Điều đáng nói là trong cả 2 trường hợp trên, tiếng là mới được “phát hiện” nhưng trên thực tế đã manh nha xuất hiện từ lâu lắm rồi. Tuy vậy, để tìm ra và chứng minh được con số thực trong một rừng số ảo do các DN và nhà băng này dựng lên để che mắt cơ quan chức năng là điều không dễ dàng…
Chỉ trong vòng mấy ngày đầu tháng 12/2012, một loạt các thương hiệu quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam bị cơ quan chức năng đặt trong “tầm ngắm” về tội nghi trốn thuế khiến thị trường thực sự bị rúng động…
Sau sự kiện hàng hiệu “Gucci” giá bèo bị phát hiện, truy xét tại TPHCM và rồi bị cơ quan chức năng Hà Nội niêm phong, kiểm tra nguồn gốc hàng hoá của cửa hàng Gucci tại 63 Lý Thái Tổ… do một một số khách hàng tố cửa hàng bán đồ hiệu này có dấu hiệu gian lận thuế, lại đến lượt một thương hiệu đình đám khác là Adidas bị “nghi ngờ về nghĩa vụ thuế”.
Tuy nhiên, nghiêm trọng nhất là sự kiện đại gia đồ uống từng thống lĩnh thị phần đồ uống tại VN hàng chục năm qua là Coca Cola, thành lập và hoạt động tại Việt Nam gần 20 năm (từ 1994) và doanh thu tăng liên tục từ vài trăm tỉ đến hàng ngàn tỷ đồng, đến nay vẫn chưa từng đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào do liên tục khai lỗ có lẽ là “quả bom” lớn nhất sắp phát nổ.
Các vụ nghi ngờ có dấu hiệu gian lận thuế vấn còn phải đợi kết luận cuối cùng của các cơ quan chức năng nhưng ngay từ bây giờ dư luận đã đặt ra nhiều câu hỏi thực xung quanh việc phát lộ hàng loạt những sự vụ đình đám kể trên, đặc biệt là vụ việc đã nhiều năm liền nằm trong tầm ngắm của cơ quan thuế.
Trước hết là khía cạnh DN, dư luận cho rằng Coca Cola Việt Nam hay bất cứ doanh nghiệp nào, nếu đúng là đã thực hiện việc báo lỗ để trốn thuế là không thể chấp nhận được bởi đóng thuế là nghĩa vụ của cá nhân, doanh nghiệp với đất nước.
Hơn thế, lẽ ra một DN làm ăn thua lỗ thì hẳn phải ngừng hoạt động, tuyên bố phá sản, nhưng đằng này thì quảng bá rầm rộ, mở rộng thêm nhà máy, phát triển mà không có một chút trách nhiệm với nhà nước, với an sinh xã hội với quốc gia đó thì liệu có đáng để người tiêu dùng, các cơ quan pháp luật sở tại tiếp tục ủng hộ?
Một câu hỏi lớn khác cũng được dư luận dành cho cho cơ quan chuyên trách là thuế. Tại sao sau nhiều năm bây giờ cơ quan thuế mới lên tiếng? Trách nhiệm nhà quản lý ở đâu? Bởi khi lên tiếng về vụ việc Coca Cola, chính cơ quan thuế cũng thừa nhận, đại ý: đã 6-7 năm nay họ đã “liệt” Công ty Coca Cola VN vào danh sách DN nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá.
Tuy nhiên, việc chứng minh DN này có chuyển giá phức tạp do không có cơ sở so sánh, đối chiếu giá nguyên liệu với các DN khác cùng ngành nghề, vì đây là DN đặc thù (!?)
Lý lẽ này không sai và khá kín kẽ, nhưng dư luận không khỏi băn khăn, bởi 6-7 năm qua vẫn chưa chứng minh xong thì chắc gì 6-7 năm tới đã làm được và đương nhiên trong thời gian ấy ngân quĩ tiếp tục chẳng thu được xu nào…
Đến đây ta lại liên tưởng đến một câu chuyện chưa xa và hiện vẫn đang là vấn đề nóng bỏng của nền kinh tế: nợ xấu. Thực ra vấn đề nợ xấu đã xuất hiện và manh nha trong nền kinh tế từ lâu, nhưng cũng như các đại gia hàng hiệu dung mánh khóe để trốn thuế đã nêu, hệ thống NHTM cũng dùng một loạt các tiểu xảo để “giấu nợ” khiến cho mãi về sau này các cơ quan chức năng mới phát hiện ra và gia tăng đột biến trong năm 2012.
Nhưng cũng rất khó chứng minh được con số này là ở mức nào. Cụ thể: nợ xấu theo số liệu NHNN đến thời điểm cuối tháng 3/2012 là 8,6% tổng dư nợ, trong khi đó, số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng, dù cập nhật đến 31.5.2012, chỉ ở mức 4,47%.
Để giấu nợ và tạo nên những con số đẹp để đánh lừa cơ quan chủ quản là NHNN các đơn vị đã không từ một thủ đoạn nào từ việc lách các hoạt động cho vay, Làm đẹp báo cáo tài chính bằng việc phân nhóm nợ, giải ngân long vòng giữa các ngân hàng…Không chỉ có các NHTM và các khách hàng tìm cách làm giảm tỷ lệ nợ xấu cho mình, ngay chính các văn bản của NHNN cũng đã tạo điều kiện hỗ trợ cho việc trên. Sự đổ vỡ của Habubank khiến cho ngân hàng này buộc phải sáp nhập trong khi tỷ lệ nợ xấu ở mức rất thấp là một sự báo động lớn.
Chính những sự rối rắm này đã khiến cho các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn để chứng minh được con số nợ xấu của các ngân hàng thương mại thực sự là bao nhiêu.
Vì thế người ta đã ví von rằng: xử lý nợ xấu thực sự là một cuộc “marathon” lâu dài, bền bỉ, là nhiệm vụ được duy trì thường xuyên chứ không thể là những hứng khởi nhất thời!
Bởi nếu các cơ quan chức năng như NHNN hay cơ quan thuế không kiên quyết đấu tranh một cách kiên trì với những tệ nạn này (nợ xấu, nghi trốn thuế) thì dẫu đã “phát hiện” được rồi nhưng để thực sự loại bỏ nó ra khỏi hoạt động hoạt động kinh tế, tài chính sẽ là chuyện bất khả thi…