Họ đã gửi gắm vào nó một sứ mệnh đặc biệt: ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam phải phát triển đến ngưỡng để khai thác và làm chủ được kinh tế biển.
Đó là một chiến lược lớn và đúng đắn trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế về các lợi ích biển Đông được dự báo lúc đó, và nay dần thành sự thật, ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn trong thiên niên kỷ mới.
Trên bình diện quốc tế, các quốc gia hay lãnh thổ ở khu vực Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore hay Thái Lan đã biết vươn lên mạnh mẽ nhờ những chiến lược phát triển kinh tế biển trong suốt nhiều thập kỷ trước đó.
Trung Quốc và bất kỳ những quốc gia chia sẻ biển Đông cũng đang dành giật từng cơ hội để tận dụng được lợi thế của biển.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam chắc cũng muốn như vậy. Ngành kinh tế biển với những tiềm năng chưa được khai thác sẽ trở nên vượt trội nhất trong tương quan giữa các ngành kinh tế mũi nhọn hiện nay như khai thác dầu khí, than, xuất khẩu lúa, cá basa hay dệt may, hay công nghiệp phần mềm chưa bao giờ lớn.
Vinshin thành lập tháng 5/2006 (ảnh vnssf) |
Cả một nửa đất nước giáp biển Đông, tức là có một mặt tiền vô cùng thuận lợi hướng ra thế giới, sẽ là tài nguyên và lợi thế lớn nhất của Việt Nam. Ngành kinh tế biển, chứ không phải bất kỳ ngành nào khác, chắc chắn sẽ là mũi nhọn để đất nước trở nên cạnh tranh hơn ít nhất ở khu vực Đông Á.
Tuy nhiên, lợi thế đó chưa từng được tận dụng trong bối cảnh hàng thập kỷ đất nước vật vã với chiến tranh và công cuộc đổi mới.
Ít nhất, trong bối cảnh những nỗ lực phát triển kinh tế biển đơn lẻ trước đó đã thất bại, như chương trình đánh bắt cá xa bờ được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng mà không hiệu quả, người ta cần một cách tiếp cận mới, hay một công cụ mới để hiện thực hóa chiến lược đó.
Chiến lược kinh tế biển đã được phê duyệt xác định cần ưu tiến phát triển kinh tế hàng hải và các dịch vụ đi kèm đã trở thành một ngành mũi nhọn.
Đó là lý do ra đời của Vinashin, một tập đoàn kinh tế nhà nước. Trong quyết định thành lập tập đoàn này số 103/QĐ- TTg, Vinashin đã được đặt ra những mục tiêu để thực hiện chiến lược đó.
Quyết định này nêu: Vinashin phải có trình độ công nghệ quản lý hiện đại và có chuyên môn hoá cao, kinh doanh đa ngành, trong đó có ngành Công nghiệp đóng mới sửa chữa tàu thủy và vận tải biển là ngành kinh doanh chính; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất kinh doanh với khoa học công nghệ, nghiên cứu triển khai đào tạo, làm nòng cốt để ngành Công nghiệp tàu thủy việt Nam phát triển nhanh và bền vững, cạnh tranh và hội nhập kinh tế có hiệu quả.
Kèm theo quyết định này là những cơ chế đầy ưu ái về tài chính, đất đai, chính sách, … mà bất kỳ doanh nghiệp nào, kể cả của nhà nước khác cũng không thể có được.
Nay thì Vinashin đã đổ vỡ.
Nó đổ vỡ một cách hoành tráng sau khi 11 đoàn kiểm tra không phát hiện sai phạm nào và các học giả cảnh báo đến khô cả giọng suốt 5 năm qua!
Điều đó được giải thích bằng nhiều lý do như năng lực quản trị kém, đầu tư dàn trải, vô trách nhiệm, tự thất bại của chủ nghĩa duy ý chí,…
Các lãnh đạo chủ chốt của Vinashin đã bị bắt vì đã làm hỏng sứ mệnh vốn quá lớn và nặng nề so với năng lực quản trị. Họ vừa là nạn nhân, vừa là tội đồ cho một tham vọng.
Hãy nhìn vào di sản mà Vinashin để lại: những khu công nghiệp hoang hóa, những dự án dang dở, những món nợ ngân hàng, những trái phiếu quốc tế mà người dân đóng thuế phải trả nợ thay, những gánh nặng cho Vinalines – một doanh nghiệp cùng chia sẻ sứ mệnh, và niềm tin bị xói mòn của người dân khu vực doanh nghiệp nhà nước được xác định là chủ đạo của nền kinh tế.
Hơn hết, sự đổ vỡ của nó làm thất bại một chiến lược phát triển kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam.
Nay thì chính phủ đang nỗ lực cứu Vinashin.
Cái cách cứu vớt ấy thể hiện nỗ lực trục vớt một con tàu đang đắm hay sự đeo đuổi kiên trì cho chiến lược kinh tế biển?
Những gì diễn ra cho thấy, vế thứ nhất của câu hỏi trên có vẻ gần với sự thật hơn.
Lý do là Vinashin vẫn đang được cứu vớt bởi những cách mà nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn được cứu trước đây: cấp thêm tín dụng chỉ định, khoanh nợ, dãn nợ,…
Cái cách cứu vớt rất truyền thống đó – vốn rất duy ý chí và không được thực hiện bởi những kế hoạch căn cơ và những con người đủ năng lực – dứt khoát không phải là một nỗ lực mới cho một chiến lược kinh tế biển đã bị chậm chân.
Có lẽ, đất nước này vẫn phải ra khơi bằng hạm đội thuyền thúng trong những thập niên tiếp theo.