Trang chủ » Điểm nóng » Đặng Phong – “pho sử sống” kinh tế đi vào lịch sử

Đặng Phong – “pho sử sống” kinh tế đi vào lịch sử

Tác giả:

Với tôi, Đặng Phong là một nhân hiệu, một nhà khoa học, một người anh thân tình. Tôi biết đến tên tuổi ông đã lâu, trước khi gặp mặt, dẫu, từ chỗ tôi tới nhà ông chỉ mất 5 phút đi bộ.

Đầu năm ngoái, sau khi đọc xong cuốn: “Tư duy kinh tế Việt Nam: Chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975-1989“, thấy đây là cuốn sách hay, có chất lượng khoa học, tôi quyết định phải gặp tác giả. Nhân lúc ngồi với nhà văn Vũ Thi ở Hồ Tây, bàn về cuốn sách, Vũ Thi giới thiệu tôi với Đặng Phong, từ đó, tôi đã dăm lần gặp ông tại nhà riêng ở làng cổ Yên Phụ.

Hồi đó, do bệnh tình diễn biến xấu nên sức khỏe của ông không được như xưa. Tuy vậy, trí nhớ của ông vẫn rất tốt và đặc biệt, ông nói về nền kinh tế thời kỳ bao cấp rất hào hứng, mạch lạc. Lúc đó, ông đang khẩn trương hoàn thành cuốn “Phá rào trong kinh tế vào đêm trước đổi mới”. Ông mở máy tính, giới thiệu từng trang bản thảo đang hoàn thiện, cùng với đó là hệ thống tư liệu sống mà ông sưu tập được qua các thời kỳ, những bức ảnh mà ông chụp được trong các chuyến đi.

Ông tâm đắc với bức ảnh một đám rào mong manh trong dòng nước lũ mênh mông đầy ẩn ý. Ông bảo sẽ đưa nó làm ảnh bìa cho cuốn sách. Cùng với những bản thảo, tư liệu sống, ảnh chân dung cố thủ tướng Võ Văn Kiệt được đặt trên tủ kính một cách trang trọng trong phòng khách của ông, với những dòng chữ viết tay của Đặng Phong rất trân trọng và cảm động giành cho “ông Sáu”.

Mô tả ảnh.
GS. Đặng Phong (ảnh SVVN)

Hồi đó, các xét nghiệm ở viện K đã cho thấy ông bị căn bệnh ung thư vòm họng, sau khi sử dụng hết các liệu pháp Tây y, người ta khuyên ông chuyển sang Đông y. Theo đó, mỗi tháng ông sang Trung Quốc độ hơn 2 tuần, vừa uống thuốc, vừa theo dõi, rồi về nước, hết đợt dùng thuốc, thu xếp tiền bạc lại sang. Mỗi lần từ Trung Quốc về, sức khỏe của ông có khá hơn, nhưng dường như cũng không cưỡng lại được sự khắc nghiệt của căn bệnh nan y.

Cũng chính vì tình trạng sức khỏe như vậy, nên về nhà nhưng hầu như ông không tiếp khách. Tôi với Vũ Thi là một ngoại lệ. Mỗi lần đến thăm ông, thường chỉ kéo dài hơn ba chục phút, sau đó ông xin phép được đi nghỉ. Dẫu phải chống đỡ với bệnh tật, nhưng khi nói về lịch sử kinh tế thì ông vẫn hào hứng như một cậu học trò. Danh hiệu “Pho sử sống” về kinh tế mà người đời giành cho ông quả không sai tý nào.

Mỗi nhân vật lịch sử đều được ông nhìn nhận với sự cảm thông chính trị sâu sắc. Theo ông, lịch sử như một dòng chảy, mỗi con người chỉ là một sinh linh nhỏ bé và khó có thể cưỡng lại được dòng chảy ấy. Trách nhiệm của người đi sau là phải có sự suy ngẫm kỹ để rút ra bài học cho tương lai.

Theo cách nói của ông: “Đánh giá lịch sử cần phải có sự lễ độ và khoa học”. Với phương châm đó, ông đã giành cho những nhân vật mà ông nghiên cứu những lời lẽ phải chăng, thoát ly khỏi các định kiến chính trị.

Võ Văn Kiệt: Người vứt kinh tế bao cấp vào sọt rác

Đặng Phong cho rằng, sau thống nhất, Sài Gòn bị kéo vào guồng máy kinh tế tập trung. Đến mùa thu hoạch, đồng lúa miền Nam chín vàng, nhưng dân thành phố lại ngấp nghé nạn đói. Nhà nước áp giá pháp lệnh 5,2 hào một kg trong khi thị trường là 1,5 đồng một kg, nông dân đâu chịu bán. Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Kiệt khi ấy chỉ đạo Công ty Lương thực thu mua lúa của dân theo giá tương xứng, cứu đói cho thành phố.

Ủy ban Vật giá bèn “kiện” lên trung ương rằng ông Kiệt phá rào. Bà Ba Thi, Giám đốc Công ty Lương thực thành phố bị triệu ra kiểm điểm. Thế nhưng sau khi ông Kiệt ra báo cáo, thuyết phục, Tổng bí thư Lê Duẩn ủng hộ. Giá thu mua lương thực cả nước nhờ đó được điều chỉnh lên gần với giá trị thực.

Sau vụ đó, đến lượt Xí nghiệp Dệt Thành Công thiếu vật tư, đình trệ sản xuất. Nhà nước không lo nổi chuyện cung ứng vật tư, nguyên liệu cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp thì không có ngoại tệ, trong khi Ngân hàng Ngoại thương thừa đôla trong két lại không được tự ý cho vay. Nhiều ngành khác cũng đình đốn. Ông Kiệt đã chỉ đạo ngân hàng phải cho vay và yêu cầu doanh nghiệp phải trả được nợ. Nút thắt được gỡ, doanh nghiệp nhập nguyên liệu về sản xuất, có hàng hóa phục vụ dân, có lãi dư trả nợ.

Ngay từ thời còn làm Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Võ Văn Kiệt đã bộc lộ tính cách mạnh mẽ và đã có những quyết sách kinh tế quan trọng. Đầu tiên là cải cách hệ thống kế hoạch, dần dần thừa nhận quyền tự chủ của xí nghiệp quốc doanh, của địa phương. Sau đó là việc tổ chức lại hệ thống ngân hàng.

Hình ảnh đặc trưng của thời bao cấp (ảnh tư liệu – Tuổi Trẻ)

Với sự tham vấn của các chuyên gia kinh tế có kinh nghiệm, ông Kiệt đã thành công trong chuyển đổi hệ thống ngân hàng nhà nước. Từ đó các ngân hàng thương mại quốc doanh mới thực sự có sức sống, rồi tỷ giá ngoại tệ được đẩy lên sát giá thị trường, mở cửa thu hút kiều hối… Ông cũng là người ký ban hành Quyết định 217 trao quyền tự chủ cho xí nghiệp quốc doanh…

Đại hội VI năm 1986, ông Kiệt chịu trách nhiệm thiết kế ba chương trình kinh tế lớn: Phát triển sản xuất lương thực, chấm dứt chủ trương công nghiệp nặng đi trước; sản xuất hàng tiêu dùng; sản xuất hàng xuất khẩu. Ba chương trình được thúc đẩy đồng bộ, quyết liệt làm thay đổi cục diện kinh tế. Đến 1989, từ một nước thiếu ăn, lần đầu tiên ta xuất khẩu gạo.

Ngay việc xuất khẩu gạo cũng là quyết định táo bạo. Trong nước thừa gạo, nhưng xí nghiệp nhà nước không đủ tiền thu mua. Ông Kiệt ký cho phép giám đốc Vietcombank vay ngoại tệ, nhập vàng về bán cho dân lấy tiền mua gạo xuất khẩu.

Năm 1991, ông Võ Văn Kiệt được giao trọng trách Thủ tướng. Đây được coi là sự kiện quan trọng để ông Kiệt đã tiếp tục triển khai những ý tưởng của mình vì lợi ích của nền kinh tế. Với thành quả ban đầu của quá trình đổi mới, trung ương tự tin hơn trong mở cửa với bên ngoài.

Và trên cương vị Thủ tướng, ông Kiệt có được vị thế ngoại giao để đặt quan hệ chính thức với nguyên thủ các quốc gia, đầu tiên là các nước trong khối ASEAN. Đột phá là quan hệ với Thái Lan, rồi đến Indonesia và các nước khác. Và từ 1990, Việt Nam sáng lên, thoát khỏi cái bóng hậu chiến, được thế giới kính trọng. Ông Kiệt trở thành nguyên thủ quốc gia được bạn bè quốc tế yêu quý.

Dưới nhiệm kỳ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhiều văn bản pháp luật làm khuôn khổ pháp lý cho kinh tế thị trường đã được ban hành. Từ những đóng góp của ông trong việc thực hiện công cuộc đổi mới, nhiều chuyên gia, học giả đã gắn liền sự nghiệp của ông với hai chữ đổi mới.

Những điều Đặng Phong nói khiến tôi liên tưởng tới một đánh giá của ông Nguyễn Trần Bạt (Chủ tịch InvestConsult Group) cách đây không lâu: Võ Văn Kiệt là người có công vứt cả hệ thống cơ chế quản lý kinh tế bao cấp vào sọt rác, thay vào đó hệ thống quản lý khác, hợp với cơ chế thị trường. Ông Bạt cũng cho rằng Võ Văn Kiệt là một trong ba vĩ nhân của dân tộc ở thế kỷ XX. (hai người kia là Cụ Hồ và ông Lê Duẩn)

Mô tả ảnh.
GS Đặng Phong những ngày cuối cùng trước khi về với cát bụi (ảnh P.T.H)

Đổi mới là một cỗ xe

Đặng Phong ví đổi mới như là một cỗ xe. Cỗ xe này có lúc đi nhanh, có lúc chậm. Để đi được, phải có người đẩy, có người lái, thậm chí có người kéo lùi. Cũng có người thời kỳ đầu là người tiên phong đẩy cỗ xe, nhưng có lúc lại kéo lùi lại. Trường hợp các ông Nguyễn Văn Linh hay Đỗ Mười đã có những vai trò khác nhau trong bước chuyển động của cỗ xe đổi mới.

Đổi mới không phải là công của một cá nhân, không có người khởi xướng, không có cha đẻ, hay lãnh tụ đổi mới. Mỗi ông có một vai trò khác nhau. Về lý luận có thể kể đến Trường Chinh và những người giúp việc cho ông. Về thực tiễn có thể kể đến Võ Văn Kiệt, Đoàn Duy Thành…

Võ Văn Kiệt không phải là người uyên bác về lý luận, không phải là người đưa ra tư tưởng đổi mới, nhưng ông sâu sát, có trách nhiệm với đời sống của dân. Ông Kiệt có vai trò như một chiếc xe tăng “đỡ đạn” cho những người “xé rào”. Tiếp xúc với các chuyên gia về kinh tế thị trường ở lại từ sau ngày 30/4, nhưng, có lẽ nhờ sự lão luyện của một nhà lãnh đạo chiến tranh nhân dân mà Võ Văn Kiệt không đặt ra các vấn đề mang tính lý thuyết.

 

Ông Kiệt để cho thực tiễn tự giải quyết các vấn đề của chính nó và đẩy thực tiễn đến một tình thế không thể cưỡng lại được nữa. Không có ông thì không có Dệt Thành Công, Việt Thắng, Bột giặt Viso, Thuốc lá Sài Gòn, Công ty Lương thực của bà Ba Thi… Ông Kiệt còn là chỗ dựa cho những đổi mới về chính sách trong nông nghiệp, về giá… ở An Giang, Long An… với những tên tuổi như Nguyễn Văn Hơn, Chín Cần (Nguyễn Văn Chính)…

Đổi mới ở Việt Nam là một cuộc đấu tranh không có kẻ thua; không có ai hoàn toàn là bảo thủ, cũng như không có ai là thuần túy đổi mới. Tổng Bí thư Lê Duẩn, tác giả chính của “làm chủ tập thể” lại là người ủng hộ Đoàn Duy Thành “khoán” ở Hải Phòng, ủng hộ “bù giá” ở Long An và khi nghe Bộ trưởng Ngoại thương Lê Khắc nói, “vào tới Tân Sơn Nhất thấy sặc mùi Nam Tư”.

Lê Duẩn khẳng định, “làm như Sáu Dân (Võ Văn Kiệt), tôi ủng hộ”. Đỗ Mười, từ là người sắt đá với tư cách là Trưởng Ban Cải tạo hồi “đánh tư sản” miền Nam về sau khi đứng đầu Chính phủ lại “chúc người dân phát tài”.

Trường Chinh khi xưa phê phán Kim Ngọc khoán sản phẩm ở Vĩnh Phú trong những năm 60 lại là người ủng hộ rất sớm khoán ở Hải Phòng. Đổi mới ở Việt Nam không có cá nhân nào là tác giả duy nhất. Có những người từ rất bảo thủ về sau lại đi đầu trong đổi mới. Có những người từng nổi lên như một ngọn cờ nhưng chỉ đổi mới một giai đoạn rồi thôi.

Tổng Bí thư Trường Chinh: khởi xướng về lý luận

Có thể nói, từ năm 1960 đến năm 1986, tư tưởng kinh tế Việt Nam do Tổng bí thư thống soái. Nổi bật trong tư tưởng đó được thể hiện trong tác phẩm “Dưới lá cờ vẻ vang” của Lê Duẩn. Ông Duẩn cũng được coi là cha đẻ của học thuyết làm chủ tập thể. Tư tưởng kinh tế này có thể tóm tắt mấy ý chính gồm: Công hữu hóa về tư liệu sản xuất; Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng; Thương nghiệp phải lo cho mỗi người dân VN; Xây dựng pháo đài kinh tế cấp huyện…

Tháng 5/1986, Lê Duẩn ốm nặng, chuyển giao quyền Tổng bí thư cho Trường Chinh. Lúc này, Đảng đang chuẩn bị đề cương chính trị cho Đại hội VI. Những người được phân công soạn thảo gồm có: Tố Hữu; Trần Phương; Việt Phương; Trần Quỳnh; Đoàn Trọng Xuyến… Nhóm này đã từng là tác giả của các văn kiện đại hội đảng trước đó. Nếu họ tiếp tục việc soạn thảo, khó có thể có đột phá.

Khi nắm quyền Tổng Bí thư, Trường Chinh đã thay thế nhóm này bằng một nhóm khác gồm: Hà Nghiệp; Đào Xuân Sâm; Lê Văn Viện… Trong Đảng, Trường Chinh được coi là Nhà lý luận. Uy tín của ông về lĩnh vực này rất lớn, ý kiến của ông đưa ra không mấy người dám bác bỏ. Đây là điều quan trọng để ông đưa những tư tưởng đổi mới vào nghị quyết mà không bị đấu tố

Trường Chinh quan tâm đến những phản ứng của cuộc sống khá sớm và kể từ khi làm quyền Tổng Bí thư, ông đã đi xuống các địa phương “xé rào” và tiếp xúc rất nhiều với các nhà doanh nghiệp áp dụng cơ chế mới trong sản xuất kinh doanh. Ngày 20/06/1986, Trường Chinh cách chức hai phó Thủ tướng Trần Quỳnh và Tố Hữu. Hai ông này là những hòn đá tảng của tư duy kinh tế tập trung.

Việc đưa một số quan điểm vào nghị quyết, nay nhìn lại thấy bình thường nhưng tại thời điểm năm 86 là cả một vấn đề. Đặc biệt, việc thừa nhận nền kinh tế thành phần; chấp nhận giá cả thị trường; không theo đuổi việc ưu tiên phát triển công nghiệp nặng; mở cửa với các nước ngoài khối XHCN… Đây là những tư duy rất quan trọng để các cơ sở có thể vận dụng vào đời sống kinh tế.

Đánh giá cao vai trò của Trường Chinh về mặt lý luận, nhưng Đặng Phong vẫn cho rằng đổi mới là tự thân đòi hỏi của cuộc sống. Ông dẫn một câu của Trần Phương: Cả dân tộc như bị nhốt trong một phòng kín. Vì sự sinh tồn, người dân đục thủng một lỗ để thông hơi. Đảng đã không bịt lỗ thủng ấy mà thừa nhận, rồi cho làm cửa sổ. Khi cửa sổ không còn đáp ứng được nhu cầu, Đảng có mở rộng thêm thành cửa ra vào.

Hào quang Liên Xô

Trả lời câu hỏi: Đâu là cội nguồn bệnh tật của nền kinh tế Việt Nam?

Đặng Phong cho rằng: Chủ nghĩa xã hội có nguồn gốc từ nước Đức. Không chỉ Marx mới là người duy nhất đề xuất ra mô hình đó. Thời Hitle, tư tưởng Quốc Xã (National Sosialist) thực chất là chủ nghĩa xã hội quốc gia. Chủ nghĩa xã hội này chỉ khác chủ nghĩa xã hội mà Liên Xô xuất khẩu là một bên chủ nghĩa xã hội cho quốc gia và một bên là cho toàn thế giới.

Chiến thắng phát xít khiến uy tín của Liên Xô trở nên lớn quá, không thể không ngưỡng mộ. Thêm vào đó, những thành tựu của Liên Xô cuối những năm 1950 trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, công nghiệp vũ khí và một số lĩnh vực khác khiến chúng ta bị lóa mắt.

Từ những thành tựu ấy, năm 1957, và năm 1960, đại hội Đảng cộng sản và công nhân quốc tế đã ra Tuyên bố chung về phong trào cộng sản quốc tế. Tuyên bố chung này có nhiều điểm nhưng về kinh tế thể hiện ở mấy quan điểm chính: Chế độ sở hữu: Công hữu: Chính sách: Kế hoạch hóa; ưu tiên phát triển công nghiệp nặng; Lý thuyết bỏ qua giai đoạn; quá độ tiến thẳng…

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và GS. Nguyễn Văn Hiệu (ảnh Bùi Tuấn)

Liên Xô không chỉ là chỗ dựa về mặt tư tưởng mà còn là chỗ dựa về mặt vật chất. Viện trợ của Liên Xô không chỉ làm cho hệ tư tưởng quản lý kinh tế theo cơ chế tập trung của Việt
Nam được phổ biến một cách sâu rộng mà còn giúp cho mô hình này chậm đi tới kết cục sụp đổ.

Tuy nhiên, cho dù hậu quả là bi kịch thì cũng phải nhìn nhận rằng, hai thứ viện trợ ấy đều là những “viện trợ tình nghĩa”. Cho dù tiến trình đổi mới tư duy ở Việt Nam xảy ra là độc lập với những cải cách ở Liên Xô, từ khi Gorbachov giữ chức Tổng Bí thư (3/85), những cải cách ở Liên Xô cũng đã tạo thuận lợi rất nhiều cho những gì diễn ra ở Đại hội VI của Việt Nam. Đặc biệt, khi chúng ta không còn cái gọi là thành trì làm chỗ dựa, thì việc phải tồn tại bằng chính đôi chân của mình khiến việc chuyển hướng sang cơ chế thị trường trở nên dứt khoát, không do dự…

Đặng Phong là vậy, với ông lúc đó dường như chỉ có lịch sử và sức khỏe. Ông đã biết trước được căn bệnh của mình nên mỗi lần về nước đều tranh thủ viết, tranh thủ hiệu đính cho các công trình dang dở. Dẫu đó là công trình của riêng ông hay của các học trò.

Cũng do việc điều trị ở nước ngoài quá lâu, nên vào đầu năm nay ông đã bán nhà ở Yên Phụ để lo chuyện thuốc thang. Mỗi lần từ Trung Quốc về, ông ở nhà con gái và cũng từ dạo đó, ông không còn liên lạc với bạn bè. Sáng 20/8, Vũ Thi báo cho tôi, rằng ông đã ra đi lúc gần hai giờ sáng. Vậy là “pho sử sống” của lịch sử kinh tế Việt Nam đã đi vào lịch sử.

Sinh thời, Đặng Phong vẫn thường nói: “Mình cùng tuổi với Trịnh Công Sơn, với nhạc sỹ họ Trịnh là chỗ bạn bè, mỗi lần Trịnh Công Sơn ra Hà Nội đều đến đây”. Ông rất thích câu của Trịnh: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/để một mai tôi trở về làm cát bụi.” Giờ đây, ông đã trở về cùng cát bụi, xin được thắp một nén hương tưởng nhớ./.

GS.Đặng Phong: Đọc và suy ngẫm

Trong điều hành kinh tế, phải phản ứng nhạy bén với cái mới, phải làm sao có những kênh thông tin và cơ chế đưa ra quyết sách tối ưu, để tránh tình trạng tư duy kinh tế và chính sách kinh tế lạc hậu và trì trệ đến mức, quần chúng và cơ sở buộc phải “bất tuân thượng lệnh”, phải phá rào để mở đường đi. Hiện tượng đó, dù sao cũng chỉ là hạ sách mà thôi…

(Trích từ “Phá rào trong kinh tế vào đêm trước đổi mới”- NXB Tri thức)

Có  thể nói rằng người Việt Nam vẫn chưa hình thành rõ một hệ thống tư duy kinh tế.

Cách của người Việt Nam là cứ đi sẽ thấy đường, và chúng ta đã có những thành công. Chúng ta đang làm, vừa thi công vừa thiết kế. Nếu để vẽ một đường nét về tư duy kinh tế Việt Nam, tôi sẽ vẽ một ngôi nhà mà vừa thiết kế, vừa thi công. Để có một tư duy kinh tế rõ ràng và chắc chắn, thì người trẻ có một sứ mệnh rất quan trọng…

(Theo Sinh viên VN)

Sau 20 năm đến bây giờ là tư duy kinh tế lại  thiếu đi những hàng rào cần thiết, thiếu hàng  rào pháp lý. Tình trạng phá rào giờ là không tốt. Nhà nước chưa nghĩ ra được hàng rào để kinh tế không ách tắc, ví dụ hàng rào để ngăn chặn  tham nhũng. Giờ đây tình trạng ăn cắp, móc ngoặc diễn ra ngay cả trong những ngành như giáo dục, y tế.

(Theo Tiền Phong)


Mô tả ảnh.
Ông đã trở về với cát bụi (ảnh SGTT)