Trang chủ » Điểm nóng » Thời điểm khai tử hàng loạt công ty chứng khoán

Thời điểm khai tử hàng loạt công ty chứng khoán

Tác giả:

Những cái chết được báo trước

UBCK vừa chính thức thu hồi giấy phép hoạt động của CTCK Trường Sơn và CTCK Hà Nội từ đầu tháng 7 do thời hạn bị đình chỉ đã qua nhưng hai đơn vị này không có bất kỳ hoạt động nào nhằm cải thiện tình hình, lỗ lũy kế vẫn trên 50% vốn điều lệ và không khắc phục được tỷ lệ an toàn vốn.

Đây là hai trường hợp đầu tiên trong tổng số 105 CTCK bị xóa sổ hoạt động sau 13 năm phát triển của TTCK Việt Nam

Trước đó, giới đầu tư đã biết đến phương án rút giấy phép hoạt động đối với một số CTCK trong đó có Trường Sơn và Hà Nội. Việc khai tử cho các CTCK này dường như chỉ là thủ tục cuối cùng bởi trên thực tế các đơn vị này từ lâu đã không còn hoạt động, không còn trụ sở, không còn liên lạc, không còn nghiệp vụ môi giới, không còn tư cách thành viên tại hai giao dịch sở chứng khoán và không có thông tin gì về tình hình doanh nghiệp cung cấp cho giới đầu tư trong nhiều năm qua.

Không chỉ mất tăm với giới đầu tư, các CTCK này còn cắt đứt liên hệ với cơ quan quản lý, không công bố báo cáo tài chính, không công bố thông tin theo như các quy định hiện hành trong nhiều năm liền.

Bên cạnh Trường Sơn và Hà Nội, CTCK Delta (trước đây là CTCK Cao Su) cũng đã nằm phương án rút giấy phép hoạt động của UBCK cũng với lý do không khắc phục được lỗ lũy kế và tỷ lệ an toàn vốn cho dù thời gian bị đình chỉ đã qua. Điểm khác có chăng là ở chỗ Delta thỉnh thoảng còn có vài thông tin về hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình hình chung của Delta cũng rất bê bết với vốn chủ sở hữu tính tới cuối quý III/2012 âm hơn 2 tỷ đồng, tỷ lệ an toàn vốn tại thời điểm cuối quý II/2012 âm 18%.

Hồi giữa tháng 4 vừa qua, UBCK cũng đã tiếp tục ban hành quyết định đình chỉ hoạt động của Công ty Cổ phần Chứng khoán Tràng An (TAS) trong vòng 6 tháng (đến giữa tháng 10) do không đáp ứng được các chỉ tiêu an toàn.

Hàng loạt các CTCK khác cũng đang ở trong tình trạng sống dở chết dở, bị kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, bị cảnh báo vì thua lỗ, nợ nần, sai phạm… và khả năng bị loại ra khỏi TTCK không hề nhỏ.

Các CTCK bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt đã lên tới cả chục đơn vị (như GBS, SBS, Mê Kông, SME…). Gần đây, một số CTCK đã tự rút ra khỏi thị trường như trường hợp Chứng khoán Chợ Lớn chính thức giải thể công ty kể từ ngày 18/4/2013; hay cổ đông Chứng khoán Âu Việt (AVS) thông qua việc giải thể.

Dọn dẹp hậu quả

Giải thích lý do khiến hàng loạt các CTCK rơi vào tình cảnh bê bết như hiện nay, nhiều chuyên gia cho đến các cơ quan quản lý đã thừa nhận, đó chính là từ sự phát triển quá nóng của khối doanh nghiệp này cả về mặt quy mô và hoạt động.

TTCK có tổng vốn hóa khá lớn (khoảng hơn 40 tỷ USD tính tới cuối quý II/2013) nhưng giao dịch cổ phiếu hàng ngày trên mỗi sàn lại rất thấp chỉ vài trăm tỷ đồng, tương đương vài chục triệu USD. Do đó, 105 CTCK là quá nhiều. Trong đó, chỉ 10 công ty dẫn đầu đã nắm 60-70% thị phần. Phần còn lại là quá ít, không đủ giúp các CTCK ở tốp dưới duy trì hoạt động.

Trong thời kỳ TTCK nóng, cổ phiếu lên giá ầm ầm, rất nhiều CTCK được sinh ra để chớp cơ hội kiếm tiền dễ dàng từ kênh đầu tư này. Nhiều CTCK lớn nhỏ sống nhờ vào “doanh thu khác”, hay chính là hoạt động đầu tư, tự doanh, vay nợ và cho vay nợ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

SME đang trong vùng nguy hiểm.

Nhưng, trong bối cảnh TTCK trầm lắng và đi xuống như vài năm gần đây, khả năng kiếm lời từ hoạt động nói trên là khó khăn, chưa muốn nói ngược lại. Rất nhiều CTCK thua lỗ 4-5 năm liên tiếp và một số lượng rất lớn đang hoạt động cầm chừng, chủ yếu tìm cơ hội để thoái vốn.

Nhiều CTCK một thời lừng danh giờ đây đã tụt lùi rất mạnh. Trong số đó có những thương hiệu lớn cũng đứng trước nguy cơ bị loại ra khỏi cuộc chơi. Các CTCK nhỏ còn khó khăn hơn rất nhiều, đa số dường như chỉ còn đang cố bấu víu để khỏi bị hất văng ra ngoài. Quá trình đào thải, chính vì vậy, tất yếu sẽ xảy ra với sức ép từ cả phía cơ quan quản lý, lẫn sự canh tranh của thị trường.

Trong trường hợp Chứng khoán Delta, nếu chiếu theo quy định, đơn vị này cũng sẽ bị rút giấy phép hoạt động cùng thời điểm với Trường Sơn và Hà Nội. Tuy nhiên, điều này chưa xảy ra có thể bởi những vướng mắc, khiếu nại, khiếu kiện của các khách hàng.

Gần đây, trong yêu cầu khi đưa Tràng An vào diện bị đình chỉ, UBCK buộc CTCK này không được mở mới tài khoản giao dịch chứng khoán, không được ký mới, gia hạn các hợp đồng có liên quan đến các nghiệp vụ kinh doanh bị đình chỉ hoạt động; phải thực hiện tất toán, chuyển tài khoản theo yêu cầu của khách hàng…

Thực tế đã cho thấy, rất nhiều CTCK đã bỏ của chạy lấy người, đã thoát ra khỏi thị trường đầy khốc liệt này hoặc muốn làm như vậy. Tuy nhiên, số phận của các đơn vị này vẫn chưa được giải quyết. Những vướng mắc trong khâu giải thể, phá sản doanh nghiệp, đặc biệt với các CTCK là rất lớn bởi sự liên quan tới các khách hàng, tới ngân hàng, tới các cổ đông lớn, nhỏ (tập đoàn, doanh nghiệp, quỹ, tổ chức tín dụng)…

Việc giám sát các CTCK tuân thủ nghiêm ngặt các bước xử lý các vướng mắc nói trên là một giải pháp để đảm bảo nếu trường hợp phải rút giấy phép hoạt động có thể được tiến hành nhanh chóng.