Trang chủ » Tranh luận » ‘Sóng’ ngày càng dữ: Sức ép dồn lên tái cấu trúc

‘Sóng’ ngày càng dữ: Sức ép dồn lên tái cấu trúc

Tác giả:

Vào tháng 3 năm 2008, Báo cáo thường kỳ VNR số 1 (VNR Quaterly Report No 1), với tiêu đề: “Doanh nghiệp đối phó với nguy cơ lạm phát và suy thoái”, đã gây rất nhiều tranh cãi vào thời điểm đó. Nhiều ý kiến lúc đó cho rằng dùng hai chữ “suy thoái” để miêu tả về triển vọng kinh tế Việt Nam là quá bi quan.

Hơn ba năm đã trôi qua, tiêu đề của báo cáo này vẫn rất mang tính thời sự nóng bỏng. Lạm phát và suy thoái đã không chỉ còn là nguy cơ, mà đâu đó đã trở thành thực tiễn khắc nghiệt trong môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Sức ép lên tái cấu trúc

Trong năm 2011, những điểm yếu mang tính cấu trúc của thể chế kinh tế vốn đã tiềm ẩn từ lâu đang dần lộ rõ hơn, và gây ra những tác động xấu tới môi trường kinh doanh, bao gồm:

Hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, thiếu sức cạnh tranh quốc tế và đầu tư dàn trải. Các doanh nghiệp lớn Việt Nam, bao gồm cả các DNNN và doanh nghiệp ngoài nhà nước, có xu hướng hướng chạy theo những cơ hội tìm kiếm đặc lợi và ít đầu tư vào năng lực cốt lõi nhằm tạo ra sức cạnh tranh quốc tế trong dài hạn.

Chứng khoán, bất động sản nằm trong nhóm bị ảnh hưởng nặng nhất khi thắt chặt tiền tệ (ảnh ĐTCK)

Lạm phát tăng quá mạnh và quá lâu, kết hợp với tình trạng nhập siêu lớn và nguy cơ đầu tư nước ngoài giảm sút, dẫn tới khó khăn về ngoại tệ và cán cân thanh toán. Kinh tế vĩ mô liên tục ở tình trạng bất ổn, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái như hiện nay.

Thị trường bất động sản và chứng khoán sụt giảm mạnh, dẫn tới làm tăng đột ngột tỷ lệ nợ xấu, và gây ra rủi ro lớn hệ thống ngân hàng.

Đầu tư công kém hiệu quả. Đầu tư công ở Việt Nam rất cao (xét trên tỷ trọng so với GDP), nhưng kết quả mang lại không tương xứng. Hệ thống cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn còn nhiều yếu kém, làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bất bình đẳng xã hội và những nguy cơ về trật tự, an ninh xã hội đang gia tăng.

Trước những cơn sóng đang ngày càng dữ, các doanh nghiệp Việt không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng. Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn trong bảng xếp hạng VNR500 – 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2011 về doanh thu – đều đã giảm đáng kể so với những năm trước. Tiêu biểu là khu vực FDI, tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đều có chiều hướng giảm và giảm tới xấp xỉ 3 lần trong 5 năm. Trong khi đó, ROE của khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân cũng giảm tới hơn 2 lần, chứng tỏ một đồng vốn của doanh nghiệp bỏ ra trong năm vừa qua chỉ thu lại chưa được bằng một nửa của 5 năm trước đây.

Chỉ số ROA và ROE của các Doanh nghiệp VNR500

 

ROA

ROE

DNNN

FDI

Tư nhân

DNNN

FDI

Tư nhân

BXH 2007

3.7%

26.9%

3.1%

25.6%

62.4%

34.9%

BXH 2008

3.1%

14.7%

3.6%

15.4%

30.9%

19.5%

BXH 2009

3.6%

13.7%

2.6%

15.3%

27.6%

14.5%

BXH 2010

5.2%

13.0%

2.5%

20.8%

27.1%

15.0%

BXH 2011

2.7%

9.8%

2.4%

10.0%

24.6%

16.0%

Nguồn: Cơ sở dữ liệu Vietnam Report – Bảng xếp hạng VNR500 năm năm 2007-2011.

Về hoạt động điều hành kinh tế vĩ mô, với việc quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11 của Chính phủ và Kết luận 02 của Bộ Chính trị, tình hình kinh tế vĩ mô trong 10 tháng năm 2011 đã có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực đáng ghi nhận. Tăng trưởng kinh tế được cải thiện; lạm phát có xu hướng giảm dần; thu ngân sách đạt khá, góp phần giảm bội chi; kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, nhập siêu tiếp tục giảm; dự trữ ngoại tệ tăng; lãi suất ngân hàng được điều chỉnh giảm.

Tuy nhiên, các kết quả đó mới chỉ là bước đầu. Nền tảng kinh tế vĩ mô chưa được cải thiện đáng kể. Một số rủi ro kinh tế vĩ mô cần chú ý trong các tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012 bao gồm:

Lạm phát và tỷ giá tiếp tục ở mức cao và gặp nhiều sức ép trong các tháng cuối năm 2011 và dịp Tết âm lịch. Vào cuối năm, tình hình ngoại hối có thể căng thẳng do một số yếu tố mùa vụ. Cũng không loại trừ khả năng giá xăng dầu và giá vàng quốc tế có thể tăng mạnh trong các tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012 và tiếp tục gây sức ép tới giá hàng hóa trong nước.

Cung tiền, tín dụng, chi ngân sách các tháng cuối năm có xu hướng tăng, thậm chí tăng mạnh. Điều này nếu không được kiểm soát hợp lý sẽ tác động tiêu cực đến kiểm soát lạm phát trong thời gian tới.

Những vấn đề an sinh xã hội có thể tiếp tục nảy sinh do khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới thất nghiệp gia tăng và thu nhập của người lao động giảm sút. Tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng có nguy cơ gia tăng nhanh. Tình trạng vỡ nợ, đặc biệt liên quan tới các khoản đầu cơ bất động sản, có thể xảy ra trên diện rộng hơn và trầm trọng hơn. Xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế vẫn ở mức xấu, chưa được cải thiện và có thể bị tụt hạng.

Trong bối cảnh như vậy, ngày càng có một sự đồng thuận lớn hơn về nhu cầu tái cấu trúc nền kinh tế, mà nổi bật là tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc khu vực ngân hàng và tái cấu trúc đầu tư công. Với những Nghị quyết và chỉ đạo gần đây của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, cải cách và tái cấu trúc kinh tế dường như đã trở thành một xu hướng không thể đảo ngược trong các năm tới. Vấn đề đặt ra là lộ trình tái cấu trúc cụ thể, và các thách thức và cơ hội đối với doanh nghiệp lớn trong năm 2012.

Tôn vinh các DN nộp thuế nhiều nhất Việt Nam (ảnh Lê Anh Dũng)

Chính sách vĩ mô và lộ trình tái cấu trúc năm 2012

Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2011 phụ thuộc vào ba yếu tố chính: tình hình kinh tế thế giới, sức mạnh nội tại và ổn định kinh tế vĩ mô trong nước và sự điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi thì cũng đặt ra nhiều thách thức cho cả ba yếu tố trên.

Trong vài tháng gần đây, triển vọng kinh tế thế giới năm 2012 đang được giới phân tích quốc tế đánh giá xấu đi đáng kể do khủng hoảng nợ công ở EU lan rộng, xếp hạng tín nhiệm của Hoa Kỳ giảm sút và kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu giảm tốc. Tính bất định và khó lường của kinh tế thế giới tiếp tục ở mức rất cao trong năm 2012, thậm chí một số đánh giá cho rằng kinh tế thế giới có thể lại rơi vào một cuộc suy thoái nặng nề mới.

Trong bối cảnh bất định cao như vậy, có thể dự báo chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong năm 2012 sẽ có tính thận trọng rất cao. Mục tiêu quan trọng hàng đầu sẽ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, chứ không phải là tăng trưởng kinh tế.

Do vậy, có thể dự báo về việc thực hiện thắt chặt tài khóa, cắt giảm đầu tư công một cách quyết liệt hơn nữa. Thâm hụt ngân sách năm 2012 sẽ được kiềm chế để tạo thêm dư địa cho việc điều chỉnh linh hoạt hơn chính sách tiền tệ trong năm 2012.

Chính sách tiền tệ chặt chẽ sẽ được theo đuổi, tuy nhiên có thể điều chỉnh linh hoạt khi cần thiết nhằm giảm áp lực cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực nông nghiệp, nông thôn, hạn chế tăng nợ xấu của khu vực ngân hàng, qua đó làm giảm sức ép về an sinh xã hội và đảm bảo an ninh chính trị.

Về tái cơ cấu kinh tế, các khu vực ưu tiên sẽ là tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng thương mại và đầu tư công.

Những dự báo về chính sách nêu trên đưa đến những hàm ý quan trọng về môi trường kinh doanh của doanh nghiệp lớn trong năm 2012:

– Dòng tiền sẽ tiếp tục bị thu hẹp. Việc cắt giảm đầu tư công sẽ tạo khó khăn và áp lực chuyển đổi rất lớn cho một nhóm đáng kể các doanh nghiệp VNR500, bao gồm các DNNN cũng như doanh nghiệp tư nhân.

– Khu vực chứng khoán và bất động sản chưa có những tia hy vọng rõ rệt trong nửa đầu năm 2012. Nợ xấu của doanh nghiệp và các ngân hàng vẫn là vấn đề khó khăn cần giải quyết trong nửa đầu năm 2012.

– Lạm phát và lãi suất trong năm 2012 nhiều khả năng sẽ giảm nhiệt so với năm 2011. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn sẽ khó khăn do quá trình tái cơ cấu ngân hàng được đẩy mạnh.

Dù vậy, nếu Chính phủ kiên trì việc điều hành kinh tế vĩ mô cẩn trọng và thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, nhìn về trung hạn, từ cuối năm 2012 và nửa đầu năm 2012, triển vọng môi trường kinh doanh của doanh nghiệp lớn sẽ tích cực hơn nhiều.

DN VNR500 đối phó linh hoạt với thách thức

Mặc dù chịu sức ép khá lớn từ lạm phát và suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp lớn Việt Nam trong bảng xếp hạng VNR500 tỏ ra khá vững vàng và linh hoạt trước sóng dữ. Sự suy giảm trong hoạt động kinh doanh đã nhìn thấy rõ, nhưng các doanh nghiệp này cũng không hẳn là không đạt được những thành tựu nhất định. Kết quả kinh doanh (doanh thu) của 500 doanh nghiệp trong 5 năm tăng đều và tăng khá mạnh trong Bảng xếp hạng năm 2011 với gần 4.100 nghìn tỷ đồng từ con số gần 2.800 nghìn tỷ năm 2010.

Tổng doanh thu 500 doanh nghiệp (ĐVT: nghìn tỷ đồng)

Nguồn: Cơ sở dữ liệu Vietnam Report – Bảng xếp hạng VNR500 năm năm 2007 – 2011.

Theo kết quả điều tra của Vietnam Report, số doanh nghiệp VNR500 đánh giá môi trường kinh doanh năm 2011 ảm đạm chiếm đến 40%, số doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh tạm được chiếm 44% và chỉ có 16% doanh nghiệp cho rằng môi trường kinh doanh tốt lên.

Tuy nhiên, khi được hỏi về triển vọng môi trường kinh doanh năm 2012-2013, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng môi trường sẽ trở nên tốt hơn tăng lên gấp đôi và chỉ có 16% đánh giá là kém cho năm 2012-2013.

Như vậy, mặc dù đối mặt với những khó khăn ngày càng chồng chất, các doanh nghiệp VNR500 vẫn khá chủ động và tương đối lạc quan vào triển vọng và cơ hội kinh doanh trong trung hạn.

Theo kết quả điều tra, một số đáp ứng chính sách của các doanh nghiệp VNR500 bao gồm: tập trung đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi; cắt giảm tối đa chi phí; tuyển dụng nhân sự tài năng; mở rộng ra các thị trường nước ngoài.

Tóm lại, không nên hoảng loạn về lạm phát cao và tăng trưởng giảm sút. Nền kinh tế có thể vượt qua suy thoái nhanh và êm hơn so với dự báo ban đầu. Các chính sách thắt chặt tiền tệ và tài khoá của Chính phủ đang đi đúng hướng. Thách thức lớn nhất là liệu các chính sách thắt chặt này có đủ độ bền hay không và có gắn kết đầy đủ với các biện pháp tái cơ cấu kinh tế hay không? Mỗi doanh nghiệp cần nhận thức đúng tình hình, đối phó đúng mức và tận dụng các cơ hội nảy sinh.

Buổi Lễ tôn vinh 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2011 cùng Diễn đàn VNR500 năm 2012 với chủ đề: Tầm nhìn chiến lược: Doanh nghiệp lớn và thách thức toàn cầu, sẽ diễn ra vào ngày 13/1/2012 tại dinh Thống Nhất, TP.HCM. Đây là năm thứ 5 liên tiếp, Bảng xếp hạng VNR500 được công bố để vinh danh những doanh nghiệp có đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong năm qua.