Nền kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến khả quan, tổng sản phẩm quốc nội tăng 4,9%, chỉ số tiêu dùng tăng 2,4%, dư nợ tín dụng ước tăng 3,31%, mặt bằng lãi suất huy động giảm từ mức trên 13% xuống 8%/năm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện; đặc biệt xuất khẩu tăng trưởng khá cao, ước đạt hơn 62,1 tỷ USD, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 10 tỷ USD… nhưng các DN vẫn gặp phải những khó khăn nhất định như thiếu vốn, thị trường thu hẹp, tồn kho tăng cao, nợ xấu, bất động sản đóng băng, áp lực lạm phát và giá cả nguyên vật liệu; tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm mặc dù được cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp…
Cuộc điều tra doanh nghiệp gần đây của VCCI chỉ ra rằng kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2013 đang có xu hướng xấu đi so với 6 tháng cuối năm 2012 và tiếp tục giảm trong 6 tháng cuối năm 2013. Lợi nhuận trên đơn vị sản phẩm giảm mạnh ở mức -22 điểm, lượng đơn đặt hàng -5 điểm, giá bán bình quân giảm -7 điểm, hiệu suất máy móc, tổng doanh số -6 điểm…
Tuy nhiên, hoạt động của khối doanh nghiệp cũng có những điểm sáng nhất định như số doanh nghiệp ngừng hoạt động, tuy vẫn tăng so với cùng kỳ, nhưng tốc độ tăng đang có xu hướng giảm dần. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã được cải thiện và bắt đầu tăng so với cùng kỳ trong những tháng gần đây: 4 tháng giảm 1,2%; 5 tháng tăng 4,8%; 6 tháng tăng 7,6%. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động cũng tăng dần qua từng tháng: 4 tháng khoảng 8,3 nghìn; 5 tháng khoảng 8,8 nghìn; 6 tháng khoảng 9,3 nghìn doanh nghiệp.
Khó khăn phía trước
Các doanh nghiệp bước vào 6 tháng cuối năm 2013 với một loạt các khó khăn như lợi nhuận trên một đơn vị sản phẩm giảm sút; giá bình quân cũng giảm mạnh, tồn kho cao, thị trường thu hẹp chưa có biện pháp khắc phục…
Tuy tỷ lệ lãi suất cho vay giảm và khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp đã được cải thiện, nhưng các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn và vốn giá rẻ. Theo VCCI, có tới 30% số doanh nghiệp được khảo sát cho rằng họ sẽ gặp nhiều khó khăn nếu phải chịu tỷ lệ lãi vay hiện tại trong dài hạn.
Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận vốn vay dài hạn cũng gặp nhiều khó khăn. Bất động sản đóng băng, nợ xấu tăng đã ảnh hưởng nặng tới tài sản thế chấp khi vay vốn của các doanh nghiệp. Tuy việc sử dụng tải sản hình thành từ vốn vay để thế chấp vay vốn đã bắt đầu xuất hiện, nhưng vẫn còn rất hạn chế.
Các doanh nghiệp cũng đặc biệt quan ngại về những chính sách được ban hành thiếu lộ trình như: tăng giá xăng, tăng lương tối thiểu trong điều kiện khó khăn hiện nay. Các thủ tục hành chính và các giấy phép con, điều kiện kinh doanh bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là trong những lĩnh vực như: giao thông vận tải, dán tem hàng hoá lên nguyên vật liệu xây dựng…
Đa số doanh nghiệp chưa tìm được giải pháp phù hợp để giải quyết đầu ra cho sản phẩm và khai thác thị trường hiệu quả. Những nỗ lực của nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh chủ yếu tập trung vào các phương thức truyền thống như tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, giảm giá bán, tăng quảng cáo, khuyến mại. Các doanh nghiệp cũng cho rằng hiệu quả thấp của các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu tại Nghị quyết 01, 02/NQ-CP của Chính phủ làm họ vẫn bị ám ảnh về hàng tồn kho.
Cơ hội cho phục hồi
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra những tín hiệu đáng mừng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp: khả năng tiếp cận thông tin thị trường, công nghệ được đánh giá tốt hơn; điều kiện hạ tầng, xử lý nước thải giao thông được cải thiện nhanh; các chính sách, quy định pháp lý và vấn đề áp dụng trên thực tế đạt kết quả cao hơn. Môi trường kinh tế vĩ mô đã được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 2,4%, cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng cao, đạt mức kỷ lục, thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định, chính phủ đã và đang triển khai các chính sách về thị trường, lãi suất … nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tuy thấp hơn so với cùng kỳ của năm 2011 nhưng lại tăng dần từ tháng 3/2013 và nếu chỉ tính chung các tháng 3, 4, 5 và 6 thì chỉ số sản xuất công nghiệp lại tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Vấn đề hàng tồn kho cũng được cải thiện đáng kể, giảm từ 21,5% tại thời điểm 1/1/2013 xuống còn 9,7% tại thời điểm 1/6/2013.
Có thể thấy rằng vấn đề nợ xấu và hàng tồn kho đang được tháo nút và chắc chắn trong thời gian tới, kết quả tích cực này sẽ tiếp tục phát huy, tạo động lực cho tăng trưởng.
Bên cạnh đó, những con số thống kê xuất nhập khẩu của nền kinh tế cũng cho thấy rõ sự chuyển biến tích cực của hoạt động sản xuất. Mức tăng 17,8% kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng tư liệu sản xuất, kim ngạch nhập khẩu của khu vực trong nước tăng 6,3% so với mức giảm 8,2% của cùng kỳ năm trước, xuất khẩu tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước đã cho thấy rõ điều đó.
Để vượt qua khủng hoảng và phát triển trong tương lai các doanh nghiệp cần phải áp dụng các biện pháp nhằm tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã và đang được áp dụng như sáng tạo và đổi mới trong sản xuất kinh doanh, tiết kiệm chi phí, tái cấu trúc doanh nghiệp, phát triển thị trường mới, M&A…
Trong đó, sáng tạo và đổi mới được coi là một xu hướng không thể đảo ngược. Đầu tư vào đổi mới và cải tiến công nghiệp sẽ giúp tạo ra sự đột phá quyết định khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong tương lai.
Để giúp các doanh nghiệp Việt Nam tháo gỡ các khó khăn, có thêm ý tưởng và mạnh dạn áp dụng việc sáng tạo và đổi mới trong quản trị, Hội nghị Viet Nam CEO Summit 2013 do Vietnam Report phối hợp với Báo VietnamNet tổ chức với chủ đề: “Kinh tế sáng tạo: Đổi mới để thành công”, ngày 23/8 tại KS.InterContinetal, TP.Hồ Chí Minh sẽ là diễn đàn lớn để các doanh nghiệp Việt Nam bàn về việc áp dụng sáng tạo và đổi mới như một cách thức tạo động lực và sức bật mới cho doanh nghiệp Việt.