Trang chủ » Điểm nóng » DN Nhật muốn rời Việt Nam, chọn Thái, Indonesia

DN Nhật muốn rời Việt Nam, chọn Thái, Indonesia

Tác giả:

Công nghiệp hỗ trợ èo uột

Tại Diễn đàn Kinh tế cấp cao Việt Nam – Nhật Bản diễn ra mới đây, sau khi tiến hành khảo sát 1.874 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại châu Á và châu Đại Dương về khó khăn gặp phải trong đầu tư, tổ chức JETRO cho hay có 45,6% số doanh nghiệp phản ánh, khó khăn nhất với họ là vấn đề tìm kiếm nhà cung cấp, nguồn cung ứng linh kiện.

Trong đó, tại Việt Nam con số này chiếm 74,5%, kế tiếp là Lào 84,6%, Bangladesh 83,3% và Campuchia 81,8%. Như vậy, cứ bình quân 4 công ty của Nhật đầu tư tại Việt Nam thì có 3 đơn vị gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhà cung cấp linh phụ kiện. Ngược lại, nhiều nước trong khu vực có tỷ lệ rất thấp, chẳng hạn tại Thái Lan chỉ có 40,7%, Indonessia 46%, Malaissia 39,6%…

Trong số 158 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam được khảo sát thì chỉ có 27,9% tìm được nhà cung cấp tại Việt Nam, con số này quá thấp nếu so với Thái Lan là 52,2%, Indonessia 43% và Malaisia là 42,4%.

JETRO cũng cho biết, có tới 70% số DN mong muốn tìm được nhà cung cấp tại Việt Nam. Tăng nội địa hóa tại Việt Nam rất quan trọng bởi nó sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, đảm bảo thời gian cung ứng hàng và nâng cao năng suất. Hiện nay các nhà cung ứng của Nhật Bản chiếm tới 55,3% và các DN Nhật mong muốn giảm tỷ lệ nhập khẩu linh kiện từ Nhật Bản.

Qua con số này có thể thấy công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam rất yếu kém và phát triển chậm hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.

Ông Katsuyoshi Tổng giám đốc Công ty Canon Việt Nam cho biết, năm 2009, Canon đã đạt tỷ lệ nội địa hóa các loại máy in là 52% và đến 2013 lên 67%. Tuy nhiên tại Việt Nam chủ yếu vẫn là gia công, nguyên liệu sản xuất các linh kiện vẫn phải nhập khẩu, nếu quy đổi ra chỉ đạt 30%.

Đến nay tại Việt Nam chưa có các DN sản xuất những linh kiện phục vụ cho máy in như tấm thép mạ mỏng, chất bán dẫn… Một số sản phẩm khác có nhưng chất lượng không đạt yêu cầu, chẳng hạn như nguyên liệu nhựa khi thử nghiệm bị biến dạng tới 30%, hay cao su dùng trong máy in ngoại vi, không đáp ứng được yêu cầu khi thử nghiệm, bị hỏng, vỡ. Sản xuất khuôn mẫu cũng vậy, có gia tăng số lượng nhà cung cấp, nhưng DN Việt Nam chỉ chiếm khoảng 30% còn lại là các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khác. Canon cũng cho biết, đến 2012 đã tiếp cận với 147 nhà cung cấp linh kiện tại Việt Nam nhưng kết quả chỉ chọn được có 6 DN làm đối tác.

Chưa được coi trọng

Ông Kyoshiro Ichikawa, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty IBC Việt Nam, nói: “Năm 1992 tôi sang Việt Nam làm trong lĩnh vực ô tô, tôi có khảo sát mọi người nhưng chẳng ai biết tới công nghiệp hỗ trợ là gì. Khi đó, Việt Nam chỉ có một số DNNN sản xuất các thiết bị đồng bộ.

Theo các DN Nhật Bản, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam không bao giờ có thể bằng Thái Lan. Công nghiệp hỗ trợ của Thái Lan được như ngày hôm nay là do chính sách hỗ trợ của Chính phủ Thái rất tốt, ngược lại Việt Nam thì không.

Tại Việt Nam, ông Phan Đăng Tuất, khi còn là Viện trưởng Viện chiến lược Chính sách Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã nhiều lần than thở: Ở các nước có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… công nghiệp hỗ trợ được phát động từ phía Chính phủ. Còn ở Việt Nam, ngược lại, nó được phát động từ giới nghiên cứu và DN. Ông Tuất cho rằng trong quá xây dựng chính sách về công nghiệp hỗ trợ đã gặp không ít sự “lạnh lẽo, nghiệt ngã” của những người có trách nhiệm.

Muốn phát triển công nghiệp lớn mạnh thì nền tảng phải vững chắc mà nền tảng của các ngành công nghiệp chính là công nghiệp hỗ trợ. Thiếu công nghiệp hỗ trợ, nền công nghiệp Việt Nam hoàn toàn không được nuôi dưỡng. Nhưng nếu chỉ có DN tâm huyết với công nghiệp hỗ trợ mà thiếu sự quan tâm từ phía Nhà nước thì chẳng bao giờ thành công.

Tháng 4/2011, Quyết định 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/2/2011 của Chính phủ ban hành về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ ra đời, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng quyết định này quá chung chung và thiếu sự hấp dẫn. “Chúng tôi rất sợ trình những chính sách như thế, phải tới 10 lần trình và mỗi lần lại bớt một chút, Chính phủ mới ban hành”, một cán bộ thuộc Viện chiến lược Chính sách Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết. Trên thực tế, kể từ khi Quyết định 12 ra đời đến nay đã hơn 2 năm, nhưng chưa có dự án nào xin được ưu đãi. Có 2 dự án xin đã lâu nhưng vẫn chưa xong, có DN làm hồ sơ xin, nhưng thấy thủ tục quá phức tạp nên lại tự đầu tư.

Một số chuyên gia về công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản cũng nhận xét, Quyết định 12 quá chung chung và khó hiểu, các tiêu chí đều không rõ ràng vì vậy rất khó thực thi.

Công nghiệp hỗ trợ yếu kém sẽ là thách thức lớn với Việt Nam. Đến 2015 Hiệp định AFTA có hiệu lực và đến 2018 các sẽ dỡ bỏ hàng rào thuế quan, khi đó DN sẽ tự do hơn về biên giới, về giao dịch kinh tế, họ sẽ cân nhắc xem tìm nơi đầu tư có môi trường thuận lợi để đầu tư và tất nhiên Thái Lan, Indonesia – những nơi có công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh… sẽ được ưu tiên, còn Việt Nam dễ bị bỏ rơi. Trên thực tế, đã có nhiều dự án lớn bỏ qua Việt Nam mà thường chọn các nước khác trong khu vực, không cần phải đợi đến hội nhập AFTA.