2/3 dự án sân golf vẫn ở “thì tương lai”
Năm 2010, Phú Thọ “gây sốc” khi cấp phép cho một dự án khu đô thị, có sân golf với vốn đầu tư tới 1,5 tỷ USD. Dự án của Công ty TNHH Thương mại – Quảng cáo, xây dựng địa ốc Việt Hân. Dự án có tên rất mộng mơ “Dream City”. Nhưng 8 năm đã qua, đến nay Dream City vẫn dừng lại là giấc mơ viển vông, kể cả phần sân golf 36 lỗ với diện tích được vẽ ra lên tới hơn 171 ha.
Số phận của sân golf ở Dream City không phải là cá biệt. Thực tế cho thấy, cả nước có 116 sân golf được đưa vào quy hoạch nhưng chỉ có 42 sân đã đi vào hoạt động (chiếm tỷ lệ 36%). Còn lại là những sân golf vẫn ở “thì tương lai”.
DreamCity vẫn là giấc mộng của một số người cấp phép. |
Theo các chuyên gia, đó là hệ quả của việc cấp phép không căn cứ theo nhu cầu. Để làm một sân golf thì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, phải trả lời nhiều câu hỏi: Vị trí sân golf đó có người chơi không, thu nhập dân cư thế nào, khách trong nước thế nào, khách nước ngoài ra sao?…
Chia sẻ với PV.VietNamNet, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng: Nếu phát triển đúng cách, sân golf là ngành dịch vụ tạo ra lợi nhuận cao, góp phần phân chia lại thu nhập.
Việt Nam có lợi thế để đầu tư sân golf, thu hút khách du lịch quốc tế, tạo ra công ăn việc làm cho người dân địa phương.
“Người Hàn Quốc rất thích đánh golf. Có sân golf ở Việt Nam cuối tuần đón 2-3 xe khách du lịch Hàn Quốc theo tour sang Việt Nam. Tối thứ 6 họ bay từ Hàn Quốc sang, sáng thứ 7 hạ cánh đến Việt Nam. Họ chơi từ sáng thứ 7 đến tối chủ nhật, sau đó lại bay chuyến tối về nhà để sáng thứ hai tiếp tục đi làm. Họ tính chơi golf ở Việt Nam vẫn rẻ hơn chơi ở sân bên đó”, ông Đặng Huy Đông kể.
Tuy nhiên, nguyên lãnh đạo Bộ KH-ĐT cũng nhấn mạnh việc phát triển sân golf phải không được đánh đổi an ninh lương thực và những thứ quan trọng khác như rừng phòng hộ, khu bảo tồn,…
“Đất đai không làm được gì khác thì mới làm sân golf. Bản chất thế giới cũng thế. Còn nếu nơi nào xẻ cả cánh rừng làm sân golf thì chính là tội ác”, ông Đặng Huy Đông nhấn mạnh.
Vị này đồng tình quan điểm đề ra trong Luật Quy hoạch, đó là bãi bỏ quy hoạch sân golf. Nhưng chừng ấy là chưa đủ.
Nếu làm bài bản, sân golf tạo ra được lợi nhuận tốt. |
Cần đấu thầu giấy phép đầu tư sân golf
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo nghị định của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư, kinh doanh sân golf.
Chia sẻ với PV.VietNamNet, đại diện Bộ KH-ĐT cho biết: Nghị định được xây dựng theo hướng đổi mới căn bản phương thức quản lý hoạt động đầu tư, kinh doanh sân golf trên cơ sở không còn Quy hoạch phát triển sân golf đến năm 2020. Theo đó, dự thảo nghị định quy định các điều kiện để đầu tư, kinh doanh sân golf, phù hợp quy định của Luật quy hoạch.
Đó là bãi bỏ quy hoạch phát triển sân golf để chuyển sang áp dụng các điều kiện đầu tư kinh doanh với các tiêu chí cụ thể, minh bạch và hợp lý để nhà đầu tư tuân thủ trong quá trình đầu tư xây dựng, kinh doanh, quản lý hoạt động của sân golf.
Dự kiến những điều kiện đó là điều kiện về năng lực nhà đầu tư (vốn đầu tư, công nghệ, trang thiết bị,… ), điều kiện sử dụng đất đai (loại đất không được phép xây dựng sân golf, điều kiện về kết cấu hạ tầng và các công trình phụ trợ như giao thông, điện, nước, môi trường; trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, xã hội (tái định cư, bố trí việc làm cho người bị thu hồi đất và giải quyết các vấn đề xã hội)…
Tuy nhiên, theo ông Đặng Huy Đông, việc này cũng chưa phải là tối ưu để giải quyết được tình trạng “sân golf treo”, “xin – cho” trong việc cấp phép golf.
Hiến kế cho việc đầu tư sân golf, ông Đặng Huy Đông nhấn mạnh “phải đấu thầu các vị trí làm sân golf”.
Ngoài những điều kiện không được làm sân golf như động đến khu bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn lịch sử cách mạng, nông nghiệp, an ninh lương thực,… thì các tỉnh nên được quyền cấp phép sân golf theo nhu cầu thực tế.
Ví dụ, địa phương muốn khu đất nào đó làm sân golf, thì tiến hành giới thiệu địa điểm để thu hút đầu tư. Sau đó, nếu có nhiều nhà đầu tư quan tâm thì tiến hành đấu thầu giấy phép đầu tư.
“Nội dung đầu bài thầu là rất quan trọng. Trên mặt bằng đó, nhà đầu tư nào đưa ra được một đề án mà nộp vào ngân sách nhiều nhất thì nhận được giấy phép. Nhà đầu tư nào đưa ra phương án kinh doanh tạo ra nhiều việc làm hơn, nguồn thu lớn hơn, tiến độ nhanh hơn,… thì được điểm cao hơn. Thậm chí, nếu nhà đầu tư có thêm phương án tạo ra các quầy trưng bày đặc sản địa phương, ưu tiên bán các hàng hóa sản xuất ở địa phương thì cũng là điểm cộng, thay vì sân golf toàn bán đồ Hàn Quốc, mì tôm cũng toàn mì ăn liền Hàn Quốc như một số sân golf hiện nay”, ông Đặng Huy Đông gợi ý.
Ngoài ra, phải có yêu cầu nếu nhà đầu tư không thực hiện dự án trong 24 tháng thì sẽ bị thu hồi và mất cả tiền đã bỏ ra thầu giấy phép.
“Nếu không đấu thầu giấy phép thì dù có bỏ quy hoạch, đặt ra các điều kiện kinh doanh, việc phát triển sân golf vẫn quay trở lại như cũ”, ông Đông nhấn mạnh.
Lương Bằng
Một ‘ngày đặc biệt’: Hàng chục sân golf ngàn tỷ cùng lọt vào quy hoạch
Phong trào làm sân golf đang trở lại rầm rộ với nhiều dự án được bổ sung vào quy hoạch, một ngày có gần chục dự án được bổ sung vào quy hoạch.
Đại gia ngồi tù và bí ẩn chuyển nhượng sân golf Ngôi Sao Chí Linh
Việc chuyển nhượng sân gôn Ngôi Sao Chí Linh vẫn chưa thể thương lượng xong dù thậm chí có đối tác đã chuyển 225 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng để giữ suất.
Đại gia Minh Him Lam: Từ sân golf Tân Sơn Nhất đến ngân hàng Sacombank
Sở hữu 99% vốn của Tập đoàn Him Lam và mong muốn duy trì sự quản lý tới thời con trai, ông chủ tập đoàn này từng cho rằng giá trị cốt lõi của Him Lam chính là… Dương Công Minh.