Đồng loạt xin hủy niêm yết
Công ty Cổ phần Thủy sản Gentraco (GFC) vừa xin ý kiến cổ đông hủy tư cách công ty đại chúng và hủy niêm yết cổ phiếu GFC.
Lý do được GFC đưa ra là DN đang khó khăn, giá cổ phiếu không ngừng đi xuống (còn 3.000 đồng/cổ phiếu), công ty không thể huy động vốn qua sàn chứng khoán, lợi ích cổ đông không đảm bảo, uy tín công ty giảm
Bên cạnh đó, GFC đang đối mặt với nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc do thanh khoản thấp, cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo, kiểm soát… Quyết định hủy niêm yết tự nguyện có lẽ là để tránh những điều đáng tiếc xảy ra, có thể ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp.
Không chỉ hủy niêm yết, GFC còn đề nghị đại hội đồng cổ đông năm 2013 thông qua việc hủy tư cách công ty đại chúng với lý do số lượng cổ đông hiện tại đang thấp hơn 100 người theo quy đinh công ty đại chúng.
Nếu được thông qua, GFC sẽ rút lui hoàn toàn khỏi TTCK. Đây quả là một kết quả buồn cho cả thị trường và DN.
Trước đó, giới đầu tư đã ngỡ ngàng khi “vua tôm” Thủy sản Minh Phú (MPC) đưa ra kế hoạch hủy niêm yết cho dù doanh nghiệp này đang hoạt động tốt và hướng tới danh hiệu công ty chế biến xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới.
Đại diện MPC cho biết, trước đây Minh Phú lên sàn với mục đích huy động vốn, đầu tư nhà máy mới mở rộng phát triển. Giờ đây DN cần huy động vốn nhưng việc niêm yết cổ phiếu trên sàn lại đang là rào cản khiến công ty không thể phát hành cổ phiếu giá cao để thu tiền về.
Nếu còn ở trên sàn, MPC sẽ chỉ phát hành cổ phiếu giá 30.000 đồng/cp và thu về 900 tỷ, trong khi đó nếu hủy niêm yết để phát hành, giá sẽ là 50.000 đồng/cp, thu về 1.500 tỷ đồng. Sự thật này cùng với áp lực nợ lên cao có lẽ đã ép MPC vào thế buộc phải xin hủy niêm yết.
Không chỉ thủy sản gặp khó khăn, cần vốn và đòi hủy niêm yết, nhiều DN khác cũng đưa ra quyết định rời các sàn chứng khoán – nơi mà trước đó các đơn vị này đã khá tốn kém mới đưa được cổ phiếu lên trên đây.
CTCP Bao bì PP Bình Dương (HBD) hôm 20/6 cũng vừa đưa ra thống báo sẽ hủy niêm yết tự nguyện toàn bộ hơn 1,5 triệu cổ phiếu HBD từ ngày 28/6 tới. Quyết định này là điều rất bất ngờ với giới đầu tư bởi được đồng thuận cao trong khi DN vẫn đang làm ăn khá tốt, cổ tức cao.
Rất nhiều DN đã quyết định hoặc tính chuyện hủy niêm yết tự nguyện khác như ALP, AGD, VHG, VFC, TLT, DTC, MKP, V11…
Nỗi buồn của thị trường
Hiện tượng các DN nối gót nhau rời sàn, thậm chí bỏ tư cách công ty đại chúng chưa thành một làn sóng nhưng đang phản ánh một vấn đề khá đáng buồn của TTCK cũng như thực tế kinh doanh không sáng sủa.
Cũng như ba DN, Gentraco lên sàn với mục đích huy động vốn và tăng cường lợi ích của cổ đông và uy tín của công ty. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này những lợi ích mà doanh nghiệp thu được có lẽ không đáng kể, chưa muốn nói là có thể ngược lại.
Còn khá nhiều doanh nghiệp trong vài năm gần đây gặp nhiều khó khăn, thua lỗ triền miên. Đây có thể là lý do khiến nhiều đơn vị chủ động xin hủy niêm yết tự nguyện để tránh rơi vào tình thế bị động, gây ảnh hưởng xấu thêm tới uy tín.
Việc vội vàng họp và xin ý kiến cổ đông cho phép hủy niêm yết tự nguyện có thể xảy ra ở một số trường hợp như VSP, TRI…
Tuy nhiên, trường hợp xin rút khỏi sàn của đại gia Minh Phú hay một DN làm ăn rất tốt là Gò Đàng (AGD)… cho thấy một thực tế hoàn toàn khác.
Các công ty lên sàn giới thiệu mình với giới đầu tư với mục đích không có gì khác là nâng cao hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp; nhằm huy động vốn để phát triển; nâng cao tính minh bạch và độ chuyên nghiệp để dần dần hướng tới những sân chơi lớn hơn.
Nhưng, thực tế nhiều khi lại không như mong đợi của các doanh nghiệp. Hiện tượng AGD và MPC ngắt tơ duyên với TTCK để có thể huy động vốn ngoại, lấy vốn phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh là một điều đáng buồn.
Nỗi buồn trước hết có lẽ là đối với chính các DN này, với các cổ đông bởi phải tốn tiền của, công sức, thời gian, doanh nghiệp mới lên được sàn chứng khoán. Cũng một thời gian dài DN đã làm quen với các quy định về minh bạch thông tin trên thị trường. DN đã quen với giới đầu tư, quen với việc cổ phiếu được giao dịch thuận lợi thì giờ đây phải rút vào hoạt động “bí mật”. Các cổ đông cần sự thanh khoản cho đồng tiền của mình, tất nhiên, sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Về phía các cơ quan quản lý, cho dù mục đích thanh lọc đạt được nhưng hiện tượng doanh nghiệp tốt xấu đồng loạt rời sàn cũng có thể là một sự thất bại. TTCK trong một thời gian khá dài đã quá xô bồ khiến cho niềm tin bị xói mòn. Hiện tượng lừa đảo, sai phạm, thiếu minh bạch, rồi nhiều quy định thì lại quá chặt chẽ… xảy ra tràn làn khiến cho nhiều doanh nghiệp tốt bị ảnh hưởng.
TTCK cũng là một thị trường và các doanh nghiệp lên sàn phải chấp nhận quy luật đào thải để đảm bảo các sản phẩm trên thị trường, các cổ phiếu trên thị trường đều có chất lượng. Tuy nhiên, hiện tượng nhiều cổ phiếu tốt lần lượt rời sàn là một điều đáng bàn về vai trò của các cơ quan quản lý thị trường.