khu vực đồng tiền chung này tuân theo. Khi mà nước Đức hùng mạnh về mặt tài chính không thể duy trì mức thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP như cam kết thì các quốc gia nhỏ hơn tuân thủ hiệp ước để làm gì?

Sai lầm về mặt cấu trúc của khu vực đồng tiền euro còn thể hiện ở chỗ dù có một Ngân hàng trung ương châu Âu và hệ thống giám sát tài chính châu Âu nhưng cả khu vực này vẫn không có một hệ thống tài chính thống nhất. Vì thế, khi một quốc gia thành viên có khoản thâm hụt tài chính lớn, không một tổ chức nào có thể đứng ra điều phối chính sách tài chính một cách hiệu quả.

Những người ủng hộ ý tưởng hợp nhất tiền tệ ở châu Á cho rằng tăng trưởng về hội nhập thương mại chính là tiền đề quan trọng cho quá trình hội nhập tài chính ở khu vực này trong tương lai. Còn những người cho rằng sự hợp nhất này là một ý tưởng viển vông thì lập luận rằng hiện tại khu vực này không có sự thống nhất về mặt chính trị, chính sách tài chính hay tiền hệ, cũng như chính sách giám sát. Hơn nữa, hầu như chưa có bất kỳ thảo luận nào về các chính sách tài chính chung tại châu Á.

Khó khăn mà đồng euro đang đối diện chính là những tín hiệu cảnh báo cho quá trình cải cách tài chính châu Á. Tuy nhiên, không phải bài học nào cũng tiêu cực mà trái lại, vẫn có nhiều hy vọng cho châu Á.

Điều đầu tiên là không được vội vàng. Phải mất nhiều thời gian mới đạt được sự đồng thuận từ một cộng đồng có nhiều lợi ích và văn hóa hoàn toàn khác nhau. Không có sự tồn tại cái gọi là tư duy chung hay thể chế chung. Cần biết rằng châu Âu phải mất hơn 50 năm thảo luận và đàm phán trước khi cho ra đời đồng euro.

Hai là, nói về sự hợp nhất tiền tệ châu Á luôn có tính chất phòng thủ, theo nghĩa là cơ quan đại diện cho sự hợp nhất các nguồn lực (như Quỹ tiền tệ châu Á) có thể bảo vệ các đồng tiền yếu ở châu Á khỏi nạn đầu cơ tràn lan và sự bất ổn. Khó khăn của đồng euro đang gây nhiều sức ép cho quá trình hợp nhất châu Á.

Ba là, trong thập kỷ qua, khác biệt về thu nhập và tài sản giữa các quốc gia đang dần thu hẹp. Trước việc Nhật Bản suy thoái; Trung Quốc, Ấn Độ, các quốc gia Vùng Vịnh và Đông Á (trừ Nhật Bản) không ngừng phát triển; khu vực châu Á ngày càng đồng đều hơn. Mười năm trước, Nhật Bản là quốc gia phát triển duy nhất nhưng ngày nay, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Indonesia đã là thành viên của G-20. Theo bảng xếp hàng các trung tâm tài chính toàn cầu của chính quyền thành phố London (London’s GFCI) công bố năm ngoái, 7/15 trung tâm tài chính hàng đầu thế giới hiện nằm ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Bốn là, sự trỗi dậy của đồng Nhân dân tệ và xu hướng tăng giá của các đồng tiền khác ở châu Á trong những tháng qua phản ánh sự chuyển dịch vai trò từ phương Tây sang phương Đông của thị trường tài chính. Châu Á sẽ nhận được nhiều dòng tiền nóng và sẽ đối mặt với những áp lực tương tự như thời điểm đầu thập niên 1990, trước khi nổ ra khủng hoảng châu Á.

Năm là, cán cân quyền lực giữa thị trường và ngân hàng trung ương trong việc điều tiết tính ổn định của tiền tệ đang nghiêng trở lại về phía ngân hàng trung ương. Các quốc gia ở châu Âu đều tăng cường kiểm soát hoạt động đầu cơ, Đức đơn phương cấm hình thức bán khống, còn IMF cho biết quản lý nguồn vốn là một công cụ quản lý vĩ mô quan trọng.

Đầu tiên và trước nhất, quá trình hợp nhất tài chính châu Á phải lệ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của các thể chế tài chính châu Á.

Tuy nhiên, không tín hiệu tích cực nào nói trên có vai trò quan trọng hơn tinh thần hợp tác trong khu vực đối với quá trình hợp nhất tiền tệ ở châu Á. Tại hội nghị G-20 tổ chức ở Toronto vừa qua, Hàn Quốc cho biết họ sẵn sàng đưa những vấn đề liên quan đến tiền tệ vào chương trình nghị sự.

Tuy nhiên, quá trình này lại phụ thuộc nhiều vào động thái của Trung Quốc trong thời gian tới. Thượng Hải từ lâu đã là một trung tâm tài chính toàn cầu trong khi đồng Nhân dân tệ đang trở thành đồng tiền giao dịch quan trọng, nhất là với các quốc gia láng giềng. Với ngân sách tiết kiệm vượt trội nhờ thặng dư thương mại, các trung tâm tài chính châu Á nhiều ảnh hưởng hơn trong việc phục hồi các quỹ toàn cầu. Điều còn mơ hồ là làm thế nào các nhà làm chính sách ở châu Á tiến hành thể chế hóa quá trình này.

Đầu tiên và trước nhất, quá trình hợp nhất tài chính châu Á phải lệ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của các thể chế tài chính châu Á. Quá trình xuất hiện các định chế tài chính đa dạng tỏ ra quá chậm chạp so với nhu cầu đang không ngừng gia tăng của các tầng lớp trung lưu đang già cỗi dần. Châu Á vốn luôn tự hào về sự tăng trưởng mà không chịu sức ép về tài chính, theo nghĩa là dù lạm phát gia tăng liên tục trong nhiều năm qua nhưng người gửi tiền chỉ phải chịu một lãi suất thực tế âm không đáng kể trong khi khu vực xuất khẩu và sản xuất nhận được rất nhiều lợi ích.

Có thể giai đoạn hợp nhất tài chính châu Á tiếp theo mang định hướng thị trường do những rào cản cho quá trình hội nhập của các thể chế tài chính châu Á được dỡ bỏ. Việc có ngày càng nhiều thể chế tài chính châu Á xuất hiện ở thị trường mỗi quốc gia thành viên là một bước đi vững chắc hướng đến sự hợp nhất mang tầm khu vực, thay vì những phát ngôn hão huyền.

Lấy Malaysia làm ví dụ, quốc gia này đã cho phép các thể chế tài chính từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và cả Trung Đông xuất hiện ở thị trường nội địa. Nếu quá trình này tăng tốc và lan rộng, một sự hợp nhất tài chính châu Á sẽ xuất hiện nhờ sự liên kết mật thiết giữa các thể chế tài chính ấy.

– Bài viết của Andrew Sheng (Forbes) trên HBS in the News –

Hoàng Trung dịch