Con cưng triệu đô
Đầu tháng 8/2013, Bảo hiểm AAA cho biết bà Đỗ Thị Kim Liên đã rút toàn bộ vốn khỏi DN bằng việc bán hơn 30% cổ phần cho tập đoàn Insurance Australian Group (IAG) của Australia, đồng thời từ chức chủ tịch HĐQT công ty.
Sau thương vụ này, tỷ lệ sở hữu của IAG tại AAA đã được nâng từ 30% lên 60,9% và AAA chính thức trở thành một thành viên của IAG tại Việt Nam.
Số tiền bà Liên thu về không được công bố nhưng có lẽ là con số không nhỏ bởi trước đó, hồi giữa năm 2012, IAG đã phải bỏ ra khoảng 20 triệu USD để mua 30% cổ phần phát hành thêm của AAA. Lần này, để trở thành cổ đông chi phối, biến AAA thành thành viên của mình cùng với giấc mơ thâm nhập sâu rộng vào thị trường bảo hiểm Việt Nam, IAG hẳn đã phải bỏ ra số tiền không ít.
Vụ thoái vốn này đánh dấu sự ra đi của người sáng lập lên thương hiệu AAA cũng là người léo lái con tàu này trong 9 năm vừa qua. Quyết định này khá mâu thuẫn với mong muốn gắn bó với AAA của bà Liên. Bà Liên cho biết, việc rút vốn này nằm trong chiến lược đầu tư tài chính mới của bà trong năm 2013.
Trước đó, rất nhiều đại gia trong nhiều lĩnh vực khác cũng đã bất ngờ tuyên bố bán các doanh nghiệp do mình xây dựng và gắn bó.
Cuối năm 2012, giới kinh doanh xôn xao khi ban lãnh đạo Prime Group đã chuyển nhượng 85% quyền sở hữu cho tập đoàn đa ngành SCG của Thái Lan với tổng giá trị gần 240 triệu USD, tương đương khoảng 5.000 tỉ đồng.
Thương vụ này đã gây chấn động thị trường. Dù chưa biết lý do mua bán là gì, nhưng giới đầu tư trong nước thực sự ấn tượng với con số 5.000 tỷ đồng mà Prime thu về. Chính những người trong cuộc cũng đã cho rằng, thương vụ này được giá và được âm thầm cân nhắc trong khoảng 2 năm trời.
Cách đây 10 năm, Prime chỉ là một công ty sản xuất gạch men rất nhỏ tại Vĩnh Phúc. Sự phát triển của DN rất nhanh và thương vụ thoái vốn thu về ngàn tỷ này chắn là một thành công vang dội xét về mặt kiếm tiền.
Thị trường vật liệu xây dựng nội địa hồi cuối năm ngoái cũng rúng động với thông tin tập đoàn xi măng lớn nhất Đông Nam Á, Semen Gresik (SMGR) của Indonessia đổ 230 triệu USD (hơn 4,8 nghìn tỉ đồng) mua lại 70% cổ phần của Xi măng Thăng Long của một trong những “tỷ phú ẩn danh” thuộc tốp giàu nhất Việt Nam, ông Vũ Văn Tiền – chủ tịch tập đoàn Geleximco.
Năm 2011, các doanh nhân Ấn Độ đã thực hiện 2 thương vụ lớn mua lại các doanh nghiệp Việt Nam là Fortis Healthcare bỏ ra 64 triệu USD mua 65% cổ phần của Y khoa Hoàn Mỹ, và Marico bỏ ra 60 triệu USD mua lại 85% cổ phần của CTCP Sản xuất hàng gia dụng quốc tế (ICP), hãng sở hữu thương hiệu dầu gội nam giới X-Men.
Cũng trong năm 2011, hai anh em doanh nhân Đỗ Minh Phú và Đỗ Anh Tú đã bán 95% Công ty Cổ phần Diana, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu băng vệ sinh Việt Diana, cho Tập đoàn Unicharm (Nhật Bản) với giá 184 triệu USD, cao hơn rất nhiều so với số tiền đầu tư ban đầu khoảng 600.000 USD.
Trước đó, giới đầu tư cũng đã chứng kiến vụ thương hiệu kem đánh răng P/S được bán cho Unilever giá 5 triệu USD; Dạ Lan bán cho Colgate Palmolive với giá 3 triệu USD; và gần đây là hàng loạt các thương hiệu Ngân Lượng, CareerBuilder, Vietnamworks… được bán cho các hãng nước ngoài.
Lãi lớn là gật đầu
Phần lớn các thương vụ mua bán nói trên, các thương hiệu được đem đi bán là niềm tự hào của các doanh nhân gây dựng lên chúng. Thương hiệu bảo hiểm AAA gắn liền với tên tuổi bà Liên; Diana gắn với ông Đỗ Minh Phú; Dạ Lan gắn với ông Trịnh Thành Nhơn… Hầu hết các thương hiệu này được bán ra khi đang phát triển rực rỡ, DN làm ăn có lãi và chiếm thị phần lớn trong nước. Nhưng số tiền vài chục triệu tới hàng trăm triệu USD đôi khi là lý do khiến doanh nhân quyết định chia tay với DN con cưng của mình.
Với ông Phú, tại Diana là với số tiền ban đầu vài trăm nghìn USD, ông đã thu về hàng trăm triệu USD. Việc hiện thực hóa lợi nhuận, là cần thiết và thường là các doanh nhân đã suy nghĩ thấu đáo.
Trong trường hợp Prime, đơn vị này đã thuộc về một tập đoàn nước ngoài cho dù Prime được khẳng định không khó khăn về tài chính. Lý do được nhiều người đưa ra là: Prime muốn trở thành một thương hiệu mạnh hơn nữa, vươn rộng ra khắp khu vực… Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận là con số gần 240 triệu USD là quá lớn, có thể thuyết phục được ông chủ nặng tình nhất bán đứa con của mình.
Với AAA, trước đó, bà Đỗ Thị Kim Liên đã cho biết, vẫn thấy tương lai rất sáng của DN và ngành bảo hiểm ở phía trước. Theo bà Liên, việc rút vốn nằm trong chiến lược đầu tư tài chính mới của bà trong năm 2013 với định hướng gắn kết với hoạt động xã hội nhiều hơn. Tuy nhiên, giới đầu tư tài chính nhìn nhận sự thoái vốn của bà Liên như một hành động hiện thực hóa lợi nhuận, thu thành quả sau bao năm dồn công sức cho AAA.
Hiện tượng nhiều thương hiệu con ruột của các doanh nhân Việt được bán đi cũng điều bình thường trong một nền kinh tế thị trường. Trong nhiều thương vụ, các doanh nhân đã thu một lượng tiền lớn cho những dự án đầu tư lớn khác. Nhưng, ở chiều ngược lại, không ít người đã phải nuối tiếc vì việc lặp lại những gì đã mất không phải dễ dàng nhất là khi lĩnh vực đó bị DN ngoại chi phối thì DN Việt càng có ít cơ hội.