Chính quyền Donald Trump tiếp tục tung một đòn hiểm, nặng chưa từng có và thẳng vào tâm điểm đối thủ số 1 trong cuộc đua trên đỉnh thế giới. Căng thẳng Trung – Mỹ không dễ giải quyết bằng những lời nói hay cử chỉ ngoại giao thân thiện.
Vũ khí ngầm nguy hiểm: Donald Trump làm căng, Trung Quốc dọa kích hoạt
Đòn nặng lịch sử, thế giới chao đảo
Trái ngược với những tín hiệu tốt đẹp đến từ cuộc gặp bền lề Hội nghị thượng đỉnh G20 giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc, chính quyền ông Donald Trump bất ngờ yêu cầu chính quyền Canada bắt giữ bà Meng Wanzhou (Mạnh Vãn Châu), Giám đốc tài chính công ty viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc.
Diễn biến này cho thấy, những lời nói và cử chỉ ngoại giao nhiều khi chỉ là giữ thể diện cho đối phương. Trước đó, tổng thống Mỹ Donald Trump từng mời chủ tịch Tập Cận Bình đến nhà, sau đó Mỹ bất ngờ tuyên bố một loạt các chính sách thương mại mạnh tay với Trung Quốc. Lời nói và hành động thường phân chia rất rõ sau mỗi lần gặp mặt.
Meng Wanzhou (46 tuổi) là giám đốc tài chính của Huawei, cũng là phó chủ tịch tập đoàn này và là con gái của người sáng lập tập đoàn công nghệ Huawei Ren Zhengfei (Nhậm Chính Phi). Bà bị bắt tại Vancouver, Canada ngày 1/12, nhưng vài ngày sau chính phủ Canada mới công bố vụ bắt giữ.
Căng thẳng Mỹ Trung có thể leo thang sau vụ Mỹ yêu cầu Canada bắt con gái nhà sáng lập Huawei. |
Bà Meng Wanzhou bị bắt với cáo buộc của Mỹ về việc lợi dụng hệ thống ngân hàng toàn cầu chống lại lệnh cấm vận của Mỹ và châu Âu đối với Iran.
Hiện Mỹ có 60 ngày để thực hiện yêu cầu dẫn độ bà Meng, còn phía tòa án Canada sẽ quyết định có dẫn độ bà Meng hay không. Nếu bị dẫn độ về Mỹ, bà Meng có thể bị truy tố với tội danh âm mưu lừa đảo hàng loạt cơ quan tài chính và đối diện mức án 30 năm tù giam.
Trước đó, một tập đoàn công nghệ khác của Trung Quốc – ZTE – đã trên bờ vực phá sản vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Công ty này sau đó đồng ý nộp phạt 1 tỷ USD, ký quỹ 400 triệu USD và chấp nhận cải tổ theo yêu cầu của Mỹ để có thể tiếp tục được mua linh kiện của Mỹ.
Vụ bắt bà Meng Wanzhou là một cú sốc mới đối với Trung Quốc và có thể còn tồi tệ hơn vụ ZTE cách đây vài tháng. Lý do, Huawei là công ty tư nhân có doanh thu lớn nhất Trung Quốc, cao gấp 5 lần doanh thu của ZTE và cũng là nhà xuất khẩu lớn nhất có trụ sở tại đại lục.
Quan trọng hơn, Huawei được xem là công ty có vai trò chủ chốt trong chiến lược “Made in China 2025” với tham vọng dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo, công nghệ không dây 5G, robot tự động, công nghệ thực tế ảo,… ngay từ năm 2025.
Năm 2017, Huawei đẫn dầu thế giới về số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế quốc tế. Đây cũng là nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Samsung và gần đây đã vượt qua Apple của Mỹ.
Ngay sau cú bắt giữ “công chúa” Huawei, thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc lao dốc, trong khi đồng Nhân dân tệ (NDT) tụt giảm. Giới đầu tư lo ngại căng thẳng thương mại Mỹ – Trung sẽ leo thang trở lại sau một chút hòa dịu gần đây.
Ông Donald Trump gây áp lực mạnh lên các công ty công nghệ Trung Quốc. |
Phố Wall cũng chứng kiến một phiên giảm sâu sau vụ bắt giữ bà Meng. Hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones của TTCK Mỹ chìm sâu trong sắc đỏ, ngay khi thị trường mở cửa ngày 6/12, có lúc sụt tới 2,9%, và kết thúc phiên giao dịch trong trạng thái giảm điểm.
Nhắm vào tham vọng của Trung Quốc
Không phải đến thời điểm này Huawei mới được Washington đưa vào tầm ngắm, mà đây là đỉnh điểm của chiến dịch của an ninh Mỹ trong hơn 1 thập kỷ qua. Từ lâu, Huawei đã bị Mỹ để mắt tới như một mối đe dọa tới an ninh quốc gia và sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ sáng tạo.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Nhà Trắng đã tăng cường các biện pháp công kích các tập đoàn công nghệ của Trung Quốc như ZTE và giờ đây là Huawei,…
Washington thậm chí kêu gọi các nước đồng minh không sử dụng thiết bị sản phẩm của tập đoàn viễn thông Huawei.
Trong diễn biến mới nhất, Nhật Bản cũng dự định tẩy chay Huawei và ZTE của Trung Quốc do lo ngại bị rò rỉ thông tin tình báo và tấn công mạng. Chính phủ Nhật dự kiến sẽ sửa đổi các quy định nội bộ của mình về mua sắm trang thiết bị trong tuần mới.
Trước đó, Australia và New Zealand đã ngăn cản Huawei xây dựng các mạng lưới 5G.
Tập đoàn viễn thông lớn nhất nước Anh – BT Group- cũng quyết định tháo bỏ thiết bị truyền tin cốt lõi do Huawei sản xuất ra khỏi hệ thống truyền tin qua mạng Internet.
ZTE từng là nạn nhân. |
Điều mà các nước lo ngại không phải không có lý do. Quyết định bắt giữ bà Meng lần này cho thấy, Mỹ không tin Huawei không chịu ảnh hưởng chính trị từ Bắc Kinh.
Trên thực tế, người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi từng ở trong quân đội và được cho là người đã xử lý công nghệ truyền thông trong quân đội trước khi rời khỏi để thành lập công ty vào năm 1987.
Huawei được xem có một vai trò quan trọng trong sáng kiến hiện đại hóa công nghiệp “Made in China 2025”. Tập đoàn này là trung tâm cho những nỗ lực của Trung Quốc để thực hiện dịch vụ không dây thế hệ thứ 5 (5G) – một công nghệ cực kỳ quan trong cho các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo…
Và tất nhiên, nếu Mỹ chậm chân hơn Trung Quốc trong công nghệ này, hay các thiết kế mạng 5G theo tiêu chuẩn Trung Quốc, thì rất có thể các cơ sở hạ tầng viễn thông hay dữ liệu của Mỹ trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Cách đây vài tháng, Đạo luật ủy quyền quốc phòng tài khóa 2019 đã được thông qua và có nội dung thắt chặt không chỉ Huawei và ZTE, mà cả các nhà bán sản phẩm giám sát Trung Quốc: Hàng Châu Hikvision Digital Technology, Dahua Technology và Hytera Communications.
Căng thẳng Mỹ – Trung khó lòng giải quyết trong ngắn hạn. |
Kích hoạt cuộc chiến thương mại và giờ đây là công nghệ, chính quyền Donald Trump dường như đang tìm kiếm một trật tự thế giới mới, được duy trì và lãnh đạo bởi Mỹ, thay vì một trật tự có hơi hướng “chủ nghĩa đa phương” mà theo ông Trump là không hiệu quả.
Tại cuộc họp G20 gần đây, Trung Quốc và Mỹ đã đạt được một điểm dừng đáng chú ý trong cuộc chiến thương mại: 90 ngày ân hạn để đàm phán. Trung Quốc đã xuống nước, chấp nhận đẩy mạnh nhập khẩu hàng Mỹ, trước tiên là nông sản.
Nhưng, gần như ngay lập tức, lĩnh vực công nghệ bất ngờ thay cho thương mại có thể sẽ trở thành trọng tâm trong cuộc đàm phán kéo dài 90 ngày ngắn ngủi.
Nếu Huawei bị chặn đường tiếp cận với các nhà cung cấp linh kiện ở nước ngoài, công ty này có thể buộc phải ngừng sản xuất, hứng chịu một đòn chí tử. Các doanh nghiệp Mỹ cũng sẽ thiệt hại nặng.
Kế hoạch “Made in China 2025” thực sự đã trở thành mối đe dọa với thế thống trị của Mỹ trong các lĩnh vực kỹ thuật độc quyền của các công ty Mỹ và phương Tây. Việc Trung Quốc nhượng bộ tới đâu trong cuộc đua lên đỉnh thế giới sẽ quyết định tới các diễn biến trên thị trường tài chính, thậm chí cả kinh tế thế giới trong thời gian tới.
M. Hà
90 ngày ân hạn: Donald Trump chưa dừng bước, Trung Quốc đau đầu
Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một điểm dừng đáng chú ý trong cuộc chiến thương mại. Những gì Mỹ đe dọa thực sự khốc liệt. Hai bên đã xuống nước nhưng dường như chưa thực sự có tiếng nói chung.