>> Sáu bài học từ các cuộc khủng hoảng
Bear Stearns của một thời dĩ vãng |
Sáu tháng sau sự sụp đổ của Bear Stearns, hai giáo sư đang giảng dạy tại trường kinh doanh Harvard là Clayton S. Rose – từng là lãnh đạo công ty Ngân hàng đầu tư và Tài sản toàn cầu (Global Investment Banking và Global Equities Divisions) thuộc tập đoàn JP Morgan và Daniel B. Bergstresser – từng là chủ nhiệm nhóm Nghiên cứu tín dụng châu Âu trực thuộc Barclays Global Investors đã cùng đưa ra công trình nghiên cứu nhằm phân tích những gì xảy đến với Bear Stearns trong những ngày trung tuần tháng ba đầy biến động đó.
Xin giải thích thêm, với bề dày hơn 85 năm, Bear Stearns từng là một trong những ngân hàng đầu tư, giao dịch chứng khoán và môi giới lớn nhất toàn cầu có trụ sở tại Mỹ.
Từ tháng tư 2009, theo dự kiến, công trình nghiên cứu này sẽ được đưa vào giáo trình giảng dạy môn Lãnh đạo Tài chính và Doanh nghiệp cho các sinh viên năm thứ nhất tại trường kinh doanh Harvard. Theo Giáo sư Bergstresser – hiện đang là trợ giảng tại trường kinh doanh Harvard, thì:
“Chuỗi các sự kiện dẫn tới sự sụp đổ của Bear Stearns giờ đây đã trở thành một trong những biến cố lớn trong lịch sử tài chính Hoa Kỳ. Trước khi tin dữ liên tục đến với thị trường tài chính Mỹ vào tuần qua thì sự sụp đổ của Stearns vẫn được xem như cú sẩy chân đau đớn nhất ngành tài chính toàn cầu trong vòng 10 năm trở lại đây”.
Chuỗi ngày đen tối bắt đầu từ tháng 08/2007 khi hai quỹ dự phòng nội bộ của Bear Stearns – trước đó vẫn tham vọng trở thành song mã trong thị trường thế chấp thứ cấp – sụp đổ, bất chấp phao cứu trợ trị giá tới 3,2 tỷ USD của Chủ tịch James Cayne. Sau sự sụp đổ của hai quỹ này, trong suốt mùa thu và mùa đông, Bear tiếp tục lún sâu hơn vào tình trạng thua lỗ khi những tài sản liên quan tới thế chấp của họ mất dần giá trị.
Cho tới tháng ba năm nay, sự việc thêm xấu đi khi các nhà đầu tư tại thị trường tài chính phố Wall mất dần lòng tin vào độ bền vững trong các khoản đầu tư của Bear. Họ không muốn mạo hiểm đổ tiền cho Bear Stearns nữa cho dù gã khổng lồ này có thâm niên tới 85 năm.
Giáo sư Bergstresser nhận định rằng: “Vấn đề của Bear nằm ở chỗ các chính sách tài chính của họ đều lệ thuộc vào việc quay vòng của một số hạng mục trong các khoản huy động vốn ngắn hạn. Chính vì vậy, ngay khi xuất hiện những lời đồn rằng Bear đang gặp rắc rối tài chính, tự thân sự lung lay của Bear đã như một căn cứ khiến các nhà đầu tư suy đoán rằng Bear chẳng thể trang trải nổi cho các khoản huy động vốn ngắn hạn này nữa”.
Cú sẩy chân đau đớn của Bear sẽ là bài học |
Còn theo Giáo sư Rose, một khi dấu hiệu thu hẹp tín dụng đã hiển hiện thì việc Bear chỉ trông chờ vào các khoản huy động ngắn hạn quả là quá bấp bênh: “Chúng ta cũng cần tìm hiểu rõ tại sao vấn đề làm Bear đau đầu khi đó không phải là không đủ vốn mà lại là việc những tài sản họ đang nắm giữ không đủ tính thanh khoản để trang trải cho các nhu cầu thanh toán hàng ngày”.
Khi nguồn vốn chính đã cạn, Bear buộc phải bán tháo các tài sản mình đang nắm giữ để huy động thêm vốn cũng như đáp ứng chỉ số thanh khoản bắt buộc. Kết cục là Bear đã rơi vào tay JP Morgan.
Đứng trước tình hình này, FED đã chấp thuận tham gia vào quá trình đàm phán và hỗ trợ JP Morgan 30 triệu USD nhằm hoàn tất thương vụ mua lại ngân hàng Bear.
Giáo sư Rose nói rằng gánh nặng đè lên vai JP Morgan lúc này chính là họ phải cân bằng được giữa một bên là các rủi ro đến từ các khoản nợ tiềm ẩn với một bên là những lợi ích tài chính có thể thu về trong tương lai.
Tiếp tục phần nghiên cứu của mình, giáo sư Rose phân tích việc JP Morgan mua lại Bear Stearns với tổng giá trị tài sản 395 USD Mỹ tại thời điểm đó chẳng khác nào một con dao hai lưỡi bởi nguy cơ cũng như lợi ích đều còn rất mơ hồ. Cũng chẳng ai dám chắc các tài sản khi đó có được định đúng giá trị thật hay không và nếu đúng thì trước khi trở thành một mối nguy hại thường trực với JP Morgan liệu rằng khối tài sản này có bị khấu hao hay không?
Phân tích sâu sa hơn sự việc, giáo sư Rose đã nhìn thấy những thách thức ngày càng chồng chất từ sau vụ sáp nhập của hai tập đoàn ngân hàng. Một vài trong số những nguy cơ có thể nhận thấy ngay đó là:
Thứ nhất, những nhân viên có năng lực sẽ dần rời bỏ công ty trong khi khách hàng sẽ tìm đến những địa chỉ đáng tin cậy hơn thay vì ném tiền vào một ngân hàng đang gặp rắc rối tài chính.
Thứ hai, chắc chắn sự khác biệt về văn hoá công ty sẽ xen vào “cuộc hôn nhân” giữa Morgan và Bear. Những khác biệt này đòi hỏi họ phải đầu tư thời gian và tâm sức.
Tuy nhiên, cả hai giáo sư Bergstresser và Rose đều thống nhất rằng quyết định mua lại Bear xét cho cùng là việc nên làm. Thứ nhất, công ty môi giới sơ cấp và các trụ sở của tập đoàn Bear chính là những tài sản đầy hấp dẫn. Hơn thế, chúng ta không thể phủ nhận việc mua lại Bear cũng là quyết định hệ trọng đối với toàn bộ hệ thống tài chính và đây chính là lý do được xét đến đầu tiên trong hàng loạt các ưu tiên.
Giáo sư Bergstresser nhấn mạnh JP Morgan đang đứng trước cơ hội nắm trong tay con gà đẻ trứng vàng nhưng vấn đề đặt ra ở đây chính là liệu cơ hội có đánh đổi được với rủi ro JP Morgan sẽ phải đương đầu cũng như cái giá JP đã trả cho Bear hay không. Câu trả lời vẫn còn đang ở phía trước”.
– Bài viết của Prateek Kumar trên tạp chí The Harvard Crimson –
- Như Nguyệt dịch