Trang chủ » Điểm nóng » Hồ Huy Mai Linh: Thu mình thoát cửa tử

Hồ Huy Mai Linh: Thu mình thoát cửa tử

Tác giả:

Tín hiệu hồi phục

Tập đoàn Mai Linh (Mai Linh Group – MLG) vừa phát đi thông báo tuyển dụng nhân sự tháng 2/2014 với hàng loạt các vị trí để bổ sung nhân lực làm việc tại tập đoàn và các đơn vị thành viên trong hệ thống. Nhân sự được tuyển cho khối văn phòng cho tới lao động trực tiếp.

Mai Linh Miền Trung – một công ty con của Tập đoàn Mai Linh cũng vừa công bố lãi ròng 19 tỷ đồng trong năm 2013, gấp gấp 5 lần kết quả năm 2012 và vượt kế hoạch lợi nhuận.

Những thông tin nói trên được xem là khá tích cực đối với một tập đoàn chìm ngập trong khó khăn và dính rất nhiều rắc rối trong năm vừa qua.

Báo cáo hợp nhất năm 2013 chưa được công bố nhưng những thông tin ban đầu cho thấy Mai Linh Group đã có lãi trở lại. Các khoản nợ cũng đã giảm sau khi Mai Linh bán đi hàng nghìn xe cho các tài xế. Trong dịp Tết Giáp Ngọ – 2014 vừa qua hàng vạn người lao động tại Mai Linh đã có thưởng sau một năm bị cắt.

{keywords}
Tập đoàn Mai Linh đang nỗ lực vượt qua khó khăn

Để thoát khỏi cửa tử chực chờ, một năm qua, ông Hồ Huy và Mai Linh đã cố thu để cảy ải trên lĩnh vực thế mạnh. MLG đã thuê nhà tư vấn PwC để tái cơ cấu. Mai Linh đang trở về với thế mạnh của mình, tập trung vào một chiến lược duy nhất là kinh doanh taxi. Những nỗ lực như thoát đa ngành, tập trung vào lĩnh vực taxi, bán tài sản để giải quyết nợ nần, triển khai phương án “Một Mai Linh” … đã giúp đại gia này bước đầu trụ được để tính chuyện hồi phục. .

Doanh thu trong nửa đầu năm 2013 vẫn được duy trì ở mức trên 1.400 tỷ đồng. Tính chung cả năm Mai Linh đạt mức doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra.

Bên cạnh việc tập trung cắt giảm các chi phí không thích hợp, rút khỏi đa ngành, Mai Linh cũng đang khai thác triệt để thương hiệu của mình thông qua bán thương quyền.

Việc xử lý nợ đang tiếp tục được thực hiện với kế hoạch bán thêm nhiều đầu xe cũ trong năm 2014 và hướng tới một năm mới với lợi nhuận có thể lên tới cả trăm tỷ đồng.

Lấy lại tên tuổi và thị phần?

Câu chuyện cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực kinh doanh taxi nổi lên như cồn rồi bất ngờ gãy cánh thu hút sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư trong hơn một năm qua.

Trên thực tế, sự suy yếu của Mai Linh ở miền Nam và đang bị đe dọa ở miền Bắc có nguyên nhân sâu sa từ chiến lược phát triển ồ ạt, vay vốn lớn và không kiểm soát hiệu quả của đồng vốn đầu tư.

{keywords}
Những tín hiệu vui  đang đến với tập đoàn Mai Linh

Vay vốn quá nhiều để đầu tư những dàn xe với số lượng lớn ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước cộng với việc lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác đã khiến Mai Linh lâm vào tình trạng nợ nần bi bét, thua lỗ triền miên trong vài năm gần đây.

Không chỉ nợ ngân hàng, MLG còn nợ rất nhiều cá nhân. Suốt từ 2007 tới 2012, Mai Linh chỉ có một năm có lãi duy nhất là 2010, còn lại đều thua lỗ nặng nề, bất chấp DN đã nhận ra sai lầm và thực hiện hàng loạt các biện pháp cắt giảm chi phí, dồn nhân lực trong thời gian gần đây. Tính tới cuối 2012, lỗ lũy kế đã ăn cụt hơn 50% vốn điều lệ của DN này.

Cuối năm 2012 và trong cả năm 2013 là thời điểm DN của ông Hồ Huy (người đang nắm giữ khoảng 51% cổ phần MLG) thực hiện tái cấu trúc một cách mạnh mẽ nhất. Hàng nghìn đầu xe đã được bán để cân đối lại tình hình tài chính sau khi đại gia này lâm vào cảnh vỡ nợ.

Những tín hiệu ở trên cho thấy Mai Linh đang dần phục hồi. DN này đã quay về với thế mạnh của mình. Hệ thống Mai Linh đang được sắp xếp lại theo hướng co gọn hơn, hoạt động tập trung vào những khu vực mang lại lợi nhuận, tránh tình trạng vay quá nhiều và mở rộng mạng lưới ở khắp nơi nhưng hiệu quả thấp.

Tuy nhiên, xét về toàn cục tập đoàn này vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Việc bán hàng loạt các đầu xe trong năm 2012-2013 chủ yếu là để giải quyết các khoản nợ cá nhân. Các khoản nợ này trên thực tế không phải là lớn nhất.

So với đầu năm 2013, nợ phải trả của Mai Linh tính đến giữa năm đã giảm khoảng 240 tỷ đồng. Nếu so với cuối 2011, nợ của Mai Linh giảm được 1.200 tỷ đồng, nhờ vào nỗ lực bán các dự án BĐS, hệ thống trạm dừng chân và một lượng xe cũ.

Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa năm 2013, Mai Linh vẫn còn nợ gần 4.400 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là gần 2.300 tỷ đồng. Tổng nợ của Mai Linh lớn gấp gần 10 lần vốn chủ sở hữu của tập đoàn này. Nợ và lỗ lũy kế lớn chắc chắn vẫn sẽ là rào cản lớn cho quá trình hồi phục này.

Sự trỗi dậy của Mai Linh có thể sẽ rất lớn nhờ vào thương hiệu mà DN này đã xây dựng trong hơn 20 năm qua. Kế hoạch phát triển hệ thống thông qua bán quyền thương hiệu là một trong những thế mạnh có thể giúp DN này giành lại vị thế của mình. Kế hoạch chuyển nợ thành vốn cũng giúp tình hình tài chính của Mai Linh mạnh lên.

Tất nhiên, phát triển theo hướng này, quyền lợi của những ông chủ cũ sẽ bị co hẹp lại. Những đó là sự trả giá tất yếu. Nếu thành công, ông ‘vua’ taxi một thời có thể giành lại thị phần ở khu vực miền Nam và giữ vững thị trường truyền thống miền Bắc.